LÁ THƯ HUYỀN THOẠI

 

Đọc được lá thư nhắn nhủ Tình người có câu " tôi chỉ thực hiện con đường lý tưởng của Gotama và tôi là Buddhayana. Thế đấy, đỉnh cao chính là Phật thừa, còn những thừa kia chỉ là phương tiện của Như lai mà thôi". Thật đúng vậy,Lục Tổ Huệ Năng cũng từng dạy ở những thế kỷ trước là "con người có nam bắc, chứ Phật tánh không bắc nam". Qua ngón tay mà ta mới thấy mặt trăng ở đâu? giáo lý duyên khởi cũng giúp ta hiểu thấu cái gì có sanh, thì cái ấy sẽ diệt. Sinh diệt như một sợi dây tương ưng, nối liền giữa hai bờ " Mê Và Ngộ" vậy. Bài TNHĐXN dưới góc nhìn của một Lá Thư Huyền Thoại mà người viết đã bỏ cái chân, cái tình và đôi khi cả lý nhưng dù sao đây như là một hơi thở riêng...

alt

Tiếng nói chân thực của huynh đệ xưa nay.
THÍCH KHIẾT PHONG

Trời đêm hôm nay sao yên lắng quá, mọi thứ chung quanh gần như im bặt,tôi dạo quanh một vòng ra ngoài cố tìm cho mình một thứ gì đó, một làn gió hay một ai đó để nóichuyện gọi là tán gẫu đôi chút cũng không, mảnh trăng trên cao đêm mười ba vẫchưa chịu hiện nguyên hình. Ừ thì có một chút gió vừa ngang qua như thỏ thẻ cùng tôi điều gì.

Những ngày nay tôi không có thời gian rỗi nhiều, cũng vừa thi xong nên cũng cố ý tạo cho mình một cảm giác thật rãnh rỗi, lại có quá nhiều chương trình được đặt ra để phải hoàn thành trong thời gian tới. Thì tất cả những công việc này cũng không nằm ngoài những mục tiêu nhưng nghiên cứu, học hỏi và thực hiện. Tôi được biết mùa này Việt nam bão lụt đang hoành hành khắp nơi, có thể nó cũng đã lấn tràn tới thăm nhà tôi hoặc chùa tôi rồi cũng nên. Cứ mỗi tối tôi thường về thăm quê hương việt nam bằng cách lướt những trang liên quan và thầm lặng đọc từng dòng nói về bão lũ đang là nổi khổ muôn năm của đồng bào tại miền Trung, lòng tôi tái tê và cảm thấy nhớ nhà và anh em như chưa từng có.

Tự nhiên hay có một điều gì thật lạ kỳ trong tôi, cụm từ “tiếng nói chân thực của huynh đệ xưa nay” khiến tôi rất thích, rất đúng với những gì anh em mình đã đề ra cho hôm nay và tương lai. Những tiếng nói kia được phát xuất ra bởi tấm lòng chân thực mà không với bất cứ một ngôn từ sáo rỗng hư nguỵ nào,đó mới thực là tính “chân” trong nghĩa chân thường của tình huynh nghĩa đệ xưa nay. Thầy Hồng chơn mấy hôm nay cứ gửi email và cứ mãi giục tôi sao chưa chịu viết bài cho rồi, lý do vì chuẩn bị ra mắt tập san để ăn mừng ngày “ cây Trà thơm biểu hiện”, tôi thì cứ bận hoài nên chưa dám hứa với thầy được nhưng lòng vẫn nhủ rằng phải có gì đó để góp mặt cùng chư huynh đệ trong ngày vui này. Với ý niệm thật đơn giản, những dòng viết này xin anh em cứ xem như những lời bộc bạch tâm sự đi với lời thăm hỏi chư huynh đệ cùng khắp với tất cả sự kính mến.
alt
Mỗi lần vào thăm những trang của Làng mai hay Phương bối hay Bát nhã, nhìn lại những hình ảnh của quý anh chị em trong lòng thấy rất vui tuy đôi lúc một chút nhớ thương bỗng dưng lặng lẽ về rồi trôi đi. Hiện nay lại xuất hiện thêm vài blog rất hot nữa chứ “vẻ đẹp phật pháp” hay “miền yêu thương” và đặc biệt có thêm một bloger tuy mới nhưng rất quen thuộc “ Trà thơm online”, đó là sự đóng góp chung của tất cả anh em, rất hay, mình thấy rất tự hào về anh em. Cây Trà thơm xuất hiện chính xác vào năm nào tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ trước đó vào thời gian vàng son nhất của Bát nhã rất nhiều anh em đã khuyên tôi gia nhập vào “cây thong dong”. Tôi đã không chịu, vì vốn bản chất là thong dong thì cần gia với nhập vào để làm gì, lại cũng có người thấy tôi hơi bướng và có chút hơi hám của cụ non nên nhỏ nhẹ khuyên tôi: ở đây ai cũng có cây này cây kia, theo tôi thầy nên tham gia vào cây “cổ thụ” để tiện đôi bề. Thật buồn cười, từ cổ chí kim sư ông chưa lần nào nhắc tới trong đại gia đình Làng mai có loại cây kỳ ngộ này, thế mà ai đó đã khéo khuyên tôi với vẻ chân thành và khẩn thiết, chắc ông cụ non này già quá rồi nên góp mặt vào cây cổ thụ hay cây đa gì đó là vừa. Nhắc đến trà thơm là buộc phải gọi tên “bát nhã”, bạn không thể tách rời nó ra được, mà mỗi lần cái tên ấy được nhắc tới là biết bao ký ức lại được dịp dồn dập ùa về đi kèm với muôn vàn cảm giác hoà quyện vào nhau với những kỉ niệm đẹp, những cảm xúc này luôn đi chung chan hoà cùng nhau với từng chi tiết nhỏ nhất, từng giọt sương động lại trên nhành thông, từng cụm nắng vàng của buổi sớm mai, từng viên sỏi nằm im dưới làn suối trong veo, với từng bước chân nhẹ nhàng đã nhiều lần biến cõi này thành cõi tịnh của yêu thương, “bước trên thực địa, thở giữa hư không” là vậy. Trà thơm hay Vú Sữa, Hồng Giòn hay Hướng Dương, Sen Trắng hay gì đó phải chăng cũng chỉ là muốn thể hiện mình với tất cả sự tiếp nối đẹp đẽ để tỏ lòng biểu lộ sự biết ơn. Ngoảnh nhìn lại chặng đường đã qua, chứng kiến bao cảnh trầm luân lên xuống hợp tan của cuộc đời này, trong tự thân mỗi người anh em chúng ta ai cũng phần nào được lớn thêm lên, kinh nghiệm lớn nhất của đời mình là sự bước qua hay “kinh” qua, cùng hướng về phía trước, đi chung một con đường và cùng dìu nhau về một ngôi nhà chung. Đã có lần đi dạo ngoài đường, có một ông thầy tu nam tông người campuchia hay Tích lan gì đó tôi không nhớ rõ lắm, ông ta tiến lại gần và hỏi tôi, bạn là người nước nào lại ăn mặc thế này, theo truyền thống nào, Theravada hay Mahayana?
alt
Tôi đã buộc miệng trả lời rằng tôi chẳng theo truyền thống nào cả, không thera cũng không maha, tôi chỉ thực hiện con đường lý tưởng của Gotama và tôi là Buddhayana. Thế đấy, đỉnh cao chính là Phật thừa, còn những thừa kia chỉ là phương tiện của Như lai mà thôi, chỉ có một con đường nhưng nhiều cách đi khác nhau, anh em chúng ta từ lâu đã khẳng định rằng sẽ luôn mãi có nhau còn gì.Tôi vẫn còn nhớ như in những bài
hát “thiền” sáng nào cũng đứng quây quần bên nhau mà hát, mà ca. Những bản tình ca như “không đi đâu cũng không cần đến, không trước cũng không sau, I hold you close to me” … thú thật lúc đầu còn hơi ngượng ngiụ vì thấy vô duyên nhưng nhìn sâu vào trong lòng những bản thiền ca ấy mang đầy màu sắc với rất nhiều chất liệu cùng ngôn ngữ thâm sâu, với tôi bài hát được gọi là hay nhất vẫn là “bát nhã ca” mà thôi. Vào thời ấy, đi đâu chúng ta cũng hát bài này vì là bài ca “bất hủ” được ưa chuộng nhất, chúng được hát vang khắp núi đồi bát nhã, thậm chí ra tới Huế rồi ra tới Bắc lúc tại chùa Bằng trong đêm văn nghệ cũng đem bài “ruột” này ra hát, tôi cam chắc rằng những lời ca từ này đã có mặt tại Làng hay cũng có thể đã có mặt tại muôn vàn trùng dương nào khác rồi, vì bất cứ sự có mặt của anh em bát nhã ở bất kì nơi đâu họ đều mang theo bên mình lời ca thâm tình ấy, cũng giống như năm xưa sư ông Làng mai đã từng ca vang bài ca chứng đạo “phương bối” vậy. Thật cảm phục thầy nghệ sĩ Pháp niệm, chỉ với bao nhiêu lời ca từ ấy, toàn cảnh uy hùng của bát nhã đã được biểu hiện rõ nét và tồn tại mãi trong lòng của mỗi anh em chúng ta. Hãy ca vang bài ca này lên thêm vạn lần nữa để ôm trọn niềm vui trong ngày thiêng liêng này, nên nhớ nếu thiếu vắng cái chất giọng khàn khàn của tôi bài hát này sẽ không đủ hùng hậu đâu nhé, xin anh em nhớ lấy cho.
alt
Trà thơm được biết đến như hình ảnh của một vườn trà thật xanh và thơm ngát, bạn đã một lần ghé thăm những địa danh trà Bảo lộc hay Núi đất, Đà lạt hay Thái nguyên chưa? Nếu chưa, chắc chưa thể hình dung nổi những chi tiết của vẻ đẹp kỳ diễm kia đâu, dù tôi có diễn tả cỡ nào đi nữa cũng không thể giúp bạn cảm hết được. Từng thân cây đứng bên nhau theo lối, trải dài khắp các núi đồi với chiếc áo màu xanh ướt nhẹ, với một chút lành lạnh của hương gió miền núi cao cũng đủ khiến hồn ta lâng lâng miền tiên cảnh. Chỉ khi nào bạn có đủ kinh nghiệm của cái cảm giác lâng lâng khó tả ấy thì hãy nghĩ đến việc “thưởng trà”, còn nếu chưa thì tôi chưa thể chia sẻ cho bạn nghe về hương và vị của trà nó ngon tuyệt đến nhường nào đâu. Bạn hãy một lần làm theo lời tôi đi, cái đẹp và ngon của trà sẽ được tăng lên gấp bội phần. Với chén trà nóng, lập tức bạn sẽ có ngay sự thanh thản, là cách để thư giãn tâm hồn,đó làphương châm thưởng trà của chính tôi.

Anh em ta sẽ luôn đẹp và xanh tươi mãi như vườn “chè thơm” ấy, chúng ta đến với nhau với chung một ước nguyện tuy từng hình hài là mỗi nỗi niềm khác nhau, mỗi người mỗi phương và rồi mỗi người mỗi nẻo nhưngchúng ta sẽ tìm thấy nhau trên muôn ngàn vạn lối của kiếp sống này. Vì đến với nhau nên “trà thơm” biểu hiện và chỉ với một ý niệm thật giản đơn là đến với nhau, thế thôi.

“Một buổi sáng,
ta ung dung,
ngắm nhìn ta sống”.

Lời thơ Haiku này có thể nói lên được hết tất cả nổi niềm của thân và hồn tôi mong gửi đến hết thảy chư huynh đệ cùng khắp. Nguyện ngày đêm sống trong nguồn tỉnh thức, làm nơi nương náu cho muôn người về đây, Trà thơm sẽ mãi còn trong mỗi anh em chúng ta.

Thích Khiết Phong (Hữu Tấn).
Viết tại IBU, October 22, 2010
Theo nguồn: Trà Thơm _ Hc
Tựa,do Ý tác giả & VĐPP.