NGHI LỄ PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TÂM LINH

 

Việt Nam là một nước nằm giữa hai trung tâm văn hóa lớn nhất của thế giới là Ấn Độ và Trung Hoa, với vị trí địa lý văn hóa đặc biệt đó, dù dân tộc Việt Nam có muốn hay không cũng tạo ra một sự hội nhập văn hóa. Đây không phải là sự hội nhập bình thường mà là sự hội nhập tinh hoa đến từ hai trung tâm văn hóa, đó là Phật giáo từ Ấn Độ, Khổng giáo và Lão giáo từ Trung Hoa. Một sự hội nhập lấy cơ thể văn hóa bản địa làm chủ thể, văn hóa dân tộc đã tiêu hóa các yếu tố văn hóa ngoại lai, tiếp thu yếu tố này, loại bỏ yếu tố khác, biến những yếu tố ngoại nhập thành xương máu da thịt của cơ thể mình, giúp cơ thể văn hóa bản địa tồn tại, phát triển và thăng hoa. Đó là sự hội nhập mà dân tộc Việt Nam làm chủ, lấy lợi ích của dân tộc đất nước làm chuẩn mực. Sự hội nhập đó được thử thách, kiểm nghiệm bằng một bề dày lịch sử hơn hai mươi thế kỷ.

Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch, trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử, nhờ công sáng tạo của các Thiền sư Việt Nam đã tạo ra một nền văn hóa Việt Nam đích thực. Nhờ tính uyển chuyển mà những giá trị nhân bản sâu sắc của Phật giáo đã bám rễ và cắm gốc vững bền trong tâm hồn người Việt. Ngay từ khi du nhập, Phật giáo đã sớm hòa nhập với tín ngưỡng bản địa, từ nét kiến trúc, điêu khắc hội họa cho đến việc thờ cúng nghi lễ đều thích nghi với phong tục tập quán Việt Nam. Nếu nhìn từ góc độ văn hóa, thì nghi lễ chính là một trong những thành tố cơ bản tạo nên nét rất riêng của Phật giáo Việt Nam. Tuy về mặt hình thức nghi lễ Phật giáo trong các chùa phần lớn mang sắc thái sinh hoạt của Trung Hoa, nhất là ảnh hưởng trực tiếp từ Tổ Vân Thê – Châu Hoằng (TK XVII) đến nay, nhưng nếu điểm qua những cuộc tế lễ thần linh tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu như tại chùa Keo (Thái Bình), cung phụng Thánh Tổ (Hội Gióng Sóc Sơn)… thì chúng ta thấy ngay một sự phối hợp hài hòa tương nhập, tương kính giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Bốn ngôi chùa mang tên Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là một điển hình cụ thể nhất. Phật giáo vừa du nhập là hài hòa ngay với nếp sống nông nghiệp và tín ngưỡng thờ các thần che mưa, đỡ nắng cho mùa màng được nảy lộc đơm bông. Người Phật tử Việt Nam ngoài việc thờ Phật là đấng Giác ngộ, họ còn tế lễ Hùng Vương, Đức Thánh Trần, cúng bái Thành Hoàng… Qua 2000 năm lịch sử, Đạo Phật và tín ngưỡng dân tộc Việt Nam luôn hiện hữu song hành và trở thành một thể thống nhất không thể tách rời. Nghi lễ Phật giáo luôn gắn liền với văn hóa dân tộc và thích ứng với tín ngưỡng bản địa theo đúng tinh thần “Khế lý, khế cơ, khế thời”.

Trong tôn chỉ Hoằng pháp độ sinh, thấm nhuần tính tùy duyên bất biến, chư Tổ đã tùy thuận căn cơ của chúng sinh, theo dòng lưu chuyển không ngừng của thời đại, mà dùng phương tiện quyền xảo “Nghi lễ Thiền gia” để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của quần chúng. Không ngoài mục đích dùng nghi lễ làm phương tiện chuyển tải chân lý của Đạo Phật, tiếp cận quần chúng và hướng họ về đời sống thánh thiện.

Chẳng biết từ bao giờ, người Việt Nam xem nghi lễ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghi lễ như một chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất. Có thể nói, nghi lễ đã len lõi vào tận cùng ngõ ngách của đời sống và có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Việt. Rồi từ ngõ ngách tâm linh ấy mang lại tín ngưỡng văn hóa đặc thù, nghi lễ đã trở thành một thứ sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân Việt. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nghi lễ đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Bởi vì, dù đời hay đạo, con người cũng không thể thiếu cung cách nghi lễ. Cổ nhân có dạy: “Nhân phi lễ bất giao, vật phi nghĩa bất thủ” (Khổng Tử), một tổ chức nhỏ cũng không thể bỏ qua nghi thức giao tiếp lễ nghi, như thế một tôn giáo lại càng không thể thiếu.

Lễ nghi của Phật giáo không mang tính siêu hình mà đó là biểu thị một nền văn hóa dân tộc. Y áo của chư Tăng biểu thị sự giải thoát, hình ảnh chắp tay hoa sen biểu thị sự tôn kính mong cầu giác ngộ, tiếng chuông chùa sớm hôm khoan thai thức tỉnh lòng người. Hương đèn, trầm, quả tạo khung cảnh trang nghiêm không loạn động khiến tâm người lắng dịu. Bài tụng, bài tán, tang mõ, trống bạt… hòa âm giúp lòng người thức tỉnh. Với quan niệm âm nhạc là hiện thân của suối nguồn tâm linh, là phương tiện ngôn ngữ để diễn bày chân lý, mà âm nhạc đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong các pháp hội Phật giáo, những giai điệu thanh tịnh khiến vọng niệm tiêu tan giúp lòng người an tĩnh, những âm điệu thiền vị có tác dụng rất lớn đối với sự chuyển hóa nhân tâm. Đây là một trong vô lượng pháp môn tối cần mà Đức Phật chỉ dạy, nếu hành giả quán triệt sự lý viên dung, tùy duyên bất biến thì nghi lễ là phương tiện tối ưu để thành tựu đạo quả. Như vậy, lễ nghi của Phật giáo không những không xóa bỏ lễ nghi dân tộc mà còn tô điểm thêm cho nền văn hóa 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Nghi lễ của Phật giáo ngày xưa đã đạt đến một trình độ thánh thiện, điều đó chúng ta có thể tìm thấy được qua tư liệu mà chư Tổ để lại. Thế nhưng nghi lễ Phật giáo ngày nay không còn bộc lộ được nét sống tâm linh siêu việt. Bởi lẽ, đạo lực của một số Tăng sĩ trẻ còn non kém, ngoại cảnh tác động nhiều, một số thì bị thế tục hóa, muốn thể nhập chân lý khi xướng tụng không phải dễ.

Ông cha ta có dạy: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, điều đó thật đúng trong xã hội ngày nay, vật chất phát triển bao nhiêu thì nhu cầu tâm linh cũng là yếu tố vô cùng cần thiết bấy nhiêu. Nhưng đại đa số dân chúng nặng về hình thức, chuộng “thanh văn sắc tướng” mà không hiểu được ý nghĩa sâu xa của nghi lễ, dẫn đến tình trạng rất nhiều Tăng sĩ non kém đạo lực, chẳng có đạo tâm, thiếu chiều sâu về sự tu tập tâm linh, đã lợi dụng nghi lễ như một phương tiện mưu cầu lợi dưỡng trái với Thánh đạo. Bên cạnh đó, tình trạng tin theo tà giáo từ nông thôn cho đến thành thị đang được tăng lên theo cấp số nhân. Rất nhiều những ông thầy pháp hoặc giả danh tu sĩ lợi dụng “Nghi lễ Phật giáo” như một dịch vụ để làm kế mưu sinh. Họ đã lợi dụng lòng nhẹ dạ, sự cuồng tín, kém hiểu biết của dân chúng mà hành nghề mê tín dị đoan. Lại nữa, do nhu cầu của một bộ phận nhân dân trong xã hội, do nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, nhiều ngôi chùa đã có những hoạt động đi xa với giáo lý Phật đà. Vẫn biết, Nghi lễ là phương tiện đưa những người sơ cơ vào đạo, giúp họ từng bước tiếp cận với giáo lý Phật giáo, đủ tự tin, chính tín xa rời mê tín. Nhưng nếu chúng ta không hiểu được thâm ý của chư Tổ khi soạn ra “Nghi lễ Thiền gia” thì việc phương tiện kéo dài sẽ là một hệ luỵ, những người thiếu thiện cảm với Phật giáo sẽ xuyên tạc, kích động làm cho nhiều người mất lòng tin với đạo. Lễ nghi không có nghĩa là cầu xin, ỷ lại vào Đức Phật mà chỉ giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh, cúng dàng lễ bái là để phát thiện tâm tỏ lòng khát khao giải thoát giác ngộ. Có những người vì thiếu phương tiện học hỏi Chính pháp nên không phân biệt được đâu là Thần giáo, đâu là Phật giáo, nên họ đến với Đạo Phật đều chú trọng nhiều về hình thức nghi lễ, tin Phật như một vị thần linh ban phúc giáng họa, với niềm tin mong manh như vậy, họ rất dễ tin và cũng rất dễ bỏ, khi sở nguyện của họ thành hoặc không toại nguyện.

Trên bước đường “Kế Tổ truyền tông, liên đăng tục diệm”, chúng ta đã làm gì? Tôi thiết nghĩ đây là một vấn nạn của Phật giáo, đã đến lúc chúng ta cần phải cùng nhau ngồi lại tìm ra phương án hữu ích nhất. Vai trò của người làm công tác nghi lễ cần phải duy trì truyền thống cao đẹp của Thầy Tổ, sao cho có thể phù hợp với căn cơ của quần chúng ngày nay. Nghi lễ được đánh giá là không nặng về âm thanh tán tụng, mà chính là đạo phong trang nghiêm, tâm thành cung kính. Chư Tổ soạn ra nhưng không ngoài mục đích chuyển tải giáo lý cao thâm của Phật đà, với mục đích hoằng pháp lợi sinh, âm dương lưỡng ích. Thiết nghĩ, chúng sinh đa tính, Phật pháp đa môn và vô lượng pháp môn phương tiện đó đều theo căn cơ của chúng sinh mà có. Nếu hiểu được “Nhất thiết pháp thị chư Phật pháp” thì chúng ta nên duy trì phát huy những giá trị văn hóa, xiển dương nghi lễ lợi ích quần sinh.

Điều khiến chúng tôi băn khoăn nữa, đó là từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã dung hóa, hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với tín ngưỡng dân tộc qua bao thời đại. Với vị trí địa lý của từng vùng miền mà Phật giáo có những đặc trưng riêng. Nghi thức hành trì, tán tụng tuy khác nhưng chung cùng mục đích “Tuyên dương diệu pháp”, “Báo Phật ân đức”. Nhằm thích nghi với phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng và để tồn tại, phát triển ở những vùng miền văn hóa khác nhau, nghi lễ đã được chư Tổ nâng lên thành một Pháp môn phương tiện mà chúng ta thường được biết đến với danh nghĩa “Nghi lễ Thiền gia”. Ở đây nghi lễ không còn dừng lại ở ý nghĩa phương tiện đưa người vào đạo mà còn là một pháp môn tu tập, thể nhập chân như bằng sự rung cảm của tâm linh. Người hành nghi lễ, đối tượng nghi lễ và nội dung nghi lễ là ba điều kiện cần và đủ trong nghi lễ thiền gia. Tuy nhiên, để dung hòa ba thành tố này không phải dễ, còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc đào tạo lớp người kế thừa có đủ phẩm chất đạo tâm của một chủ thể nghi lễ, giáo dục đối tượng nghi lễ, nhất là hoàn thiện thống nhất nội dung nghi lễ.

Tôi xin đề xuất một số ý kiến sau:

1. Thống nhất nghi lễ Phật giáo là vấn đề cấp thiết. Giáo hội cần có một nghi thức Đại lễ chung sao cho đơn giản, uyển chuyển phù hợp với không gian và thời gian cho phép. Tất cả những bản kinh, kệ tán cùng sử dụng chung một nghi thức, một văn bản, một tư liệu sao cho người chủ xướng lễ tán đại chúng dù là Bắc – Trung – Nam đều có thể hòa theo.

2. Ngày nay Hán tự không còn được chú trọng, kẻ hậu học phần nhiều không hiểu hết được thâm ý của Nghi lễ, bởi thế cần Việt hóa nghi lễ để người thực hành hiểu trọn vẹn ý nghĩa của chân lý.

3. Để giữ gìn đúng bản sắc văn hóa địa phương theo từng vùng miền, chúng ta cần bảo tồn, giữ gìn cái cốt lõi, tinh túy của nghi lễ truyền thống mới không uổng công chư Tổ đã sáng lập nên “Nghi lễ Thiền gia”.

4. Mỗi địa phương nên phát huy một cách năng động, trang nghiêm phần nghi lễ để lợi ích tha nhân, tránh hiểu lầm mê tín. Nghệ thuật sắc tướng âm thanh tuy là một phần quan trọng trong nghi lễ, nhưng không nên đặt nặng vấn đề này mà đánh mất tự tâm thanh tịnh.

5. Cần đưa bộ môn nghi lễ vào giảng dạy tại các trường Phật học, các khóa An cư Kiết hạ để hậu học tiếp cận và hiểu đúng ý nghĩa của nghi lễ.

Qua những thiển kiến trên, chúng tôi thiết nghĩ, tùy theo quốc độ mà nghi lễ có khác nhau, nhưng không ngoài sự thành kính trang nghiêm để cúng dàng tán thán chư Phật, chư Tổ, xiển dương giáo pháp cao thâm của Phật Đà. Trên bước đường hoằng pháp độ sinh, nghi lễ là một trong những hành trang không thể thiếu của mỗi sứ giả Như Lai. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết sử dụng nghi lễ để tuyên dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh đó là phước báu an lạc cho nhân thiên, ngược lại mượn nghi lễ để mưu cầu lợi dưỡng thì nguy hại vô cùng. Chúng ta đều hiểu, con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, vừa là người hưởng thụ văn hóa, đồng thời cũng là đối tượng, là nguồn cảm hứng vô tận, là kho chủ đề không bao giờ cạn của sáng tạo văn hóa. Nghi lễ Phật giáo luôn gắn liền với văn hóa dân tộc, chừng nào Phật giáo Việt Nam cung cấp cho nền văn hóa Việt Nam những chân giá trị nhân bản, tôn vinh con người, làm đẹp cuộc sống con người thì Phật giáo sẽ mãi trường tồn. Đó chính là bổn phận, là trách nhiệm, là sự nghiệp của những người con Phật ở Việt Nam, không kể người đó là tu sĩ hay cư sĩ, mỗi người chúng ta hãy tùy tâm, tùy sức đóng góp vào sự nghiệp thiêng liêng cao cả đó ./.

 

Thượng toạ Thích Quảng Hà

UV. Kiểm soát Hội đồng Trị sự GHPGVN

Phó ban Nghi lễ Trung ương

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)