NGUỒN GỐC CỦA TRUYỀN THỐNG ÐẠI THỪA

Phải nói ngay từ đầu rằng, vì tính chất rộng lớn của truyền thống Ðại Thừa, chúng ta không thể hy vọng gì nhiều hơn là giới thiệu khuynh hướng chính của truyền thống này trong khoảng một vài chương. Tuy nhiên, bất chấp đến những khuynh hướng cá nhân hay sự ràng buộc đối với bất kỳ một truyền thống nào trong những truyền thống Phật Giáo, chúng ta phải công nhận một thực tế là Ðại Thừa đã đóng góp rất nhiều vào tư tưởng và văn hóa Phật Giáo. Nó đã sản sinh ra nền văn chương rộng lớn, nhiều công trình mỹ thuật, và nhiều kỹ thuật khác biệt cho việc phát triển cá nhân. Nhiều nước khắp Á Châu chịu ảnh hưởng của Ðại Thừa, và mặc dù truyền thống này không được chú ý bởi những học giả hiện đại so sánh với truyền thống Nguyên Thủy, nhưng hiện có sự quan tâm to lớn đến văn hóa, triết lý Ðại Thừa và Bồ Tát Ðạo. Cho nên chúng ta nên dành tám chương để nhìn vào nguồn gốc và sự phát triển truyền thống Ðại Thừa.

Tôi đã chọn cách bắt đầu bằng việc xem xét nguồn gốc của Ðại Thừa vì tôi tin là nếu tôi không hiểu hay đánh giá đúng những lý do tại sao truyền thống này phát sinh -- hạt giống của nó, có thể nói như vậy, trong mảnh đất nguyên thủy của truyền thống Phật Giáo -- thì sẽ là điều khó khăn cho chúng ta nhìn Ðại Thừa từ một cái nhìn khách quan. Trước tiên tôi muốn xét đến thời kỳ ban sơ trong việc thiết lập truyền thống Phật Giáo, tức là cuộc đời của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy Pháp trong bốn mươi lăm năm tại nhiều nơi ở miền đông bắc miền trung Ấn Ðộ. Ngài đã dạy cho không biết bao nhiêu chúng sinh. Những chúng sinh này không chỉ là những người từ mọi tầng lớp xã hội, mà còn là động vật và những người siêu hình như chư thiên trên các tầng trời và địa ngục. Tất cả những truyền thống Phật Giáo đều thừa nhận Ðức Phật đã thi triển nhiều phép lạ không thể tưởng tượng được để giúp chúng sinh giác ngộ. Ðức Phật chẳng phải là người và cũng chẳng phải là ông trời như Ngài thường thừa nhận. Nhưng giả sử Ngài không phải là ông trời, chắc chắn Ngài là đấng thiêng liêng, cao cả và siêu phàm, vì Ngài đã tiến tu qua vô số kể kiếp sống. Ðương nhiên, tất cả Phật Tử đều tin rằng Ðức Phật vĩ đại hơn bất cứ vị trời nào những đức tính và những hoạt động của Ngài có lợi và mênh mông hơn. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là tấm gương bởi sự nghiệp của chính Ngài để con người noi theo. Mục tiêu sự nghiệp của Ngài là Giác Ngộ và Phật quả và con đường của Ngài là Bồ Tát Ðạo. Ðức Phật nói về mục đích của giác ngộ và Phật quả cũng như về mục đích của Niết Bàn. Chính Ngài đã giảng dạy con đường đạt Phật quả bằng việc thực hành về sự hoàn hảo của Bồ Tát Ðạo trong nhiều truyện thuộc tiền kiếp của Ngài.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cho phép đệ tử của Ngài được chấp nhận và áp dụng giáo lý của Ngài theo khả năng và hoài bão riêng của họ. Trong khi không bao giờ bỏ những đức hạnh về luân lý và trí tuệ chủ yếu, Ðức Phật cho phép phát huy sự diễn đạt cá nhân. Ngài khuyến khích tự do tìm hiểu giữa những người thế tục và dân chủ trong cộng đồng tu viện. Việc này thật rõ rệt ở nhiều chỗ trong giáo lý của Ngài. Thí dụ học thuyết nổi tiếng mà Ngài khuyến dạy người Kalamas khi Ngài nói ta không nên tin vào những phương tiện thứ yếu để kiểm chứng những tuyên bố khẳng định về tính chất của sự vật, mà hãy thử nghiệm những khẳng định ấy bằng ánh sáng kinh nghiệm bản thân của mình và chỉ lúc ấy mới chấp nhận chúng là đúng.

Trong kiểu cách tương tự , Ngài nói ta nên thử nghiệm sự thật của những tuyên bố khẳng định dưới ánh sáng của tiêu chuẩn quan sát, lý luận, và tính trước sau như một của bản thân mình, như cách người khôn ngoan thử vàng bằng cách cắt, dũa và nấu chảy vàng. Cũng vậy vào cuối sự nghiệp, Ðức Phật dặn dò các đệ tử hãy thắp đuốc lên mà đi, chiếu sáng con đường của riêng mình bằng lý luận của chính mình. Lời dặn cuối cùng của Ngài:" Tất cả sự vật duyên hợp đều phải thay đổi; các con hãy chuyên cần để đạt giải thoát"

Ðức Phật cũng khuyến khích lòng tự tin trong những huấn thị của Ngài cho cộng đồng tăng già về nội qui kỷ luật tu viện. Do đó Ngài dặn A Nan, sau khi Ngài nhập diệt, những thành viên của Ðoàn Thể Tăng Già được tự do hủy bỏ những giới khinh (ít quan trọng) nếu thấy thích hợp. Ðương nhiên, điều có ý nghĩa là Ðức Phật đã từ chối chỉ định người kế thừa để điều khiển cộng đồng Phật Giáo sau khi Ngài nhập diệt. Tất cả những sự việc này cho thấy không khí trong cộng đồng Phật Giáo lúc sơ khai -- là không khí tìm hiểu tự do, dân chủ và độc lập.

Sau khi Ðức Phật nhập diệt, giáo lý của Ngài được gìn giữ truyền khẩu từ thế hệ này đến thế hệ kia, giữ vững trong trí nhớ tập thể. Biết chữ là đặc quyền của giới ưu tú tại Ấn vào thời điểm này, và đó là một dấu hiệu nữa cho thấy dân chủ được coi trọng trong truyền thống Phật Giáo đến mức cách trình bày giáo pháp có tính cách văn chương bị sao lãng quá lâu. Nhiều người không biết chữ, cho nên truyền khẩu là phương tiện phổ thông để gìn giữ và phổ biến giáo Pháp. Trong khoảng năm trăm năm khi giáo lý được gìn giữ bằng truyền khẩu, một số đại hội đồng được triệu tập để tổ chức, hệ thống hóa và quyết định những điều đã được đồng thuận về giáo lý học thuyết và về kỷ luật tu viện, hay Giới Luật. Chắc chắn có ba và có thể có hơn sáu đại hội đồng được triệu tập trong khoảng thời gian này tại nhiều nơi khắp Ấn Ðộ. Kết quả là sự xuất hiện của nhiều trường phái lớn có học thuyết và giới luật đã thay đổi ở mức độ ít nhiều .

Ðại hội lần thứ nhất được triệu tập ngay sau khi Ðức Phật nhập diệt tại thành Vương Xá, kinh đô nước Ma Kiệt Ðà. Trong Ðại Hội này câu hỏi được nêu lên là có nên hủy bỏ những giới khinh (ít quan trọng) như Ðức Phật đã dặn Ngài A Nan. Ðoàn Thể Tăng Già có thể làm việc đó nếu thấy phù hợp. Ðáng tiếc là Ngài A Nan đã sao lãng không hỏi Ðức Phật xem giới nào là những giới khinh. Tình trạng không rõ ràng này đã khiến vị trưởng lão chủ tịch, Ma Ha Ca Diếp đề nghị đại hội giữ nguyên tất cả những giới luật mà không sữa chữa. Sự kiện này rất có ý nghĩa vì nó cho thấy câu hỏi về giới luật đã được thảo luận tại Ðại Hội lần thứ nhất. Câu hỏi này đã được nêu lên tại Ðại Hội lần thứ hai và là một vấn đề chính tại đại hội này.

Hơn nữa, tư liệu về Ðại Hội lần thứ nhất cho chúng ta biếtù câu chuyện về một thầy tu tên là Purana đến thành Vương Xá vào lúc Ðại Hội đã đi đến phần kết thúc. Vị thầy tu này được những người tổ chức mời tham gia vào giai đoạn bế mạc đại hội, nhưng vị này đã khước từ nói rằng ông thích nhớ lại lời dạy của Ðức Phật như ông đã từng nghe từ chính Ðức Phật... Sự kiện này rất có ý nghĩa vì nó cho thấy đã có người thích gìn giữ truyền thống độc lập, nhớ Giáo Pháp do chính họ nghe từ Ðức Phật. Cả hai tình tiết cho thấy mức độ tự do tư tưởng đã hiện hữu từ thời ban sơ của cộng đồng Phật Giáo.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào tư liệu Ðại Hội lần thứ nhì được triệu tập vào khoảng một trăm năm sau. Tai đại hội này, vấn đề chính được đem ra thảo luận là giới luật. Việc tu tập của một số thầy tu bị các thầy tu cao tuổi cho rằng đã vi phạm giới luật. Có mười điều như vậy, gồm có mang muối trong cái sừng rỗng bị coi như phạm giới cấm tồn trữ thực phẩm; làm rồi mới xin phép; nhận vàng bạc coi như phạm giới cấm tích trữ của cải. Những thầy tu vi phạm giới bị coi như đã không tôn trọng giới luật chính thống và đã bị khiển trách tùy theo lỗi lầm. Hơn nữa lập trường bảo thủ của Maha Ca Diếp chấp thuận bởi các vị trưởng lão của Ðại Hội, và đương nhiên những luật lệ tu hành hầu như được giữ nguyên không thay đổi qua nhiều thế kỷ mặc dù nhiều thay đổi trong thực hành.

Mặc dầu bề ngoài việc giải quyết vụ tranh cãi về giới luật có vẻ dễ dàng, nhưng những năm sau Ðại Hội lần thứ nhì đã xuất hiện và sinh sôi nẩy nở nhiều trường phái khác biệt như Maha Sanghista được coi như ông tổ của Ðại Thừa, Vatsiputriya và nhiều người khác. Vì thế Ðại Hội lần thứ ba được triệu tập vào thời Hoàng Ðế A Dục ở thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, đã có ít nhất là mười tám trường phái, mỗi trường phái đều có học thuyết và giới luật riêng.

Có hai trường phái chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận tại Ðại Hội lần thứ ba, một trường phái luận giải gọi là Vibhajyavadins, và một trường phái hiện thực đa nguyên gọi là Sarvativadins. Ðại Hội quyết định theo lập trường của trường phái luận giải và chính quan điểm của trường phái này được truyền sang Sri Lanka bởi những nhà truyền giáo của Vua A Dục, cầm đầu bởi con của vị vua này tên Mahendra. Tại đó, trường phái này được biết là Nguyên Thủy. Những người ủng hộ trường phái Sarvativada hầu hết di cư đến Kashmir miền Tây Bắc Ấn Ðộ nơi đây trường phái này trở nên nổi tiếng do sự phổ cập viên mãn Bồ Tát Ðạo.

Tuy nhiên tại một Ðại Hội khác triệu tập dưới triều đại Hoàng Ðế Kanishka vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, hai trường phái quan trọng nữa đã xuất hiện -- trường phái Phân Biện Thuyết Bộ (Vaibhashikas) và trường pháiKinh Lượng Bộ (Sautrantikas). Hai trường phái này bất đồng nhau về tính xác thực của Vi Diệu Pháp. Trường phái Vaibhasikas cho rằng Vi Diệu Pháp được dạy bởi chính Ðức Phật, trong khi trường phái Sautrantikas cho rằng Vi Diệu Pháp không phải do Ðức Phật dạy.

Vào lúc này, những mô tả của Ðại Thừa cho chúng ta biết một số các đại hội đã được triệu tập để biên soạn kinh điển theo truyền thống Ðại Thừa được cho là rất nhiều kinh sách. Ở phía bắc và phía tây nam Ấn Ðộ cũng như tại Nalanda trong Ma Kiệt Ðà, người ta nghiên cứu và giảng dạy Ðại Thừa. Nhiều bản văn của Ðại Thừa liên quan đến Ðức Di Lạc, Vị Phật tương lai và những Bồ Tát trên trời hoặc được giữ trong đám thần rắn của cõi âm cho đến khi những bậc thầy tổ Ðại Thừa như Ngài Long Thọ khám phá. Sự xuất hiện của những trường phái này với mỗi trường phái có cách giải thích riêng của mình về giáo lý Ðức Phật ràng minh họa tính đa dạng hết sức biểu thị đặc điểm của truyền thống Phật Giáo vào đầu Công Nguyên. Mặc dù có nhiều chi tiết khác biệt về vấn đề tính xác thực của kinh điển và giáo lý, các trường phái Phật Giáo tiếp tục thừa nhận tính đồng nhất chung là Phật Tử. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ đối với luật lệ này là trường phái Vatsiputriyas vì họ theo khái niệm cá tính thiết yếu, trường phái này bị gán cho là dị giáo bởi tất cả các trường phái khác.

Sự hình thành bản văn kinh sách bởi các trường phái tại Ấn và tại Sri Lanka, nói chung được chấp nhận bởi các học giả vào một thời gian tương đối chậm. Giáo lý Ðại Thừa cũng như giáo lý của các trường phái khác, kể cả Nguyên Thủy, bắt đầu xuất hiện dưới hình thức viết hơn năm trăm năm sau thời Ðức Phật. Chúng ta biết chắc chắn những kinh điển Nguyên Thủy -- được ghi lại bằng tiếng Pali, một thổ ngữ của người Ấn sơ khai -- lần đầu được biên soạn vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Những kinh Ðại Thừa sớm nhất, như Kinh Pháp Hoa và Kinh Bát Nhã (Tuyệt mỹ về trí tuệ) được biết thường được phổ biến không sau thế kỷ đầu Công Nguyên. Cho nên, những kinh điển được viết bởi Nguyên Thủy và truyền thống

Ðại Thừa có niên đại gần như cùng một thời gian.

Sau khi Ðức Phật nhập diệt, quan điểm của các vị trưởng lão chiếm ưu thế trong đời sống đạo lý Phật Giáo, nhưng vào thế kỷ đầu Công Nguyên, sự bất mãn với lý tưởng về mục tiêu của bậc A La Hán là giải thoát cho chính mình đã nẩy nở nhiều trong tu viện và cộng đồng cư sĩ. Những tín đồ của Ðức Phật có thể chọn một trong hai lý tưởng về đời sống đạo lý -- A La Hán và Bồ Tát Ðạo.

Trong khi ước vọng của A La Hán (Thinh Văn) là đạt giải thoát cho chính minh, Bồ Tát hay Phật sẽ thành lại muốn đạt giác ngộ để cứu tất cả chúng sinh.

Cốt lõi của quan niệm đạo giáo Ðại Thừa là từ bi cho tất cả chúng sinh. Ðương nhiên, trong phạm vi này, chúng ta phải hiểu tính đại chúng ngày càng tăng của Ðại Thừa. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu nhiều Phật Tử thuần thành đi theo tấm gương của Ðức Phật, người mà từ bi và trí tuệ vô bờ bến không phải như các đại đệ tử của Ngài, các trưởng lão và A La Hán phần đông có vẻ khắc khổ và cách biệt. Nói tóm lại, Ðại Thừa với triết lý thâm sâu, lòng từ bi phổ quát, và sử dụng nhiều phương tiện khéo léo, nhanh chóng lôi cuốn những người sôi nổi đi theo không những tại Ấn Ðộ mà còn tại nhiều mảnh đất mới ở Trung Á.

Tôi muốn kết luận chương này bằng cách dành ít phút vào việc so sánh ngắn gọn một vài ý tưởng từ kinh điển truyền thống Nguyên Thủy và một số nét nổi bật của Ðại Thừa xuất hiện một cách dễ thấy trong kinh sách Ðại Thừa như Pháp Hoa, Giải Thâm Mật Kinh và Kinh Lăng Già. Người ta thường quên rằng không chỉ có nhiều luận văn giống nhau thuộc cả hai loại kinh điển, mà còn có những dấu vết trong Kinh Ðiển Nguyên Thủy về một số chủ đề đặc trưng của Ðại Thừa -- như tính chất siêu phàm của Ðức Phật, học thuyết về tính không, và tính chất sáng tạo và minh bạch của tâm.

Chẳng hạn, như trong kinh điển Nguyên Thủy, chúng ta thấy Ðức Phật thường nhắc đến chính Ngài không bằng tên mà chỉ là Như Lai, một người giống như vậy, hay thực tế. Tuy nhiên, Ðức Phật được công nhận là có thần thông tạo ra thần lực mở mang trí tuệ chúng sinh. Những đoạn này trong kinh điển Nguyên Thủy, gợi ý tính chất siêu việt, siêu phàm, và phi thường của Ðức Phật, một khái niệm rất quan trọng trong Ðại Thừa. Hơn nữa theo kinh điển Nguyên Thủy, Ðức Phật ca tụng tính không bằng lời lẽ cao nhất, gọi tính không là thâm sâu xuất thế gian. Ngài nói, sắc, thọ và những điều tương tự chỉ là huyễn như botï nước. Hiện tượng tự chúng chẳng là gì cả. Hiện tượng là những điều làm cho người ta lầm lẫn, không thật. Ðó là chủ đề được đề cập và soạn thảo kỹ lưỡng trong văn học Ðại Thừa về Viên Mãn Trí Tuệ.

Hơn nữa trong kinh điển Nguyên Thủy, Ðức Phật nói vô minh và tưởng tượng chịu trách nhiệm về sự xuất hiện thế giới. Ngài nhắc đến truyện ngụ ngôn về á thần Vepachitta sắp sửa được giải thoát theo bản chất tư tưởng của mình để minh chứng điểm này. Tuy nhiên tính chất nguyên thủy của thức sáng như hạt ngọc, thực chất thanh tịnh và không tỳ vết. Những khái niệm này được triển khai trong kinh điển Ðại Thừa như Kinh Lăng Già. Những khái niệm này là nền móng chính trong quan điểm Ðại Thừa về bản chất của tâm.

Bởi vậy nguồn gốc truyền thống Ðại Thừa có thể tìm thấy trong những giai đoạn đầu của truyền thống Phật Giáo và trong sự nghiệp của chính Ðức Phật. Năm trăm năm sau khi Ðức Phật nhập diệt đã mục kích sự phát xuất của nhiều truyền thống lý giải dị biệt, dù tầm quan trọng ra sao, tất cả đều nhìn vào nguồn cội giáo lý thâm sâu, muôn mầu muôn vẻ của Ðức Phật. Vào thế kỷ đầu Công Nguyên, sự hình thành Ðại Thừa thực sự hoàn tất và tất cả những bộ kinh điển Ðại Thừa chủ yếu vẫn tồn tại. Chúng ta sẽ thảo luận ba trong số những bộ kinh này vào những chương tới.

 

Trích CÂY GIÁC NGỘ
The Tree of Enlightenment

Tiến sĩ Peter Della Santina
Thượng tọa Thích Tâm Quang chuyển dịch

alt

http://budsas.110mb.com