I - Ý Nghĩa và Duyên Khởi:
Phẩm này nói lên sự tích của Vua Diệu Trang Nghiêm là tiền thân của Bồ tát Hoa Đức.
Và công hạnh chuyển hóa tà kiến đối với Vua Diệu Trang Nghiêm của Vương Hậu Tịnh Đức và hai hoàng tử là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn, khiến Vua chuyển đổi tà kiến thành chánh kiến, và hướng tâm đến Phật đạo. Vua đã được đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí khai thị cho kinh Pháp Hoa và vua đã ngộ nhập được Phật tri kiến, nên đã xin xuất gia và tinh tấn tu học, sau đó được đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa thọ ký tương lai thành Phật với danh hiệu là Sa La Thọ Vương, quốc độ tên là Đại Quang, thời kỳ tên là Đại Cao Vương. Ngài có vô lượng Bồ tát và Thanh Văn. Quốc độ của Sa La Thọ Vương là Tịnh độ.
Vương Hậu Tịnh Đức, bấy giờ là Bồ tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng. Hoàng tử Tịnh Tạng lúc bấy giờ là Bồ tát Dược Vương, và hoàng tử Tịnh Nhãn bấy giờ là Bồ tát Dược Thượng.
Bồ tát Hoa Đức, Bồ tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng, Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Dược Thượng, hiện đang có mặt trong đương hội Pháp Hoa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại đỉnh Linh Sơn đã từng là thiện hữu tri thức của nhau và đã từng đưa nhau đi tới Nhất Thừa Đạo vào thời đại của đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí thuở xa xưa.
Như vậy, vị trí của Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự nầy là nói rõ vai trò thiện tri thức đối với kinh Pháp Hoa và đề cao pháp hành Phương tiện Ba La Mật và hiệu quả do pháp hành ấy đem lại.
Ở phẩm Đề Bà Đạt Đa, đức Phật đã nói rõ, Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức Pháp Hoa của Ngài. Phẩm nầy đức Phật nói rõ đức Bồ tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng, Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Dược Thượng là những vị thiện tri thức Pháp Hoa của Bồ tát Hoa Đức.
Thiện tri thức đối với chúng ta có nhiều loại, có những loại đồng giới, đồng học, đồng hành với chúng ta, ở kinh Hoa Nghiêm Bồ tát Phổ Hiền nói với Bồ tát Phổ Tuệ cùng với Đại chúng Bồ tát rằng, Thiện tri thức có mười chủng loại như sau:
- Thiện tri thức là vị có khả năng khiến ta an trú tâm bồ đề.
- Thiện tri thức là vị có khả năng giúp ta tu tập hết thảy căn lành.
- Thiện tri thức là vị có khả năng giúp ta thực hành các Ba la mật rốt ráo.
- Thiện tri thức là vị có khả năng giúp ta phân biệt, giải thuyết hết thảy pháp.
- Thiện tri thức là vị có khả năng giúp ta thành thục và an trú hết thảy chúng sanh.
- Thiện tri thức là vị đầy đủ biện tài, có khả năng giúp ta trả lời mọi nghi vấn. .
- Thiện tri thức là vị có khả năng giúp cho ta không bị mắc kẹt ở nơi các loại sanh tử.
- Thiện tri thức là vị có khả năng giúp ta ở nơi vô lượng kiếp thực hành hạnh Bồ tát không có mệt mỏi.
- Thiện tri thức là vị giúp ta an trú hạnh nguyện hiền thiện cùng khắp.
- Thiện tri thức là vị có khả giúp ta thâm nhập tất cả trí tuệ của Phật.1
Nhưng, Thiện tri thức Pháp Hoa còn sử dụng ứng thân đủ loại thuận nghịch, khi thì làm vợ chồng, thầy bạn, con cháu để tác thành diệu pháp cho ta. Không những xoay chuyển tâm tà của ta về với chánh đạo, mà còn giúp ta phế bỏ phương tiện mà nhắm hướng tới cứu cánh, không ngưng trệ nơi hóa thành mà đi tới bảo sở. Và ngay cả, có khi biểu hiện thân Phật để thọ ký và ấn chứng cho ta thành Phật nữa.
Do đó, Thiện tri thức là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và hoằng truyền kinh Pháp Hoa. Nên, hạnh môn của Bồ tát trong phẩm nầy là Thiện tri thức với phương tiện trí lực.
Duyên khởi của phẩm nầy là đức Phật tự nói về bản môn và hạnh môn Pháp Hoa của các vị Bồ tát như Hoa Đức, Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng, Dược Vương, Dược Thượng cho đại chúng Pháp Hoa ở trong tích môn nghe.
II- NỘI DUNG CHỦ YẾU:
Nội dung chủ yếu của phẩm nầy là nói về Phương tiện bản môn và bản hóa của Bồ tát.
Và trong mười Ba La Mật của Bồ tát, phẩm nầy đề cao sự thực hành Phương tiện Ba La Mật.
Phương tiện Ba La Mật ở phẩm nầy là đề cao thần lực:
1- Sử Dụng Thần Lực:
Kinh nói: “Bấy giờ hai vương tử là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn đến nơi mẹ chấp tay thưa rằng: xin mẹ đi đến chỗ đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, chúng con xin đi theo thân cận hầu hạ mẹ và để được cúng dường lễ bái Ngài. Tại vì sao? Vì Ngài đang ở giữa hết thảy chư thiên, loài người diễn giảng kinh Pháp Hoa. Chúng ta cần phải đến đó để lắng nghe và tiếp nhận”.
Vương Hậu bảo hai vương tử rằng, phụ thân của hai con tin tưởng và thọ giáo theo ngoại đạo, kẹt sâu vào pháp của Bà La Môn. Các con hãy đến thưa với phụ thân để Người cùng đi.
Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn chấp tay thưa với mẹ rằng: Chúng con là con của đấng Pháp Vương, vậy mà lại sinh vào nhà kiến thức sai lầm nầy.
Vương Hậu bảo, các con phải thương phụ thân của các con mà biểu hiện thần thông biến hóa. Nếu phụ thân các con thấy được, tâm phụ thân của hai con chắc chắn thanh tịnh và chấp nhận cho tất cả chúng ta cùng đi đến chỗ Phật.
Bấy giờ hai người con nghĩ đến thân phụ, liền vọt lên không gian, cao độ bảy cây Đa La, biểu hiện các loại thần thông biến hóa. Đi, đứng, nằm, ngồi ở trên hư không. Trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa. Hoặc biểu hiện thân lớn đầy khắp cả không gian, rồi lại hiện nhỏ, nhỏ lại hiện lớn, ẩn mất ở trong không gian, lại hiện ra trên mặt đất. Vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất. Hai vương tử biểu hiện nhiều loại thần biến như vậy là khiến cho tâm trí của phụ vương tin hiểu một cách trong sáng” 2.
Đối với luật tạng Thanh Văn, Tỷ khưu đi hoằng hóa không được sử dụng thần thông. Nhưng, đối với kinh Pháp Hoa, phẩm nầy lại đề cao việc sử dụng thần lực.
Tại sao? Tại vì giới luật Thanh Văn nhắm tới phòng phi, chỉ ác cho tự thân, và đề cao về mặt tự giác, nên việc biểu hiện thần lực không phải là điều cần thiết. Nhưng, đối với Bồ tát Thừa, không những chỉ nhắm tới phòng phi, chỉ ác cho bản thân mà còn đề cao về mặt giác tha, nên có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào, để đánh thức và khai thị Phật tính cho chúng sanh ngộ nhập là Bồ tát đều có thể sử dụng.
Thần thông mà Bồ tát sử dụng là thuộc về Phương tiện trí lực. Trí lực nầy là do Bồ tát tu tập Trì giới Ba La Mật, Thiền định Ba La Mật và Trí tuệ Ba La Mật mà thành tựu.
Nên, thần lực ấy là thần lực sinh khởi từ Giới - Định - Tuệ của Bồ tát, cộng với Từ bi và Nguyện lực của các Ngài, trong hạnh nguyện độ sinh. Vì muốn chuyển hóa tà tâm, tà kiến của chúng sanh mà biểu hiện thần lực, chứ không phải biểu hiện thần lực vì danh dự hay lợi dưỡng.
Và quan trọng hơn hết, Bồ tát sử dụng phương tiện thần lực là để khai thị Phật tính cho chúng sanh và giúp họ ngộ nhập Phật tính, hội nhập Nhất Thừa.
2- Hiệu Quả Của Phương Tiện Thần Lực:
2/1. Xin được xuất gia:
Với hiệu quả nầy, kinh nói:
“Bấy giờ phụ vương thấy thần lực của hai con như vậy, tâm rất hoan hỷ được sự chưa từng có, liền chấp tay hướng đến hai con mà hỏi: Thầy của hai con là ai? Hai con là đệ tử của vị nào?
Hai vương tử thưa với phụ vương rằng, đức Như Lai Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, hiện nay đang ngồi trên pháp tòa bảy báu dưới cội Bồ đề, ở giữa chư thiên và nhân loại để tuyên thuyết kinh Pháp Hoa một cách rộng rãi, Ngài là Thầy của chúng con, chúng con là đệ tử của Ngài.
Phụ vương nói với các vương tử rằng: Ta muốn diện kiến Thầy của các con. Chúng ta nên cùng đi.
Hai vương tử từ hư không bước xuống, đến chỗ của mẹ chấp tay mà thưa mẹ rằng, phụ vương nay đã tin hiểu, đủ khả năng phát tâm Vô thượng Bồ đề. Chúng con đã vì cha làm Phật sự xong. Xin mẹ chấp thuận cho chúng con được xuất gia tu tập học đạo với đức Phật.
Bấy giờ hai vương tử trình bày lại ý nguyện của mình bằng thi kệ như sau:
“Xin mẹ cho chúng con
xuất gia làm Sa Môn
chư Phật rất khó gặp
chúng con theo học Phật
như hoa Ưu Đàm Bát
gặp Phật lại khó hơn
thoát tai nạn cũng khó
xin cho con xuất gia”.
Vương Hậu liền nói lên lời chấp nhận cho hai vương tử xuất gia, vì sao? Vì Phật khó gặp vậy.
Hai vương tử liền thưa với Phụ hoàng và Mẫu hậu rằng, thật hạnh phúc thay, thưa Phụ hoàng và Mẫu hậu! Xin Phụ hoàng và Mẫu hậu đi liền đến chỗ của đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí để thân cận, cúng dường. Vì sao? Vì Phật khó gặp, cũng giống như sự hiếm có của hoa Ưu Đàm; lại hiếm có như rùa một mắt mà cổ của nó chui vào được lỗ hổng của tấm ván trôi dạt trên biển cả.
Chúng con nhờ phước đức sâu dày đời trước sinh ra gặp Phật và pháp của Ngài, nên xin cha mẹ chấp thuận cho chúng con xuất gia. Vì sao? Vì chư Phật khó gặp mà thời gian để gặp lại càng khó hơn” 3.
Xuất gia là điều kiện tốt nhất để tu học và làm các Phật sự.
Tu học trong đời sống xuất gia thì không có điều kiện hoặc có ít điều kiện để cho tham ái sinh khởi. Và làm Phật sự trong đời sống xuất gia thì không bị mọi sự thiên ái trói buộc, nên làm các Phật sự có hiệu quả rất cao.
2/2 Hiệu quả của sự chuyển hóa:
Kinh nói:“Bấy giờ Vua Diệu Trang Nghiêm cùng quần thần, quyến thuộc, Tịnh Đức Phu nhân, với các thể nữ quyến thuộc ở hậu cung, hai vương tử, cùng bốn vạn hai ngàn người đều đồng một lúc đi đến chỗ Phật.
Đến rồi, mọi người đều kính lễ đức Phật, đi nhiễu ba vòng. Xong, bước lui đứng về một phía.
Bấy giờ đức Phật đã vì Vua Diệu Trang Nghiêm mà thuyết pháp, chỉ bày, giáo huấn, khiến Vua tùy hỷ lợi ích. Vua đã vui mừng và rất hoan hỷ” 4.
Đây là kinh diễn bày sự chuyển hóa bước đầu của Vua Diệu Trang Nghiêm, qua sự thuyết pháp của đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, những hạt giống tà kiến sâu dày của Bà La Môn trong Vua đã chuyển hướng đi về phía chánh kiến, tức là đi về phía của Pháp Hoa. Đức tin Đại thừa bắt đầu trỗi dậy. Đức tin ấy được thể hiện qua sự ly tham, ly chấp thủ của Vua. Nên, Vua đã cởi chuỗi ngọc trân châu đang mang nơi cổ với giá trị cả trăm ngàn, tung lên trên đức Phật.
2/3 Thành Tựu Đức Tin Và Được Ấn Chứng:
Bấy giờ đức tin Pháp Hoa của Vua Diệu Trang Nghiêm thành tựu, nên chuỗi ngọc trân châu của Vua tung lên trên đức Phật đã trở thành phép lạ, hay diệu pháp như kinh nói:
“Ở trong không trung, ngọc ấy đã chuyển hóa trở thành đài báu bốn trụ. Trong đài có giường báu lớn, trải trăm ngàn vạn thứ vải của chư thiên. Trên giường báu ấy có đức Phật ngồi kiết già, phóng ra ánh sáng vĩ đại.
Bấy giờ Vua Diệu Trang Nghiêm liền nghĩ, thân Phật thật hiếm có, đoan nghiêm, rất đặc biệt, thành tựu sắc tướng mầu nhiệm tinh anh số một” 5.
Đây là phần nói về sử dụng Phương tiện trí lực của Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí để yểm trợ đức tin Pháp Hoa cho Vua Diệu Trang Nghiêm, khiến cho Vua thành tựu đức tin ấy. Và Vua Diệu Trang Nghiêm thành tựu đức tin Pháp Hoa là do tâm Vua buông xả danh lợi.
Nên, thâm ý của đoạn kinh nầy, khai thị cho ta thấy rằng: buông xả danh lợi ở đâu thì Phật hiện ra ở đó. Và Phật hiện ra ở đâu thì sự trang nghiêm và phước báu cũng hiện ra ở đó.
Buông xả danh lợi là Pháp bảo, và từ nơi Pháp bảo mà hiện ra Phật bảo.
Phật bảo, Pháp bảo là căn bản để Tăng bảo sinh khởi. Vua Diệu Trang Nghiêm xem thường ngôi vua là xả danh, cởi vòng trân châu nơi cổ mà tung ra ngoài là xả lợi. Nên, sau khi đã thực hành pháp xả bỏ danh lợi như vậy, nên không những vua thấy được Phật thân hiện ra bên ngoài đầy đủ phước tướng trang nghiêm mà Phật tính trong Vua cũng đã hiển lộ, và Vua đã được đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, ấn chứng sẽ xuất gia làm thành viên chính thức của Tăng bảo, và đã được Ngài thọ ký thành Phật trong tương lai.
Như kinh nói: “Bấy giờ đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, gọi bốn chúng đệ tử mà bảo rằng: Quý vị có thấy Vua Diệu Trang Nghiêm đang đứng chắp tay trước Như Lai không? Vị hoàng đế nầy ở trong giáo pháp của Như Lai sẽ làm vị Tỷ khưu tinh cần tu tập, hỗ trợ đạo pháp của Như Lai, và sẽ thành Phật hiệu là Ta La Thọ Vương 6, quốc độ tên là Đại Quang, thời đại tên là Đại Cao Vương. Đức Phật Ta La Thọ Vương ấy, có chúng Bồ tát vô lượng và vô lượng Thanh Văn, cõi nước bằng phẳng. Công đức của Vua Diệu Trang Nghiêm sẽ là như vậy” 7.
3/ Ngộ Nhập Phật Tri Kiến:
Vua Diệu Trang Nghiêm sau khi đã được đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, khai thị Phật tri kiến và nói rõ con đường ngộ nhập cũng như thành quả của Vua trong tương lai. Nên, Vua đã bắt đầu dấn thân vào con đường ngộ nhập Phật tri kiến. Kinh nói như sau:
“Vua Diệu Trang Nghiêm, tức khắc đem quốc chính giao phó cho em, rồi cùng với phu nhân, hai hoàng tử, và những người thân thuộc xuất gia tu tập đạo pháp ở trong giáo pháp của Phật.
Sau khi xuất gia, Vua Diệu Trang Nghiêm, trải qua tám vạn bốn ngàn năm nỗ lực thường xuyên thực hành theo kinh Pháp Hoa.
Trải qua thời gian ấy, thành tựu thiền định trang nghiêm, bằng tất cả công hạnh thanh tịnh, liền bay lên hư không cao bảy cây Đa La mà thưa với đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, hai con của con đã làm Phật sự của Phật, dùng thần thông biến hóa, làm thay đổi tâm tà của con, khiến cho con được an trú trong giáo pháp của Phật, và được diện kiến Thế Tôn.
Hai người con nầy là Thiện tri thức của con, muốn làm sống dậy gốc rễ tốt đẹp từ đời trước của con, để làm lợi ích cho con, nên đã sinh vào gia đình của con” 8.
Đây là nói lên phần tin và hiểu của Vua đối với sự khai thị ngộ nhập Phật tri kiến qua những phương tiện trí của các bậc Thiện tri thức.
Và sự tin hiểu nầy của Vua đã được đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí ấn chứng như sau:
“Bấy giờ, đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí gọi Vua Diệu Trang Nghiêm mà bảo rằng: Đúng như vậy, đúng như vậy, đúng như lời ông nói. Nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào, biết gieo trồng gốc rễ tốt đẹp, thì đời đời họ gặp Thiện tri thức. Những Thiện tri thức ấy, có khả năng thực hiện công việc của chư Phật, chỉ bày giáo dục làm cho tùy hỷ lợi ích, khiến tất cả đều nhập vào Tuệ giác vô thượng.
Này đại vương! Người nên biết rằng, Thiện tri thức là nhân duyên lớn lao, cảm hóa, dẫn dắt khiến cho ông thấy được Như Lai, phát tâm Vô thượng bồ đề.
Này đại vương! Người có thấy hai người con nầy không? Hai người con nầy đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm ngàn vạn ức vô số hằng hà sa chư Phật. Ở nơi chư Phật ấy, họ đã tiếp nhận, duy trì kinh Pháp Hoa, thương xót chúng sanh hiểu biết sai lầm mà khiến cho chúng sanh an trú ở trong sự hiểu biết chân thật” 9.
Ở đoạn nầy, đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, không những ấn chứng cho sự tin hiểu của Vua Diệu Trang Nghiêm đối với vai trò cực kỳ quan trọng của Thiện tri thức đối với con đường khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh, khiến cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, mà còn nêu rõ nhân duyên được gặp Thiện tri thức là do nhiều đời đã gieo trồng căn lành, và lại còn nêu rõ bổn sự tu tập và hoằng truyền Kinh Pháp Hoa của hai vị vương tử nữa.
Như vậy, ta thấy rằng, phẩm kinh nầy không những chỉ đề cập đến bổn sự của Vua Diệu Trang Nghiêm, mà còn đề cập đến bổn sự của hoàng hậu và hai vương tử thuộc về phần hạnh môn của bản môn nữa.
Và, đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong đại chúng tại đỉnh Linh Sơn, lại nói về bổn sự của tích môn thuộc bản môn của các vị Bồ tát đang hiện diện nghe kinh Pháp Hoa tại Linh Sơn.
“Bổn sự của Hoa Đức Bồ tát chính là Vua Diệu Trang Nghiêm; bổn sự của Bồ tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng là Tịnh Đức phu nhân; bổn sự của Bồ tát Dược Vương là Tịnh Nhãn vương tử; bổn sự của Bồ tát Dược Thượng là Tịnh Tạng vương tử”.
Trong quá khứ, ở thời đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, các Bồ tát Hoa Đức, Quang Chiếu Trang Nghiêm, Dược Vương và Dược Thượng đã là những bậc Thiện hữu tri thức của nhau, không những là ngoại hộ, đồng hành, giáo thọ mà còn là Thiện tri thức của thực tướng Pháp Hoa nữa.
Bồ tát nguyện làm bậc Thiện tri thức với mọi người và mọi loài là để khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho hết thảy họ, bằng hết thảy mọi phương tiện thuận, nghịch, thực tế và siêu việt. Thiện tri thức chân thật và vĩ đại là Thiện tri thức giúp cho chúng sanh đạt đến Thực tướng Pháp Hoa.
Như vậy, Thiện tri thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tu tập Nhất thừa đạo của chúng ta, yểm trợ cho chúng ta bỏ tà quy chánh, bỏ vọng tầm chơn, giúp ta vượt ra khỏi tâm lượng nhỏ nhoi mà nhập cùng pháp giới tính chân thực, giúp ta vượt ra khỏi tâm thiên chấp mà thành tựu viên mãn Đại bồ đề.
Nên, khi thực hành Bồ tát Đạo, Bồ tát luôn luôn ước nguyện gần gũi, gặp gỡ và phụng sự để học tập đối với Thiện tri thức, như những ước nguyện của Bồ tát Kim Cang Tràng ở trong kinh Hoa Nghiêm như sau:
1-Nguyện tất cả chúng sanh không xả bỏ sự biết ân và báo ân đối với các Thiện tri thức Bồ tát.
2-Nguyện tất cả chúng sanh đồng nghĩa, đồng nhiếp thủ, đồng bản chất thiện căn đối với Thiện tri thức.
3-Nguyện tất cả chúng sanh thân cận, tôn trọng, cúng dường các Thiện tri thức; theo Thiện tri thức mà buông bỏ tất cả.
4-Nguyện tất cả chúng sanh được tâm chân thực, ngay thẳng theo Thiện tri thức không có xa lìa.
5-Nguyện tất cả chúng sanh thường gặp Thiện tri thức không trái lời giáo huấn.
6-Nguyện tất cả chúng sanh được tâm chân thực, ngay thẳng, không bỏ Thiện tri thức, vững chãi rời xa tất cả tâm cấu uế.
7-Nguyện tất cả chúng sanh vì Thiện tri thức, không trái lời giáo huấn, buông bỏ tất cả không tiếc thân mạng.
8-Nguyện tất cả chúng sanh được Thiện tri thức nhiếp thọ, tu tập hạnh đại từ bi xa lìa các điều ác.
9-Nguyện tất cả chúng sanh thuận theo Thiện tri thức nghe chánh pháp của Phật và có khả năng thọ trì.
10-Nguyện tất cả chúng sanh đồng thiện căn, đồng nghiệp báo, đồng Bồ tát hạnh nguyện, trọn vẹn, bình đẳng thanh tịnh hoàn toàn.10
Thiện tri thức giúp ta thành tựu Tuệ giác tối thượng, nên ở kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Kim Cang Tràng có mười ước nguyện như trên, khiến cho tất cả chúng sanh thành tựu nhiều lợi ích. Và lợi ích hơn tất cả là nhờ Thiện tri thức mà ta thể nhập được Thực tướng Pháp Hoa, thành tựu Nhất Thừa Đạo. Nên, chủ yếu của Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự nầy là nói về vai trò Thiện tri thức Pháp Hoa hay Thực tướng Thiện tri thức.
III-PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH:
Ở phẩm nầy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói phương pháp tu học của hai vị Vương tử Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng cho thính chúng Pháp Hoa tại Linh Sơn nghe rằng:
“Hai vương tử có đại thần lực, phước đức trí tuệ, đã thực hành Bồ tát đạo lâu xa, như bố thí hoàn mãn, trì giới hoàn mãn, nhẫn nhục hoàn mãn, tinh tấn hoàn mãn, thiền định hoàn mãn, trí tuệ hoàn mãn, phương tiện hoàn mãn, từ, bi, hỷ, xả cho đến ba mươi bảy thành phần của Chánh đạo và Trợ đạo, cũng đều thông đạt thấu suốt.
Hai vị vương tử nầy, còn thành tựu được các thứ thiền định của Bồ tát như: Định Vô Nhiễm (Tịnh Tam Muội), Định Mặt Trời và Tinh Tú (Nhật Nguyệt Tinh Tú Tam Muội), Định Ánh Sáng Thanh Tịnh (Tịnh Quang Tam Muội), Định Sắc Tướng Thanh Tịnh (Tịnh Sắc Tam Muội), Định Chiếu Sáng Thanh Tịnh (Tịnh Chiếu Minh Tam Muội), Định Trang Nghiêm Lâu Dài (Trường Trang Nghiêm Tam Muội), Định Kho Tàng Uy Đức Vĩ Đại (Đại Oai Đức Tạng Tam Muội), đối với các loại thiền định trên đây hai vị ấy đều thông đạt tất cả” 11.
Như vậy, ta thấy các pháp môn tu tập ở phẩm nầy đề cập đều đầy đủ cả Thanh văn thừa và Bồ tát thừa.
Pháp môn chính yếu của Thanh văn thừa thực hành là ba mươi bảy thành phần của Chánh đạo và Trợ đạo, thuộc Đạo Đế của Tứ Thánh Đế .
Pháp môn chính yếu của Bồ tát thừa là Lục độ hay sáu pháp hành hoàn mãn của con đường Bồ tát.
Đạo Đế không những là pháp hành căn bản của Thanh văn thừa mà còn là của Bồ tát thừa nữa.
Nếu không thực hành Đạo Đế thì Lục độ của Bồ tát không có điều kiện để sinh khởi và thành tựu.
Nên, không có vị Bồ tát nào mà không kinh qua và thông suốt đối với Đạo Đế hay là Ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Trong Bát chánh đạo của Đạo Đế có Chánh kiến, Chánh tư duy là chất liệu căn bản tu tập để Bồ tát thành tựu Trí tuệ Ba la mật, hay Tuệ giác giải thoát hoàn toàn. Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng là những chất liệu căn bản tu tập để Bồ tát thành tựu Bố thí Ba la mật, Trì giới Ba la mật, Nhẫn nhục Ba la mật, hay Giới giải thoát hoàn toàn .
Và, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định là những chất liệu căn bản tu tập để Bồ tát thành tựu Tinh tấn Ba la mật, Thiền định Ba la mật, hay là Định giải thoát.
Bồ tát thực hành Phương tiện trí, hay Phương tiện Ba la mật để độ đời, để tuyên dương kinh Pháp Hoa, khai thị Phật tri kiến cho chúng sanh ngộ nhập, đều xuất phát từ Trí tuệ Ba la mật. Và Trí tuệ Ba la mật là sự phát triển của Chánh kiến và Chánh tư duy đến chỗ toàn hảo và cùng đích.
Bồ tát thực hành Thiền định Ba la mật làm sinh khởi Trí Ba la mật, Nguyện Ba la mật và Lực Ba la mật. Các Ba la mật nầy sinh khởi từ Thiền định Ba la mật là để độ đời, là để khai thị Phật tri kiến của chúng sanh cho chúng sanh ngộ nhập.
Trí, Nguyện và Lực là do sự thành tựu và phát triển hoàn hảo của Thiền định Ba la mật.
Và Trí, Nguyện và Lực Ba la mật là sự phát triển của Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng đến chỗ hoàn hảo và cùng đích.
Như vậy, Trí, Nguyện, Lực và Thiền định Ba la mật là sự phát triển hoàn hảo và cùng đích của Chánh niệm và Chánh định.
Hai vương tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn do tu tập thành tựu Đạo Đế gồm Ba mươi bảy thành phần của Chánh đạo và Trợ đạo mà sinh khởi Lục độ, sinh khởi Tứ Vô lượng tâm và các loại thiền định như:
Định Vô Nhiễm, Hán gọi là Tịnh Tam Muội:
Tâm Bồ tát luôn luôn ở trong thiền định, nên mọi ái nhiễm không sinh, gọi là Tịnh Tam Muội, hay là Định Vô Nhiễm.
Định Mặt Trời và Tinh Tú, Hán gọi là Nhật Tinh Tú Tam Muội:
Do tâm của Bồ tát an trú sâu ở trong thiền định, nên trí tuệ chân thật của Bồ tát bừng lên sáng chói như mặt trời, và phương tiện trí của Bồ tát biểu hiện vô số ánh sáng thiện xảo và dẫn đường cho chúng sanh thể nhập Phật trí. Do đó, gọi là Định Mặt Trời và Tinh Tú.
Định Ánh Sáng Thanh Tịnh, Hán gọi là Tịnh Quang Tam Muội:
Do tâm Bồ tát thường an trú ở trong thiền định, nên biết rõ tự tánh của mình, tự tánh của chúng sanh và tự tánh của hết thảy pháp xưa nay vốn vắng lặng mà hằng chiếu soi, nên gọi là Định Ánh Sáng Thanh Tịnh.
Định Sắc Tướng Thanh Tịnh, Hán gọi là Tịnh Sắc Tam muội:
Do Bồ tát tu tập thành tựu giới đức thanh tịnh, định đức thanh tịnh và tuệ đức thanh tịnh, nên có khả năng thành tựu báo thân thanh tịnh và báo thân ấy có thể tùy theo cơ cảm của chúng sanh mà biểu hiện sắc tướng tương ứng và thanh tịnh để hoá độ, để dìu dắt, khiến cho đối tượng được hóa độ, thay đổi tà kiến hướng về Chánh kiến, chuyển đổi tâm hạn hẹp hướng về tâm rộng lớn, nhằm ngộ nhập Phật tri kiến.
Định Chiếu Sáng Thanh Tịnh, Hán gọi là Tịnh Chiếu Minh Tam Muội:
Bồ tát do tu tập thiền định, đình chỉ hết thảy phiền não vận hành ở trong tâm thức, nên tâm luôn luôn thường trú trong sự an tịnh. Từ bản tâm thanh tịnh ấy, Bồ tát khởi lên tuệ giác quán chiếu để thấy rõ thực tướng vạn hữu. Bồ tát quán chiếu vạn hữu từ tuệ giác thanh tịnh, nên gọi là Định Chiếu Sáng Thanh Tịnh.
Định Trang Nghiêm lâu dài, Hán là Trường Trang Nghiêm Tam Muội:
Bồ tát thành tựu loại thiền định nầy, thì sự trang nghiêm của Bồ tát về y báo và chánh báo không còn bị hủy diệt. Bồ tát tu tập đạt tới thiền định nầy, thì sự trang nghiêm của Bồ tát được biểu hiện từ tự tánh thanh tịnh, tốt đẹp của thiện pháp, nên sự trang nghiêm ấy không bao giờ bị hủy diệt bởi các duyên.
Định Kho Tàng Uy Đức Vĩ Đại, Hán là Đại Uy Đức Tạng Tam Muội:
Bồ tát do tu thập thiền định, thành tựu và nắm giữ hết thảy thiện pháp, diệt tận hết thảy ác pháp, nên không còn sợ hãi đối với bất cứ một ác pháp nào và thường có khả năng nhiếp phục hết thảy ác pháp, do đó gọi là Định Kho Tàng Uy Đức Vĩ Đại.
Bảy loại thiền định nầy được biểu hiện từ Thiền định Ba la mật. Nếu không thành tựu Thiền định Ba la mật, thì các loại thiền định ở trên không do đâu mà hiện khởi. Các loại thiền định ấy chỉ là những biểu hiện của Thiền định Ba la mật (thiền định hoàn mãn), nhưng tùy theo tác dụng mà gọi tên.
Bồ tát tu tập và thành tựu các loại thiền định nầy là để tự thân ngộ nhập Phật tri kiến, thấy rõ thực tướng của vạn hữu không ra ngoài “Mười như thị”. Và đồng thời là để chuyển hóa tâm mê muội, tà kiến của chúng sanh, xoay về nơi Nhất thừa Phật đạo.
Sử dụng thần lực để hóa độ chúng sanh, các kinh điển A hàm và Nikàya rất ít đề cập; luật tạng thì hạn chế các tỷ khưu tu tập đạt được thần thông, không sử dụng pháp nầy để hóa độ, vì lậu tận chưa đoạn sạch nên sợ sinh khởi hạt giống danh lợi.
Nhưng, ở kinh Pháp Hoa việc sử dụng thần lực để hóa độ chúng sanh lại được đề cập ở phẩm Như Lai Thần Lực và ở phẩm Vua Diệu Trang Nghiêm nầy, là để nói lên Phương tiện trí của Phật và Bồ tát trong việc giáo hóa chúng sanh và nhất là truyền bá kinh Pháp Hoa, nhằm khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh của các Ngài là bất khả tư nghì.
Sử dụng bất cứ phương tiện nào mà có khả năng làm thay đổi tà tâm, tà kiến của chúng sanh, và dìu dắt họ trở về với Bồ đề tâm, với chánh kiến, với chánh đạo với Nhất thừa Phật đạo, thì các Ngài đều có thể sử dụng cả.
Vì sao? Vì trong tự thân Phương tiện trí của Bồ tát và Phật, đều là Phật trí và đều là trên đường hội nhập Phật trí.
Đó là đặc điểm pháp hành của kinh Pháp Hoa và của phẩm kinh nầy.
Như vậy, Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự nầy, kinh Pháp Hoa đã đề cao Phương tiện trí lực và Thực tướng Thiện tri thức của Bồ tát đạo đối với con đường khai thị ngộ nhập Phật tri kiến của Nhất Thừa. Và Thiện tri thức đích thực là người có khả năng hay có đầy đủ mọi phương tiện giúp ta thành tựu Nhất Thừa hay Phật Thừa vậy.
Thiện tri thức đóng vai trò trong đời sống gia đình và xã hội hết sức quan trọng. Nếu Tịnh Đức phu nhân và hai hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn không từng là hành giả Pháp Hoa, không có nội chúng với đầy đủ phương tiện trí lực của Pháp Hoa và không từng có phát khởi đại nguyện Pháp Hoa, thì không thể nào chuyển đổi tâm tà kiến của Vua Diệu Trang Nghiêm đi về hướng ánh sáng của giác ngộ.
Vua Diệu Trang Nghiêm là tiêu biểu cho con người nắm quyền lực của gia đình và xã hội. Người nắm quyền lực dù ở vị trí lớn hay nhỏ, đời sống và mọi hành xử của họ đều liên hệ đến hạnh phúc hay khổ đau của nhiều người và danh dự của họ là danh dự của nhiều người.
Nếu người nắm quyền lực ấy có đời sống tâm linh cạn mỏng, cách nhìn sai lạc về cuộc sống, thì mọi quyết định và hành xử của họ cực kỳ nguy hiểm cho gia đình và xã hội.
Bởi vậy, Phẩm Vua Diệu Trang Nghiêm của kinh Pháp Hoa đã cho ta nhìn thấy sự hệ trọng của đời sống tâm linh trong gia đình cũng như xã hội, và vai trò của Thiện tri thức trong đời sống ấy.
Trong một gia đình mà có nhiều xu hướng tôn giáo, chắc chắn gia đình đó không an ổn và trong một xã hội người nắm quyền lực có niềm tin tôn giáo cạn mỏng không trong sáng hay không có cách nhìn trong sáng về niềm tin tôn giáo sẽ đưa xã hội đi đến chỗ hỗn loạn, vô trật tự.
Do đó, vai trò Thiện tri thức là vai trò đồng sự để giúp cho mọi người trong gia đình và xã hội, có cách nhìn chính xác về những gì trong đời sống của chính họ và chung quanh họ. Nên, vai trò ấy, nó quan trọng, hữu ích và thiết thực đến chừng mức nào.
Phẩm kinh Pháp Hoa nầy đã hiến tặng cho ta rất nhiều cách nhìn quý báu về đời sống tâm linh của gia đình, xã hội và tôn giáo, mà chúng ta cần phải suy ngẫm một cách sâu xa về nhiều mặt, để rút ra bài học quý báu cho chính bản thân, gia đình và cho cả thời đại của chúng ta.
Thích Thái Hòa
1 Hoa Nghiêm Kinh 36, Ly Thế Gian Phẩm, Hán, Phật Đà Bạt Đà La, tr 633A, Đại Chính 9.
2 Diệu Pháp Liên Hoa Kinh7, La Thập, tr 59 C – 60 A, Đại Chính 9.
3 Diệu Pháp Liên Hoa Kinh7, La Thập, tr 60A, Đại Chính 9.
4 Kinh đã dẫn như trên, tr 60B.
5 Kinh đã dẫn như trên.
6 Sālendrajāra =Ta La Thọ Vương: Ta la là kiên cố, thọ là cây, vương là vua. Ta La Thọ Vương là vua của các loài cây đứng vững chãi.
7 Kinh đã dẫn như trên, tr 60B, Đại Chính 9.
8 Kinh đã dẫn, tr 60B-C, Đại Chính 9.
9 Kinh đã dẫn, tr 60C, Đại Chính 9.
10 Hoa Nghiêm Kinh16, Hán, Phật Đà Bạt Đà La, tr 503A, Đại Chính 9.
11 Diệu Pháp Liên Hoa Kinh7, Hán, La Thập, tr 59C, Đại Chính 9.
http://www.quangduc.com/tapsan/38tsnghiencuu194.html