...Điểm đặc biệt của ngôi Tháp này toàn bộ những hoa văn, các tượng La Hán, hoa sen, rồng... được chạm trổ mang dáng dấp Việt Nam và những vật liệu sử dụng toàn bộ được sản xuất tại Việt Nam.
ĐẲNG QUAN THÁP MỘT CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO
Duy Hào
Đây là ngôi Tháp được xây dựng thể theo tâm nguyện của cố Thượng tọa Thích Minh Phát lúc còn sanh tiền muốn kiến tạo để phụng thờ Xá Lợi Phật Đà, cùng tàng trữ Pháp bảo. Có thể nói đây là ngôi Tháp được xây dựng với nhiều công phu của nghệ nhân.
Tháp có tên là Đẳng Quan với ý nghĩa là đem tâm bình đẳng tiếp đãi mọi người lấy hạnh lợi tha làm nền tảng cho khắp chốn để nói lên công đức của Thầy Minh Phát cùng nêu gương sáng cho đàn hậu tấn. Đẳng Quan Tháp toạ lạc hướng chánh Nam, trong khuôn viên Chùa Viên Giác, số 193 đường Bùi Thị Xuân (Tân Bình - TP. Hồ Chí Minh)
Vật liệu kiến trúc ngôi Tháp bằng gạch lưu ly màu xanh vàng với mái cong vươn nét nhẹ nhàng bên hình ảnh long ngư vờn nguyệt, chuông báu ngân vang diệu điển, thường chuyển pháp luân. Đỉnh Tháp trang trí lấp lánh cùng đài tô điểm ngọc trắng. Chư Phật, Bồ Tát, La Hán ảnh hiện quang minh, như đang diễn nói pháp âm giải thoát... đã tôn tạo vẻ đẹp của ngôi Tháp trang nghiêm này và biểu hiện một nền mỹ thuật văn hoá Phật giáo.
Tháp hình bát giác tám góc (4 góc nhỏ, 4 góc lớn), 7 mái, cao hơn 21m. Toàn bộ mặt ngoài Tháp cẩn hình chư Phật, Bồ Tát, La Hán khắc trên nền gạch men cao cấp. Mỗi tầng Tháp, 8 bộ cửa đều có chạm khắc hình Kim Cang do nghệ nhân miền Bắc thực hiện. Đỉnh Tháp xây Xá lợi Phật 7 tầng đứng trên bát úp hoa sen mô phỏng theo sự tích đức Phật. Cá hoá long bên cạnh những linh chuông ở các góc Tháp do các nghệ nhân ở Huế làm. Mỗi tầng Tháp có lan can và phía dưới mỗi Tháp là hình tòa sen.
Tháp gồm ba tầng: Thượng tầng là Từ Ý các, thờ Xá lợi Phật Đà và treo một đại hồng chung bằng đồng cao 1.90m nặng 750kg. Trung tầng là Pháp Bằng các, tàng trữ kim thân Phật Thích Ca, Đa Bảo cùng Kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Hạ tầng là Phước Nghiêm các, thờ chơn tướng và linh cốt Sa môn Minh Phát.
Trên bức tường phía trong Tháp đều chạm khắc bài kệ Kinh Bát Nhã bằng chữ việt theo nghệ thuật viết chữ Việt và bài kệ Kinh Lăng Nghiêm bằng chữ Hán. Ngoài ra, trên tường còn khắc chạm nổi bằng xi măng cảnh Ngũ Tổ chèo thuyền đưa Lục Tổ qua sông Hổ Khuê tam tếu - sự tích quan Thái Thú hỏi đạo Ngài Đông Sơn, Ngài Qui Sơn đá đỗ tịnh bình. Trên trần nhà là hai đầu rồng vươn mình nhìn xuống 8 con lân đầu rồng ở 8 góc.
Điểm đặc biệt của ngôi Tháp này toàn bộ những hoa văn, các tượng La Hán, hoa sen, rồng... được chạm trổ mang dáng dấp Việt Nam và những vật liệu sử dụng toàn bộ được sản xuất tại Việt Nam. Gạch cẩn xung quanh Tháp sử dụng khoảng 200.000 miếng đều làm bằng men và gốm xứ cao cấp được nung với kỹ thuật 1.300 độ C mua tại Bình Dương.
Công trình xây dựng Tháp do kiến trúc Sư Huỳnh Tấn Phát (thiết kế) và nhà điêu khắc Bàng Nghiêu Dân cùng Tăng chúng Chùa Viên Giác thực hiện ròng rã trong vòng hai năm trời mới hoàn thành.
(Trích tuần báo Giác ngộ 27/ 03/1999)