XÂY DỰNG TỊNH ĐỘ TRÊN TINH THẦN KINH DUY MA


A- MỞ ĐẦU :
Kinh Duy Ma là một bộ Kinh được triển khai về tinh thần Bồ Tát hội nhập vào trong xã hội mới, có cái nhìn mới hay nói khác đi là có sự đột phá. Ở đây tóm tắt và trình bày trong vấn đề xây dựng tịnh độ trên tinh thần Kinh Duy Ma Bây giờ khả năng của Tăng Ni, khả năng của Phật tử chúng ta có rồi, muốn xây dựng Phật quốc tức là xây dựng Giáo hội, xây dựng trụ xứ, xây dựng một con người. Trong kinh Kim Cang Đức Phật dạy : “ Muốn trang nghiêm Phật độ hãy tự trang nghiêm mình, trang nghiêm mình tức trang nghiêm Phật độ “.Ý của bộ kinh đạt đến đỉnh cao của trí tuệ nói rằng muốn xây dựng một nước Phật phải xây dựng bằng con người có chất Phật thì chất Phật đó mới phát triển được quả Phật. Vì vậy xây dựng Phật quốc là tiêu biểu cảnh giới của con người tỉnh thức, nói nước Phật hay Phật quốc là nói cảnh giới của con người tỉnh thức.
B- NỘI DUNG :
Con người tỉnh thức là con người không mê, mê là chúng sinh, tỉnh thức là ngộ, ngộ là Phật. Mê là chúng sinh ở Ta bà, ngộ là cảng giới của Phật.
Khi một con người tỉnh thức thì cảnh giới đó đều tỉnh thức, mà đã tỉnh thức tức là cái tâm của ngưới đó đang an tịnh, không bị chi phối bởi tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Cái tâm người đó đang tỉnh thức, không bị chi phối bởi phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống siễm, hại, kiêu, vô tàm, vô quí, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Như vậy rõ ràng là nếu có một hành giả thành tựu toàn bộ thì gọi là xây dựng Phật quốc vì đã có con người tỉnh thức, cho nên nói “ Tâm bình thế giới bình, tâm tịnh Phật độ tịnh “.
Trọng tâm của kinh Duy Ma gọi là “ Tâm tịnh tức Phật độ tịnh “, cốt lõi của kinh Duy Ma lấy tâm tịnh. Ngài Duy Ma được gọi là Tịnh Danh cư sĩ, Tịnh Danh là cái tên tịnh, mà tâm tịnh thì Phật độ tịnh, tâm bình thế giới bình. Chúng ta cũng xây dựng như vậy, có nghĩa là hoàn toàn giác ngộ chân lý một cách toàn diện.
Cõi Phật không phải ở đâu xa, mà Phật ở tại tâm, tâm người dứt mọi thứ vô minh phiền não, sáng suốt giác ngộ chân lý một cách rốt ráo, sống đúng, sống hợp với chân lý thì tâm đó là Phật. Người có tâm Phật ở đâu thì nơi đó trở thành cõi Phật, người có tâm Phật ở đâu thì nơi đó có cảnh giới Phật hiện ra.
1. Kinh Duy Ma xây dựng trên tinh thần Tịnh độ:
Có những bộ kinh xây dựng trên tinh thần Tịnh độ như kinh A Di Đà, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma v.v…
Nghiên cứu bộ kinh A Di Đà, Đức Phật giới thiệu cảnh Tịnh độ cách chúng ta rất xa. “ Từ đây qua đến cảnh Tây Phương cách mười muôn ức cõi, có cõi gọi là Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà làm Giáo chủ, nhân dân và cảnh giới luôn luôn an lành, không có điều khổ.
Đức Phật so sánh Ta bà là khổ đau, Cực Lạc là yên vui, là hai cái lực đối nhau, một bên quá cực khổ, một bên quá an lành, một bên là nhiễm ô, một bên là thanh tịnh. Như vậy giữa cuộc đời, giữa sự sống, nhìn và tiếp xúc ta gặp nhiều thứ mà không ai phủ nhận, đó là sanh, già, bệnh, chết, trong pháp Tứ đế Đức Phật đã nói nơi vườn Lộc Uyển, bài pháp đầu tiên để độ năm anh em Kiều Trần Như.
Cái khổ đó trong cuộc đời ai cũng thấy và trải qua, nhiều tháng, năm, nhiều kiếp, nhiều đời, nếu bị xoay chuyển trầm luân thì khổ ơi là khổ, khổ không diễn tả được, vì vậy nói : “ Bể khổ mênh mông sóng ngập trời “. Sống trong bể khổ như vậy mà được giới thiệu cảnh quá đẹp, quá trang nghiêm, ăn thì cơm ngọc, mặc thì áo châu, chẳng lo, chẳng khổ, chẳng sầu, chẳng già, chẳng chết v.v. . . . “.
Khi Đức Phật giới thiệu như vậy ai nghe cũng đều phát tâm hoan hỉ muốn được sanh về cõi Cực Lạc. Nhưng không đơn giản, muốn được sanh về cõi Tịnh độ, trước tiên cần phải đủ ba điều kiện :
- Đức tin chắc chắn
- Lập nguyện vững vàng
- Thực hành theo đúng chí nguyện.
Có đức tin mạnh mẽ, lập nguyện vững vàng, thực hành theo đúng chí nguyện, có dủ 3 yếu tố Tín, Hạnh, Nguyện, dứt trừ phiền não. Trong kinh dạy niệm Phật từ 1 ngày cho đến 7 ngày mà “ nhứt tâm bất loạn “ thì được sanh sang nước Cực Lạc, ngoại trừ những người mang tội ngũ nghịch thì không được vãng sanh.
“ Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhơn duyên, đắc sanh bỉ quốc “, không thể dùng chút ít công đức, một vài nhân duyên mà được sanh sang nước Cực Lạc, mà phải có đa thiện căn, đa phước đức.
Thông thường nghĩa thiện căn là tâm Bồ đề mình có 5 căn : Tín, tấn, niệm, định, huệ. Và phước đức ( Tam phước : Thế phước, Giới phước và Hành phước ).
Người nào có tâm tin sâu, chịu dốc lòng phát nguyện tu các công đức là người có đủ thiện căn. Đã có tín căn và tấn căn rồi, lại thêm có tâm niệm Phật luôn luôn không ngừng là có niệm căn. Niệm mãi rồi có cái tâm nhất định là định căn, có định rồi sẽ phát tuệ.
Trong khi tu tập 5 căn ấy lại tu thêm các môn khác làm tư lương như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, v.v… tạo nhiều duyên phước đức thì mới đúng nghĩa “ Đa thiện căn, đa phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc “.
Trên đây Đức Phật giới thiệu cảnh giới Cực Lạc ở phương xa, nhưng trong kinh Duy Ma Đức Phật giới thiệu cảnh giới Tịnh độ ở tại thế gian.
Đức Phật dạy sở nhân thành đạo, người tu nhân thế nào thì được quả thế ấy, người tu nhân thanh tịnh thì có quả trang nghiêm tốt đẹp. Đức Phật A Di Đà có quả từ thân đến cảnh trang nghiêm bằng thất bảo tốt đẹp, Đức Phật Dược Sư Lưu Ly có cảnh giới thanh tịnh trong suốt như pha lê. Từ chỗ này mà Ngài Xá Lợi Phất khởi ý hoài nghi rằng : “ Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Dược Sư Lưu Ly tu nhân thế nào mà được quả thanh tịnh tốt đẹp; Vậy Thế Tôn ta xưa kia khi tu nhân, lập hạnh như thế nàocó lẽ nào tâm không thanh tịnh hay sao mà cõi Phật ngày nay không thanh tịnh, trang nghiêm như vậy ? “.
Bấy giờ Trời Loa Kế Phạm Vương nói với ông Xá Lợi Phất :
-   Ông đừng nghĩ như vậy, không nên cho rằng cõi Phật của Thế Tôn ta  không thanh tịnh. Chính tôi thấy cõi Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh như cung của Trời Tự Tại; như cõi nước của Chư Phật trong mười phương.
Trời Loa Kế Phạm Vương tiêu biểu cho cái nhìn của Bồ tát, Xá Lợi Phất tiêu biểu cho cái nhìn của Thanh văn.
Bấy giờ Đức Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, tức thì ba nghìn đại thiên thế giới hiển hiện trang nghiêm đẹp đẽ như muôn ngàn thứ trân bảo hợp thành.
Phật bảo :
-   Xá Lợi Phất, ông đã thấy cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh chưa ?
-   Bạch Thế Tôn, đúng vậy, việc này từ trước đến nay con chưa từng thấy và cũng chưa được nghe !
Ý này để thấy rằng Đức Phật nêu cảnh Tịnh độ ở cõi này chớ không đâu xa, ở một thế giới nào đó có sự kỳ diệu thì ở đây cũng có sự kỳ diệu, tại chúng ta chưa khai thác được cái kỳ diệu của nó mà thôi.
“ Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh “, nếu tâm chúng ta tịnh thì cảnh giới đó tịnh. Vì tâm của Ngài Xá Lợi Phất còn hạn chế, còn phân biệt thấp cao thì nhìn cảnh giới đó hạn chế, thấy cảnh giới có thấp cao, gai góc, núi non, rừng rú và nhiều thứ cấu uế. Đó là một sự thật mà con mắt của bậc Thanh văn nhìn thấy, nhưng hàng Bồ tát nhìn thấy tất cả chúng sanh bằng cái thấy bình đẳng, phát xuất từ thâm tâm thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật độ tịnh.
Cảnh giới thế này, Pháp Hội thế này, các hành giả về đây cùng nhau học tu, hòa mình trang nghiêm, tạo thành cái lực mạnh mẽ, an lành. Như vậy tùy cái tâm biểu thị trở thành cảnh giới Phật, ngoài kia là cảnh giới thế gian, nào là tranh cãi hơn thua lời lãi, bao nhiêu thứ cấu uế. Cảnh giới này không đâu xa, từ chỗ này ra chỗ kia cũng từ tâm lưu xuất. Hình dáng, cử chỉ chúng ta thế này thấy toát ra vẻ đẹp, trang nghiêm, hiền hòa, thơ thới, nhưng trong một phút giây nào đó ta không kiểm soát được, để buồn bực nổi lên thì từ cái an lành yên vui, thanh tịnh trở thành nhiễm ô.
Đức Phật muốn nói chỗ này, muốn xây dựng điều kiện giữa cuộc đời, giữa lòng xã hội, ở chính con người để thành tựu hạnh lành.
Đức Phật dạy “ Không ai làm ô nhiễm ta, không ai làm cho ta hư hoại, chính chúng ta làm cho ta ô nhiễm và hư hoại. Không ai làm cho ta trang nghiêm trong sạch, chỉ có chính chúng ta làm cho ta trang nghiêm thanh tịnh “, vậy chúng ta tự trang nghiêm và thanh tịnh cho chính mình.
Học và nghiên cứu phẩm Phật quốc, chúng ta thấy Đức Phật xây dựng một mô hình mà chúng ta nên nương vào đó. Trong kinh là mục đích để hướng dẫn chúng ta có một tổ chức, có điều kiện để phát huy thành tựu ở nơi chính mình, nơi khu vực, địa phương, quốc độ của mình. Có nghĩa là xây dựng một Giáo Hội, từ Giáo Hội đến những Tự viện, Đạo tràng, cá nhân, đều là xây dựng một hình thức Phật quốc.
Xây dựng Phật quốc tức là xây dựng con người, con người xây dựng thành tựu thì Phật quốc tự hiển bày. Học phẩm Phật quốc nếu chúng ta không triển khai, không nhìn sâu, nghĩ là Phật quốc ở đâu xa, chờ khi nào có đủ nhân duyên, hoặc mãn duyên rồi ta sanh về nước đó. Theo tinh thần Duy Ma thì Đức Phật bảo chúng ta cần xây dựng Phật quốc ở nơi chúng ta đang hiện hữu, có xây dựng được Phật quốc hay không là điều quan trọng.
Phật quốc là cảnh giới của người tỉnh thức, người có đạo đức, thấy rõ chân lý, con người ngộ chân lý. Con người hoàn thiện không ở đâu xa, mà ở nơi tâm người đó, nếu tâm lành, tâm thiện, tâm thanh tịnh là tâm Phật, tâm Phật ở đâu thí cảnh Phật ở đó.
Kinh Hoa Nghiêm biểu thị cái tâm ở trong mười pháp giới, mười pháp giới biểu thị trong một tâm. Một tâm có thể chuyển dịch trong mười cõi.
Hiện nay chúng ta chưa thành Phật, cũng chưa là Bồ tát, như vậy thì làm gì mười pháp giới có trong tâm chúng ta, nhưng cái chất Phật trong chúng ta có cho nên ta tu sẽ thành Phật. Tâm của chúng ta có chất Bồ tát cho nên hiện tâm lành để hộ độ cho cuộc đời, tâm chúng ta có chất Thanh văn cho nên có thể chuyển dịch những lậu hoặc, tiêu trừ hết phiền não thì chứng được quả A La Hán, tâm chúng ta có chất Duyên giác, tự mình giác ngộ, như vậy Tứ Thánh trong chúng ta có, nếu bốn chất đó không có thì Đức Phật gọi là “ Nhứt xiển đề “.
Trong chúng ta có chất người, trời, A Tu La, còn chất địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh cũng có, không biết lúc nào nó nổi lên, cho nên tu giới, định huệ là mục đích làm mất tác dụng của chất địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, A Tu La, đôi khi nó trở thành quyến thuộc hổ trợ cho chúng ta. Khi chúng ta yếu thì nó quật lại chúng ta, khi chúng ta mạnh thì nó hổ trợ cho chúng ta.
Trong tâm mỗi người có đủ Tứ Thánh, Lục phàm, vì vậy xây dựng Phật độ tức là ở nơi tâm chúng ta đã tự có, nếu không xây dựng thì ta rơi vào cảnh khác vậy. Ta để Phật, Bồ tát đi vắng thì Thiên, Nhơn, A Tu La hiện hữu, đôi khi nó hoành hành, ba thứ này đi chỗ khác thì ba thứ kia tràn lên.
Khi nói xây dựng Phật quốc là xây dựng một tổ chức, xây dựng một Đạo tràng và xây dựng một con người. Chúng ta có an lành và nhiều người có an lành là xây dựng thành tựu một Đạo tràng, còn có an lành hay không là chuyện của chúng ta. Tâm luôn luôn biểu thị như vậy, nên nhớ ý này mới thấy được trọng tâm của kinh Duy Ma mà Đức Phật muốn xây dựng Tịnh độ ở nhân gian.
Tu tập đạt được an lành đến khoảng nào thì chắc chắn chúng ta có cái nhìn và cuộc sống tương ứng. Trong kinh Tâm địa quán Đức Phật dạy :
Tam giới chi trung, dĩ tâm vi chủ
Năng quán tâm giả, cứu cánh giải thoát
Bất năng quán giả, cứu cánh trầm luân.
Chúng sanh chi tâm, do như đại địa
Ngũ cốc ngũ quả, tùng đại địa sanh
Như thị tâm pháp, sanh thế xuất thế
Thiện ác ngũ thú, hữu học vô học.
Độc giác Bồ tát, cập ư Như Lai
Dĩ thử nhân duyên, tam giới duy tâm
Tâm  danh  vi  địa.
Còn ở trong ba cõi thì cái tâm là chủ, nếu làm chủ được cái tâm, điều tiết được nó đi trên đường đẹp, tốt, đường trang nghiêm, Thánh thiện thì chắc chắn được an lạc giải thoát, nếu không khéo ta để cái tâm lưu chuyển trong Tam giới, Lục đạo thì chắc chắn chúng ta bị vướng, mắc kẹt trong trầm luân đọa lạc khổ đau.
Đức Phật ví dụ tâm chúng sinh giống như đại địa, cây lớn, cây nhỏ đều sanh trưởng và phát triển đơm hoa kết trái trên mặt đất. Cũng vậy, những cái đẹp tốt, trang nghiêm, Thánh thiện cũng từ tâm lưu xuất.
Các danh hiệu Phật, Bồ tát đối với cái nhìn của chúng ta thì mỗi bộ kinh có hội chúng khác nhau. Kinh A Di Đà có 1250 vị, những kinh khác có hàng chục vạn v.v… , riêng kinh Duy Ma có 8.000 Tỳ kheo, 32.000 Bồ tát, 10.000 Phạm thiên, 12.000 Thiên Long Bát bộ, số lượng rất kinh khiếp ! Nếu đứng về mặt đời thường thì khó chấp nhận, ngồi ở đâu, làm sao nói để nghe ?
Ngày nay nhờ khoa học thông tin, chúng ta có thể chuyển tải từ đây lên mạng đi khắp thế giới. Nhưng thời của Đức Phật thì làm thế nào nói để mấy chục vạn người vẫn nghe ? Về mặt đời thường thì chúng ta có suy nghĩ.
Về mặt tín ngưỡng thì hiện tượng này là chuyện mặc nhiên, chúng ta tin là tin thôi không có lý tưởng nào cả. Nhưng đứng về mặt triết học thì đây là một hiện tượng mà cái tâm con người là điểm tựa.
Khi hành giả ngồi trong bất cứ Pháp hội nào, ít hay nhiều mà không có lắng nghe, không có tịnh tâm thì dầu nói bằng máy có công suất lớn cũng vẫn không nghe. Các vị để ý giờ ngồi thiền im lặng, chỉ một tiếng động nhỏ thôi cũng làm mọi người chú ý, người thở mạnh ở góc kia ta cũng nghe, do đó nếu chúng ta đặt trọng tâm ở trong sự tĩnh lặng thì người nói ở bao xa cũng nghe được. Tâm hạnh của Bồ tát cũng vậy, dùng tâm để chuyển tải thì chắc chắn ở điều kiện nào cũng thành tựu.
Tôi nhớ có lần HT.Nhất Hạnh về Việt Nam, hội chúng rất đông nhưng Ngài nói rất nhỏ, nói như nói chuyện bình thường, nhưng yêu cầu các vị phải lắng nghe, phải lắng sâu vào tâm tư mới nghe được. Không phải nghe bằng áp lực của máy, nghe như vậy Ngài bảo là nghe như tra tấn, phải thực sự lắng nghe từ cái thanh tịnh vắng lặng ở bên trong mới tiếp nhận được phần cốt tủy. Nếu nói chuyện, bàn bạc, suy nghĩ nơi khác thì có nói kiểu nào cũng không thể thâm nhập được, cho nên ý của các vị Thiền sư là phải lắng nghe, tức là phải lắng đọng tâm tư để nghe được chất đó nó mới kết lại và thành tựu được.
2. TRƯỞNG GIẢ BẢO TÍCH VÀ 500 CÔNG TỬ DÂNG LỘNG:
Trong thành Tỳ Da Ly có vị Trưởng giả tên là Bảo Tích cùng với 500 Trưởng giả tử, mỗi vị cầm một cây lọng thất bảo đồng đến đãnh lễ Phật, rồi cùng dâng tất cả lọng ấy cúng dường Phật.
Do uy thần Phật, 500 cây lọng hợp thành một. Cõi nước trong ba ngàn đại thiên thế giới; các núi Tu Di, núi Tuyết, các biển cả, sông ngòi . . . mặt trời, mặt trăng, vô vàn tinh tú. Các Thiên cung, Long cung, Thần cung và cảnh giới Chư Phật thuyết pháp, nhập Niết Bàn trong mười phương đều hiện rõ trong cây lọng báu “.
Ý này chúng ta nhìn qua mấy vấn đề, nếu không sẽ trở thành ảo thuật, tại sao 500 cây lọng tự nhiên họp thành một cây lọng là việc khó tin, giống như thần thoại, đã là hoang đường thì không thể tồn tại.
Trong văn học cũng có thần thoại, hoang đường nhưng cái hoang đường đó là cái vỏ, mượn cái vỏ hoang đường để nói lên cái gì. Văn học nhân gian Việt Nam có những câu chuyện như Thánh Gióng, đây là chuyện thần thoại hoang đường nhưng tại sao nó tồn tại trong văn học Việt Nam từ ngàn đời, muốn nói lên cái gì ? Lúc đó chúng ta phải tách cái vỏ hoang đường để thấy được cái chất bên trong.
Giống như câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine giữa “ con cáo “ và “ con cừu con “ nói chuyện với nhau. Cáo nói :
-   Tại sao mày làm đục dòng nước của ông ?
-   Thưa bác cháu ở dưới dòng nước, bác ở trên dòng nước, làm sao đục dòng nước của bác !
-   Mày không làm đục dòng nước của ông thì cha mày cũng làm đục dòng nước của ông.
-   Thưa Bác con mồ côi mà, cha con chết hồi con còn trong bụng mẹ thì làm sao cha con làm đục dòng nước của ông ?
-   Cha mày không làm thì ông cố, ông sơ mày làm đục dòng nước của ông.
Nghe câu chuyện như vậy thì các vị nghĩ bình thường con cáo và con cừu biết nói tiếng người không ? Chuyện hoang đường, chuyện nhân cách hóa giữa ngôn ngữ con vật thành ngôn ngữ con người, đó là cái vỏ thôi không quan trọng, mà nhìn vào chất liệu ở bên trong muốn nói cái gì ? Bản chất con cáo là muốn ăn thịt con cừu, gọi là kẻ mạnh nói kẻ yếu và nhiều vấn đề khác nữa, câu chuyện là vậy cho nên nó tồn tại trở thành văn học đi vào đời, đi vào lòng người.
Nghiên cứu kinh Duy Ma cũng vậy ta cũng tách cái vỏ thần thoại, hoang đường đó ra, bởi vì Duy Ma Cật có nhiều chuyện thần thoại, bất khả tư nghì. Cái thất của Ngài nhỏ bằng giảng đường này thôi mà chứa 32.000 Tòa Sư tử, mà mỗi Tòa Sư Tử bằng cái Thành phố vậy !
32.000 Tòa Sư Tử để vào cái Thất của ông Duy Ma, việc này từ trước đến nay chưa từng thấy ! Chu vi ngôi tịnh thất hữu hạn chừng ấy, lại chứa cả 32.000 Tòa Sư Tử đồ sộ thế kia mà không chướng ngại gì nhau, không phải di dời một thứ gì trong tịnh thất, mọi hiện trạng đều y nguyên như cũ, không chật chội hơn chút nào !
Việc thần thoại như vậy nhưng ta tách cái vỏ thần thoại để thấy cái gì ? Đó là nói trên mặt lý tưởng “ Vạn pháp giai không “, đã không có hình tướng thì bao nhiêu cũng dung chứa hết không có gì trở ngại. Việc 500 cây lọng của các Trưởng giả tử mà Đức Phật họp lại thành một cây lọng thì chúng ta tách cái vỏ thần thoại, hoang đường đó ra để thấy phần cốt lõi.
Về nhân quả :
Đứng về nhân quả thì tàng lọng là sự thù thắng do công đức tu tập, người nào có nhiều phước đức, trí tuệ, nhiều đạo hạnh thì mới được hưởng tàng lọng đó. Khi nào Hòa thượng, Thượng tọa được người thỉnh bằng tàng lọng là người có công đức, đạo hạnh lớn. Ngày xưa người nào đi được che bằng tàng lọng là người có uy đức, giàu có. Có câu :
Khen ai  kiếp trước khéo tu
Kiếp này con cháu võng dù nghênh ngang
Khi nói tàng lọng là nói đến việc thừa hưởng sự nghiệp vật chất, thừa kế một di sản không thể chối được, đó gọi là ngoại tài.
Về mặt xã hội :
Nhìn vào sự tổ chức chúng ta thấy rằng công tử là những người trẻ, người giỏi, có trí tuệ, có năng lực, giàu có, đó là rường cột của nước nhà. Sự tu tập trưởng dưỡng được thành tựu thì từ đó cũng là thạch trụ thiền môn sau này.
Nếu trong sự giàu có, trẻ trung, năng lực đó không mang tính kết hợp, hài hòa, đoàn kết, 500 người đó sống riêng rẽ thì chắc chắn không bao giờ xây dựng được một đất nước giàu mạnh, mà phải có sự hợp lực.
Nếu trong một tổ chức mà có sự kết hợp thì chắc chắn tổ chức đó có sức mạnh tiến lên, mỗi người có một cái lực kết hợp lại thì xây dựng trên một trụ xứ rất mạnh, mà mỗi người có một ý riêng thì trụ xứ đó không phát triển được, Phật quốc cũng xây dựng trên lãnh vực này, trong đó có con người. Cho nên nói :
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Đứng về mặt xã hội đó là một chất liệu để xây dựng xã hội cũng là xây dựng một cơ chế mang tính hợp đồng, sức mạnh đoàn kết. Trong Giáo hội cũng có phương châm “ Hòa hợp, trưởng dưỡng “, nhưng hòa hợp trưởng dưỡng cái gì ? Hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm. Bởi vì hòa hợp trưởng dưỡng đó là ý chí của nhiều người thành một ý chí, sức mạnh đó trở thành sức mạnh bất hoại.
Về mặt triết học :
Nếu dùng nhãn quan bình thường khó lòng chấp nhận hiện tượng 500 cây lọng thành một cây, vì giống như hoang đường, ảo thuật. Nhưng sự hiểu biết cộng với cái khôn khéo ứng dụng khoa học nhân văn thì tạo thành một sức sống vô tận cho cuộc đời.
Ngày xưa ứng dụng việc này thì không cụ thể lắm, nhưng ngày nay thực dụng phải nói rằng sự ứng dụng khoa học trở thành kỳ diệu. Như nói ở trên, chỉ cần dây nối mạng vào điện thoại bàn thì tôi nói chuyện ở đây nó sẽ truyền toàn thế giới ai cũng nghe được, nếu có máy thu hình thì nó sẽ truyền hình đi khắp nơi.
Triết học là nói về khoa học kỹ thuật cộng với sự hiểu biết của mình, biết sử dụng nó vào trong chất liệu cụ thể của khoa học, rồi bao nhiêu thứ phục vụ cho Đạo tràng, cho Phật pháp sương minh lên, như vậy nó trở thành điều kiện thuận để phát triển cho Phật pháp.
Trong thế giới tâm thức, nó vượt ngoài cái căn, trần và thức, còn trong đời sống chúng ta bị vướng mắc căn, trần, thức. Khi đã vượt khỏi căn, trần, thức đến bằng trí tuệ, gọi là trí tuệ Bát nhã Ba La Mật. Đã đến Bát nhã thì  thành tựu lý tưởng của người đạt đạo đến đỉnh cao, kết hợp được tinh thần hài hòa, như vậy Phật là bóng cây đại thọ, là tàng lọng cho chúng hữu tình, cho hàng đệ tử. Cái tàng lọng đó có nghĩa là hợp lại thành công đức thù thắng, ý tại sao trong đó biểu đạt 500 trưởng giả tử cúng 500 cây lọng và Đức Phật nhận 500 cây lọng đó góp lại thành một cây lọng là biểu trưng cái ý như vậy.
vVề mặt bản thể và hiện tượng của vạn pháp :
Khi nói về mặt bản thể và hiện tượng của vạn pháp thì chúng ta nhớ “ Một là tất cả, tất cả là một “.
Thí dụ muốn biết nước trong biển cả, đối với nhà khoa học chỉ cần một giọt nước ở biển họ biết tất cả biển, vì trong một giọt nước có nhiều chất kết hợp thành một giọt nước. Giống như trong cơ thể của chúng ta có 5, 6 lít máu, hàng triệu tế bào máu thì mỗi tế bào là một chất gì đó, họ chỉ cần lấy một giọt máu để phân tích thì biết toàn bộ tế bào của chúng ta. Như vậy chỉ cần một mà họ biết tất cả chớ không cần lấy hết máu ra để xử lý, đây gọi là “ Một là tất cả, tất cả là một “.
Tư tưởng của Duy Ma gọi là tư tưởng viên dung, hợp nhất. Nhìn chung ngôi nhà này ta nói đây là cái giảng đường lớn, đẹp, trang nghiêm, thì chỉ có một thôi, nhưng nhìn sâu nó là tất cả gạch, cát, xi măng, sắt, hợp lại thành cái giảng đường, đây là tư tưởng “ Một là tất cả, tất cả là một “.
Nhìn con người như thế này nặng 50 kg, 60 kg, tổng thể là con người nhưng con người kết hợp nhiều chất như đất, nước, gió, lửa, các duyên hợp lại mà hình thành. Nếu phân tích ra thì có nhiều thứ nhưng hợp lại thì là một con người, như vậy
“ Một là tất cả, tất cả là một “.
Câu chuyện của Tỳ kheo Na Tiên và vua Lan Đà đã có những tư tưởng làm nổi bật lên ý này.
v     Một hôm nhà vua nghe đồn Na Tiên là Thánh tăng nên tìm đến xin gặp mặt.
Vua hỏi :
-   Xin lỗi có phải Ngài là Na Tiên không ?
-   Ở đây không có người nào đích thật là Na Tiên cả.
Nhà vua ngạc nhiên hỏi : Vậy ai là người đứng đó và trả lời ?
Na Tiên vẫn điềm nhiên bình tỉnh hỏi lại : Nhà vua đến đây bằng gì ?
-               Đến bằng xe.
-               Xe nhà vua đâu ?
Nhà vua chỉ chiếc xe ngựa. Na Tiên bước ra chỉ gọng xe hỏi :
-               Đây phải là xe không ?
-               Không phải
Chỉ bánh xe hỏi :
-               Đây phải là xe không ?
-               Không phải
-               Tất cả đều không phải là xe, vậy cái nào là xe ?
Đến đây nhà vua mới am tường ý chỉ muốn nói, nhà vua đáp :
-               Hợp tất cả  những điều kiện ấy lại, có khả năng chuyên chở gọi là xe.
Na Tiên tiếp lời :
-               Người Na Tiên cũng giống như vậy.
Nếu chúng ta nhìn tổng thể thì nó là cái xe, nhưng nhìn từng phần thì nó không là gì cả. Như vậy để nói lên pháp vô ngã, không có cái nào là chủ tễ cả, tất cả là duyên hợp.
Hiện tượng vạn pháp duyên sanh thì nhiều vô lượng, thấy tất cả sum la vạn tượng đủ thứ, nào là núi, sông, nhà cửa, cây cối v.v… Nhưng đứng về mặt bản thể thì chung cùng, dù ở đâu cũng là một thể gọi là Pháp giới bất nhị. Khi mê Tứ Thánh, Lục phàm có ranh giới, khi ngộ thì Tứ Thánh, Lục phàm không có ranh giới. Có nghĩa là khi còn mê thì có buồn phiền, ưu tư, giận tức v.v… Khi đạt đến chỗ diệu lý thì chỉ có một.
Điều kiện chứng minh là Đức Phật từ thân Thái tử cho đến thân Vô thượng giác Thích Ca Mâu Ni cũng là một thân không khác. Vậy mà thân Thái tử thì ta gọi là phàm phu, thân của Phật là thân kim cang bất hoại.
Thời Đức Phật có mười đại đệ tử, có vị đầu đà đệ nhất, vị trí tuệ đệ nhất, vị thần thông đệ nhất, vị luận nghị đệ nhất, vị đa văn đệ nhất, vị thiên nhãn đệ nhất, vị mật hạnh đệ nhất, vị giải không đệ nhất, vị thuyết pháp đệ nhất, vị trì giới đệ nhất.
Không lẽ thời Đức Phật có hàng vạn đệ tử mà chỉ có mười người đó sao ? Nếu nhìn như vậy thì chúng ta không hiểu về tổ chức, mà chúng ta phải nhìn mười điều kiện đó là để làm mạnh, làm phát huy trong một tổ chức.
Thí dụ Giáo hội chúng ta ngày nay có 10 ngành viện, để phát huy đưa điều kiện đó lên hoàn thiện.
Nói như vậy có nghĩa là trong Giáo hội có 10 ngành viện, chư Tôn đức nhìn lại nếu trong Tự viện của mình có tiêu biểu 10 điều kiện như vậy thì tôi cho đó là Tự viện tiêu biểu. Vì người có trí tuệ để đối nội, đối ngoại, người thuyết giảng được để giáo hóa quần chúng, người có trì giới, đa văn v.v…. thì trong Tự viện nhất định thành tựu, đây gọi là một tổ chức hoàn thiện, đó là cơ cấu hoàn chỉnh.
Chúng ta không nói xa mà nói ở con người chúng ta, một con người phải có đầy đủ trí tuệ, nếu có trí tuệ mà không tu, không trì giới thì làm gì có đạo hạnh để mọi người tôn kính, vì vậy trong 10 điều kiện đó cần phải có.
C- KẾT LUẬN:

Khi nói xây dựng như vậy thì chúng ta xem lại, nếu đào tạo xây dựng một con người chúng ta có 10 điều kiện, đệ nhất là xem người đó có tài đức song toàn. Ta nhớ ý này, nếu nghĩ xây dựng Phật quốc ở đâu thì đôi khi ta bị hạn chế, học ý này tức là chuyển lời dạy của Đức Phật trở thành cái hiện thực cuộc đời, hiện thực của một thành viên. Như vậy mỗi người tự xây dựng và phát huy trí tuệ của mình và cũng phải có đa văn, mật hạnh, trì giới đệ nhất v.v…
Khi một con người có đầy đủ điều kiện như vậy thì chắc chắn ta xây dựng hoàn chỉnh một con người, một Đạo tràng, một Tự viện, một tổ chức.
Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy :
Muốn trang nghiêm Phật độ
Hãy tự trang nghiêm mình
Tự trang nghiêm chính mình
Tức trang nghiêm Phật độ
http://www2.vietbao.vn/images/vi55/the-gioi-giai-tri/55063402-HoaSung.jpg
Sa Môn: THÍCH THANH HÙNG