Tương quan nhân quả.
Kinh Thủy sám, Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, có đoạn: “Đệ tử chúng con trong giờ phút này, thân tâm an tịnh, không còn hoa dạng, không còn vướng mắc, đích thị là lúc sinh thiện diệt ác, nên cùng phát thêm bốn thứ quán sát để làm phương tiện diệt trừ tội ác: quán sát nhân duyên, quán sát quả báo, quán sát bản thân, quán sát thân Phật.” Như vậy, quán sát nhân duyên là một trong bốn “phương tiện hiệu quả hơn cả trong việc hủy diệt mọi thứ tội lỗi, chính yếu bậc nhất trong sự loại trừ mọi thứ chướng ngại.” Kinh giải thích : “Quán sát nhân duyên là xét tội lỗi của chúng con đây xuất từ vô minh, từ những tư tưởng không phải hiền lành, từ cái lý do không có sức mạnh của sự chánh quán. Nên đã không thấy tội lỗi của mình, không gần thiện hữu là Phật Bồ tát, chạy theo đường ma, đi vào cái ngõ cong mà lại hiểm. Như cá cắn câu không biết tai họa, như tằm làm kén tự quấn tự buộc, như con thiêu thân nhào vào lửa ngọn tự thiêu tự đốt. Vì lý do đó không thể siêu thoát.”
Nhưng thế nào là tội lỗi? Theo kinh, “sắc thái tội lỗi tuy thật vô lượng, đại thể mà nói, không ngoài ba thứ, một là phiền não, hai là ác nghiệp, ba là khổ báo. Cả ba thứ này có thể trở ngại tuệ giác giải thoát của các thánh giả, lại còn trở ngại quả báo tốt đẹp của cả nhân thiên, nên trong khế kinh mệnh danh ba chướng. ... Diệt được ba chướng thì sáu giác quan, mười thứ ác nghiệp, cho đến tám vạn bốn ngàn trần lao, đều sạch tất cả.” Như vậy, quán nhân duyên là một trong các pháp môn có hiệu năng chuyển hóa những hoàn cảnh không may đầy chướng ngại thành con đường thênh thang đưa đến giác ngộ.
Nói về nhân duyên, thường người ta hay phân biệt một cách đơn giản vai trò của khoa học là mô tả cách thức “làm thế nào?” (how?) các hiện tượng hiện ra và vai trò của triết học hay tôn giáo là tìm cách trả lời câu hỏi “tại sao?” (why?). “Làm thế nào” liên quan đến quá trình nhân quả hay “phương tiện”, còn “tại sao?” thời liên hệ đến mục đích, nguyên nhân.
Thật ra, trong lãnh vực khoa học cũng có những tiêu chuẩn riêng để xác định nhân duyên của biến cố hay hiện tượng X, hầu trả lời thích đáng câu hỏi “Tại sao X?” nhằm tránh mâu thuẫn giữa cách giải thích “làm thế nào” và lập luận trả lời “tại sao vậy?”. Câu hỏi “Tại sao X?” hình như phát xuất từ nhu cầu thiết lập một trật tự cho các điều tai nghe mắt thấy nhằm làm chúng ăn khớp thích hợp với nhau. Nhưng chúng ăn khớp thích hợp với nhau hay không là còn tùy theo chúng được sắp xếp trong cái khung ý niệm nào. Như thế, khi bác bỏ một câu trả lời thời có thể tại vì cách giải thích đối nghịch với các khái niệm có sẵn trong khung đó hoặc trong khung đó không có khái niệm nào khả dĩ dùng để giải thích biến cố hay hiện tượng đề cập trong câu hỏi.
Trong trường hợp đơn giản nhất, sự ăn khớp thích hợp là sự liên hợp hai hiện tượng nối tiếp theo nhau. Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần mặt trời lặn thời cảnh vật mát mẻ hơn. Mỗi lần mùa hè khô ráo thời mùa màng không tốt đẹp. Mỗi lần có nạn đói thời bệnh tật phát sinh. Để mô tả sự nối tiếp hai hiện tượng như vậy, người ta thường nói: “Trời mát là do mặt trời lặn”. “Mùa màng mất là vì không đủ mưa”. “Bệnh tật phát là tại thiếu ăn”. Rồi từ đó hiện tượng nào khởi hiện trước thời gọi là nhân và khởi hiện sau thời gọi là quả. Tìm hiểu nhân duyên tự nhiên đưa đến thành lập tương quan nhân quả. Liên hệ nhân quả là thói quen liên hợp hai hiện tượng nào thường xuất hiện đều đặn nối đuôi nhau. Triết và sử gia David Hume chủ trương cực đoan rằng trật tự nhân quả chỉ là sự phản chiếu của những tập quán thấy biết mà thôi. Nếu quả thật như vậy thời sự hiểu biết của con người không mấy khác điều kiện phản xạ (conditioned reflex) của con chó mà Pavlov điều khiển biết sắp được cho ăn khi nghe chuông gióng. Trong trường hợp này, sự áp đặt điều kiện không còn hữu hiệu nếu kích thích và phản ứng cách nhau một khoảng thời gian đáng kể. Do đó, nếu chỉ thụ động vin vào thói quen mà liên hợp các hiện tượng hay biến cố thành nhân với quả thời chắc chắn không bao giờ thấu hiểu được bệnh sốt rét là do muỗi gây ra hay nguyên nhân bốn mùa là do trục quay của quả đất có một độ nghiêng. Trong thực tế có quá nhiều đối tượng thấy biết và vô số cách ghép chúng thành từng đôi nhân quả.
Thí nghiệm Pavlov mất rất nhiều thời giờ lặp đi lặp lại kích thích sinh lý để dạy con chó nhỏ dãi khi nghe tiếng chuông liền nghĩ đến thức ăn. Trái lại, con người thường chỉ cần một lần kinh nghiệm liên hợp hai biến cố nối đuôi nhau là vội kết luận ngay rằng đó là trật tự nhân quả, nhất là khi tâm não có ý hướng tra tầm nguyên nhân của một sự kiện chính mình đang chứng nghiệm. Chẳng hạn sau khi vừa ăn xong một ít dưa chua ta cảm thấy đau xót trong bụng. Ta liền suy ngay nguyên nhân bụng đau là do dưa chua, không cần biết trước đó ta đã ăn dưa chua lần nào hay chưa. Hơn nữa, tưởng rằng đã tìm ra nguyên nhân của đau bụng với chỉ một lần kinh nghiệm thời sau đó ta thấy không cần kinh nghiệm ăn dưa chua và đau bụng thêm lần nào khác nữa để tin chắc hơn về cái luật nhân quả ta mới nghĩ ra. Thêm vào đó, cái trí nhớ tốt của ta luôn luôn nhắc ta không nên ăn dưa chua, đồng thời gây nơi ta niềm tin “dưa chua là nguyên nhân của đau bụng”. Thế rồi ta truyền lại niềm tin ấy cho con cháu và cho người khác. Do đó, một truyền thống không ăn dưa chua có thể phát sinh trong toàn thể một quốc gia suốt vài thế kỷ. Như vậy, trật tự theo đó cái nào nhân cái nào quả trở nên không do kinh nghiệm bản thân thấy biết mà do sự tin tưởng vào kinh nghiệm của người khác hay do tập quán truyền thống áp đặt.
Còn một phương cách khác rất thông dụng để thiết lập tương quan nhân quả. Đó là dùng ngôn ngữ thay kinh nghiệm. Cách này cho ta cảm tưởng là ta đang liên hợp kinh nghiệm với nhau, nhưng kỳ thật ta đang liên hợp danh tự với nhau. Trong mọi câu giải thích, hai chữ “bởi vì” đáng lý phải đứng trước một kinh nghiệm nguyên nhân. Nhưng thông thường hai chữ ấy được xem như là đã giải thích nguyên nhân không cần biết đến kinh nghiệm nào được phát biểu sau hai chữ ấy. Sau đây là một vài thí dụ.
Hỏi: Tại sao thằng Ba ghét làm việc?
Trả lời: Bởi vì nó lười.
Giải thích như vậy không nêu ra một thứ tự nhân quả mà chỉ liên hợp các từ ngữ, ghét làm việc và lười. Nhưng vì lười có nghĩa là ghét làm việc nên cuối cùng chẳng khác nào nói: “Thằng Ba ghét làm việc bởi vì nó ghét làm việc”. Những thí dụ tương tự khác: “Thuốc phiện làm ta ngủ bởi vì những phẩm tính gây ngủ của nó”. “Chúa Trời không thể phạm tội bởi vì Chúa Trời là Đấng toàn hảo”. Những phát biểu như vậy không nêu ra sự liên hợp hai kinh nghiệm mà chỉ là sự liên hợp những danh từ nên không đúng là những lời giải thích.
Những thí dụ vừa kể tuy hồ đồ trong sự nhận xét tương quan nhân quả nhưng vẫn có khía cạnh tích cực đáng đề cập. Suy đoán trật tự nhân quả từ độc nhất một kinh nghiệm bản thân có thể giúp ta học hỏi nhanh chóng hơn so với sự học hỏi của các động vật khác. Tin tưởng vào kinh nghiệm tha nhân để chấp nhận một tương quan nhân quả cũng là thái độ tốt, thái độ sẵn sàng hợp tác với kẻ khác nhằm thực hiện những lợi ích chung. Sử dụng ngôn ngữ thay thế thực nghiệm mưu cầu hiểu biết là khả năng đặc biệt duy chỉ loài người trên quả đất này sở đắc. Lý do: tác động ngôn ngữ là một phương cách thực hành thí nghiệm bằng tưởng tượng và tác động trong đầu óc chắc chắn là nhanh chóng và an toàn hơn là ở thế giới bên ngoài. Chính do khả năng “thực hành thí nghiệm bằng tư tưởng” mà sự học hỏi của con người được mở rộng khắp mọi lãnh vực quan hệ với đời sống.
Tóm lại, sự nhìn nhận quá trình học hỏi của con người như dao hai lưỡi tất nhiên có tác dụng trên quan điểm giải thích và từ đó trên quan niệm nhân quả. Nói như vậy có nghĩa là mọi mệnh đề phát biểu tương quan nhân quả đều thuộc loại định đề (postulate) tức là loại giả thiết có lợi ích thực tiễn không kiểm chứng bằng luận lý được mà chỉ bằng tác dụng của kinh nghiệm. Chỉ những tác động kiểm chứng mới mang lại ý nghĩa cho mệnh đề xác quyết biến cố A là nhân của biến cố B. Bằng vào những tác động kiểm chứng, tương quan nhân quả có thể phân thành ba loại: loại quan sát, loại giả định, và loại tác động.
Tương quan nhân quả loại quan sát.
Khi bảo “A là nhân (quan sát) của B” là có ý muốn nói rằng: “Hãy chực xem A phát hiện thời sẽ thấy B phát hiện”. Trong trường hợp này không thể có tác dụng nào trên A hay trên B, chỉ ngồi yên mà quan sát sự xuất hiện của chúng. Nếu có sự diễn tiến đều đặn A luôn luôn xảy ra trước B, thời ta bảo A là nhân (quan sát) của B. Vì tiếng sét luôn luôn phát sinh liền sau tia chớp nên ta có thể bảo tia chớp là nhân (quan sát) của tiếng sét. Trong trường hợp A và B phát sinh đồng thời hay trình tự phát sinh A và B thay đổi, có khi A trước B sau, có khi B trước A sau thời bất cứ A hay B cái này có thể gọi là nhân của cái kia. Thí dụ: Vị trí thẳng đứng của kim đồng hồ nhà ga Huế luôn luôn phát hiện hoặc ngay trước khi hoặc ngay sau khi chuyến tàu số 456 đến ga. Ta có thể nói: “vị trí thẳng đứng của kim đồng hồ là nhân của sự tàu đến hay ngược lại”. Đối với người rành đi tàu lửa và quen thuộc với các thời khắc biểu thời nói như vậy nghe rất chướng tai. Đáng lẽ thuận lý phải nói: “Chuyến tàu số 456 đến ga vào lúc 5 giờ 55 phút, và giờ tàu đến xê xích từ 5:55 đến 6:05”.
Tuy nhiên, nên tự nhiên nhận xét sự tương quan nhân quả một cách chất phác, đừng luôn luôn buộc mình giải thích bằng lý trí. Cố nhiên, về lâu về dài phương cách lý đoán vẫn cần thiết hơn là nhận thức chất phác ngây thơ. Nhưng phải nhớ rằng lý giải thường bắt nguồn từ những thiên kiến có sẵn và những thiên kiến này làm trở ngại sự khám phá những kiến thức mới mẻ hay sự hiểu biết thâm sâu. Sự nhận xét ngây thơ về tương quan nhân quả giữa vị trí kim đồng hồ và sự tàu đến tuy “sai lầm” nhưng hàm chứa một ý niệm rất quan trọng: tùy theo lối quan sát, nhân và quả có thể thay thế lẫn nhau.
Một thái độ cực đoan của hình thái nhận thức chất phác về tương quan nhân quả là không tin có nhân có quả và quan niệm tất cả hiện tượng đều sinh khởi một cách tình cờ. Đó là chủ trương của học thuyết ngẫu nhiên, còn gọi là vô nhân vô duyên luận, không thừa nhận có bất cứ một quy luật hay lý pháp nào. Đối với phái này, thiện ác và họa phúc đều ngẫu nhiên chứ không do một hành vi hay ý chí nào của con người. Trên phương diện đạo đức, thuyết này phủ nhận trách nhiệm cá nhân, vì vậy không ích lợi cho nhân sinh.
Tương quan nhân quả loại giả định.
Một biến cố A được xem như nhân (giả định) của biến cố B nếu ở vào tình thế sau đây: B hiện khởi và gây ngạc nhiên khi chưa biết A đã hiện khởi, và khi biết A đã xảy ra thời không còn ngạc nhiên tại sao B xảy ra. Nói cách khác, A được xem là nhân (giả định) của B nếu khi nghe giải thích “B hiện khởi là vì A xảy ra” ta liền thốt lên : “Là thế à!”. Như vậy sự thiết lập tương quan nhân quả giữa A và B loại giả định hoàn toàn chủ quan, bởi vì nguyên nhân giải thích một biến cố bất thường là một biến cố quen thuộc đối với cá nhân.
Thí dụ hỏi: “Tại sao nhiều người chạy về một hướng vậy nè?”
Trả lời: “Phía ấy có đám cháy”.
Câu hỏi hàm chứa ý nghĩ về một điều gì bất thường xảy ra. Thường ngày không có cảnh nhiều người chạy đổ dồn về một hướng. Nhưng nếu đã có lần nhìn thấy rất nhiều người cùng chạy về phía một đám cháy, thời điều đó tạo nên một sự quen thuộc: “đám cháy là nhân của sự chạy đổ dồn về một phía”. Bởi vậy cho nên một biến cố bất thường (chạy về một hướng) đã do giải thích mà trở thành một biến cố quen thuộc (đông người chạy về phía một đám cháy). Chúng ta hài lòng với câu trả lời chỉ khi nào điều mà ta cho là bất thường (do đó mới hỏi: “Tại sao?”) trở thành điều ta quen thuộc (điều mà ta tưởng vọng). Như vậy chủ quan mà xét câu trả lời có thích đáng hay không, cái đó tùy thuộc những gì cá nhân quan niệm là thường hay bất thường.
Hãy lưu ý rằng phương pháp quan sát không thể áp dụng để kiểm chứng tương quan nhân quả loại giả định. Ta không nhìn ra phía ngoài để tìm cách xác định “A là nhân của B”. Trái lại, ta vin vào những tưởng vọng bên trong và thường hay suy luận để phân tích những điều phát biểu về sự liên hệ nhân quả là đúng (valid) hay sai, là chân (true) hay giả.
Mệnh đề phát biểu được công nhận là đúng chỉ khi nào nó được suy diễn từ những mệnh đề đúng khác hợp theo những qui tắc luận lý ước định. Mệnh đề được công nhận là chân thật chỉ khi nào hội đủ ba điều kiện sau đây.
1. Mệnh đề phải hàm ngụ những dự đoán (predictions) có thể thử nghiệm bằng nhiều cách tác động suy ra từ chính những dự đoán ấy.
2. Các cách tác động đã được thực hiện để thử nghiệm các dự đoán của mệnh đề.
3. Các dự đoán của mệnh đề đã được thử nghiệm bằng các cách tác động.
Trong trường hợp điều kiện thứ 3 không thành công, nghĩa là các cách tác động đem ra áp dụng đều không mang lại kết quả như dự đoán thời mệnh đề được công nhận là giả (false), không chân thật. Nếu điều kiện thứ 2 không thỏa mãn, nghĩa là tuy có nghĩ ra nhiều cách tác động nhưng không thực hiện bất cứ cách nào, thời mệnh đề được công nhận là bất định (indeterminate). Cuối cùng nếu điều kiện 1 không được thỏa mãn, nghĩa là mệnh đề không hàm ngụ một dự đoán nào hoặc nếu có mà không gợi ra bất kỳ một cách tác động nào để thử nghiệm thời mệnh đề xem như vô nghĩa. Như vậy khoa học công nhận bốn loại mệnh đề: chân, giả, bất định (vừa chân vừa giả?), và vô nghĩa (không chân không giả?) khác hẳn với logic của Aristotle chỉ chấp nhận hai loại mệnh đề chân và giả mà thôi.
Theo như vừa trình bày về tính đúng và tính chân của mệnh đề thời mọi phát biểu tương quan nhân quả theo loại giả định chỉ có thể đúng mà thôi chứ không thể chân thật, vì thường lầm lẫn tính đúng với tính chân nên ít người gia công thử nghiệm để phân biệt mệnh đề là chân hay giả. Vả lại, thường khi phát biểu, mệnh đề không hàm chứa một dự đoán nào có thể gợi lên một phương cách kiểm chứng. Chẳng hạn nói: “Ma bắt mất hồn”, “Đấng Tối Cao tạo ra vạn vật”
Theo Nhân minh luận, đối tượng nhận thức chỉ có hai thứ: tự tướng (svalaksana) do cảm giác trực nhận và tổng tướng (sàmànyalaksana) do suy luận mà thông đạt. Tự tướng có nghĩa là cái không thể vin vào cái khác để định nghĩa nó trừ ra chính nó. Nó có thể thực nghiệm được trong một khoảnh khắc. Ngay trong sát na được thực chứng, nó không có phẩm tính, danh tính, thuộc tính,..., nghĩa là thoát ra ngoài mọi thi thiết diễn tả. Tổng tướng là sự hữu trong một khoảnh khắc sát na nhưng lại biểu lộ như là ở tất cả mọi thời: thấy sự hữu bây giờ và ở đây như là thấy nó trong mọi lúc và ở mọi nơi. Ngoài tính chất tổng quát, tổng tướng còn có thể phát biểu qua ngôn ngữ, có thể định nghĩa, và đem chia xẻ giữa nhiều cá thể. Trên nguyên tắc, tổng tướng tuy do vọng tưởng phân biệt nhưng không hư ảo như hoa đốm giữa trời.
Mọi nhận thức thực tại đều có tác dụng là thành lập tương quan nhân quả loại giả định để giải thích sự quan hệ giữa tự tướng do cảm giác đơn thuần nhận biết (hiện lượng) và tổng tướng là những khái niệm được thi thiết ngay sau sát na đầu tiên của quá trình nhận thức (tỷ lượng). Thêm vào đó, bẩm tính con người là muốn dùng ngôn ngữ và luận lý để diễn tả và truyền đạt những tương quan nhân quả phát hiện theo trí phân biệt của mình. Chính vì thế mà ngôn ngữ và luận lý trở nên rất cần thiết trong đời sống xã hội, nhưng cũng rất nguy hại nếu không biết phân biệt tính đúng và tính chân của các mệnh đề phát biểu.
Tương quan nhân quả loại tác động.
Câu “A là nhân của B” có nghĩa là “Hãy tác động gây A phát hiện thời sẽ thấy B phát hiện”. Nói khác, A là nhân (điều kiện) đủ để B xuất hiện. Hay cũng có nghĩa là: “Ngăn chận không cho A phát hiện, và B sẽ không xuất hiện”. Nói khác, A là nhân (điều kiện) cần để B xuất hiện. Trong trường hợp tương quan nhân quả loại tác động, ta không ngồi yên mà đợi chúng xảy đến. Trái lại, ta phải tìm cách gây cho A phát hiện hoặc ngăn chận không cho A phát hiện.
Theo Phẩm Phật Đà, Tương Ưng bộ, ii.1, thời hơn 2500 năm về trước, đức Phật đã bằng vào nơi thực tại của chúng sinh để tìm nguyên nhân của khổ đau và khám phá ra rằng sinh mệnh chỉ là một giả hợp của mười hai nhân duyên chứ không có thực ngã. Do quán thập nhị nhân duyên theo hai chiều, lưu chuyển và hoàn diệt, Ngài trưng dẫn những tương quan nhân quả loại tác động giữa mười hai chi, mỗi chi vừa là pháp làm duyên (duyên khởi) vừa là pháp do các duyên sinh (duyên dĩ sinh). Nếu Tứ đế thuyết minh nhân quả giải thoát và luân hồi thời Mười hai Nhân duyên cho thấy do thuận quán mà luân hồi, do nghịch quán mà giải thoát. Theo chiều hoàn diệt, chiều đoạn diệt sinh khởi của thế giới luân hồi, sinh tử khổ đau,... và đưa đến giác ngộ giải thoát, đức Phật định hướng con đường dẫn đến thoát ly sinh tử như sau, bắt đầu từ sự tận diệt Vô minh, cội nguồn của tham ái.
“Do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.”
Theo chiều hoàn diệt, khoen xích Ái là chi quan trọng nhất trong Mười hai Nhân duyên. Phần trước chi đó là do duyên từ quá khứ mà khởi cho nên hành giả không thể tác động đoạn diệt. Khi đến chi Ái thời hành giả có thể lựa chọn hoặc tiếp tục để Ái duyên Thủ mà tiếp tục lưu chuyển trong vòng sinh tử luân hồi, hoặc cương quyết đoạn diệt Ái Thủ để mười hai khoen xích nhân duyên của thế giới sinh tử luân hồi tan rã.
Kiểm chứng tương quan nhân quả bằng cách tác động các biến cố là nền tảng của khoa học thực nghiệm. Trong một số địa hạt sự tác động thí nghiệm gặp nhiều khó khăn hay có khi không thể thực hiện. Chẳng hạn có nhiều trường hợp không thể thí nghiệm trên cơ thể con người hay không thể tác động dẫn xuất một số trạng huống xã hội theo dự định. Trong những hoàn cảnh bất lực như vậy khoa học gia chỉ còn cách duy nhất là ngồi bàn về những tương quan nhân quả loại quan sát. Trên đây ta đã thấy giả thiết nhân quả loại quan sát không đáng tin cậy so với giả thiết nhân quả loại tác động. Bởi vậy tương quan nhân quả loại quan sát thường được gọi là tương quan giả (spurious correlation).
Sự kiểm chứng tương quan nhân quả loại tác động cũng cho thấy nhiều trường hợp trong đó nhân và quả có thể thay thế lẫn nhau. Cái được gọi là nhân tùy thuộc cách ta tác động thí nghiệm. Chẳng hạn, khi tác động một máy phát điện quay tay, chuyển động của cuộn dây quay là nhân và dòng điện là quả. Ngược lại, đem nối hai đầu dây của máy ấy vào một nguồn điện xoay chiều máy sẽ tác động như một động cơ. Trong trường hợp này, dòng điện là nhân và chuyển động là quả. Như vậy, quyết định cái nào là nhân và cái nào là quả tùy thuộc những thí nghiệm mà ta tác động để kiểm chứng sự tương quan.
Trong đời sống hằng ngày, ta thường quen với những hiện tượng không đảo chiều. Như trường hợp đánh rơi một cái chén làm vỡ tan thành mảnh. Có khi nào trong tương lai các mảnh vụn tập hợp trở thành cái chén nguyên thủy rồi nằm lại vào chỗ cũ ở trên bàn hay không? Chính vì những kinh nghiệm như vậy mà lâu ngày sinh ra hai khái niệm sai biệt là quá khứ và vị lai. Ký ức chỉ ghi quá khứ chứ không nhớ tương lai. Cách tri lượng những biến cố có thể xảy ra cũng không giống hình thái nhận thức những gì có thể đã xảy đến. Ta thường tin rằng không thể làm gì được để thay đổi quá khứ nhưng có thể hành động một cách nào đó để ảnh hưởng tương lai. Qua những danh từ thường dùng như hối hận, nuối tiếc, hy vọng,... ta thấy ngay một sự cách biệt quá rõ ràng giữa quá khứ và vị lai.
Ngược lại, cho đến nay trong vật lý học, mọi định luật cơ bản về sức hút vạn vật, điện từ trường, và phản ứng hạt nhân, hết thảy đều thuận nghịch, nghĩa là không phân biệt quá khứ và vị lai. Lâm thời nếu tất cả các phân tử của một hệ thống phức hợp mỗi mỗi đều đổi hướng vận tốc thời những gì đã thu nhiếp về trước sẽ phóng khai trở lại. Theo thuật ngữ Phật giáo, mọi hiện tượng đều do sự hiện hành của những chủng tử đã được huân trưởng. Để giải thích tính không đảo chiều trong thế giới hiện tượng là như huyễn, không bắt nguồn từ các định luật cơ bản, các nhà vật lý học phải thi thiết thêm nhiều khái niệm phức tạp như hệ thống kín, hệ thống hở, bảo toàn năng lượng, entropy,... và phải tốn nhiều công phu suy diễn tựa trên những dữ kiện thí nghiệm. Điều này cho thấy các định luật vật lý cơ bản không đủ khả năng mô tả toàn vẹn thực tại như thật. Tuy nhiên chúng vẫn có lợi ích cho thấy không có gì cố định trong mọi phát biểu về lý nhân duyên cái nào là nhân và cái nào là quả.
Từ thuở sơ khai con người đã biết tạo lửa bằng cách cọ xát hai phiến đá với nhau. Đó là áp dụng tương quan nhân quả một chiều, “công sinh nhiệt”, “công là nhân và nhiệt là quả” [Vật lý học định nghĩa công là lực tác dụng nhân với quãng đường vật xê dịch]. Đến khi hiểu được ngược lại nhiệt có thể chuyển hóa thành công, “nhiệt sinh công”, “nhiệt là nhân và công là quả”, tức là đến khi khám phá tương quan nhân quả ứng hiện hai chiều “nhân = quả”, không có sai biệt giữa nhân và quả thời các máy chạy hơi nước và động cơ nổ được chế tạo, khởi đầu cuộc Cách mạng Kỹ nghệ (Industrial Revolution) ở nước Anh vào cuối thế kỷ 18 thay đổi toàn diện đời sống trên mặt đất.
Đối với vật lý học, luật nhân quả không mấy lợi ích. Ngoại trừ những lúc cần trả lời vắn tắt những câu hỏi thắc mắc về nhân quả hay phát biểu kết quả một cách bình dân không chân thật như : “Sức hút vạn vật là nguyên nhân chuyển động của hành tinh quanh mặt trời”, “Ma sát là nguyên nhân của nhiệt”, khoa học gia sử dụng hoàn toàn toán ngữ, biến chuyển các phương trình toán học theo những quy tắc nhất định, có thể tính chuyển động của các hành tinh tùy thuộc sức hút vạn vật hay ngược lại tính sức hút vạn vật bằng vào chuyển động của các hành tinh. Bởi thế cho nên không cần phải phân biệt đâu là nhân và đâu là quả.
Hiện nay, mô phỏng phương pháp khảo sát phân tích và sử dụng toán ngữ của vật lý học, các bộ môn như kinh tế học, xã hội học, tâm lý học,... cũng nghiên cứu tương quan nhân quả loại tác động để tìm hiểu các vấn đề liên quan sinh hoạt con người. Thí dụ hỏi: Gia tăng tiền công có phải là nguyên nhân của sự gia tăng vật giá? Chiến tranh gần kề có phải là do chạy đua sản xuất vũ khí? Nơi ăn chốn ở không tốt có làm suy giảm tham vọng và sức sản xuất hay không? Tất nhiên mọi phát biểu về giả thiết nhân quả phải được kiểm chứng chặt chẽ bằng mọi phương pháp khoa học thời mới mong dẫn đến những hành động có lợi ích xã hội. Thường khi thi thiết tương quan nhân quả loại tác động người ta có khuynh hướng đặt trọng tâm vào những yếu tố dễ tác động. Chẳng hạn, giữa hai yếu tố, cải cách cấu trúc kinh tế của xã hội và thay đổi đời sống vật chất và tâm linh của dân chúng, một số người tin rằng cải cách cấu trúc kinh tế của xã hội dễ tác động hơn là thay đổi đời sống vật chất và tâm linh của dân chúng. Do đó mới phát sinh chủ thuyết chọn cải cách cơ cấu kinh tế làm nhân để xây dựng một đời sống vật chất và tâm linh tiến bộ. Hiểm họa ở đây là chấp lấy một giả thiết và biến nó thành một chân lý.
Lầm lẫn hai tính “đúng” và “chân” của mệnh đề phát biểu dẫn đến sự lầm tưởng tương quan nhân quả loại giả định là tương quan nhân quả loại tác động. Chẳng hạn trong ngành Đông y, cách định bệnh chỉ đúng chứ không chân thật. Lý do: Để tìm ra nguyên nhân của bệnh, thầy thuốc thường y vào tưởng vọng và suy diễn đúng theo một mô hình lý luận. Chữa trị là thực hiện một số tác động như bắt mạch, thử máu, định thuốc trị bệnh,... Nhưng người thầy thuốc không hề thực hiện các tác động ấy như là thí nghiệm để thử xem những nguyên nhân ông chẩn đoán có chân thật hay không.
Phân biệt nhân quả loại tác động và loại giả định rất cần thiết để tránh những tranh luận vô bổ giữa những trường phái có chủ trương khác nhau. Chẳng hạn, có các nhà xã hội học tin vào những tương quan nhân quả loại tác động và chủ trương khám phá những định luật khách quan chi phối tập quán xã hội của con người, giải thích quá trình tiến hóa của các xã hội,.... Bắt chước các nhà vật lý học kiểm chứng những định luật vật lý họ tìm cách thử nghiệm các định luật xã hội học bằng đủ mọi phương pháp khoa học. Nhưng cũng có các nhà xã hội học khác chỉ bằng vào những tương quan nhân quả loại giả định tùy thuận những tiêu chuẩn chủ quan thích hợp với khung ý niệm riêng biệt của họ. Lẽ cố nhiên, những triết gia như Plato, Rousseau, Hegel,... thành lập những hệ thống tư tưởng xã hội rất hoàn hảo trong đó mọi hiện tượng đều liên hệ thuận hợp nhau theo đúng những luận chứng có phép tắc minh bạch. Nhưng vì không đề xuất một dự đoán nào hàm ý phương cách thử nghiệm, nên các hệ thống tư tưởng ấy không chân thật mà chỉ đúng đối với những người đồng chủ trương mà thôi. Khi thấy rõ sự khác biệt giữa những loại tương quan nhân quả mỗi học phái chọn làm căn bản cho hệ thống tư tưởng của mình thời không cần phí phạm thời giờ tranh biện để biết phía nào phát biểu đúng, phía nào phát biểu chân thật.
Hồng Dương-Nguyễn Văn Hai