Kính bạch…
Nhân hội thảo và bồi dưỡng nghiệp vụ hoằng pháp do Ban Hoằng Pháp Trung Ương (BHPTW) tổ chức tại Đà Nẳng. Là người có tâm quyết với sự nghiệp Hoằng pháp, chúng tôi xin được phép có vài ý nhỏ của mình trong cuộc hội thảo:
Thật ra, không có sự hiện đại hay không hiện đại trong giáo pháp của đức Phật, vì lời dạy của Ngài là chân lý. Ở đây, chúng ta có thể gọi : Vai trò người hoằng pháp làm gì trong thời hiện đại. Chúng ta chỉ làm một nhiệm vụ cơ bản đó là: Truyền giáo đúng, sống đúng và hành trì đúng theo lời dạy của đức Phật, đó là chúng ta làm tròn vai trò của hành giả hoằng pháp sẽ không bị lỗi thời dù ở thời đại nào.
Chủ đích của chúng tôi là muốn nói đến sự “Nhận thức đúng đắn tính chất trọng yếu của ngành Hoằng pháp” cho bài tham luận này.
Từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập vào thế giới, thì Phật giáo Việt Nam cũng chuyển mình phát triển cùng với Dân tộc Việt Nam trong tinh thần duyên sinh: “Cái này có cái kia có, cái này sinh cái kia sinh”. Lẽ dĩ nhiên, nói là phát triển, nhưng trên thực tế chúng ta phải đối diện với rất nhiều thách thức và khó khăn, về phương diện này, Phật giáo chúng ta cũng không ngoại lệ.
Riêng ngành Hoằng pháp, cho đến nay, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu lần ngồi lại với nhau, và đưa ra nhiều đề tài tham luận với rất nhiều chủ đề: Hoằng pháp trong thời hiện đại, Hoằng pháp bằng công nghệ thông tin, Hoằng pháp trong thời kỳ hội nhập, ..v.v, và còn rất nhiều đề tài mang đậm nét “Hiện đại”, thế nhưng cho đến nay, những bức xúc thực tại của ngành Hoằng pháp vẫn âm ỉ trong chúng ta, nào là đội ngũ giảng sư từ Trung ương cho đến địa phương tuy đông nhưng vẫn kém về mặt chất lượng giảng dạy, nào là sự bất nhất vẫn thường xuyên diễn ra trong cùng một bài kinh giữa các vị giảng sư với nhau, nào là sự mất cân bằng giữa cung và cầu trong ngành Hoằng pháp..v.v và còn rất nhiều nỗi bức xúc nữa mà chúng tôi chỉ nói sơ lượt đó thôi! Vấn đề đặt ra ở đây là nguyên nhân do đâu mà những mặt hạn chế nầy vẫn tồn đọng mãi trong ngành Hoằng pháp của chúng ta trong một khoảng thời gian dài đến như vậy. Nếu chúng ta không chữa trị kịp thời, thì nó sẽ phát triển thành những con bệnh mang tính thời đại của ngành Hoằng pháp. Chính chúng ta là những nhân tố phải chịu trách nhiệm đối với sự tồn vong và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và của ngành Hoằng pháp nói riêng trong thời đại mới.
Kính thưa toàn thể quí vị đại biểu.
Câu trả lời được nêu ra ở đây là do chính chúng ta nhận thức thiếu tính chân xác những tính chất trọng yếu của ngành Hoằng pháp. Chúng tôi xin nêu lên một số trường hợp cụ thể để khẳng định điều này
1/Trường hợp thứ nhất : Tính Hoằng pháp và Ngành Hoằng pháp.
Từ lâu, về mặt quan điểm chúng ta thiếu sự dứt khoát giữa Tính Hoằng pháp và Ngành Hoằng pháp. Phần đông, chúng ta cho rằng từ thiện cũng là Hoằng pháp, tụng kinh cũng là Hoằng pháp…v.v và đây là quan điểm hết sức sai lầm của những người trong ngành Hoằng pháp. Xin nói cho rõ, nếu ngành Từ thiện có thể đem được ánh sáng giác ngộ tâm linh vào trong quần chúng thì đây là tính Hoằng pháp của ngành Từ thiện. Và nếu như một đĩa tụng kinh hay có thể đem đến cho người nghe một tâm niệm giác ngộ gì gì đó, thì đây vẫn tính Hoằng pháp của ngành nghi lễ mà thôi. Điều mà chính mỗi chúng ta đang muốn, chính là sự phát triển lớn mạnh của ngành Hoằng pháp kia mà !
2/Trường hợp thứ hai: Trình độ giáo lý và Trình độ giảng dạy giáo lý.
Một vấn đề nhứt nhói mang tính thời đại của ngành Hoằng pháp chúng ta là không phân biệt rõ ràng giữa một người có trình độ giáo lý và một người có trình độ giảng dạy giáo lý. Một sự dằn co về mặt điều hành từ Trung ương đến các tỉnh thành hội Phật giáo khi chúng ta đưa ra một đội ngũ giảng sư có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ thì chúng ta yên tâm rằng đây là một đội ngũ giảng sư có trình độ, có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy giáo lý tại các đạo tràng trong mùa an cư hay trong các đạo tràng chăng? Xin thưa rằng chưa chắc! Quí vị có biết chăng, cho đến nay, Bộ giáo dục và đào tạo vẫn đang nhứt nhói về chứng bệnh nầy?! Và cụ thể qua chương trình thi giáo viên giỏi có sáng tạo và giáo viên dạy giỏi, 2 chương trình này hoàn toàn khác nhau xa lắm, và điều nầy khẳng định một giáo viên giỏi không phải là một giáo viên dạy giỏi. Như vậy trở lại vấn đề của chúng ta, một vị Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học đơn thuần chỉ là một vị tu sĩ có trình độ Phật học trong khi người mà ngành Hoằng pháp chúng ta cần đào tạo và qui hoạch định hướng phải là một người vừa có trình độ Phật học lại vừa phải có trình độ giảng dạy và đây mới là mẫu người có thể ứng dụng được trong ngành Hoằng pháp.
3/Điểm thứ 3:
Nhận thức rõ ràng tính chân xác của 2 chữ “ Hiện đại” của ngành Hoằng pháp tức là đào tạo được một đội ngũ giảng sư mang tính chuyên nghiệp.
Một điểm nóng nữa của ngành Hoằng pháp chúng ta là hay dùng cụm từ : “ Hoằng Pháp trong thời hiện đại” nhưng thực thể ý nghĩa của vấn đề chúng ta lại đặt sai trọng tâm. Từ lâu, chúng ta hễ nhắc đến 2 chữ “Hiện đại” là chúng ta thường nghĩ đến việc giảng kinh, thuyết pháp trên mạng internet, mở trang web nầy trang web khác ..v..v điều nầy đã đưa đến một nhận thức vô cùng sai lầm. Tôi xin thưa với quí vị, thuyết pháp trên mạng, hay đăng tải một bài viết trên một trang web đó được gọi là phương tiện truyền đạt hiện đại mà thôi. Chứ đó không thể gọi là một phong cách Hoằng pháp hiện đại được. Từ lâu, trên tất cả các lãnh vực khoa học, nếu muốn giỏi và sâu sắc thì điểm cần nhứt là phải chuyên khoa nếu không muốn nói là chuyên nghiệp. Và tôi nghĩ đây là một điều rất là bức thiết đối với đội ngũ giảng sư chúng ta.
Chúng tôi đơn cử một ví dụ: Chùa Hoằng pháp ở Hóc Môn mở ra một Đạo tràng chuyên niệm Phật ADI Đà. Vậy thì họ mong mỏi gì ở các vị giảng sư? Chí ít thì các vị giảng sư được thỉnh mời đến để giảng dạy cần phải có nghiên cứu về pháp môn Tịnh độ, và nếu hơn nữa là đam mê tu tập pháp môn nầy, đem hết niềm tin để tu tập pháp môn nầy, thì khi đăng pháp tòa mới có thể đủ tri thức chuyển tải đến những hành giả đang tu trong các khóa Phật thất chứ! Vấn đề này chúng tôi xin mở ngoặc nói thêm, có lần chính Thầy trụ trì chùa Hoằng pháp tâm sự: có nhiều giảng sư khi đăng pháp tòa, chẳng những không xương minh pháp môn niệm Phật mà ngược lại còn dùng lý lẽ Thiền học để đả phá pháp môn Tịnh độ nữa chứ, điều nầy đã mang đến cho đạo tràng rất nhiều sự hoang mang, nghi ngờ…
Kính thưa quí vị.
Theo quan kiến chúng tôi: Hiện đại hóa phương tiện giảng dạy đó là thứ yếu, vấn đề bức thiết mang tính thời đại là làm sao chúng ta có thể qui hoạch được một đội ngủ giảng sư mang tính chuyên môn cao. Đây là vấn đề rất cần không chỉ đối với ngành Hoằng pháp mà kể cả đối với ngành Giáo dục Phật giáo Việt Nam chúng ta nữa. Như vậy, thì khi một đạo tràng chuyên tu Thiền có nhu cầu giảng sư, thì chúng ta có sẳn những vị giảng sư chuyên môn giảng dạy về Thiền học. Nếu một đạo tràng chuyên tu pháp môn niệm Phật, trì chú đại bi hay là nhu cầu dạy về giáo lý căn bản, chúng ta sẽ không băn khoăn khi cử giảng sư đi giảng dạy. Và chắc chắn sẽ không hạn chế tối đa những trường hợp giảng sư thì đam mê pháp môn nầy mà phải giảng dạy pháp môn khác, và đây cũng là một điều tối kỵ trong ngành giáo dục lẫn hoằng pháp. Như vậy đào tạo và qui hoạch một đội ngũ giảng sư chuyên ngành tức là “hiện đại hóa” ngành Hoằng pháp trong thời đại mới vậy.
4/Điểm thứ tư: Tính tổ chức của ngành Hoằng pháp.
Từ lâu, chúng ta đều biết đạo phật có 84 ngàn pháp môn, tùy theo căn cơ và trình độ mà lãnh thọ pháp môn để tu tập. Vì thế, nếu muốn ngành Hoằng pháp phát triển mạnh trong thời đại văn minh ngày nay, đội ngũ giảng sư chúng ta cần phải có tính tổ chức, từ Trung ương đến địa phương, hễ đăng pháp tòa thì phải tôn trọng tổ chức, tôn trọng các vị giảng sư đồng nghiệp, hạn chế tối đa sự đả phá nhau, chê bai lẫn nhau ngay trên pháp tòa, người giảng pháp môn phát triển, Thiền học, đại thừa không nên xâm phạm và đả phá người giảng dạy pháp môn căn bản và đây là điều tối kỵ của các vị giảng sư đưa đến sự ngộ nhận của hàng Phật tử tại gia về giáo lý Phật Đà, gây hoang mang mâu thuẩn trong các đạo tràng với nhau, làm suy yếu thực lực của ngành Hoằng pháp. Ở đây, tôi nghĩ rằng, nếu muốn phát triển tốt đẹp, thì cần phải có tính phối hợp chặt chẽ giữa Ban Hoằng Pháp Trung Ương và địa phương, qua đó thể hiện sự kết dính của ngành Hoằng pháp đem lại hiệu quả tốt nhất cho uy tín và niềm tin của tín đồ trong và ngoài nước.
Tóm lại, nếu muốn ngành Hoằng pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phát triển bền vững trong thời đại mới, thì chúng ta phải nhận thức rõ ràng, chân xác những tính chất trọng yếu của ngành Hoằng pháp, nhằm đưa ra những quan kiến rõ ràng trên bước đường xây dựng và phát triển ngành Hoằng pháp trong thời đại mới. Để tạo điều kiện cho việc thực hiện các chương trình mà Ban Hoằng Pháp Trung Ương đã đề ra cho cuộc hội thảo như: Hoằng pháp với lễ hội Phật đản, Hoằng pháp với an cư… theo chúng tôi lễ hội Phật đản là đại lễ quan trọng nhất để ngành Hoằng pháp quảng bá ý nghĩa sự ra đời và lời dạy của đức Phật.
Tuy nhiên, lễ Phật đản chưa ăn sâu vào đại đa số quần chúng nhân dân Việt Nam, ngay cả những người có tín ngưỡng Phật giáo, thậm chí người Phật tử đã quy y. Chính điều nầy làm cho chúng tôi trăn trở, ưu tư và điều nầy đã nói lên sự chưa lớn mạnh của Phật Giáo Việt Nam, sự chưa quảng bá Phật pháp của ngành Hoằng pháp trong thời gian qua, cũng như tương lai.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nói chung, ngành Hoằng pháp nói riêng cần phải có kế hoạch cụ thể, mạnh dạn tích cực để đưa Đại lễ Phật đản thực sự trở thành Lễ hội Phật đản. Một lễ hội mang tầm vóc tín ngưỡng tâm linh cho đại đa số người Việt Nam có tín ngưỡng Phật giáo.
Lễ Phật đản là đề tài khá phong phú, đa dạng cho người Hoằng pháp thực hiện để truyền bá ý nghĩa về sự ra đời của Đức Phật và tư tưởng cũng như lời dạy của Ngài. Bởi vì, một khi chưa hiểu hết ý nghĩa về sự ra đời và lời dạy của đức Phật thì đồng bào Phật tử không thể có niềm tin vững chắc vào đạo Phật. Đây là yếu tố rất quan trọng cho ngành Hoằng pháp. Trên ý nghĩa và kinh nghiệm thực tế nầy, hàng năm vào mùa Phật đản, ngành Hoằng pháp Bình Dương đều có kế hoạch cụ thể cho chương trình thuyết giảng. Động viên các cơ sở tự viện trong tỉnh và Ban Đại Diện Huyện- Thị tổ chức Phật đản có chương trình thuyết pháp về ý nghĩa Phật đản. Nhờ vậy mà đa số người có tín ngưỡng Phật giáo càng ngày càng hiểu biết hơn về ý nghĩa sự ra đời của Đức Phật, hiểu biết hơn về tư tưởng và lời dạy của Ngài.
Hoằng pháp với lễ hội Phật đản sẽ cho chúng ta được quyền triển khai đầy đủ ý nghĩa về tư tưởng của đức Phật như : Từ bi, Bình đẳng, Hòa bình, bảo vệ môi trường, ngăn chặn chiến tranh xung đột…Đó là những vấn đề quan trọng của toàn cầu.
Kính chúc toàn thể quý đại biểu vô lượng an lạc và kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng kính chào.
Tham Luận Ban Hoằng Pháp Tỉnh Bình Dương