Gần mười năm trước, tôi làm việc trong thư viện một trường trung học cạnh nhà. Biết tôi theo đạo Phật, nhiều thầy cô, trong đó có bà giáo môn Tôn giáo thường đến trò chuyện hỏi thăm tôi về Phật giáo. Bà tỏ ra chăm chú lăng nghe những điều tôi trình bày, dẫu rằng vốn hiểu biết về đạo lẫn tiếng Đức của tôi thật ít. Tôi cũng nói thật điều đó với bà, nhưng bà thường lịch sự tỏ vẻ thích thú, thỉnh thoảng lại nêu ra đôi ba câu hỏi, chẳng hạn tôi có tin vào thượng đế không? Tôi có cầu nguyện đức Phật không? Tôi cầu như thế nào, cầu những gì? Có lúc bà muốn biết nghi lễ của Phật giáo như thế nào, có chùa chiền đền đài Phật giáo ở đây cho chúng tôi không?... Thật vất vả cho tôi khi trả lời những câu hỏi của bà, vì như tôi đã nói, vốn tiếng Đức của tôi tệ quá. Thậm chí trong giao tiếp hằng ngày tôi còn gặp khó khăn, nói gì đến những vấn đề trừu tượng thuộc về tôn giáo. Không muốn để bà thất vọng, tôi viết thư trình bày và cầu cứu thầy trụ trì chùa Viên Giác. Thầy gởi cho tôi hai cuốn sách giới thiệu đạo phật bằng tiếng Anh để giúp bà ấy tìm hiểu thêm. Bà cảm ơn đón nhận nhưng có vẻ vẫn chưa thỏa mãn. Vu Lan năm đó, tôi mời bà đi dự lễ do chùa Bảo Quang tổ chức bà vui vẻ nhận lời. Đến dự lễ, bà thực hành các nghi thức như chúng tôi, cùng tụng kinh bằng tiếng Việt. Tất nhiên là trong mười chữ, thì hết cả mười, bà đã đọc không đúng, chưa nói đến hiểu nghĩa. Thế nhưng bà vẫn tỏ ra hân hoan, vui sướng vì lần đầu tiên được tham dự một nghi lễ Phật giáo như vậy. Có lần để trả lời câu hỏi của bà về những cơ sở Phật giáo Việt nam ở châu Âu, tôi có nhắc đến Làng Mai, cơ sở tu học nổi tiếng do Sư ông Nhất Hạnh thành lập tại miền nam nước Pháp, nơi tôi chỉ biết qua tin tức của người quen và sách báo mà chưa có lần viếng thăm, dầu từng mơ ước. Tôi cũng nói thêm, Thầy từng là tác giả của hàng chục cuốn sách, mà thế hệ thanh niên, sinh viên Việt nam vào thập niên sáu mươi như chúng tôi rất ngưỡng mộ và kính phục. Hầu như giới sinh viên, học sinh chúng tôi ngày ấy, ai cũng đã một lần đọc hoặc nghe qua nội dung những tác phẩm nổi tiếng như Nói Với Tuổi Hai Mươi, Nẻo Về Của Ý hoặc Bông Hồng Cài Áo… của Thầy. Từ cuốn Bông Hồng Cài Áo, các nghệ sĩ còn sáng tác thêm bài ca và vở tuồng cùng tên. Riêng giới phật tử chúng tôi, từ ngày đó lễ Vu Lan nào các chùa cũng có thêm phần cài hoa hồng cho những người diễm phúc đang còn mẹ. Tục lệ ấy, vẫn được các chùa giữ cho đến ngày nay, trong nước cũng như ngoài nước. Mấy tháng sau đó, trong chương trình trao đổi học sinh giữa trường tôi đang làm việc và một trường khác ở Marmande cạnh Bordeaux bà muốm mời tôi đi cùng để thăm Làng Mai (cách Marmande chừng ba chục cây số), nhưng vì giấy tờ của tôi chưa xong, tôi đành từ chối. Bà an ủi tôi và hứa sẽ ghé thăm Làng, thăm Thầy thay tôi. Ba tuần sau, ngay ngày đầu trở lại trường học, bà vội vào thư viện kiếm tôi cười thật tươi rồi khoe vang: Tôi đã đến thăm làng Mai của ông rồi. Làng thật đẹp, rất dễ thương. Tiếc rằng tôi không gặp được Thầy, (bà phát âm tiếng Thầy khá rõ), bởi Thầy đã đi Mỹ. Tôi gặp các sư cô và đã hỏi họ mua vài món quà về tặng ông. Bà lấy trong cặp ra nhiều thứ. Đó là mấy cuộn băng giảng của Thầy trong khóa tu mùa Hè vừa rồi, xấp hình chụp ở Làng và một viên sỏi hồng lớn chừng nữa bàn tay, thật dễ thương. Tôi vui sướng vô cùng. Cuốn băng ghi bài giảng của Thầy về cái đẹp của hai nền văn hóa. Xấp hình chụp khá nhiều nào những khóm trúc lớn xinh xắn chẳng kém gì các khóm trúc ở quê nhà. Lại có võng treo nữa chứ! Nào tháp chuông với mái cong vút, những đường nét quen thuộc của mái chùa quê hương. Tôi nhìn được cả những hàng chữ Hán khắc trên chuông. Lối vào xóm, con đường dài nho nhỏ xinh xinh… tất cả hình ảnh chừng như thân quen với tôi tự thuở nào, dầu tôi chưa từng đến đó. - Hy vọng ông sẽ vui với những món quà nho nhỏ đó. Trao cho tôi viên sỏi, bà kể: Viên sỏi này tôi cũng mang từ Làng về. Tôi cố tìm một hòn sỏi thật xinh để mang về tặng ông. Tôi cảm ơn Bà và khen bà chu đáo quá. Vậy là ông đã tiếp xúc được với đất đá của Làng. Ông đã thấy được quang cảnh của Làng, ông lại được nghe lời giảng của Thầy. Hy vọng chừng đó sẽ giúp ông bớt nỗi trông ngóng lúc ông chưa đến được Làng. Tôi sung sướng giữ lấy những kỷ vật dễ thương của bà giáo. Đúng như bà nói, tôi đã tiếp xúc được với Làng, với Thầy, dù tôi đang ở đây. Viên sỏi đẹp mà bà đã chọn gây cho tôi nhiều xúc động. Cầm viên sỏi trên tay, tôi có cảm giác chừng như tôi đã đến Làng. Hình ảnh của Thầy, của Làng hiện rõ trước mắt tôi. Viên sỏi còn là tình cảm của bà giáo Đức, một người mà tôi chỉ vừa quen biết. Từ đó, mỗi khi có dịp về Làng, tôi lại thường bắt chước bà giáo, chọn một vật gì thật tiêu biểu, mang về làm quà cho những người chưa có dịp qua Làng. Làng đến với họ khi họ chưa đến được với Làng. Ngoài kinh sách, băng giảng, hình kỷ niệm, có khi tôi xin thêm một gốc trúc, nhặt một hòn đá cho người quen và nhiều khi ao ước xin một gốc sen về thả trong hồ sen nhỏ của chùa Bảo Quang. Hoa sen là một hình ảnh quen thuộc và nhiều ý nghĩa của Phật giáo, thế nên hầu hết các chùa ở quê nhà, dù lớn, dù nhỏ đều có hồ sen trước chùa. Người Phật tử dùng hoa sen để cúng Phật. Cùng một họ với sen, có bông súng. Bông súng cũng có nhiều màu xinh đẹp nhưng không ai dùng bông súng để dâng cúng Phật hay tổ tiên. Có lẽ vì thân bông súng quá mềm, lá và bông vừa lên đến mặt nước thì dính luôn vào mặt nước… không rời ra được. Hoa sen thì cũng từ trong ao hồ mà ra nhưng cọng sen biết vươn mạnh lên khỏi mặt nước. Với tôi, hoa sen là một người bạn thân thiết của tuổi thơ. Tôi lớn lên bên hồ sen Tịnh Tâm và Tàng Thơ của xứ Huế. Hai hồ sen lớn tựa vào nhau làm thành một góc vuông bọc lấy khu dân cư trong Thành nội, nơi đó có căn nhà nhỏ của gia đình tôi. Từ nhà tôi, chỉ cần băng qua đường, khỏi bờ tường thấp là tới hồ, khoảng cách không hơn hai chục bước. Mùa sen nở, ngồi trong vườn nhà, theo làn gió thoảng từ hồ, tôi có thể cảm nhận được hương thơm nhè nhẹ, thanh khiết của sen. Trên bàn thờ của mọi nhà thường có hoa sen mới dâng cúng Phật và tổ tiên, không cứ ngày rằm, mùng một. Mùa học thi, đêm đêm lũ học trò chúng tôi thường thích ôn bài dưới bóng đèn đường dọc theo bờ hồ. Dọc theo con đường Đinh Tiên Hoàng chạy dài từ bờ sông Hương đến đồn Măng Cá, dưới trụ đèn đường thường có chúng tôi, đám sĩ tử chờ ngày ứng thí. Học khuya vừa đói bụng, lại vừa buồn miệng, chúng tôi thường lẻn xuớng bờ hồ ngắt bậy vài gương sen, nhai lấy hột. Người gác hồ tuy biết nhưng thương đám học trò nên cũng chẳng mấy khi phàn nàn. Học bài thi dưới bóng đèn đường có nhiều thú vị. Vừa vui, bởi có bạn đồng học, lại vừa mát mẻ. Mỗi đứa chọn một cột đèn. Giữa không khí oi bức của mùa hè xứ Huế, thì việc học bài dưới bóng đèn đường thật dễ chịu vô cùng. Đường phố về khuya thanh vắng. Sương đêm, gió nhẹ, hòa lẫn hương sen từ hồ thoảng tới giúp chúng tôi tỉnh táo, sảng khoái vui học. Lần đầu qua Làng, tôi đã đứng lặng trước hồ sen của xóm Thượng. Tôi say sưa, sung sướng như gặp lại được người thân. Sen quê tôi giờ đây cũng theo Thầy sang xứ người hành đạo. Ngồi bên bờ hồ, khẽ đưa tay lay lay nghịch mấy lá sen quen thuộc, tôi vui như đứa trẻ gặp lại bạn cũ. Tôi ngắm không chán những bông sen. Bông sen ở đây có vẻ lớn và thắm màu hơn sen ở quê nhà. Tôi sung sướng mỉm cười và trong tâm tôi thì thầm lòng biết ơn Thầy nhiều lắm. Mãi ngắm sen, sáng hôm đó , tôi đã đành lỡ buổi pháp thoại của Thầy. Mấy hôm sau, qua xóm Hạ, xóm Mới, tôi lại được dịp ngắm những hồ sen lớn hơn, xinh đẹp hơn của Làng. Trước ngày rời Làng, sư cô Bảo Nghiêm cho phép tôi được mang một gốc sen để về thả trong hồ sen của chùa Bảo Quang. Hồ sen của chùa đã có sẵn vài ba gốc súng. Những lá sen của tôi mang về, sau hai ngày đi đường không còn tươi. Nhưng tôi vẫn hy vọng sen sẽ sống, sẽ đâm chồi, sẽ trổ hoa khi mùa hè tới. Mùa hè đã đến, tôi chờ mãi, chờ mãi, nhưng vẫn chưa thấy sen lên lá trong khi bông súng lớn thật nhanh và sắp lan kín cả mặt hồ. Có lần sư cô ở chùa cho tôi hay, hình như sen đã lên, bởi chìm trong nước đang có những búp lớn. Theo sư cô thì búp bông súng thường không lớn như thế. Tôi mừng lắm nhưng chưa vội tin, lẽ nào búp sen lại có trước lá sen? Bông súng ra hoa rất đẹp. Nhưng bông súng không phải là sen… người bạn tuổi thơ của tôi. Tôi thoáng chút buồn. Ai đó đã có lý. Sen không chịu được cái lạnh ở xứ này hoặc sen không mọc được giữa hồ đầy gốc súng hay bởi gốc sen tôi mang về đã héo sau chuyến đi dài ngày..? tôi hẹn lòng, năm tới qua Làng, lại xin sen mới, mang về cúng dường chùa. Mùa hè vừa rồi nhiều Phật tử quanh thành phố Hamburg đã sang Làng. Từ bé Như Nguyện mới lên năm đến bà ngoại bé đã tám mươi tuổi. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc. Bé Như Nguyện ở làng một tuần vui lắm. Bé được chạy nhảy vui chơi thoả thích cùng bạn bè đồng lứa các cháu được sư cô Hội Nghiêm trông nom và cùng chơi. Lên xóm Thượng, về xóm Hạ, qua xóm Mới… ở đâu bé vẫn thích quấn quýt bên chân sư cô hơn là bám lấy mẹ như lúc ở nhà. Bé được sư cô dạy học chào, học hát, học ăn. Cả ngày vui chơi, bé quên luôn cái nóng của miền Nam nước Pháp. Bé qua làng trước với mẹ trong khi bà ngoại ở nhà. Hai ngày sau, bà ngoại điện thoại thăm bé, nghe cháu kể những hạnh phúc, thú vị mà cháu đang có, bà ngoại thích quá, quên cả mệt nhọc, đòi con rễ đưa bà sang Làng ngay chiều hôm đó. Xe chạy suốt quảng đường dài từ Hamburg sang Bordeaux 1700 cây số mà bà ngoại vẫn không biết mệt. Đến làng đã gần mười hai giờ khuya mà sáng hôm sau bà cũng dậy sớm để kịp ngồi thiền cùng đại chúng. Về lại nhà, bé Như Nguyện và bà ngoại nhớ những ngày hạnh phúc ở Làng. Hai bà cháu lại kể chuyện Làng hoặc có khi tập hát những bài hát mà các sư cô ở Làng đã tập. Một hôm chúng tôi đến thăm gia đình bé. Cửa mở, người lớn chúng tôi bắt tay chào nhau như mọi khi. Như Nguyện chạy từ trên cầu thang xuống. Tôi chào bé. Nhưng Như Nguyện đứng lại nghiêm trang hai tay chắp lại thành đóa sen búp ngay ngắn trước ngực và thong thả lễ phép nhắc tôi : Bác, bác phải chào như vậy nè!.. Sen búp xin tặng người, Người lớn chúng tôi không ai bảo ai cùng lên tiếng khen bé. Tôi xin lỗi bé, đứng lại ngay ngắn, hai tay chắp lại thành búp sen chào bé. Cuối tháng Mười vừa qua, quý thầy qua mở các ngày Chánh niệm cho các tăng thân ở München, Berlin, Dortmund… Vùng Hamburg của chúng tôi không nằm trong chương trình, nhưng khi có yêu cầu, quý thầy đã nhận lời và thầy Pháp Trú đã về hướng dẫn cho bà con ở đây tu tập. Vì là ngày làm việc, bà con chỉ đến được mỗi tối để nghe thầy hướng dẫn, chia sẻ, thực tập. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng ai cũng thấy lợi lạc và hạnh phúc: ngồi bên thầy ấm áp, buổi chiều qua không hay… Chúng tôi thực tập ngồi thiền, ăn cơm im lặng, thiền trà, ca hát… bà con lại nghiêm trang tặng nhau những bông sen búp. Hàng chục đóa sen xinh xắn như vậy cứ lien tục mọc lên. Tiếng hát của các cháu Như Nguyện, Nguyện Hải, Ngọc khánh lại vang vang: Trong ta có những nụ hoa, Các cháu vừa hát vừa làm những bông sen xinh xắn tặng mọi người mà bản thân các cháu đã là những búp sen non rồi. Mỗi người là một bông hoa, tôi chợt hiểu. Những nụ sen non đã hé cho dù trời cuối Thu đầu Đông tại Hamburg khá lạnh. Nhưng cái lạnh đã không ngăn được những mầm sen xinh xắn của các cháu, của mọi người để tặng người, tặng đời. Những đóa hoa chẳng tàn, chẳng úa, ai cũng sẵn có, chẳng cần mua. Trước mặt tôi, sen Làng đã mọc. Một hồ sen như thế chẳng xinh đẹp, tươi mát sao? Hamburg, Đông 2001. Tịnh Ý phusaonline |