Theo Đại Việt sử lược, chùa này do vua Lý Thánh Tông ra lệnh xây vào tháng 12 năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), trở thành một trung tâm Phật giáo thời Lý. Chùa từng là nơi trụ trì của vị Thiền sư nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam - Từ Đạo Hạnh. Trải bao hưng phế của lịch sử, chùa luôn được các triều đại tôn trọng, trùng tu, là một danh thắng bậc nhất của nước ta.
Quả chuông chùa Thiên Phúc đúc từ thời Lý, đã được nhiều học giả các đời nhắc tới. Năm 1777, khi sưu tập di văn khắc trên bia, trên chuông (kim thạch di văn), Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã xếp nó ở vị trí số 1 trong số 17 bia chuông thời Lý - Trần mà ông đã sưu tập và nghiên cứu (Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương). Theo Lê Quý Đôn, Đạo Hạnh Thiền sư đúc chuông vào năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109), Đệ tử Huệ Hưng soạn bài minh, Trước tác lang Nghiêm Thường viết chữ. Lê Quý Đôn còn nói rõ: Trên chuông, sau này người ta khắc thêm Thánh chỉ của vua Trần Anh Tông, ghi năm Hưng Long thứ 12 (1304), cấp ruộng thờ cho chùa.
Quả chuông đúc vào thời Lý này nay không còn. Nhiều người muốn biết số phận quả chuông đó, hoặc một vài dấu tích có thể soi rọi lai lịch của một di sản văn hóa quý của một thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc. Rất may là ở chùa hiện còn giữ được một quả chuông, có khắc bài minh do một đại danh bút nhà Tây Sơn soạn. Bài minh có tên là: Phật Tích sơn Thiên Phúc tự tân chung ký minh. Trong bài ký khắc trên chuông mới này, Phan Huy ích cho biết: Chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích do Từ Đạo Hạnh sáng lập. Đạo Hạnh sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), ông tu luyện trên núi, pháp lực vô biên, ông dựng am cạnh vách đá, mở ra trường đạo riêng. Vào mùa xuân năm Kỷ Sửu, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109), ông cho đúc 1 quả chuông nặng hai nghìn cân, rộng khoảng 10 vòng. Mùa thu năm đó, lại đón đệ tử là Thích Huệ Hưng tới để viết bài ký dài vài nghìn câu, một bài minh theo lối 4 câu 2 vần, văn từ, điển chương rất đẹp. Người viết chữ là Nghiêm Thường... Chuông đúc được 7 năm thì Từ Đạo Hạnh mất. Trải qua các triều đại Lý, Trần, chùa vẫn được bảo vệ tốt. Riêng quả chuông thì sau cuộc xâm lược của quân Minh vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Mãi đến năm 1789 (năm Kỷ Dậu, niên hiệu Quang Trung năm thứ 2), do thiếu đồng để đúc tiền, nên quả chuông nhà Lý này mới bị phá hủy.
Những năm 70 của thế kỷ này, Viện Văn học đã sưu tầm di văn thời Lý Trần. Riêng về “di văn kim thạch”, thì phần Khảo luận văn bản (Thơ văn Lý Trần, tập 1, tr.125 ) cho biết, bài Phật Tích sơn Thiên Phúc tự chung minh do Huệ Hưng soạn (1109) đã mất.
Những năm gần đây, khi sưu tập di văn kim thạch các thời đại từ Bắc thuộc đến Lý Trần, chúng tôi ngoài việc chú trọng điều tra thực tế, tìm lại bia đá, chuông đồng còn giữ được, còn để tâm sưu tầm những bộ sưu tập kim thạch di văn do các nhà sưu tầm ghi chép lại từ các thế kỷ trước. Bài ký và bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Phúc do Huệ Hưng soạn năm 1109 được chép trong một sưu tập văn bia Kim văn loại tụ (Sách hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm), có tên là: Thiên Phúc tự hồng chung minh văn (Minh văn chuông chùa Thiên Phúc). Xét từ hình thức văn khắc (có bài ký hơn ngàn chữ, bài minh 4 câu 2 vần) đến nội dung của bài văn khắc trên chuông (như nói chuông nặng hơn hai ngàn cân, bài ký và bài minh do đệ tử Huệ Hưng soạn...) đều phù hợp với những thông tin do Lê Quý Đôn và Phan Huy ích (những học giả được nhìn thấy chuông, đọc bài minh trên chuông trước khi chuông bị phá) cung cấp.
Mở đầu bài ký, tác giả bàn về “diệu lý” và “vọng cảnh” của đạo Phật. “Diệu lý tuy một, nhưng vọng cảnh thực rất nhiều”, cùng mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Phần này cũng nêu bật ý nghĩa tượng trưng của chuông: “Chuông, bên ngoài biểu thị tròn đầy, bên trong tỏ ý chứa rỗng. “Tròn” có nghĩa là luôn luôn dùng mà không hay, “đầy” là lấy ý nghĩa khó hủy hoại; “chứa” nghĩa là chứa vào mà không trở ngại, “rỗng” có ý phát huy vô tận. Nếu không như vậy, cớ sao Phật vừa sai gõ chuông thì sấm trời im tiếng, sáo đất lặng âm, Tam giới lập tức tỉnh ngộ...”
Phần lớn bài minh chuông ca ngợi Phật pháp cao siêu và công đức vô lường của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, kể lại quá trình trùng tu chùa Phật và đúc quả chuông lớn.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nhân vật lịch sử quan trọng không những của Phật giáo mà của cả triều đại nhà Lý. Về ông, có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại rất huyền diệu. Bài văn này do một người sống cùng thời và rất gần gũi với Từ Đạo Hạnh viết ra, nên có giá trị tư liệu đặc biệt. Bài văn cho biết: “Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ vĩ. Khi tụng tập Liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; Lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Dựng Bát chủng tháp mà khắp cõi hết mực uy nghiêm, Đọc Tam khíp thư mà kinh Phật thảy đều quán triệt. Gặp khi đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; Học cổ không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước rảy mà dứt hết ốm đau; Việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép...”.
Theo bài văn, khi Từ Đạo Hạnh đến núi Phật Tích thì trên núi đó đã có chùa: “Ngọn núi ấy sừng sững như Lăng Già bao bọc, vằng vặc một vầng trăng thu. Có bậc thang lạ, dẫn vào am Phật bằng đá. Mây ngũ sắc vần vụ, ngọc thất châu buông rèm; Lưới nhện đan xen, áo tơ rực rỡ… Ngày xưa bậc ẩn sĩ góp công đức dựng nên, đâu có khác thần linh tạo hóa...”. Ông ở đủ 6 năm, theo yêu cầu của các đệ tử, mới xây dựng một ngôi chùa “ở mảnh đất phía dưới, cũng là chốn thắng địa”. Hãy xem quang cảnh xây dựng chùa: “Thế là rừng cây lên tiếng, trong chốc lát, các thiện nam tín nữ kéo về; chẳng mấy hôm đã xuất hiện quang cảnh mới. Tìm xẻ gỗ quý, đắp lò ngói xanh. Dấu mực thước dọc ngang, tiếng búa rìu chan chát. Nguy nga viện mới, sừng sững lầu cao. Trồng thông gây bóng mát cho lối đi, làm vườn tỏa hương thơm nơi cảnh Phật...”
Khi chùa đã làm xong, Từ Đạo Hạnh đích thân đi quyên hóa, lấy đồng đúc chuông: “chân thoăn thoắt trên khắp nẻo đường, tựa lân vờn thú nhảy, như phượng múa rồng bay... Chưa đầy 20 ngày, quyên được đồng đỏ chất thành gò đưa về chùa Hưng Phúc...” Không khí hưởng ứng Phật sôi nổi: “Ngựa xe đi mà nhà giàu góp hết của, già trẻ tới để thôn xóm vắng lặng không”... Người soạn cũng ghi được câu nói khiêm tốn giàu đức từ bi của Từ Đạo Hạnh:
“Nay chuông mới đúc xong, đó là do chúng sinh đều góp duyên. Ta không có công gì đáng ghi. Hãy lưu lại phương danh của các tín chủ, hãy ghi chép để truyền lại đời sau”.
Bài văn cũng cho biết quan hệ giữa Từ Đạo Hạnh với Vương triều nhà Lý và uy vọng của ông ở chốn triều đình. Khi Từ Đạo Hạnh tu ở trên núi Phật Tích thì: “Các Vương tử xe ngựa ồn ào, người khắp nước hương hoa dâng lễ. Ngự thư ban chiếu, vua dự tiệc chay; Ban bảo y ngang bậc thượng bằng, lên xe Phật sách cùng Tứ quả”. Khi đúc chuông, Thái hậu Linh Nhân sai Trung sứ tới tận chùa (để đóng góp). Chuông đúc xong thì tâm nguyện của Từ Đạo Hạnh là “Trên báo đáp đức Kim thượng được mãi mãi giáo hóa, ngự ngôi báu lâu dài. Nhờ vật báu quốc gia mà các đời phồn thịnh, dân ấm no và đất nước bình yên...”. Đây cũng là nét đặc sắc trong quan hệ giữa đạo Phật thời đó với nhân dân, với đất nước, với vương triều.
Khi giám định văn bản bài minh văn, chúng tôi thấy, dù chuông đã mất, nhưng bản sao chép lại rất thận trọng, hầu như không có lỗi nào về chữ viết, về hành văn. Tất cả câu chữ trong bài đều có thể lý giải.
Minh văn chuông chùa Thiên Phúc không những là tư liệu quý về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, mà còn là sử liệu quý, giúp hiểu thêm về Phật giáo thời Lý, những nét sinh hoạt văn hóa Phật giáo thời Lý nói riêng và nền văn hóa thời phục hưng của nước Đại Việt nói chung.
CHÚ THÍCH
1. école franỗaise d’Extrême-Orient. Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Từ Bắc thuộc đến thời Lý. Paris - Hà Nội 1998.
TÀI LỈU THAM KH?O
1. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, Hà Nội 1993, tập 1.
2. Đại Việt sử lược. Bản biên hiệu của Trần Kinh Hòa. Xuất bản tại Tôkyô, Nhật Bản.1987.
3. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương.
4. Thơ văn Lý Trần, T1, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1997, tr.125.
5. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao triều Lý, Sông Nhị, Hà Nội.1950.
6. Thiền uyển tập anh, khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11.
7. Từ Đại thánh sự tích, sách chữ Hán, ký hiệu A.1152.
8. Phật Tích sơn Thiên Phúc tự tân chung ký minh 1794. Văn bia trên chùa Thầy, Hà Tây.
9. Thùy Vinh: Vài nét về hai quả chuông thời Tây Sơn tại Sài Sơn, Hà Sơn Bình, Tạp chí Hán Nôm số 1-1987.
BÀI MINH KHẮC TRÊN CHUÔNG CHÙA THIÊN PHÚC ĐỜI LÝ (1109)
Bài minh này được tìm thấy trong sưu tập văn bia Kim loại văn tụ vào năm 1995. Năm 1998, đã được công bố bằng nguyên bản chữ Hán trong tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam - Từ Bắc thuộc đến thời Lý, một công trình hợp tác nghiên cứu và xuất bản văn bia Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông Bác cổ (Cộng hòa Pháp) tiến hành. Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 2001, đăng bài Bài minh văn chùa Thiên Phúc đời Lý, bổ sung một số điểm về quá trình phát hiện và giám định văn bản, đồng thời có giới thiệu nội dung chủ yếu bài minh chùa Thiên Phúc này.
Nhận thấy bài minh chuông chùa Thiên Phúc thời Lý, không những là tư liệu hiếm về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, mà còn là sử liệu rất quý; giúp hiểu thêm về Phật giáo và văn hóa thời Lý, chúng tôi xin phiên âm, dịch nghĩa và chú giải bài minh văn này và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phiên âm:
THIÊN PHÚC TỰ HỒNG CHUNG MINH VĂN
Duy Long Phù Nguyên Hóa cửu niên Kỷ Sửu chính nguyệt, Đạo Hạnh thiền sư duyên hóa Cự Việt quốc chu môn bạch ốc, nhân nhân hỷ cúng, Hoạch xích đồng nhị thiên dư cân, chú hồng chung nhất khẩu, huyền ư Bồ Đà lạc sơn Hương Hải viện nội. Khấu kích lục thời hành đạo, thượng báo Tứ ân, hạ tế tam đồ giả.
Phù, diệu lý tuy nhất, vọng cảnh thực phồn. Bẩm tuy nhất nhi vạn hóa sinh thành, tùy vạn hóa nhi dung nhất viên điểm. Vô hình khả trắc, vô ngữ khả am. Vô hình nhi hình biến đại thiên, vô ngữ nhi ngữ chu ức sái. Trách bất vi ngại, tạp bất vi tri. Tại tiêm trần nhi hoa tạng trang nghiêm, cư trọc kiếp nhi viên châu oánh triệt. Thị chúng sinh chi hạnh ý, phi chủ Phật chi biệt tâm. Giác dã giả, nhất lộ Niết Bàn; mè dã giả, lục thú sinh diệt. Do thị tự tương bi mẫn, giả tướng thù luân. Thánh hiền phục như nghị mộ chiên, Thần lực hóa như phong yển thảo. Cức chức mang muội, tà bệnh triền miên. Diễn cổ giảo nhi đạo hĩ, định vị tề tri; tỳ tín khí nhi cảnh yên, phương năng tiệm tiến. Kỳ giáo dã, y căn lập thuyết, dĩ nhất thừa nhi quát nang; Kỳ khí dã, thủ tượng thành danh, dĩ hồng chung vi kiềm hạt.
Chung giả, ngoại thị viên thực, nội biểu hàm hư. Kỳ viên dã, thường dụng nhi mị giác; kỳ thực dã, thủ nan hoại chi danh. Kỳ hàm dã, chư nhập nhi vật ngại; Kỳ hư dã, dương vô tận chi ý. Bất như thị, hà Phật mệnh nhất khấu, thiên lôi thốn thanh, địa lại thu hưởng, tức Tam giới phản ngộ. Hạnh trí, nãi Tam đồ, toản chư khổ chân, khỉ việt liệt bất dĩ sự tế thiên hạ da? Kỵ hậu thục năng kế giả, thị chân khả hĩ.
Nhi kim tức hữu Đạo Hạnh thiền sư, ấu nhi tú cốt, trưởng nại kỳ tư, Tụng tập Liên kinh, ngọc dặc hầu nhi liễu lượng; xuất gia vận độ, Phật sinh ý nhi từ bi. Kiến Bát chủng nhi hải ngung tận nghiêm, cứu Tam kíp nhi thiền kinh cộng quán. Cấu thời đại hạn, nhiên nhất chỉ nhi vũ tất bái nhiên; Học cổ hưu lương, tọa đa vu nhi dung vô cơ sắc. Vạn dân khởi lệ, trì thủy sái nhi hạnh tuyệt bệnh nguyên; Chư sự vị manh, dự ngôn tri nhi đích như phù khế. Kinh viết: Phật hữu bát biện, phi sư nhi bất kế viên âm; Phật chế thi la, phi sư nhi bất năng kiên cố. Đế Thích phúc điền, phi sư nhi bất bá hùng hinh. Dược vương thiêu tế, phi sư nhi bất nại khổ thành. Quan Âm cứu nạn, phi sư nhi bất thiệu công danh. Cao tăng hiển dị, phi sư nhi bất chủng thần linh.
Nhiên tế cơ vân tất, trạch xứ thê trì. Xuất thành tây nhi nhĩ đoạn huyên, lịch họa lộ nhi tâm tự vinh. Việt nhất giang thủy, kiến nhất sơn thanh. Trạo thạch nhi bộ lạc tục trần, môn la nhi thân đăng thượng giới. Kỳ sơn dã, túng lăng già chi nhiễu, sinh Bảo Nguyệt chi thu. Hữu kỳ xích thê nhập viên khám, thạch khám dã. Ngũ sắc vân thành tựu, thất châu bảo huy thùy. Chu võng tương liên, thù y gián thái. Hạ tồn Phật tích, trung tráng nghê đài. Kỳ tích dã, bạch ngọc tại để, thanh long bàn ngoại; Kỳ dài dã, tê dốc trấn bàng, đăng công liên thứ. Khỉ mô trượng nhất, tức mô Thứu phong. Tích ẩn giả công đức sở thành, khỉ thần linh tạo hóa sở dị. Sư cự vị du tuần, sự hoàn cảm ứng. Dã hỉ lai phục, sơn cư tự thuần. Tịch mịch tạ nhi tụng Liên kinh, khung sùng thiên nhi tống hoa cổ. Xử chu lục tải, huệ phổ tích thiên. Chư vương tử chi xa mã hưởng phong, khuynh quốc nhân chi hương hoa đỉnh lễ. Ngự thư lai chiếu, pháp tịch giáng lâm. Tứ bảo y nhi đẳng thượng bằng, trắc Phật xa nhi mâu tứ quả. Trai bãi chi nhật, kim tích hồi lập ư sơn cước. Đệ tử các thân kỳ ngôn ý, lôi đồng viết: Nham điên tiếu trực, vân lộ nguy. Sư thần túc chi vị đăng, khách phàm tung chi nan bộ. Duy chiêm hạ thổ, diệc hợp thắng phương. Loan khuất khúc nhi khỉ dị Bồ Đà, thủy trừng triệt nhi hà thù Hương Hải. Mệnh kỳ lương tượng, quý bỉ trung ương. Cấu ngọc vũ nhi hoảng tứ duy, tọa kim dung nhi quang hữu tiệt. Chúng trì tư ngữ, thụ tức dương thanh. Phiến thời nhi sĩ nữ thân lai, bất nhật nhi cảnh giới tiện hiện. Thái tử kỷ mộc, đào bích ngõa lư, Thằng mặc tung hoành, cân phủ tạp tạp. Nga nga tân viện, nghiệp nghiệp nguy lâu. Tài tùng nhi kinh dẫn thanh lương, nghệ hóa nhị cảnh diên phức úc.
Sư nãi viết: "Tư đường trật trật, tựu chúng sâm sâm. Bất miễn thuyết pháp chi diên, tất quải hồng chung chi cảnh. Pháp tuy tự ngã, chung tất tòng tha". Cố sách trượng hạ hóa, cao thiên mạch. Như lân du thú vũ, trục phụng tường hoàng. Cạnh tùy hành vị lưỡng tuần, thi đôi nhất ngụ. Nghệ ư Hưng Phúc tự, chương phi vân bệ, thiên tích kim cung. Luyện thổ thành mô, dương hỏa tinh luyện. Chú chi nhật, sư tuy giám mặc, nhân cạnh xưng dương. Cảm Thái hậu chi đồng phong, khiển trung sứ chi lại thất. Thứ nãi luân đề bôn nhi không chu hộ, thiếu ngãi tẩu nhi khuât lư diêm. Huyền nhập hương giai, phân nhược đông thị. Khoảnh, hỏa công tứ lực, kim tượng nghiêm lệnh. Cổ thác luân nhi thanh chấn hải ngung, bình yên lư nhi quang đằng ngân hán. Hoàn khí hữu dị, gia thụy tương sinh. Vị cơ giả, cánh yên thứ loại, kháng mị tự giang. Tài lung nhi sắc đoạt tuyết hoa, sạ kích nhi thanh du lôi hống. Thiên hạ linh chi, nhân hàm khách ngưỡng. Sư tương quy Bồ Đà nham bạn, Đạt Bi vân lâu. Huyền dĩ kim sách, chàng dĩ kinh trùy. Đán tịch hành đạo, tiên hóa kim thượng vĩnh hóa, bảo tộ trường tân. Cảm quốc khí nhi thế phồn xương, tự lê nguyên nhi bang di thái. Nhiên nguyện sùng cao mộ đạo, động đạt thuần chân, dĩ phúc ấm ư thương sinh, dụng khuông phù ư hùng nghiệp. Hậu ký thí tu cự tế đẳng thuận phong thiên thiên, đỉnh đái hương hoa, kim cảnh lộc lai tư, hậu ngộ phù bản giác.
Sư kiến dư viết: "Tân thành kiện chùy nhất khẩu, tắc chúng duyên đồng tu. Ngã võng tích khả kỷ, lưu phương thí giả danh, liêu ký truyền hậu". Huệ Hưng thiển học, bất từ nịch quản vi minh. Minh viết:
Phật dĩ hồng chung cảnh vật hề, ngộ bản tâm.
Sư thành pháp khí hóa thế hề, phát tín âm.
Thiên cung ký trứ dục sắc hề, hoàn tự giác.
Địa phủ đương yếu hình lục hề, phóng nhược thâm.
Long Phù Nguyên Hóa cửu niên Kỷ Sửu bát nguyệt sơ cửu nhật lập ký.
Thiên Phúc tự tứ tử đa sa môn Thích Huệ Hưng soạn.
....
{Trần Anh Tông Hưng Long thập nhị niên cấp tự điền Thánh chỉ}
Dịch nghĩa:
BÀI MINH KHẮC TRÊN CHUÔNG CHÙA THIÊN PHÚC(1)
Tháng Giêng, năm Kỷ Sửu, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109)(2). Thiền sư Đạo Hạnh(3) đi quyên giáo khắp nước Đại Việt(4), từ cửa son đến mái rạ(5), mọi người đều vui vẻ cung tiến, quyên được hơn hai nghìn cân đồng đỏ, đúc một quả chuông lớn, treo trong viện Hương Hải(6), Bồ Đà Lạc Sơn(7), sáu thời(8) gõ chuông hành đạo, trên báo đáp Tứ ân(9), dưới cứu với kẻ sa xuống Tam đồ(10).
Ôi, diệu lý(11) tuy một, nhưng vọng cảnh(12) thực rất nhiều. Bẩm sinh tuy chỉ một, mà vạn hóa sinh thành, theo vạn hóa nhưng chỉ một viên điểm. Không hình dạng để có thể quan sát, không lời nói để có thể am tường. Không hình dạng nhưng hiện hình khắp cõi đại thiên, không lời nói nhưng tiếng vang khắp muôn chùa Phật. Nhỏ hẹp mà chẳng gây trở ngại, hỗn tạp mà chẳng vấy bùn đen. ở chốn bụi trần mà tựa hoa nở trang nghiêm, giữa kiếp đục nhơ mà như hạt châu lóng lánh. Đó là may mắn của chúng sinh, chứ đâu phải chư Phật có ý gì khác. Kẻ giác ngộ, lên thẳng cõi Niết Bàn(13), người u mê, quẩn quanh vòng lục thú(14). Do vậy, tự mình bi thương buồn khổ, giả tướng muôn vẻ khác nhau. Thánh hiền phục như kiến bâu tanh, thần lực hóa như giông cuốn cỏ. Trăm việc mù tối, tà bệnh liên miên. Dùng cổ giáo(15) để dạy răn, hẳn không biết cả; đem vật thực mà cảnh tỉnh, mới hiểu dần dần. Giáo hóa thì dựa vào căn cơ, dựng nên học thuyết "Nhất thừa"(16) để tóm thâu. Vật thực thì lấy hình tượng để thành tên, coi chuông lớn là thứ nhất.
Chuông, bên ngoài biểu thị tròn đầy(17), bên trong tỏ ý chứa rỗng(18). "Tròn" nghĩa là luôn dùng mà không hay(19), "đầy" là lấy ý khó hủy hoại, "chứa" nghĩa là chứa vào mà không trở ngại; "rỗng" có ý phát huy vô tận. Nếu không như vậy, cớ sao Phật vừa sai gõ chuông thì sấm trời im tiếng, sáo đất lặng âm, Tam giới(20) lập tức tỉnh ngộ. May mắn hiểu được Tam đồ(21), là sự tiếp nối nỗi khổ đau, vượt qua được, chẳng phải là dùng sự thực để cứu thiên hạ hay sao? Từ đó về sau, mỗi dịp treo đèn bầy tiệc, gõ chuông lên, Phật tử thành hàng; mỗi khi mừng Phật lên tòa, gõ chuông mà thuyết pháp nghiêm bị. Từ đó, ai người kế nối, thực đã có thể rồi.
Nay có Thiền sư Đạo Hạnh, tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ vĩ. Khi tụng tập Liên kinh(22), tiếng ngọc vang sang sảng; lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Dựng Bát chủng tháp(23) mà khắp cõi hết mực uy nghiêm, đọc Tam khíp thư(24) mà kinh Phật thảy đều quán triệt. Gặp khi đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học cổ không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước rẩy mà dứt hết ốm đau; việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép. Kinh Phật nói: "Phật có bát biện(25), không có thầy thì không ai nối viên âm; Phật đặt ra thi la(26), không có thầy thì không thể vững chắc. Phúc điền của Đế Thích(27), không có thầy thì không truyền bá được hương Phật, Dược Vương đốt cánh tay(28), không có thầy thì không ai hiểu được lòng thành. Quan Âm cứu nạn, không có thầy thì không ai nối tiếp công danh. Cao tăng tỏ rõ linh dị, không có thầy thì không ai kế gót thần linh".
Nhưng khi niệm Phật cứu đời xong, thầy chọn chỗ lui nghỉ. Ra phía tây kinh thành mà bên tai dứt mọi ồn ào, trải gót trên đường tai họa mà trong lòng tự thấy thanh tịnh. Qua một dòng sông, thấy một ngọn núi xanh, men đá mà bước lạc tục trần, vịn dây mà thân lên thượng giới. Ngọn núi ấy sừng sững như Lăng Già(29) bao bọc, vằng vặc một vầng trăng thu. Có bậc thang lạ, dẫn vào am Phật bằng đá. Mây ngũ sắc vần vụ, ngọc thất châu buông rèm. Lưới nhện đan xen, áo tơ(30) rực rỡ. Bên dưới có dấu Phật, ở giữa có đài nghê tráng lệ. Dấu Phật có ngọc trắng dưới đáy, rồng xanh cuộn bên ngoài. Đài nghê do tê giác trấn bên cạnh, đèn chuỗi sáng lung linh. Đây đâu giống phòng nghi trượng, mà chính là ngọn Thứu Phong(31). Ngày xưa bậc ẩn sĩ góp công đức dựng nên, đâu có khác thần linh tạo hóa ? Thầy ở lại chưa đầy mươi ngày đã có sự cảm ứng: Hổ tới phục chầu, rồng kia thuần nết. Đêm yên tĩnh tụng niệm Liên kinh, trời vòi vọi vang đưa tiếng trống. Thầy ở đủ sáu năm, ân huệ ban nhiều rộng khắp. Các vương tử xe ngựa ồn ào, người khắp nước hương hoa dâng lễ. Ngự thư ban chiếu, vua dự tiệc chay. Ban bảo y ngang bậc thượng bằng, lên xe Phật sánh cùng Tứ quả(32). Hôm bãi tiệc chay, tích trượng đưa về dựng ở chân núi. Các đệ tử đều bày tỏ suy nghĩ của mình, đồng thanh nói: "Đỉnh núi dựng đứng, đường mây chon von. Thầy có đôi chân thần dễ lên, khách phàm tục rất khó bước tới. Duy xem mảnh đất phía dưới, cũng là chốn thắng địa. Dãy núi quanh co nào khác Bồ Đà, dòng sông trong vắt kém gì Hương Hải. Xin sai thợ giỏi, chọn chỗ đất ở giữa, dựng điện ngọc sáng rực bốn phương, đặt tượng vàng nghiêm trang chiếu tỏa..." Mọi người truyền đi câu nói đó. Thế là cây rừng lên tiếng, trong chốc lát, các thiện nam tín nữ kéo về, chẳng mấy hôm đã xuất hiện quang cảnh mới ! Tìm xẻ gỗ quý, đắp lò ngói xanh. Dấu mực thước dọc ngang, tiếng búa rìu chan chát. Nguy nga viện mới, sừng sững lầu cao. Trồng thông gây trong mát cho lối đi, làm vườn tỏa hương thơm nơi cảnh Phật.
Thầy nói với mọi người: "Điện Phật trang nghiêm, Phật tử đông đúc. Nhưng khi mở hội Thuyết pháp, ắt phải có tiếng chuông cảnh tỉnh. Thuyết pháp thì ta lo, còn chuông phải do người khác". Nói rồi, thầy chống gậy xuống núi đi quyên hóa, chân thoăn thoắt trên khắp nẻo đường, tựa lân vờn thú nhảy, như phụng múa rồng bay. Người ta đua nhau đi theo thầy, chưa đầy hai mươi ngày, quyên được đồng đỏ chất thành gò, đưa về chùa Hưng Phúc. Chiếu bay về bệ mây, trời ban cho cung vàng. Nhào đất đắp khuôn, đốt lửa tinh luyện. Hôm đúc chuông, thầy dẫu im lặng, nhưng mọi người đều ngợi ca. Cảm ơn Thái hậu(33) cùng chí nguyện, sai trung sứ tới tận nhà. Thế rồi: Ngựa xe đi mà nhà giàu góp hết của, già trẻ tới để thôn xóm vắng lặng không. Người ta tới đài hương, đông đúc như đi chợ. Rồi, người đốt lửa ra sức, thợ đúc chuông lệnh nghiêm. Thổi ống bễ tiếng vang góc biển, đốt lò nung sáng dậy Ngân Hà. Chuông đúc xong đã khác lạ, điềm lành phát sinh. ít lâu sau, lại mời mọi người đến buộc vác chở đi. Chuông vừa lau thì sắc như hoa tuyết, vừa đánh lên tiếng át sấm rền. Thiên hạ nghe tiếng chuông, thảy đều kính ngưỡng. Thầy đem chuông về gác chuông Đại Bi trên núi Bồ Đà. Dùng dây vàng để treo lên, lấy chầy kình để gõ tiếng, sớm chiều hành đạo. Trên báo đáp đức Kim Thượng(34) được mãi mãi giáo hóa, ngự ngôi báu lâu dài. Nhờ vật báu quốc gia(35) mà các đời phồn thịnh, dân ấm no và đất nước bình yên. Nguyện cầu: tôn sùng mộ đạo, hiểu lẽ thuần chân, đem phúc ấm cho dân lành, để khuông phù cơ nghiệp lớn. Mong sao các bậc thí chủ, những người tu hành theo gió từ hướng làm điều thiện, sửa hương hoa thờ Phật thành tâm. Ngày nay lộc lớn tích nhiều, sau này bản tâm giác ngộ.
Thầy gặp tôi và nói: "Nay chuông mới đúc xong, là do chúng sinh đều góp duyên. Ta không có công gì đáng ghi, hãy lưu lại phương danh các tín thí, hãy ghi chép để truyền lại về sau". Huệ Hưng tôi(36) học thức nông cạn, không tiện từ chối, cầm bút làm bài minh:
Minh rằng:
Phật dùng tiếng chuông cảnh tỉnh muôn vật chừ, giác ngộ bản tâm.
Thầy hoàn thành pháp khí(37)để giáo hóa thế gian chừ, phát ra tín âm.
Thiên cung đã tỏ dục sắc chừ, trở về tự giác.
Địa phủ đáng phải hành hình chừ, quăng sâu ném xa.
Niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thứ 9, năm Kỷ Sửu(38), ngày mồng 9, tháng 8.
Sa môn Thích Huệ Hưng chùa Thiên Phúc được ban áo cà sa tía soạn bài minh.
...
Năm Hưng Long thứ 12, đời Trần Anh Tông(39) có thánh chỉ cấp ruộng thờ(40).
H.V.L
CHÚ THÍCH:
(1) Chùa Thiên Phúc: Theo Đại Việt sử lược (Bản Trần Kinh Hòa, 1987, tr.58), chùa này do vua Lý Thánh Tông ra lệnh xây vào tháng 12 năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), tục gọi là chùa Thầy, xưa gọi là viện Hương Hải, am Bồ Đà; thuộc hai xã Thiên Phúc và Thụy Khuê huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai xứ Sơn Tây (nay là xã Sài Sơn huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Chùa này được các đời trùng tu, là danh thắng bậc nhất của nước ta.
(2) Long Phù Nguyên Hóa là niên hiệu Lý Nhân Tông (1101 - 1109), năm thứ 9 tức năm 1109.
(3) Thiền sư Đạo Hạnh tức Từ Đạo Hạnh, tên húy là Lộ (? - 1116), quê quán xã Yên Lãng huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Cha là Từ Vinh, làm chức Tăng quan đô án triều Lý. Từ Vinh có hiềm khích với quý thích Diên Thành hầu, Hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng pháp thuật giết chết. Đạo Hạnh tìm đường sang tây tìm thầy học đạo. Học xong, trở về, báo thù cho cha. Sau tu ở chùa Thiên Phúc. Về thiền sư Từ Đạo Hạnh, có nhiều truyền thuyết ly kỳ huyền bí. Năm 1116, ông mất trong hang núi Sài Sơn.
(4). Nguyên văn: "Cự Việt quốc", "Cự" nghĩa là "Đại".
(5). Cửa son: Nguyên văn "Chu môn", chỉ nhà giàu. Mái rạ: Nguyên văn "Bạch ốc", chỉ nhà nghèo.
(6) Viện Hương Hải tức chùa Thiên Phúc.
(7) Bồ Đà Lạc Sơn: tức núi Phật Tích, hay núi Sài Sơn.
(8) Sáu thời: nguyên văn "lục thời". Nhà Phật chia một ngày đêm làm 6 thời là: Thần chiêu (buổi sớm), Nhật trung (buổi trưa), Nhật lạc (buổi chiều), Sơ dạ (buổi tối), Trung dạ (nửa đêm), Hậu dạ (nửa đêm về sáng).
(9) Tứ Ân: Thuật ngữ nhà Phật, nói có 4 cái ơn phải báo đáp là: Ơn cha mẹ, Ơn chúng sinh, Ơn quốc vương và Ơn Tam bảo.
(10) Tam đồ: Thuật ngữ nhà Phật, nghĩa là ba con đường: Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh. Cũng gọi là Tam ác đạo.
(11) Diệu lý: "Diệu" có nghĩa là tuyệt vời, không thể bàn cãi, không thể so sánh. Diệu lý là đạo lý cao siêu, sâu sắc, kỳ diệu không thể bàn cãi.
(12) Vọng cảnh: Vọng: không thực, giả, đối lập với "chân". Vọng cảnh: cảnh giới giả, không thực.
(13) Niết Bàn: dịch ý là "tịch diệt", "diệt độ", "tịch", "vô sinh", đồng nghĩa với "Trạch diệt", "ly hệ", "giải thoát"... vốn chỉ sự xuy diệt, hoặc trạng thái xuy diệt (thổi tắt). Sau khi lửa thiêu đốt phiền não tắt rồi, hoàn thành cảnh giới ngộ trí (tức bồ đề). Đó là cảnh giới giác ngộ, siêu vượt sống chết (mê giới), cũng là mục đích thực tiễn cuối cùng của Phật giáo. Các giáo phái khác ngoài Phật giáo cũng có thuyết Niết Bàn, nhưng khác hẳn của Phật giáo.
(14) Lục thú: Thuật ngữ nhà Phật, tức lục đạo. Tỳ đàm luận nói "thú" nghĩa là "đến", nghĩa là "đạo" (con đường). ý nói dựa vào cái nghiệp thiện hay ác do mình tạo ra, mà có thể tới chốn được thiện báo hay chịu tội. Lục đạo là: Địa ngục đạo, Ngã quỷ đạo, Súc sinh đạo, Tu la đạo, Nhân gian đạo, Thiên đạo.
(15) Cổ giáo ở đây có nghĩa là phương pháp dạy, phương pháp giáo hóa truyền thống.
(16) Nhất thừa: Thừa có nghĩa là "cỗ xe". Nhất thừa có nghĩa là "cỗ xe duy nhất". Giáo nghĩa Phật giáo là chân lý duy nhất để giáo hóa chúng sinh trở thành Phật, như cỗ xe duy nhất chở người tu hành đến cõi Niết bàn, nên gọi là "Nhất thừa".
(17) Tròn, đầy: nguyên văn là "viên thực".
(18) Chứa, rỗng: nguyên văn là "hàm hư".
(19) Nguyên văn: "Thường dụng nhi bất giác".
(20) Tam giới: Kinh Phật có "Tam giới chư thiên". Tam giới gồm: một là Dục giới, hai là Sắc giới, ba là Vô sắc giới.
(21) Tam đồ: Xem chú 10.
(22) Liên kinh: là Pháp Hoa kinh. Tây dương trạp trở: Cố Hòa thượng ở chùa Đại Hưng Thiện chuyển ba vạn bảy nghìn bộ Pháp Hoa kinh. Có vị sư đề thơ rằng: Tam vạn Liên kinh tam thập xuân; Bán sinh bất đạp viện môn trần. (Ba vạn Liên kinh ba mươi xuân, Nửa đời chẳng dẫm bụi cửa Thiền).
(23) Nguyên văn: Bát chủng. ở đây có thể là "bát chủng tháp". Bát chủng tháp cũng gọi là "bát chủng nhân khởi tháp", nói 8 loại người là Như Lai, Bồ Tát, Duyên Giác, Ala Hán, Ana hàm, Tư đà hàm, Tu đà viên, Chuyển luân viên sau khi tịch diệt, ắt nên dựng tháp cúng dàng. ở đây ý nói xây dựng chùa tháp.
(24) Tam khíp thư: Tam khíp là 3 hòm. Tam khíp thư ở đây chỉ kinh Phật nói chung, như "Tam tạng kinh".
(25) Bát biện: Chỉ 8 loại biện tài. Biện tài tức tài tranh biện, tài khéo thuyết giảng ý nghĩa của Phật pháp. Tám loại biện tài là: 1. Biện tài không kêu thét, 2. Biện tài không mê loạn, 3. Biện tài không sợ sệt, 4. Biện tài không kiêu ngạo, 5. Biện tài nghĩa cụ túc, 6. Biện tài vị cụ túc, 7. Biện tài không vụng về, 8. Biện tài ứng thời tiết.
(26) Thi la: dịch âm, nghĩa là "giới", chỉ điều răn, giới luật.
(27) Đế Thích: tức Đế Thích Thiên, dịch âm là Thích Ca đề hoàn nhân đà la, gọi tắt là Thích đề hoàn nhân, Thích ca đề bà, cũng gọi là Thiên Đế thích, Thiên chủ. Vốn là vị thần của ấn Độ giáo. Thời cổ ấn Độ gọi là Nhân đà la. Sau khi vào Phật giáo gọi là Đế Thích Thiên. Theo ghi chép của các bộ kinh luận, Đế Thích Thiên vốn là Bàlamôn nước Ma già đà, do tu phúc đức bố thí, được sinh ở Thao lợi thiên, trở thành Thiên chủ của 33 trời.
(28) Dược Vương: là vị Bồ tát ban phát thuốc tốt, cứu chữa các bệnh về thân, tâm cho chúng sinh, là 1 trong 25 vị Bồ tát Adiđà Phật.
(29) Lăng Già: núi Lăng Già dịch nghĩa là núi Khó tới, núi Đáng sợ, núi Hiểm tuyệt... Tương truyền đó là nơi Phật Đà tuyên giảng kinh Lăng Già. Theo kinh Lăng Già thì núi này do các loại vật quý tạo nên, ánh sáng rực rỡ. Trong núi có vô lượng hoa viên, hương thụ, làn gió nhẹ đưa, cành lá rung rinh, trăm ngàn mùi hương thần diệu lan tỏa, trăm ngàn âm thanh kỳ diệu phát ra, núi non lớp lớp quanh co, khắp nơi đều là tiên cảnh...
(30) Áo tơi: nguyên văn: "thú ý", chỉ loại áo mỏng, cực nhẹ, dịch ý.
(31) Thứu Phong: tức Linh Thứu phong, gọi tắt. Núi Linh Thứu ở phía đông bắc thành Vương Xá nước Ma Yết Đà (ấn Độ), gọi tắt là Linh Sơn, hoặc Thứu Phong, Linh Nhạc. Như Lai từng giảng kinh Đại thừa như Pháp Hoa kinh ở đây.
(32) Tứ quả: 4 loại chứng quả có được khi tu hành theo phép Thanh văn của Tiểu thừa, có các giai đoạn: Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất hoàn quả, A la hán quả.
(33) Thái hậu: tức bà nguyên phi của vua Lý Thánh Tông là ỷ Lan phu nhân, họ Lê, là mẹ đẻ của vua Lý Nhân Tông (1072-1128).
(34) Kim thượng: Vị vua đương thời, tức Lý Càn Đức, miếu hiệu Nhân Tông, sinh năm 1066, lên ngôi năm 1072, mất năm 1127.
(35) Vật báu quốc gia: nguyên văn: Quốc khí.
(36) Huệ Hưng: Sa môn Thích Huệ Hưng ở chùa Thiên Phúc, đệ tử của Từ Đạo Hạnh, tác giả bài minh văn này.
(37) Pháp khí: ở đây chỉ chuông chùa.
(38) Xem chú thích 2.
(39) Hưng Long là niên hiệu của vua Trần Anh Tông. Năm Hưng Long thứ 12 tức năm 1304.
(40) Qua câu này, có thể thấy, trên chuông cũ, đời sau người ta đã khắc thánh chỉ của vua Trần Anh Tông. Bản Kim văn loại tụ không chép nội dung thánh chỉ đó.