Đêm rằm tháng 10 năm Kỷ Sửu (2009) là một đêm rằm thật tuyệt diệu, thật diệu kỳ. Trước 8h tối thì mây mù kéo nhau từng đàn bao phủ, che kín trăng tuy nhiên sau đó mây tan dần và sau đó là trăng hiển lộ thật rõ ràng, không gợn chút mây trong một không gian tỏa sáng rộng trên bầu trời. Trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ đến tăng thân Bát Nhã như ánh trăng đã bị mây che và có một ước mong lớn nhất là mây sẽ tan dần nhanh cho ánh sáng tỏa rạng, để mọi người và mọi loài cùng hưởng lợi hành. Khổ đau nào cũng sẽ đi qua, khó khăn nào cũng có giải pháp, trời sẽ quang, mây sẽ tạnh, vấn đề là chúng ta có niềm tin lớn, có phương pháp đúng và đủ kiên nhẫn hay không mà thôi. Giây phút này niềm bình an trong tôi quá lớn và tôi không thể diễn tả được nó bằng lời. Đêm nay tại không gian nhiều sắc màu của Tokyo, tôi đã có cơ hội ngắm trăng, thiền trăng, trao nhau tình bằng, tình hiểu-thương cùng niềm biết ơn sâu nặng đến với trăng cùng mọi người, mọi loài và mọi vật. Nhờ có trăng, có mọi người, mọi loài, mọi vật mà ta biểu hiện và có mặt hôm nay.
Bốn câu thơ sau được ra đời trong bối cảnh đang nằm thiền trăng bên cạnh hồ cá tại công viên của trường (Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo), giây phút mà tôi có cơ hội thấu cảm được tất cả sự vi diệu của vũ trụ, của các âm thanh-bản nhạc giao hưởng nhiệm màu kết nối quá khứ đến tương lai ngay trong giây phút hiện tại:
“Trăng tròn thị hiện đêm nay
Từng đàn cá lội dưới này vui trăng
Khắp nơi đón hội chị Hằng
Ta đây chị đó tình bằng trao nhau”
Nhìn kỹ ta đã thấy rõ rằng ta với trăng không khác không hai và không một. Trăng như một người chị dịu hiền, như một người mẹ vĩ đại, như một đấng thiêng liêng có mặt cho ta từ khi chưa biểu hiện đến nay và ngay sau khi ta không còn biểu hiện trên cuộc đời này nữa. Không có trăng sẽ không có ta, trăng có trong ta và ta có trong trăng, ta đã tiếp xúc được với trăng trên phương diện bản thể của không sinh không diệt, không đến không đi.
Ta ngộ ra rằng đây là điều mà trong truyền thống Ki tô giáo gọi là tình yêu của ta với Thiên chúa, của Đức Chúa trời, tình yêu theo chiều thẳng đứng, tình yêu ở nước Chúa. Trong truyền thống của đạo Bụt gọi là tình yêu trong bản môn (bản môn xuân ấy còn nguyên vẹn), tình yêu ở Niết Bàn, ở Tịnh độ. Ta đã ngộ rõ rằng bất kể tên gọi là gì: Nước Chúa, Thiên Đường, Tịnh Độ, Niết Bàn, Cõi Hạnh Phúc,… có ngay trong giờ phút hiện tại và hiện tại là cơ hội duy nhất để ta có thể tiếp xúc với nó ở ngay trong ta và ngoài ta.
Nhờ trăng sáng tỏ mà qua đây ta cũng tiếp xúc, nhận gửi những năng lượng hiểu-thương đến với mọi người, mọi loài, mọi vật xung quanh và vượt biên giới, vượt không gian vô cùng và thời gian vô tận. Đây là điều mà trong truyền thống Ki tô giáo gọi là tình yêu của ta với đồng loại, với anh chị em tức tình yêu theo chiều ngang, yêu anh chị em tức là yêu Chúa. Trong truyền thống của đạo Bụt gọi là tình yêu trong tích môn. Ở tích môn thì có sinh có diệt, có khổ đau và hạnh phúc, có rác và hoa, tuy nhiên người yêu giỏi là người biết cách, biết phương pháp để chuyển khổ đau thành hạnh phúc nơi mình và nơi người một cách nhanh nhất, giữ hạnh phúc được lâu nhất giống như người làm vườn giỏi biết cách chuyển rác thành hoa một cách nhanh chóng, biết cách giữ cho hoa được ở lại lâu. Sống hạnh phúc, tiếp xúc được điều nay ngay bây giờ hay Không bao giờ?, Now or Never? đây là câu hỏi và thách thức lớn nhất trong mỗi người chúng ta.
Kỷ niệm đêm rằng tháng 10.
Kỷ niệm Lễ tạ ơn và Mùa vọng thứ nhất năm C.
(Tokyo, ngày 1.12.2009)
Nguyễn Huỳnh Thuật
(langmai.org)