Mặc dù được sinh ra trong một gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc Triết-giáo Khổng-Mạnh, lại từ nhỏ đã ham thích học thuyết Lão-Trang, nhưng có lẽ, hoặc vì kém duyên bạc phước hoặc do tâm trí ngu tối, nên tôi đã không thâm nhập được vào cái phần uyên áo cao viễn của Khổng-học (phần Hình-nhi-thượng), cũng như chỗ tinh tuý ảo diệu trong huyền học Lão-Trang. Bỡi thế, trong suốt một thời gian dài trực diện cuộc đời, tôi đành phải dừng lại ở chỗ chỉ học được cái phần dụng (phần Hình-nhi-hạ) tức đạo lý để biết cách làm người, cũng là bài học thực hành về quan hệ đối đãi nhân sinh.
Nghĩa là với triết lý thâm viễn, linh diệu bàn về căn nguyên sự sanh-hóa trong trời đất, tôi chỉ học được cái phần thô là "sanh" hiện thực ở ngay trước mắt để tự tạo dựng cho mình có mối quan hệ hòa hợp và hữu ích trong cộng đồng với người, với vạn vật mà không biết rành được cái phần vi tế là "hóa", cũng là cội nguồn nguyên uỷ muôn loài, trong đó có con người, nên đã không thể vượt qua được chính mình để tự thăng hoa bay bổng. Cái phần "hoá" ấy vượt quá phạm vi của việc làm người, cũng là chỗ vượt quá một đời người. Nói trong phạm vi hạn hẹp thì "hoá" ấy tồn tại phía trước và đằng sau sự hiện hữu của thân tâm này mà con người không thể thấy biết một cách rõ ràng, còn nói rộng ra, vượt lên tất thảy mọi hiện tượng và hình tướng, thì đó chính là bản thể, là cái thể tánh cội rễ của muôn loài mà từ đó muôn loài xuất sanh, nhưng tri thức, tình tưởng, giác quan không thể với tới được. Mỗi khi nghĩ tới phía sau của sự hiện hữu thân tâm này, hay nói một cách chính xác hơn, phía trước và sau không gian và thời gian mà mình đang thực tại, thì là gì, đã và sẽ như thế nào, ra sao, khiến tôi thường giật mình, thót tim âu lo cho số phận, vì hoàn toàn mờ mịt trong việc đến đi.
Cũng vì lẽ ấy mà trải qua nhiều năm tháng, tôi thường khắc khoải và tự làm khổ mình với những câu hỏi đại loại như "mình từ đâu đến?", "đến để làm gì?", "rồi sẽ đi về đâu?". Tôi âm thầm đánh vật với những thắc mắc như thế trong nỗi khao khát mong chờ có được một lời đáp minh bạch để tự thoả mãn, cũng là để thoát khỏi xung đột của nội tâm, hoặc chí ít khiến lòng mình có thể tạm an ổn, thanh thản, hay không còn bị khó chịu về biết bao điều phi lý phát sinh tự chính thân tâm mình cũng như dẫy đầy nghịch lý và rối rắm của cuộc đời đem lại. Những câu hỏi ấy lẻo đẻo theo tôi như bóng theo hình. Có lúc vì bận rộn việc mưu sinh, cái đuôi bất đắc dĩ ấy tự dưng rơi đi hồi nào không hay. Nhưng hễ rảnh rổi giây lát để có thể lắng lòng suy tư, chiêm nghiệm về cái được gọi là cuộc đời, mà trong đó "mình" cũng là một thành viên đang tích cực tham gia, thì thoắt một cái, những dấu chấm hỏi kia hiện ra nhanh chóng đến không ngờ.
Có thể nói, ngoài những thời khắc dành cho việc học hành lúc còn trẻ cũng như phần lớn thời gian sau đó phải bương chải để lo cho cuộc sống gia đình, trong những lúc chỉ có một mình, thân tâm an ổn, cảnh trí vắng lặng thì những câu hỏi kia lại thường hay xuất hiện.
Câu hỏi ấy, có lúc như một lời mời gọi ngọt ngào, thầm khích lệ tôi hãy can đảm giũ bỏ lại phía sau tất cả những gì được cảm nhận như là sự trói buộc nặng nề, cũ kỹ, đầy phiền toái và phi lý để nhẹ nhàng vượt lên phía trước khám phá hay tìm lại một cái gì đó như vừa mới đánh mất đâu đây. Cái gì đó có lúc xuất hiện một cách loáng thoáng trong tôi, như một giấc mơ êm đềm sâu thẳm trong cổ tích, nửa như lạ lẫm chưa hề thấy biết, nửa như với mình đã từng chung cùng một chỗ tự thuở xa xăm nào, trong tính cách thần thoại, phi thường, đầy an ổn và ẩn mật, khó nói nên lời.
Đôi khi cũng câu hỏi ấy nhưng lại bất chợt đến với tôi như roi vọt, thẳng tay quất mạnh không thương tiếc vào khoảng không mênh mang của hình hài tâm thức, bị tra tấn hành hạ, đớn đau thấm thía trong tận cùng ý nghĩ của một nỗi dằn vặt vì sự nuối tiếc mơ hồ nào đó. Sự nuối tiếc được loáng thoáng cảm nhận như một lỗi lầm trọng đại từ phía sau lưng. Tự chỗ đang-là nhất thể uyên nguyên, tinh khiết, sáng trong, hốt nhiên một chút ý tưởng mong manh nào đó nhen nhúm, từ một chốn mơ hồ nào đó đưa lại, hình thành nên lỗi lầm, tiếc nuối; rồi từng chuỗi tiếc nuối vừa mới đan xen nhau đó, hốt nhiên lại phân ly, tan lỗng, nhạt nhòa. Giống như quang cảnh bầu trời đang xanh ngắt, trong veo thình lình không biết từ đâu một áng mây bất nhiên ùn ùn xuất hiện, trong thoắc chốc không ngớt tự biến ra trăm hình ngàn vẻ, rồi bỗng nhiên lại phân ly từng sợi mỏng manh, tan biến vào hư không. Cũng thế, một mảnh lỗi lầm từ trong chỗ uyên nguyên bất giác rách toạt, xé rời, đơn lẻ, phân ly. Mảnh ý tưởng lầm lỗi bị phân ly có trọn đủ tánh nguyên ủy, tức khắc tự trở thành cái được chính nó ý thức một cách đương nhiên như là chủ thể độc lập, tức cái "ta", cái "mình", đơn độc, xa lạ, nặng nề, u ám, mơ hồ, lẫn lộn, bất định, tự xung đột, đầy trói buộc, mất tự chủ, trong một thế giới bồng bềnh, trôi nổi mà cái gì cũng đều là tương đối, đều có ranh giới cả.
Tri thức và kinh nghiệm từ việc học không giải quyết được các xung đột nội tâm của mình, cộng với không biết bao nhiêu điều phi lý tác động từ bên ngoài, chen lẫn từng lớp sương mờ của tâm thức, cũng là những ký ức mơ màng hư ảo, như có như không trong chỗ xa xăm muôn thuở nào, vào ra khuấy động, khiến nhiều lần tôi phải tự tra vấn về chính thân phận mình, rằng thiệt mình là ai, từ đâu đến, đến để làm gì, lại sẽ đi về đâu?
Trong gần nửa cuộc đời, tôi không biết đã có bao nhiêu lần cùng với nhiều người khác vui vẻ đón chào sự hiện diện của những đồng loại thân thương đến với cuộc trần này, được đánh dấu và ghi nhớ bằng hình ảnh của những bữa tiệc mừng đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật hân hoan rộn rã, cũng như không kể xiết là có bao nhiêu lần đã từng u buồn, lặng lẽ theo chân đoàn người tiễn đưa những người thân quen mãi mãi ra đi.
Sao lại phải đến với tiếng khóc thét hoảng hốt giữa sự đón chào vui vẻ ồn ào của thế gian, rồi sao lại phải một mình âm thầm, lặng lẽ ra đi với sự tiễn đưa u buồn của những người không biết phải gọi là may mắn hay bất hạnh đang tạm thời còn ở lại, chưa đi, cũng như sẽ không thể không đi? Họ từ đâu đến và vừa đi về đâu? Ai bắt họ phải đến để rồi phải ra đi? Không ai có thể cho tôi một câu đáp thỗ đáng nào. Lần lần tôi cũng có chút khôn để tự nghiệm ra, rằng cũng giống như tôi, lúc mới đến không ai trong số họ biết tại sao mình lại đến, đến để làm gì; lúc sắp ra đi chẳng ai muốn đi, cũng như chẳng ai biết mình sẽ phải đi về đâu thì làm sao người ta có thể thố lộ cho tôi biết sự đến đi của họ như thế nào. Bỡi một điều quá dễ hiểu, là có thể trước khi hiện hữu nơi đây, tự mình cũng biết được đôi điều cần biết, nhưng mới sanh thì còn bé quá, chưa biết nói thì làm sao nói ra được cái điều mình đang biết. Đến lớn hơn một chút để có thể nói ra được rằng vì sao mình phải tới chốn này, thì khi ấy những gì mình muốn nói đã trôi theo tã lót tự đời nào rồi, đã quên mất những điều không đáng quên ấy ngay khi cái được gọi là "trí khôn" của mình xuất hiện. Khi cái được gọi là trí khôn, tức cái "biết" nhận thức lên từng sự vật bằng khái niệm, phân biệt và tập quán thế gian xuất hiện, thì cũng là lúc nó che lấp hết những gì mà mình đã từng nhớ biết trước đó . Rồi tới lúc đã thật sự biết mình đi đâu, làm gì, ra sao, thế nào thì khi ấy bằng cái xác cứng đơ, lạnh tanh, hết còn biết rục rịch thì ai trong đây có thể mở miệng được nữa mà đòi thố lộ cho biết.
Sự an bài của tạo hóa về lẽ bí mật phía trước và đằng sau cuộc sống hiện hữu cũng là một điều hay. Bỡi nếu ai ai cũng đều có thể biết sự đến đi của mình, tức biết rõ quá khứ thế nào và vị lai sẽ ra sao, thì thế gian này ắc loạn mất. Nghĩa là người hiền ỷ lại vào phước đức sẵn có của mình ở thời quá khứ, nên đời này dễ đổ đốn, chỉ thích ăn chơi mà không cần tu học. Ngược lại những kẻ đã từng gieo nghiệp ác biết rõ tương lai của mình sẽ đi về đâu, thì lại càng buông thả phóng đãng hơn, có ra sao thì ra, vì hậu quả tất nhiên cũng đã tự sẵn biết, như điếc không còn biết sợ súng. Đến khi ấy cõi này đâu còn có sự cân bằng giữa thiện và ác nữa, đâu còn có thể gọi là cảnh giới có nhân có quả nữa, vì bóng đêm sẽ nhiều hơn ánh sáng, vì cái xấu ác dễ làm hơn điều thiện lành, do cái xấu ác dễ nhiễm dù không cần phải học, còn điều thiện lành thì chẳng những khó học mà còn khó làm hơn nữa! Từ đây, tôi tự rút ra cho mình được một bài học quí giá, tuy hơi muộn màng nhưng cũng không gọi là quá trễ, đó là xem cõi này đích thị là một trường học lớn để đào luyện cho từng người có cơ hội tự thăng hoa bay bổng, vượt lìa sự trói buộc của luật tắc nhơn quả.
Tự soi rọi thân tâm mình mà có thể khẳng định rằng, dù căn cơ, trí tuệ, phước đức thế nào đi nữa mà nếu biết quyết chí tu học thì sớm hay muộn cũng đều có cơ bay bổng, giải thoát. Bằng không chịu tu học, hay chỉ tu hình thức, giãi đãi, tự dối lừa thì rất ít có cơ hội để tự giải thoát. Cái trường học này nhiệm mầu ở chỗ, người học cũng là mình, kẻ chấm cho mình đậu hay rớt, bay bổng hay đoạ lạc cũng là mình, mà không một ai khác có thể chen vào để thêm bớt hay nâng hạ cái kết quả thực tế của việc tu học ở mỗi người.
Sau mỗi lần đón, đưa những kẻ đến người đi như thế, được ghi nhận như một lời nhắc nhở, thúc giục tôi phải tìm tòi, học hỏi để khám phá một bí mật nào đó ở phía trước, khiến tôi lại miên man suy nghĩ về chính thân phận mình, và lại tự hỏi, mình thiệt đã từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi lại hiện hữu và phía sau sự hiện hữu kia, nghĩa là ở thời vị lai không còn hiện hữu nữa (chết), thì tôi sẽ như thế nào, ra sao?
Chẳng lẽ ai đến với cuộc trần này trong khoảnh khắc ngắn ngủi trăm năm so với không gian vô cùng và thời gian vô tận trước mắt và sau lưng, cũng chỉ để hít thở rồi tắt thở với bấy nhiêu việc phàm tình như học hành, ăn ngủ, phân biệt phải trái, cao thấp, hơn thua, được mất, hoặc tích tập tư tài, tranh quyền đoạt lợi về cho mình và những gì được gọi là của mình ….vv… thôi hay sao. Giả như ai đó có được tất cả những gì "cầu được, ước thấy" kia rồi, thì sao nữa, có khỏi phải chết chăng, có khỏi phải xa lìa hai món danh lợi mà đôi khi có người phải suýt táng thân mất mạng để giành giật cho mình trước kia chăng? Đằng sau cái xác lạnh tanh xuôi tay, ngay cẳng, hết còn biết thở, hết còn biết rục rịch kia thì cái "tôi" to lớn mà mỗi người thường hay nhân danh, cũng như cái sự nói, nghe, thấy, biết thường nhật gắn bó với cái tôi ấy như bóng với hình, rồi sẽ là cái gì, ra sao, đi đâu, hoặc có còn tồn tại hay không, và tồn tại chỗ nào? Chẳng lẽ trên đời này không còn những thứ gì khác hơn là các món lợi danh vị kỷ, được thua, còn mất, có đó rồi không đó hay sao? Chẳng lẽ ai ai cũng đều hiện hữu chỉ để làm những việc cực kỳ vô nghĩa, vô lý, vô ích như vậy, rồi đến một lúc nào đó lại tự nhiên bất chợt buông tay, tự thả hết những gì mà mình đã từng xả thân tranh đoạt, gắng công kiếm tìm, tích góp trước đó, nếu không muốn nói là đành phải buông cả cái quí nhất được gọi là "tôi" mà ai ai cũng tự ấp yêu trìu mến từ lúc mới được sinh ra? Lại thêm những câu hỏi khó trả lời nữa, càng ngày càng vây bọc lấy tôi.
Cho nên, không hiếm khi tôi thường tự hỏi, mình có muốn hiện diện ở chốn này đâu mà tự nhiên sao lại có mình hiện ra đây nhỉ?
Thắc mắc được lập đi lập lại nhiều lần trong đời, và lần nào cũng vậy, sau một khoảng thời gian nhứt định, vì bổn phận và công việc cuốn hút, những trăn trở ấy dần dần tan biến vào lảng quên, không có hồi kết thúc với một lời đáp thỗ đáng nào, nhờ ở sự bằng lòng, yên phận, buông xuôi một cách tự nguyện, nếu không muốn nói là đã mất hết ý chí tìm tòi, khám phá ban đầu.
Còn nói theo hai chữ "nhơn duyên" của nhà Phật, thì bản thân tôi gặp nhiều may mắn trong cuộc trần này.
Nghĩa là, lần lữa đến tuổi năm mươi thì hình như duyên lành đã đến với tôi một cách bất ngờ. Giữa lúc gần như bất lực trong việc dàn xếp thỗ đáng cho những xung đột nội tâm; giữa lúc tôi như đang chới với một cách vô vọng và sắp sửa buông tay, phó mặc tương lai mờ mịt cho số phận an bài, thì tôi lại như người sắp chết đuối vớ nhằm chiếc phao.
Trong nỗi khát khao mong chờ một đáp án hợp lý để giải quyết cách minh bạch sự đến đi của tự thân, cũng là hoài bão kiếm tìm cho tâm hồn mình sự an ổn khả dĩ có thể chấp nhận được mà từ bao năm qua hằng ấp ủ, thì một cơ duyên tốt lành đã bất ngờ đến với tôi, và tuy bất ngờ nhưng lại thật đúng lúc, đó là hai vị thầy tôn kính của tôi xuất hiện bên tôi trong cùng một thời điểm hợp lý.
Tôi đến với hai Thầy như một ước duyên đã từng kết nguyện tự bao giờ. Như cơn mê chợt tỉnh, tôi liền tựa vào người vừa đánh thức tôi, hầu tìm sự bình ổn an lạc dài lâu cho tự thân. Rồi khi tự biết là không còn có cơ hội nào có thể tốt hơn thế nữa, ngay tức khắc, một sự kiện trọng đại dành cho những tháng ngày còn lại ít ỏi của cuộc đời mình đã được tôi nhanh chóng quyết định : tôi nhứt tâm qui hướng về với Phật đạo, tôi qui-y Tam-Bảo.
Hai Thầy đã tuỳ duyên, kẻ trước người sau, mượn phương tiện tối thắng của Tổ, Phật khai tâm mở trí cho tôi, chỉ ra cho tôi hướng đi phía trước và khẳng định với tôi rằng, chỉ phải tự trông cậy vào chính bản thân mình, phải biết tự chèo chống để giúp mình vượt qua được chính mình (nương tựa 5 pháp yếu Giới, Định, Huệ, Tri-kiến Giải-thoát và Giải-thoát Tri-kiến Giải-thoát) thì mới có cơ thoát khổ mà thôi.
Cái khổ được đề cập ở đây chính là cái khổ phải luân hồi sanh tử trong cảnh giới nhơn quả, cũng là tự trói buộc mình vào nhị nguyên phân biệt, mà nguyên nhân chính không gì khác hơn là do tự tâm vọng khởi, vọng chấp ngã-pháp. Vọng niệm chấp ngã chấp pháp, tưởng lầm ngã, pháp làm thật có, là tự mê mờ tuông chảy theo dòng vọng thức vô minh, là tự tạo vọng nghiệp sanh tử luân hồi, tự trói buộc vào cảnh giới vọng lập của ý thức khái niệm, là vướng mắc nhị nguyên nhơn quả.
Cái chỗ phải tự vượt qua được chính mình ở đây, chính là vượt lìa sự trói buộc của nhị nguyên phân biệt, là tự phá trừ vọng chấp ngã-pháp, là tất thảy buông rơi tự do vào hố thẳm không đáy của tự tâm, cho đến cuối cùng không còn một chút niệm tưởng có chỗ nắm bắt hay buông bỏ nào, tức chơn tánh sáng suốt hiện tiền, mặc tình đến đi, cũng là tuỳ duyên thõng tay vào chợ.
Phá trừ được vọng tâm chấp ngã, chấp pháp, vượt thoát sự trói buộc của nhị nguyên phân biệt, thì vô minh tan biến. Vô minh tan biến thì chơn tánh hiện tiền. Chơn tánh hiển hiện thì thật tánh vạn pháp phô bày, không gì che dấu, liền biết như thật, chỉ vì một sát-na trước tự tâm vọng niệm nên mới sanh cái thấy biết lầm (vọng biết, vọng thấy), mới lầm nhận các pháp vọng do vọng thức biến hiện làm thật có, mới vọng khởi khái niệm để phân biệt, mới thấy có vọng cảnh, vọng nghiệp đến đi, có cảnh giới nhơn quả, có sanh tử luân hồi trói buộc. Hốt nhiên tỉnh, cũng là giác tánh biết bổn lai, thì tánh biết "biết" như thật, tất thảy pháp đều là không, thật tướng vạn pháp không tướng, vô tự tánh (tức không có tánh riêng biệt nào), liền tự an ổn hiu nhiên, đến đi tự tại, vào ra nhơn quả chẳng khác là việc du hí thần thông, không chi ràng buộc.
Với những người sáng tánh biết, thì giả như có phải nhiều lần ra vào trong cảnh giới nhơn quả đi nữa thì cũng chỉ vì đại nguyện giác tha, hành Bồ-tát đạo mà cứu độ chúng sanh, cũng là cách trả ơn ba đời chư Phật mà thôi. Và dù ở trong nhơn quả mà nhơn quả cũng không thể trói buộc, vẫn tự chủ, tự tại, bỡi tự thể thường sáng suốt, không lầm nhơn quả .
Nhờ ánh sáng nhiệm mầu của Phật pháp, thêm một chút phước phần vốn sẵn được thừa hưởng từ cộng nghiệp và biệt nghiệp ở những đời trước và đời này do biết đạo lý làm người, nên sau một thời gian như pháp hành trì theo sự chỉ dạy của Pháp-sư, tôi lần lần cảm nhận và khám phá ra cái điều từ mà lâu hằng muốn biết để giải quyết một cách thỗ đáng sự đến đi của chính mình. Thì ra, chỉ vì một cái biết lầm lạc đầu tiên từ trong tận cùng gốc rễ của sự hiểu biết, tức một sự lầm biết sơ khai từ thuở mới biết làm người, đã khiến chúng sanh phải trôi lăn trong nghiệp thức nhơn quả. Chỗ biết lầm này không gì khác hơn là do vọng thức chấp ngã trói buộc nhơn quả như vừa nói ở trên.
Nghĩa là phải sau một phần hai thế kỷ, tức hơn nửa đời người mà cả thân lẫn tâm cùng dẫn dắt nhau lang thang vô định với không biết bao nhiêu phiền não, xung đột nội tâm, cũng như dẫy đầy sự phi lý trong kiếp nhân sinh, tôi đã kịp dừng nghỉ đúng lúc để toàn tâm toàn ý lo cho việc "của mình".
Sau một thời gian dừng nghỉ hết mọi việc, thân tâm trở nên vắng lặng, bình ổn, giống như một ly nước để yên lâu ngày, cáu cặn lắng đọng và trở nên trong trẻo, tôi phảng phất nhận ra một điều là từ lâu, từ rất lâu rồi, từ lâu trong chỗ xa xăm nào đó, ở phía bên kia lớp gương dày đặc, nhạt nhòa, mờ ảo, nửa thật nửa hư của tâm thức, tự chính mình đã có sự lầm lạc. Một sự lầm lạc trong hiểu biết hết sức phi lý. Và tuy vẫn biết là như thế, nhưng tự mình lại không thể xác định được một cách rõ ràng là phi lý ở chỗ nào và tại sao, bỡi vì loáng thoáng một cách mơ hồ, hình như từ chính nơi cái biết mà mình đang tự biết là có sự lầm biết kia, thì cả hai cái biết ấy dường như chỉ một, không thể bứt tách ra khỏi nhau được. Nghĩa là không thể gọi cái vừa mới biết "tự biết lầm lạc" mà lúc gần lúc xa, thoắt ẩn thoắt hiện từ phía trên mi, trước mỏ ác là thật có hay không thật có và cái chỗ biết ấy là gì, quan hệ ra sao với cái biết mà ta thường quen "biết" từ lúc vừa mới có chút trí khôn để biết. Hay nói rõ hơn, đôi khi trong những lúc chỉ có một mình, bình tâm, an ổn, vắng lặng, thường tự cảm thấy mình có sự nhận biết một cách loáng thoáng, mơ hồ mà không thể tự xác quyết được là cái chỗ vừa mới biết rằng "cái biết của mình lâu nay theo thói quen là cái biết lầm lạc, huyễn hoặc" cũng như cái chỗ "cảnh sắc mơ hồ huyễn hoặc được biết" kia có thiệt huyễn hoặc như cái biết vừa mới "biết" cho biết hay không? Nếu cảnh sắc chung quanh, trước mắt, sau lưng, mọi người, mọi vật, mọi sự đều là huyễn hoặc cả, không phải thật có, thì chẳng lẽ chính mình, cái chủ thể đang biết, cũng huyễn hoặc hay sao? Nếu mình cũng là thứ huyễn hoặc như mọi cái huyễn hoặc khác thì "ai" trong đây "biết" mình là huyễn hoặc, trong khi chính mình biết đủ mọi thứ vàng đỏ, trắng xanh, nhỏ to, cao thấp, phải trái, hơn thua không lầm lẫn kia mà? Cái chỗ "ai biết đó" và "mình biết đây" là hai hay là một? Có nghĩa là cái chỗ biết vượt cách vừa mới biết kia (tuy hoàn toàn không thấy có người biết, nhưng lại biết rõ ràng mà tri thức, quan năng không thể với tới) cùng với cái sự biết của mình bằng đầu, mình, mắt, tai, mũi, lưỡi mà lâu nay từng "quen" biết, là hai hay là một cũng không rõ nữa, bỡi vì tự chúng đan xen lẫn lộn như có hai mà chẳng phải thật hai, mà như một thì cũng chẳng phải thật một, cũng chẳng phải là cái gì khác, mà đều thấy biết từ phía trên hai mắt, ngay trước mỏ ác. Có lúc, từ một cái nhìn trải lên sự vật bằng đôi mắt, nhận biết được sự vật nhỏ to, lớn bé, xanh vàng, trắng đỏ, tốt xấu, thấp cao vv…tất cả "được biết" bằng cái "ta biết" của thân tâm đang hiện hữu, mà cũng có lúc, khi nào thật vắng lặng, không một niệm gì phát sinh, thì cái thấy biết trong trẻo, bất động, không một vật, vô biên, vô hạn lượng bất chợt tuông ập vào mình (mà nhìn lại cũng chẳng thấy mình đâu), nhưng ngay đó trong tánh sáng xuyên suốt, bao trùm, trống không, vô biên, vô hạn lượng, vạn pháp trước mắt như mơ hồ, như huyễn hoặc, như có như không, như hư như thật, như vô số bọt xà phòng lơ lửng trong không, kể cả cái xác thân được nhận là "mình" một sát na trước, cũng như huyễn như hóa, như hoa đóm trong không, cũng được nhìn suốt, xuyên thấu như một cái bóng gương mờ, chẳng phải thật có.
Cái thấy biết không gốc gác, "không thấy có ta biết", vắng lặng, trong trẻo, bao trùm, vô biên, vô hạn lượng. Vạn pháp đều tự như trong tánh biết lặng lẽ, sáng trong, bất động ấy. Rõ ràng từ một cái "tướng-không" (tạm gọi như thế) bao la, vô biên, vô hạn lượng, không hình tướng, lại là một cái biết toàn thể (biết mọi chiều, xuyên thấu, thấy suốt chứ không phải bị chia cắt làm mảnh múng một cách phiến diện lên bề mặt của sự vật), biết tất cả, biết rõ ràng trong chỗ không một đối tượng được biết, tức không phải dừng lại lên sự vật để biết nhờ móng khởi phân biệt, vì tất thảy những gì trước mắt (gọi là mắt chứ không có mắt, hay đúng hơn mắt ở đây là cái tánh thấy biết toàn thể, toàn biết) đều như huyễn, như hoá, kể cả người có cái tánh biết đang biết đó. Một sát na trước, bằng cái thấy biết thường tình của "ta biết", vạn pháp trước mắt và kể cả "ta" tưởng như thật có, như thật hiện hữu. Một sát na sau, bằng cái biết tuông ập bao trùm, xuyên suốt, "không thấy có ta biết" mà không gì không trọn một trong tánh biết như như đó; vạn pháp trước mắt kể cả "cái tướng ta" đang nhìn ngắm, chợt trở thành mơ hồ, huyễn hoặc, như hoa đóm trong không, hoàn toàn chẳng phải thật có.
Trong chỗ thấy biết mơ hồ lẫn lộn đó, lúc ấy tôi cũng chẳng biết gì là thật mình, gì là đối lập với mình, cái chỗ "ta-thấy" là thật "ta" hay cái chỗ "không-thấy-có-ta" mà vẫn thấy mới là "ta" như thật. Hai cái thấy trước mỏ ác đan xen nhau, có lúc vì lăng xăng động niệm nên chỗ thấy giới hạn lên bề mặt của sự vật, phân biệt hình thể sắc màu, tính chất, động thái. Gặp lúc bình ổn, vắng lặng thì cái thấy chơn không toàn thể xuất hiện, thấy mà như không thấy gì, không có gì để thấy, lờ đờ bất động như mắt con trâu đang nhìn vào hư không, một mình lặng yên, biếng lười nhai cỏ, mà chỗ thấy thì mênh mông, xa vời, xuyên suốt lên tất thảy sự vật, không điểm dừng lại. Tính chất hai cái thấy biết trước mỏ ác tuy khác nhau trời vực, nhưng đan xen lẫn lộn một cách vi diệu, lạ lùng, như cái "chất ngọt trong miếng kẹo", khó bề rứt tách ngọt và kẹo ra làm hai phần riêng rẽ mà không làm cho cái người ngậm kẹo kia méo mó, biến dạng.
Lúc mới đầu, trạng thái lờ mờ, lẫn lộn giữa hai cái biết ấy làm cho mình phân vân nghi hoặc, không biết cái biết nào mới là cái biết chủ thể chơn thật, cái biết nào là cái biết khách thể, huyễn hoặc, không thật, là lầm biết.
Về sau này, khi gặp duyên lành được dẫn dắt bằng Phật pháp, hay nói rõ hơn là y theo lời Thầy dạy, ngày đêm chuyên chú hành trì kinh Kim-Cang và miên mật tham hỏi Công-án Thiền của Tổ-sư, tôi hốt nhiên nhận ra, cũng vì cái tâm luôn vọng động, vọng khởi chấp ngã, chấp pháp nên mới khiến cái tánh thấy biết bổn lai, nguyên uỷ mà ai ai cũng đang tự sẵn có, phải bị lu mờ, bị che lấp, nên tự thân mới bị lầm biết.
Thế nào là cái tánh biết nguyên uỷ bị che lấp? - Tánh biết tự thể chơn không, tịch tĩnh, vô ngã, trong trẻo, tròn đầy, bất động, hay khéo sanh các pháp. Mà đã làm thân hữu tình thì ai ai cũng đều sẵn có tánh này (nhìn vào đứa trẻ lúc mới sanh ra, ta có thể hình dung được khi tỉ mỉ so sánh nó với chính mình để dễ tìm ra chỗ khác biệt).
Thế nhưng, do cái thức biết duyên sanh trong từng mỗi chúng sanh vốn vẫn không lìa tánh biết, trọn dung chứa trong tánh biết hốt nhiên vọng động, vọng chấp thân này pháp này làm thật có, tức chỉ biết nhìn về một hướng riêng biệt, nên thức biết ấy, cũng là cái "biết lầm" theo vọng thức do tập nhiễm vô minh, tức thời ngăn lấp tánh biết. Giả như ngay từ khởi đầu (đây chỉ là giả thiết) chúng sanh không khởi vọng niệm, chấp trước, thì tánh biết vẫn thường hiển hiện sáng trong, thật tánh vạn pháp phô bày, không gì che dấu được tánh biết, vì tánh biết thường "biết" như thật, tự tánh là chủ thể vạn pháp, vạn pháp trùng trùng sanh khởi từ chỗ "diệu" của tánh biết chơn thường, nên vạn pháp không phải thật có, không có tự tánh. Thật tướng của vạn pháp đều không, là thật tướng không tướng, là huyễn hóa, không thật có, như từ một cái nhấn mắt mà có hoa đóm sanh khởi trong không. Hoa đóm luôn luôn là thứ huyễn giả, không phải thật có.
Vì cái biết lầm ấy vọng biết vọng thấy thân tâm này và các pháp khác ngoài thân làm thật có, khiến tánh biết bị che lấp, không tự sáng suốt, không tự chủ để biết rằng các pháp kia biến hiện có không mất còn chỉ là do từ cái "diệu" của tánh này duyên sanh.
Tự chỗ biết lầm sơ khai do chỉ biết nhìn về một hướng (vì chấp), chạy theo tập nhiễm vô minh, khiến đi vào cảnh giới nhị nguyên nhơn quả, tức phải trói buộc sanh tử luân hồi mà mình hoàn toàn không hay biết vì không phải là chủ thể được tự chủ.
Lằn ranh giữa hai cái biết, biết bằng tánh biết chơn thật bổn lai và biết bằng thức biết trói buộc nhị nguyên nhơn quả, tuy rất mong manh, vì tự thân chúng đan xen nhau làm một, chưa từng rời lìa nhau (vì có thân này) nhưng do tâm ta lúc nào cũng khởi vọng chấp (chấp ngã, chấp pháp), tức chỉ biết trải nhìn về một hướng riêng biệt theo tâm ý mình, chỉ dùng có mỗi một cái biết theo tập để biết, khiến phải lầm biết, cũng là tự chính mình rời lìa tánh biết bổn lai ngày một càng xa hơn. Tập nhiễm càng nhiều, vọng chấp càng lớn thì vô minh càng dày, chơn tâm càng bị che lấp sâu kín, tối tăm hơn, khiến cho muốn tìm lại tánh thấy biết nguyên ủy càng khó khăn hơn.
Tánh biết bổn lai nguyên ủy, ai ai cũng tự gồm trọn đủ trong một thân này, chỉ có điều, do chỗ hành nghiệp nhơn quả ít nhiều, nặng nhẹ mà vô minh che lấp có sự mỏng dày, sáng tối, khiến cho việc hành trì Phật pháp để tìm lại tự tánh, ắc phải có chỗ lâu chóng khác nhau. Cũng chính vì thế mà phương tiện giáo hóa có đủ các pháp đốn tiệm khác nhau, nên mỗi người cũng cần phải biết trạch pháp cho thích hợp với từng căn cơ, trí tuệ, duyên phước của mỗi người, thì việc tu học mới có kết quả mỹ mãn.
Đó đây trong Thiền-sử cũng có đề cập tới những người, tuy mới đầu chưa tu, nhưng thật ra từ lâu đời, lâu kiếp họ đã là những Đại Bồ-tát, phước đức gồm đủ, có duyên giáo hóa chúng sanh trong đời này, như Lục Tổ Huệ-Năng chẳng hạn, chỉ vừa mới nghe người khác tụng kinh Kim-cang, đã hốt nhiên sáng tánh Phật, chỉ có điều mới đầu còn chưa tỏ rõ, còn ngờ chỗ thấy biết của mình. Đến khi được Ngũ Tổ Hoằng-Nhẫn vây màn giảng giải bộ kinh trên, đến câu "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" thì tới lúc ấy, Ngài hoát nhiên đại ngộ. Chỉ khi ấy, thần khẩu của Ngài mới ứng xuất một cách như thật về tánh Phật chúng-sanh, cũng là thể tánh uyên nguyên mà Ngài trong ấy đang-là, đang tự làm một :
- Không ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.
- Không ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt.
- Không ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ.
- Không ngờ tự tánh vốn không lay động.
- Không ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.
(Pháp Bửu Đàn Kinh)
Khi cái biết bổn lai tỏ rõ, không còn lầm biết, thì nhìn lại thật tướng vạn pháp đều không, nên tự biết một cách rõ ràng, cảnh giới sanh tử tuỳ hiện một sát na trước là huyễn cảnh. Nghĩa là trước đó, vì cái tâm vọng chấp khởi sanh, nên mới có vọng cảnh được dựng lập, mới có tất thảy (huyễn) pháp bày ra. Bằng một khi tâm sạch vọng động, tự thể thanh tịnh tròn đầy, không một vật, thì ngay đó liền tự biết như thật, các pháp kia đều là huyễn hoặc, không thật có, như hoa đóm trong không, không có tự tánh. Chính cái chỗ tự biết như thật trong đây, là mặt mũi chơn thật xưa nay của mình, chơn thiệt một nó, tự tại, thanh tịnh, thường hằng, bất động, mà thường khéo sanh các pháp. Nói khéo sanh các pháp là ngay trong chỗ chơn không, không một vật nhưng nếu xảy một chút vọng niệm sanh khởi, thì pháp pháp (vọng thức, vọng nghiệp) tuông sanh, vọng thành cảnh giới, nhơn quả phân biệt, như biển lớn hốt nhiên gặp gió, tức thì sóng cao sóng thấp lớp lớp tầng tầng lên xuống đuổi nhau, không sao kể xiết.
Người đang chấp nhưng thường không hay biết mình có chấp, cũng là tự trói buộc vô minh, nhắm mắt cắm cổ chạy theo những con sóng của vọng thức, tự tô bồi vọng nghiệp hết lớp này tới lớp khác, thì gọi đó là người mê. Biết ngoảnh đầu nhìn lại, biết tuỳ căn cơ duyên nghiệp mà mượn Pháp phật thích hợp để chơn-chánh hành trì, ắc có lúc tìm thấy lại tánh bổn lai chân thật của chính mình, lúc đó gọi là người tỉnh.
Chợt tỉnh giác, vạn pháp phô bày, ngay đó, liền biết như thật, một sát na trước, do vọng chấp sanh khởi, nên vô minh che lấp tánh biết, tâm thức huyễn vọng chỉ hướng về một phía (chấp) mê mờ lẫn lộn không phân biệt được địa vị chủ, khách, tức ngộ nhận cái bóng nhỏ nhoi, rời rạc, huyễn hoặc, mơ hồ của khách thể biến hiện làm thành chủ thể "ta biết", mới khiến mình từ lâu kết thành hàng chuỗi biết lầm lạc sau lưng. Một sự lầm lạc tận cùng trong gốc rễ của sự hiểu biết, lầm lạc do từ một cái "chớm biết lầm lạc" đầu tiên phát sinh tự thuở lâu xa nào. Sự lầm lạc ấy chẳng khác nào như những bóng trăng hiện lên trên sóng nước. Vừa chợt hiện ra là liền chấp mình làm thật có, tự nhận mình là một chủ thể đương nhiên, một cá thể độc lập "hữu ngã" có tương quan tương tác, có đến đi, qua lại, lên xuống, sống chết, to nhỏ, cao thấp, mất còn tương đối với những chủ thể khác như nó, bên cạnh nó, trong môi trường (cảnh giới) như nó. Nghĩa là mặc dù tự thể cái bóng trăng trên sóng nước chẳng phải thật có, mà như hoa đóm trong không, nhưng vì tự nó khởi vọng chấp có ngã pháp nên tướng ngã liền sanh. Ngã tướng đã sanh thì ngay tức khắc các tướng khác là nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng trùng trùng sanh khởi.
Vừa trọn đủ các tướng tương quan tương tác, thì ngay tức khắc, vọng lập các khái niệm tương đối để phân biệt, cũng như từ đó theo thói quen (tập) tự trói buộc với những khái niệm và sự phân biệt theo khái niệm, mà không hề biết tự chính chúng chỉ là những cái bóng ảo được vọng lập, cũng như không hề biết rằng bản thể chơn thật của nó phải chính là ánh sáng lặng lẽ thường chiếu, như như, bất động, rộng lớn, không ngằn mé từ mặt trăng đang trang trải cùng khắp trên sóng nước kia. Nếu chúng biết tự quay đầu, thì liền biết như thật, bản thể ấy thu nhiếp hết về lại mặt trăng lơ lửng trên bầu trời quang kia, cũng chính là mặt mũi thường hằng xưa nay của chúng vậy.
Vì sự lầm lạc trong hiểu biết xuất phát ngay tự thuở đầu tiên bắt đầu hình thành cái được gọi là sự hiểu biết (thức) của một mầm mống hữu tình nói chung và con người nói riêng, khiến ta đã làm những việc hết sức vô lý là bắt chính mình phải bôn ba kiếm tìm, nắm bắt, trói buộc ảo ảnh trong cái toàn cảnh ảo ảnh được gọi là trần gian, mà trong đó chính mình cũng là một ảnh ảo. Ao ảnh nắm bắt, cột buộc ảo ảnh, trong cái toàn cảnh ảo ảnh, thật phi lý. Tất cả mọi vật thể sinh động đều như đang mộng du trước cái nhìn của một con mắt thật biết. Còn cái biết lầm lạc tự trong gốc rễ thì khiến chúng ta "hành và động" trong cảnh giới mộng du mà không hề biết là mình đang trong trạng thái mộng du.
Và mãi tới về sau này, tôi mới nhận ra được cái chỗ biết lầm của chính mình phải là từ trong vô lượng kiếp ảo như thế chứ chẳng phải mới đây. Sự nhứt tâm qui hướng về với Phật pháp cộng với lòng thiết tha cầu đạo giải thoát đã giúp tôi sửa chữa lại được chỗ biết "lầm" từ muôn thuở lâu xa của mình.
Tôi đã quyết chí mượn con thuyền pháp để trở về lại bến kia, cái vết tích tự do cuối cùng còn loáng thoáng, mơ hồ, tồn đọng, còn sót lại trong tôi tự thuở xa xăm nào, trước khi có sự thấy biết lầm lạc, đen tối, mê mờ thống trị thân tâm này, cũng tức là tôi đang tự mò mẫm tìm về lại cội nguồn nguyên uỷ.
Phật pháp tối thắng, nhiệm mầu đã giúp tôi truy tìm ra tông tích đâu là cái chỗ mơ hồ lẫn lộn trong sự hiểu biết, tức khám phá ra sự lầm biết từ trong tận cùng gốc rễ của chỗ khởi đầu cái biết ban sơ. Lại nữa, nhờ nương tựa pháp Phật mà tôi bình tâm nhận ra được cái việc bấy lâu theo hình bắt bóng là điều hết sức vô lý, khiến biết tự dừng chân quay đầu, cũng là cách tìm về lại nơi tự do cuối cùng trước lúc xuất phát của sự thấy biết ban sơ còn chưa lầm lạc.
Nhiều lúc tự ngẫm lại, nếu như mươi năm trước, vào cái thời điểm hữu duyên được gặp hai Thầy, lúc ấy tôi không có một quyết định hợp thời và sáng suốt là nhứt tâm qui y Tam-Bảo cũng như quyết chí theo hai Thầy tu học, thì tới giờ này chẳng biết mình sẽ ra sao nữa. Cái thân xác này ắc vẫn thế, hay có thể tốt béo hơn không chừng, tiền bạc cữa nhà có thể khấm khá khang trang hơn, nhưng chắc chắn một điều là việc sanh tử trước mắt, mà cũng là điều khó tránh khỏi, sẽ làm mình lo lắng, khổ đau, sợ hãi.
Còn bây giờ, nhờ Phật pháp soi đường chỉ lối, tôi không còn lầm biết ở sự đến đi của mình, tự coi sự đến đi nhiều lần như thế nữa ở vị lai vào cảnh giới này hay cảnh giới khác cũng chỉ là sự trải lòng, thương xót, chung tay góp sức để làm thức tỉnh những ai cùng mình có duyên trong cuộc trần này, cũng là thực hành Bồ-tát hạnh như từ nhiều đời đã từng phát nguyện. Không còn lầm biết vì vọng chấp phân biệt, tức chợt sáng tỏ thì liền biết như thật, vạn pháp vốn không, tự thể phiền não tức thị Bồ đề, sanh tử tức Niết-bàn tịch tĩnh, thì còn chướng ngại nào trong việc đến đi, ra vào nhơn quả.
Sự đến đi ấy không phải thật có đến đi, chỉ vì dưới con mắt lầm biết theo thế thường, mà nó mới được thấy là có đến có đi mà thôi; còn dưới con mắt biết tự thể vô ngã, thường hằng, chân thật, là chủ thể tuyệt đối, như như bất động, tất thảy pháp đều như huyễn, tuỳ duyên huyễn sanh huyễn diệt mà thôi.
Tuy vẫn biết cái chỗ biết của mình đối với đạo pháp còn quá ít ỏi, nhỏ nhoi và hạn hẹp, chẳng khác một chiếc lá đối với rừng cây, như ánh sáng của con đom đóm giữa đêm rằm, như một vốc nước đối với đại dương mênh mông.
Nhưng trộm nghĩ, với sự nhiệm mầu của Phật pháp, thì tuỳ chủng tánh, căn cơ, tín lực cũng như tâm lượng vì cầu giải thoát sẵn được tích chứa từ lâu xa, mà những người, nếu hữu duyên, thì pháp nào, phương tiện nào cũng đều có thể độ người, ai ai cũng có thể nương nó để tự chèo chống mà sang bờ kia.
Nghĩa là, do mê và ngộ không có lằn ranh phân cách, giống như hai cái thấy biết trước mỏ ác, mặc dù luôn đan xen, lẫn lộn nhau trong cùng một chỗ, nhưng nếu là người chưa đủ duyên phước, ắc cũng khó bề phát hiện nhanh chóng. Bằng người sẵn có duyên phận với các pháp Đại-thừa, Tối thượng thừa của Phật, thì việc phát hiện ra nó cũng không phải là điều khó khăn.
Đang trong cơn mê chợt tỉnh, thì chỗ chợt tỉnh biết mình đã mê, đó là ngộ, là giác. Mê và ngộ, nói xa nhau thì thăm thẳm, cách biệt ngàn trùng, không gì xa hơn. Nói gần thì cái sự gần ấy không gì gần hơn, cũng chính là hai cái thấy biết trước mỏ ác vừa nói trên kia, chưa từng lìa nhau, mà luôn dung chứa, lẫn lộn trong nhau.
Chợt ngộ thì từ-bi tâm hốt nhiên bộc phát, thương khắp chúng sinh mà không phân biệt chủng loài, cũng như nhanh chóng tìm phương tiện để giác lại những người đang lầm than, tự trói buộc nhơn quả, giống như mình đã từng mê mờ một sát na trước đó. Một cách diễn tả thật giản đơn và dễ hiểu, đó là hiển Bồ-tát tâm, hành Bồ-tát đạo vậy.
Giống như mọi người, tôi cũng có rất nhiều bạn hữu trong đời. Có những người bạn gần gũi, thân thiết thường ngày đến với tôi, và gặp lúc nào thấy thuận hợp nhơn duyên, tôi thường khuyên các bạn nên nhanh chóng quay đầu, tuỳ căn cơ mà trạch pháp thích hợp để tu hành. Nhưng có một số bạn, dĩ nhiên hầu hết đều là bạn già, tỏ ra hoài nghi ở chỗ tuổi tác của mình, cho rằng không biết thời gian còn lại ít ỏi quá thì có tu kịp nữa chăng. Những bạn ấy thường tỏ vẻ ngao ngán mà phân trần rằng, đã gần xuống lỗ rồi còn nghĩ chi tới chuyện tu hành, tu làm sao kịp nữa. Hoặc cũng có bạn lại nói rằng, có người bỏ cả cuộc đời để đi tu mà đến chết thì trói buộc vẫn hoàn trói buộc, huống là tôi đây sức đã tàn lực sắp tận, tháng ngày còn lại chẳng được bao nhiêu, thì dẫu có tu cũng chẳng tới đâu. Vả lại tu hành khó quá, phí công vô ích, thôi hẵn đợi kiếp sau.
Tuy nhiên cũng có một số người nhanh chóng nhận ra cái khổ của sanh già bệnh chết, cũng là nỗi khổ trần gian nhơn quả trói buộc. Những bạn già ấy liền nhứt tâm qui hướng về với Phật đạo, ngày đêm tích cực hành trì một pháp thích hợp, không lâu sau đó, có được kết quả bước đầu là thân tâm thanh tịnh an ổn, không còn lo nghĩ tới việc đến đi, cũng như biết được cái lẽ đến đi cũng chỉ là huyễn ảo, do tự thân vọng niệm vọng chấp mà thôi.
Thiết nghĩ, việc đến với Phật đạo sớm hay muộn cũng đều là nhơn duyên cả, nghĩa là nghiệp thức vô minh kết buộc sâu dày, ít làm việc phước thiện thì dĩ nhiên sự thức tỉnh cũng phải lâu hơn những người nhẹ nghiệp, nhiều phúc đức. Tuy nhiên, như chúng tôi đã có trình bày ở trên, mê và ngộ vốn chẳng có hai đường, chỉ như người chiêm bao chợt tỉnh. Cho nên, không hiếm trường hợp có người tới lúc gần chết mới sực tỉnh thế nào là lẽ trói buộc của nhơn quả, liền xin qui y Tam-Bảo. Vừa qui y xong, nhờ căn trí và phước phần vốn sẵn tích chứa, lại có duyên lành được bậc thiện tri thức trực tiếp giảng giải Đại thừa, Tối thượng thừa pháp, liền hốt nhiên tỏ ngộ bổn tâm, thần thái đổi thay trông thấy rõ rệt, sắc diện thanh thản như vừa trút đi một gánh nặng trên thân, mỉm cười an bình lặng lẽ ra đi.
Phật đạo nhiệm mầu như vậy đó! Thế tại sao những người như tôi, như các bạn, ở vào cái tuổi được cho là thọ rồi, nhưng đầu óc còn sáng suốt, sức lực còn khoẻ mạnh sao không biết trạch pháp mà tu. Theo tôi, với lòng thiết tha cầu đạo giải thoát thì không thể căn cứ vào tuổi tác, vì giữa cái mê và ngộ đâu có lằn ranh, đâu có xa xôi, đâu có dính dấp gì tới tuổi tác, thành phần xã hội, hay học thức? Mê và ngộ giống như đang sống với chiêm bao chợt giật mình tỉnh giấc mà thôi. Tôi mong các bạn đồng trang lứa với tôi mà lâu nay lừng chừng, do dự, chưa chịu đến với Phật đạo hay ngại ngần, hoặc nghi ngờ về tuổi tác, sức khoẻ, hay trí tuệ không kịp hoặc không đủ để tu chăng? Các bạn đừng lo, có cả một rừng pháp môn tối thắng để các bạn tuỳ ý lựa chọn tu học theo từng phước duyên đặc biệt của mỗi người. Tỉ như trên thế gian có bao nhiêu bệnh, thì đã có sẵn từng bấy nhiêu loại thuốc để chữa khỏi những bệnh ấy. Phật pháp cũng thế, tuỳ căn cơ, trí tuệ, phước đức, duyên nghiệp thấp cao, nặng nhẹ của mỗi người mà có từng pháp tối thắng đối trị tương thích.
Theo kinh nghiệm của tự thân, tôi cho rằng điều cốt lõi để khiến các bạn có tự vượt thoát được chính mình mà thăng hoa, bay bổng hay không là các bạn có niềm tin mãnh liệt vào pháp giải thoát của đức Phật hay không, có nhứt tâm vì cầu thoát khổ trói buộc sanh tử hay không, có vui thích như pháp hành trì hay không. Bằng có cả một đời để tu mà tu giải đãi, hình thức, tự dối lừa, che đậy thì chưa chắc đã hơn người chỉ còn một ngày để tu mà biết hết lòng như pháp hành trì một cách nghiêm túc, đến mất mạng táng thân cũng không biết sợ. Phải một đời hoặc nhiều đời tu mới có thể sáng tỏ tánh biết, nhưng mà một ngày thật tu, một giờ thật tu cũng vẫn có thể thành tựu được công đức ấy, vì pháp Phật nhiệm mầu, vượt quá hạn lượng suy lường tính đếm theo không gian và thời gian, cũng như trí năng của con người.
Do có nhiều bạn đạo gần gũi thân thiết muốn tôi ghi chép lại một cách đại lược con đường đến với Phật pháp của một người được sinh ra trong một gia đình không phải là Phật giáo thuần túy, quá nửa đời người mới biết đến với Phật, cũng như kinh nghiệm tu học mà tôi đã trải qua (sẽ viết lại tỉ mỉ - Con đường đến với Phật pháp) để ai đó trong số những bạn đạo của chúng ta tự thấy có chỗ tương ưng, tương thích thì có thể mượn pháp này để tự làm lợi lạc, tự vượt thoát cái biết sai lầm từ thuở được biết làm người.
Mặc dù học hành ít ỏi, đạo học chẳng có bao nhiêu, nhưng vì cái ơn đối với đạo pháp quá lớn, không phải một đời một kiếp mà có thể trả hết được, nên mới tuỳ thuận nhơn duyên đời này mà viết ra, không ngoài mục đích thiết tha kêu gọi những người đồng trang lứa đừng mặc cảm tuổi tác mà hãy mạnh dạn phát tâm tu trì. Với tôi lúc này, tuy sức khoẻ có kém, phỏng đoán thời gian còn lại ít ỏi nhưng cũng cố gắng viết ra, gọi là chút đền ơn trong muôn một đối với ân sâu ba đời chư Phật vậy.
Bài viết ra là để chìu lòng, thuận ý theo một số bạn bè gần gũi và thân thiết yêu cầu. Và cũng vì là thứ ngôn ngữ tự thuật nên dù cố tránh đến đâu cũng không làm sao không dùng tới cái tiếng "tôi" muôn đời đáng ghét, mà có thể nói ra được. Rất mong được các bạn đạo từ bi hết lòng hỷ xả.
Nam-mô Thường Tinh-Tấn Bồ-tát Ma-ha tát.
(Niềm tri ân sâu thẳm vô bờ, xin gởi về Bổn-sư và Pháp-sư Kính mến)
Nhuận-Bảo