Mục đích chung của tôn giáo là dạy con người có cách sống sao cho phù hợp với chân lý để mọi người có được cuộc sống hạnh phúc. Song không phải tôn giáo nào cũng thực hiện đúng với mục đích đó. Hiện thực, ta thấy tôn chỉ giáo lý của mỗi nơi mỗi khác, khác cả trong từng tông phái của một tôn giáo, thấy tôn giáo cứ như biệt lập với xã hội. Thậm chí có tôn giáo chỉ thấy mang lại sự mê tín chết chóc hơn là làm lợi ích cho ai. Cái sai khác đó, một phần là do nhu cầu tâm linh của nhân loại khác nhau, một phần bắt nguồn từ việc vận dụng giáo pháp của con người vào đời sống của mình. Nó lệ thuộc vào trình độ nhận thức của từng giáo phái, từng thành phần đẳng cấp và cuối cùng là mục đích của chính người đang sử dụng nó.
Để thực hiện đúng vai trò là mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống nhân loại, nhất là vào thời mạt pháp, với đạo Phật, chánh giáo phải trường tồn. Luật Thập Tụng nêu ra 5 pháp khiến chánh giáo được trường tồn :
1. Tôn trọng chánh giáo: Các Tỳ-kheo chỉ y theo chánh giáo tiến tu. Lìa xa thuyết Tiểu thừa và các ngoại đạo tà lệch. Đây chỉ đề cập đến Tỳ-kheo, vì Tỳ-kheo là bộ mặt đại diện cho Phật giáo, nhưng thật ra là cho tất cả những ai theo đạo Phật, không kể tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, già hay trẻ ... Tất cả đều có phần.
CHÁNH GIÁO nói đây là chỉ cho phần giáo pháp thuộc Nhân, Thiên, Nhị thừa, Đại thừa và Nhất thừa. Với hàng Tỳ-kheo, phải là phần giáo pháp từ Nhị thừa trở lên. Vì trong cái duyên là Tỳ-kheo, không thể lấy Nhân Thiên thừa làm chỗ đến.
Vì sao muốn chánh giáo tồn tại ta phải tôn trọng nó? Tôn trọng nói đây, không chỉ nằm ở mặt cảm niệm, mà còn THỰC HÀNH chánh giáo Như Lai đã nói. Nhờ đó chánh giáo mới tồn tại. Song muốn tôn trọng chánh giáo thì đầu tiên phải biết phân biệt cái gì chánh, cái gì tà. Tiêu chuẩn phân biệt rất dễ : Giáo lý hay tông phái nào dạy ta trừ bỏ tham sân si, giáo lý đó thuộc chánh giáo. Thành chỗ nào khuyên mình tiêu trừ tham sân si, thì dù không thích mình cũng biết chỗ đó là chánh giáo.
Tuy nói lìa xa Tiểu thừa nhưng không phải là tẩy chay kinh pháp Tiểu thừa. Trên mặt GIÁO LÝ, giáo lý Tiểu thừa là căn bản của Phật giáo. Đại và Nhất thừa, là phần giáo triển khai sâu phần căn bản đó. Nó chỉ ra tánh thực của vạn pháp cũng như của các thừa. Trên mặt CÔNG PHU TU HÀNH, dù Tiểu hay Đại, chủ yếu đều dạy người tu đối duyên xúc cảnh, không để 6 căn dính mắc 6 trần. Tùy mức độ mà có thô tế khác nhau.
Xa lìa Tiểu thừa nói đây, là muốn người tu không nên dừng trụ giữa đường (hóa thành) mà phải tiếp tục trở về cội nguồn chân thật của chính mình (bảo sở). Xà lìa Tiểu thừa, là muốn người tu đừng chỉ vì lợi ích của riêng mình mà quên mất hạnh nguyện độ sanh lợi ích cho muôn người. Với tinh thần Đại thừa, không phải chỉ có lợi mình mà còn phải lợi người. Lợi người là để việc lợi mình thêm hoàn thiện. Chánh pháp nhờ đó mới có cơ lưu truyền rộng rãi dài lâu. Cho nên, ngay với pháp môn Niệm Phật, Tổ thứ 13 của tông Tịnh Độ là ngài Ấn Quang, cũng khuyên người niệm Phật không được từ bỏ hạnh nguyện độ sanh.
Nói đến chánh giáo, dù ngàn kinh muôn luận, giáo môn hay tông phái có nghịch nhau, thì tất cả đều qui về một mối : Giúp người đời nhận ra lý chân của vạn pháp. Tùy sâu cạn mà lý chân này có cạn sâu.
Trên mặt TU HÀNH, tất cả đều tập trung vào việc từ bỏ tham, sân, si. Các bạn đừng nghĩ đến với thiền, không còn trừ tham sân si. Tu cỡ nào, kiểu gì cũng phải trừ bỏ tham sân si. Tùy theo duyên hiện đời, là xuất gia hay tại gia, là tu giải hoát hay chỉ ngừng ngang mặt phước báu Nhân Thiên, mà việc trừ bỏ có cạn hay sâu, ít hay nhiều. Đến với Phật pháp mà không trừ bỏ tham sân si thì không phải là Phật tử.
Trừ bỏ tham sân si, với thiền chính là nhận chân được tánh thực của tham sân si. Nhận chân được tánh thực của tham sân si thì tất cả pháp đều là Phật pháp. Thiền ngoại đạo không dạy ta trừ bỏ tham sân si. Chỉ dạy ta đủ công phu du sơn ngoạn thủy, chỉ tập trung vào vấn đề ăn uống, sức khoẻ, đấu tranh v.v… mà bỏ đi việc trừ bỏ tham sân si.
2. Dừng sân ác: Các Tỳ-kheo thường hành nhẫn nhục, không sinh tâm sân nhuế. Công đức vang xa, khiến người người qui ngưỡng. Nhẫn nhục là hạnh đầu của người tu. Nhẫn, giúp mình an vui. Nhẫn, khiến mọi thứ hài hòa. Nhẫn, trí tuệ mới hiển phát. Nhẫn, mới làm được việc lớn v.v… Nên đắc đạo đợt một, gọi là VÔ SANH NHẪN. Đắc đạo đợt hai, gọi là VÔ SANH PHÁP NHẪN. Muốn vô sanh kiểu nào cũng phải có nhẫn. Không nhẫn không thể vô sanh.
Hạnh này càng quan trọng đối với người tu thiền. Nhẫn với tiền tài, tình cảm, danh vọng, hơn, thua, được, mất v.v… Chính là thiền.
Không nghĩ ác, làm ác là việc phải có của người con Phật, dù chỉ là một Phật tử tại gia. Làm ác là chỉ cho những hành tác chỉ khiến người đau khổ mà không mang lại lợi ích cho người. Muốn không làm ác thì niệm ác vừa dấy, phải tỉnh mà dừng lại, không nên để nó tiếp diễn hay thành hành động. Đó là nền tảng để cuộc sống hiện tại của mình và người được yên vui. Cũng là cái nhân đưa đến cái quả hạnh phúc dài lâu.
3. Kính sự thượng tọa: Các Tỳ-kheo đối với bậc Đại đức ở cư vị Thượng tọa cung kính thuận sự. Siêng cầu pháp yếu. Đại đức hay Thượng tọa nói đây, chỉ cho chất thực bên trong của một Tỳ-kheo, không phải chỉ cho danh hiệu có được do ngày tháng trôi qua. Vì không có chất thực là đạo đức và trí tuệ bên trong, thì dù với danh hiệu Hòa thượng chăng nữa, chư vị cũng khó mà đòi hỏi Phật tử học hỏi hay tôn kính chư vị. Còn Phật tử, dù muốn chăng nữa, biết học gì ở chư Thượng tọa khi đạo đức và trí tuệ của chư vị không có? Dù ngoài có muốn cung kính, trong cũng khó thuận tình.
PHÁP YẾU là thứ cần thiết để trí tuệ phát triển. Phát triển trí vô sư là đích đến của người tu Phật, cũng là nền tảng để việc lợi tha được hoàn mãn. Nên với pháp yếu phải siêng thưa hỏi tu học.
Thiền tăng Khắc Khế, trụ nơi pháp hội của Phật Quang 12 năm, không hề thấy hỏi đạo. Mỗi lần hỏi đến, Khế đều nói : Con thấy Thầy ngày nào cũng bận, nên không dám làm phiền.
Ba năm rồi bốn năm sau … vẫn như thế.
Một lần, Phật Quang chủ động : Vì sao tham cứu tu hành mà không đến hỏi ta?
Tăng Khế vẫn một mực : Con thấy Thầy bận ...
Phật Quang hét : Bận, bận! Vì ai mà bận? Ta cũng có thể vì ông mà bận chứ.
Tăng Khế liền tỉnh.
Có nghiên cứu, có công phu thì mới thấy có nhiều thứ khó khăn để hỏi. Không có gì thắc mắc vì ngày tháng cứ để trôi xuôi. Thành đừng sợ tham vấn Thiện tri thức là làm phiền chư vị. Ai cũng sẵn sàng vì mình mà bận. Có điều, hỏi hoài mà không chịu tu, hỏi toàn chuyện linh tinh, hỏi cái không thể trả lời, trả lời chỉ thêm kiến giải cho mình thì chư vị không trả lời, đành “Cắt đứt sắn bìm”. Không phải các ngài thiếu trí tuệ hay không muốn mình thưa hỏi pháp yếu.
4. Ưa thích chánh pháp: Các Tỳ-kheo ở nơi chỗ Thượng tọa nghe thuyết Diệu pháp, sanh tâm ưa thích sâu xa, hoan hỉ phụng hành. Diệu pháp là pháp chỉ cho mình thấy được lý chân của cuộc đời như Tứ đế, Thập nhị duyên sanh v.v… Sâu hơn, nó chính là TRÍ TUỆ và LÒNG TỪ sẵn có trong mỗi chúng ta. Chỉ vì vô minh mà bị khuất lấp. Nghe Diệu pháp, giúp ta nhớ lại được cội nguồn chân thật đó. Nó giúp ta có cái nhìn đúng đắn với thân tâm thế giới quanh mình. Nó cũng là thứ giúp mình có niềm tin với việc tu hành. Tu hành, giúp mình nhận ra phần Diệu pháp sẵn đủ trong mình. Niềm tin càng được củng cố. Vì thế, ngoài việc sinh tâm ưa thích còn phải hoan hỉ phụng hành. Có hoan hỉ phụng hành mới sinh tâm ưa thích bền lâu. Những tệ nạn đáng tiếc xảy ra trong giáo đoàn của Phật từ xưa đến nay, chỉ vì không ưa thích Diệu pháp mà ưa thích các thứ khác. Cho nên, ưa thích Diệu pháp là một trong 5 thứ khiến chánh pháp được trường tồn trong thời mạt pháp.
5. Khéo dạy bảo các người mới học : Các Tỳ-kheo, đối với pháp Đại thừa, phương tiện diễn thuyết khiến kẻ sơ tâm học tập có chỗ y chỉ tiến tu vào đạo. Đây, chỉ nói dạy pháp Đại thừa mà không nói các pháp khác, vì “Đại thừa xuất sanh tất cả Thanh văn, Độc giác, cùng các thiện pháp của thế và xuất thế gian”. Tiến là nói Đại thừa mà thật là đủ tất cả. Đủ tất cả nhưng không ngoài hai thứ tự lợi và lợi tha. Thiếu một thì không phải Đại thừa.
PHƯƠNG TIỆN, là tùy theo tánh dục căn cơ của người mới học mà có pháp cho họ, để họ có thể tăng tiến tự lợi và lợi tha. Vì dù là diễn nói đúng pháp Nhất thừa chăng nữa, mà quá căn cơ tánh dục của người, thì như nước đổ đầu vịt, không chút lợi ích. Vì thế phải khéo phương tiện, tùy nghi lập pháp. Song LẬP PHÁP thế nào cũng không được ra ngoài LÝ CHÂN. Cái không lìa lý đó, là điều kiện tiên quyết để pháp phương tiện của ta không rơi vào ngoại đạo tà giáo. Có vậy, phương tiện đó mới thật có lợi ích.
Như đến với đạo Phật, không chỉ có học mà còn phải có giới luật và tu hành. Vì Diệu pháp của Như Lai tuy là thứ sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, nhưng do vô minh mà nó ẩn mất. Giờ muốn nó hiển thì phải thiền định lắng tâm. Song do căn cơ người tu chỉ ngang tới mức giữ giới và học kinh luận, chưa thể trừ vọng trong tâm, nên việc thiền định lắng tâm tạm gác lại. Trên LÝ thì phải đủ ba thứ giữ giới, học và tu ngay tâm. Nhưng trên SỰ, do căn cơ người đời mà phương tiện chỉ còn hai là giữ giới và học hỏi. Không phải vì cái học là chỗ tối cùng, rồi lấy đó làm kế sinh nhai, mà bỏ luôn phần thiền dịnh lắng tâm. Khéo dạy và khéo biết như thế, gọi là khéo phương tiện. Nói “khéo”, vì khế cơ mà không lìa lý.
Là Phật tử chân chính của Như Lai, chúng ta không thể không quan tâm và thực hành năm pháp trên. Đó là pháp cúng dường lớn nhất trong các pháp cúng dường.
Chân Hiền Tâm
thuongchieu.net