HT Nhất Hạnh: Ta không chỉ tu tâm, còn tu cả với thân

image

Làm sao ta có thể hạnh phúc được khi ta đã đầy ắp nào là giận hờn, nào là si mê và tham lam? Thế nên cái thấy sâu sắc - tuệ giác - mới cởi trói cho ta khỏi những ràng buộc khổ lụy ấy và mới là chìa khóa cho hạnh phúc.

Melvin McLeod: Kính thưa Thiền Sư, tại sao Chính Niệm là chìa khóa của hạnh phúc?

Thiền Sư Làng Mai: Chính niệm đưa đến định. Định đưa đến cái thấy thâm sâu là tuệ giác. Tuệ giác giúp ta thoát khỏi cái thấy mê mờ của mình, thoát khỏi cái giận và tham đắm. Khi mà ta thoát khỏi được phiền não thì hạnh phúc có thể có mặt.

Làm sao ta có thể hạnh phúc được khi ta đã đầy ắp nào là giận hờn, nào là si mê và tham lam? Thế nên cái thấy sâu sắc - tuệ giác - mới cởi  trói cho ta khỏi những ràng buộc khổ lụy ấy và mới là chìa khóa cho hạnh phúc.

Thường thì có rất nhiều điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Nhưng ít khi nào ta để ý, nhận diện nó, bởi vì chúng ta không chính niệm, không ý thức được những hạnh phúc đang có mặt. Khi thân và tâm đang cùng có mặt trong giây phút hiện tại, ta thật sự sống động, tỉnh táo. Ta thật sự có mặt, ta thật sự sống và tiếp xúc được khá sâu sắc với sự sống trong lúc này và tại đây.

Thành ra, ta không chỉ tu tâm, mà ta còn tu cả với thân của ta nữa. Thân và tâm phải là một, không hai được. Trên căn bản ấy, bạn sẽ thấy những gì bạn đang tìm cầu đã có mặt từ lâu rồi, cho dù đó là giác ngộ, niết bàn, giải thoát, Phật, Pháp, Tăng hay là hạnh phúc, nó đều đang có mặt ở ngay bên bạn đó.

Thật ra, phút giây hiện tại, đó là giây phút duy nhất mà bạn có thể tìm được những cái trên.

Ngược lại khi tâm và thân bị phân tán, khi mà ta chìm sâu vào suy tính tư duy... và ta không có mặt trong phút giây hiện tại, ta hành xử như là một cái xác, như người mộng du.

Có thể mọi người đều đồng ý rằng ta phải sống trong phút giây hiện tại đó, nhưng  cái thói quen để cho tâm bị trôi lăn, phân tán nó đã hiện diện trong ta lâu lắm rồi. Nó cứ đẩy ta đi vòng vòng cho nên ta đánh mất khả năng có mặt sâu sắc trong phút giây hiện tại.

Vì thế sự tu luyện đúng mức rất quan trọng. Nghe thuyết pháp và đọc sách không chưa đủ. Ta phải thực tập đủ lâu để có tập khí mới, tập khí dừng lại được cái tâm rong ruổi, chạy tán loạn của ta để ta có thể an trú thân tâm trong phút giây hiện tại.

Đó là sự thực tập đầu tiên: dừng lại, dừng lại, nhìn kỹ hơn, nhìn rõ hơn, nhìn sâu hơn và nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt, thoát ra khỏi ngục tù của sự bị kéo đi bởi thói quen chê trách, than van, lúc nào cũng không vừa ý. Đó là con đường của Bụt.

Melvin McLeod: Thưa Thiền Sư, Thầy nhấn mạnh nhận diện niềm vui, sự hạnh phúc và sự hài lòng trong khi tu tập - niềm vui khi đặt những bước chân trên mặt đất, niềm vui khi hít vào một hơi thở chính niệm. Có thể vì cái quá khứ học Phật quá cứng ngắc và nghiêm khắc của chúng tôi mà chúng tôi thấy dễ chấp nhận hơn khi nghe rằng “mình tu theo Bụt thì tu làm sao cho cứng cỏi, không để bị kéo đi bởi niềm vui. Đối với tôi, gần như là mình đi sai đường nếu trộn lẫn tôn giáo với thú vui và ăn mừng sự sống”

Thiền Sư Làng Mai: Tôi nghĩ rằng, phần đông khi lắng nghe Bụt dạy về bốn sự thật mầu nhiệm (Tứ Diệu Đế)- nhất là sự thật đầu tiên, họ nghe những chữ như khổ đau, như phiền não và vì thế nên họ nghĩ rằng đạo Bụt là đạo chỉ nói đến khổ đau thôi.

Nhưng họ không nhớ rằng sự thật thứ ba là để nói về hạnh phúc, cái ngược lại của sự thật thứ nhất là phiền não, khổ đau. Bốn sự thật mầu nhiệm mà Bụt dạy là: 1/ Có khổ đau, có phiền não, 2/ nhận diện con đường đưa ta đến chỗ khổ đau 3/ Có thể làm khổ đau vắng mặt, nghĩa là có hạnh phúc và 4/  có con đường dẫn tới hạnh phúc.

Có lẽ chúng ta nên trình bày đạo Bụt bắt đầu bằng hai sự thật thứ 3 và thứ 4 trước: 1/ Có thể có hạnh phúc ngay. 2/có con đường đưa tới hạnh phúc. 3/ Có thể ở tình trạng triền miên trong khổ đau 4/ Có cách nhận diện những nguyên nhân của khổ đau.

Melvin McLeod: Khi có chính niệm, ta khám phá ra ta có nhiều niềm vui nhưng đồng thời cũng khám phá ra nhiều niềm đau và thương tích trong ta, đó là những kinh nghiệm khó xử khi thực tập chính niệm. Xin Thiền Sư chỉ cách cho chúng tôi trong những trường hợp khi khổ đau trỗi dậy?

Thiền Sư Làng Mai: Khổ đau và hạnh phúc liên hệ chằng chịt với nhau. Chúng ta chỉ nhận diện được hạnh phúc khi có một quá khứ khổ đau. Ví dụ như ta thấy rõ hơn những chữ trắng nếu nó nằm trên nền đen. Nếu ta đã từng đói ta mới thấm thía được niềm hạnh phúc khi có ăn. Nếu ta đã từng khổ đau vì chiến tranh ta mới thấy tất cả giá trị lớn lao của hòa bình. Nếu không, bạn sẽ không trân quý hòa bình, bạn chỉ muốn đánh giặc thôi.

Thành ra, kinh nghiệm của ta về những khổ đau không lường được của chiến tranh sẽ giúp ta tìm nhiều cách để gìn giữ hòa bình. Vì thế nếu có được những kinh nghiệm đau buồn là điều rất tốt, nhờ thế mà trên nền tảng ấy ta nhận diện được hạnh phúc.

Phần đông chúng ta, ai cũng có một khuynh hướng thâm sâu là tìm về khoái lạc và tránh khổ đau. Điều này có nguyên nhân sâu xa trong tàng thức của ta, phần này của tâm ta gọi là mạt na thức. Tiếng Bắc Phạn Sanskrit là Manas, là một phần trong tâm mỗi người, chỉ muốn  tìm về chỗ hưởng thụ và lẩn tránh khổ đau. Mạt Na thức không ý thức cái hiểm nguy của các sự hưởng thụ ấy.

Như con cá đã được báo trước là hãy coi chừng những miếng mồi ngon vì bên trong nó có thể có lưỡi câu móc họng. Nhưng nó vẫn không cưỡng được sự cuốn hút của miếng mồi. Mạt Na cũng không thấy được cái lợi lạc của bài học khổ đau. Chúng ta cũng nên tập chấp nhận khổ đau bởi vì khi ta đau, muốn vượt được khổ đau ấy ta phải tập hiểu sâu hơn vấn đề thì mới thương và chấp nhận được để thoát ra khỏi niềm đau ấy.

Bởi vì tâm ta vốn không biết cái hiểm nguy của dục lạc, cũng như không biết về cái lợi lạc của bài học khổ đau nên chúng ta phải chuyển vào tàng thức cái tuệ giác đó. Bởi vì chỉ để một mình ý thức tu tập thôi thì chưa đủ để chuyển hóa tận gốc những nỗi khổ niềm đau. Cái mà ý thức có thể làm là quán chiếu để đạt tới cái thấy sâu sắc đó và tải xuống tàng thức cái tuệ giác kia.

Cái tuệ giác đầu là thấy rằng sự tìm kiếm dục lạc rất nguy hiểm và sau đó là nếu đang khổ đau thì phải học cho được bài học từ khổ đau, khổ đau cũng có cái lợi lạc của nó. Nếu ta chính niệm, nếu ta đủ can đảm để trở về với chính ta và ôm ấp nỗi khổ của chúng ta thì ta sẽ học được nhiều lắm.

Khuynh hướng thông thường là lẩn tránh nỗi khổ, niềm đau nhưng ta nên làm ngược lại. Nhận diện nó, nhìn sâu và tìm cách chuyển hóa nó. Nếu ta chỉ biết trốn chạy nỗi khổ thì ta sẽ không có cơ hội chuyển hóa.

Bởi thế cho nên Bụt dạy ta, trước hết là chấp nhận sự thật thứ nhất, sự thật là mình đang có khổ đau. Sau đó là nhìn sâu vào khổ đau để có thể tìm ra sự thật thứ hai là nguyên nhân đưa ta đến cái khổ đó.

Đó là cách duy nhất để cho sự thật thứ ba, con đường hành trì để chuyển hóa khổ đau, đưa tới hạnh phúc có thể xuất hiện được. Vì thế ta nên nhấn mạnh đến vai trò của khổ đau. Nếu ta quá sợ khổ đau thì chúng ta không có cơ hội thành tựu những khám phá ấy.

Melvin McLeod: Tôi nghĩ là ai ai trong chúng ta cũng từng có thương một người trong cuộc đời và ta sẽ sẵn sàng gánh chịu hết những khổ đau của người kia và sẵn sàng trao tặng cho người đó những hạnh phúc ta có. Nhưng làm sao để trải rộng tình thương đó ra cho mọi người? Làm như thế thì cuối cùng mới chuyển được  thế giới? Làm sao nhân lớn lên và làm lan rộng ra cái tình thương mà mỗi người trong ta đều có?

Thiền Sư Làng Mai: Khi ta mới lọt khỏi lòng mẹ, vừa tách rời cung điện ấm áp (tử cung) của mẹ, ta bắt đầu sợ hãi, cái sợ đầu tiên đó nó thật lớn và thật sâu bởi vì ta có thể chết trong giây phút trọng đại, nguy ngập ấy.

Rồi người ta lại cắt mình ra khỏi cái cuống rốn đã nuôi nấng mình khá lâu trong bụng mẹ. Giờ đây thì mình phải tự thở lấy. Phổi của mình khi ở trong bụng mẹ thì có nước, nhưng trong giây phút trọng đại này, ta phải đẩy chất nước ấy ra khỏi phổi để tự hít vào hơi thở đầu tiên, nếu làm không được thì mình sẽ chết.

Thành ra, kinh nghiệm đầu tiên của ta về cái sợ là lúc đó và cái ước muốn ban đầu muốn được sống sót nó cũng được sinh ra lúc ấy. Cái ước muốn đầu tiên được sống còn cũng được phát sinh từ lúc ấy. Kinh nghiệm sợ hãi ban đầu được phát sinh từ lúc ấy.

Là một em bé mới sinh, mình thấy mình thật bất lực. Mình sẽ không sống sót nổi nếu không có ai đến chăm sóc mình. Khi mình nghe bước chân của ai đó đến gần để chăm sóc mình thì mình hạnh phúc.

Cả ngày mình chỉ chờ đợi tiếng chân đến gần mình bởi vì mình biết sau khi tiếng chân đến gần là có sữa, có sự ấm áp, có mọi thứ… Đó là cái sợ ban đầu và cái thèm khát ban đầu được phát sinh.

Rồi khi mình lớn lên, cái thèm khát có một người yêu cũng là sự tiếp nối từ cái thèm khát ban đầu đó. Mình thấy cần có một người để chăm sóc mình, nếu phải sống một mình thì thiếu thiếu cái gì đó và mình thấy hơi bất lực, mong manh. Mình không tự thấy yên tâm nếu chỉ sống một mình.

Vì vậy cứ tìm cách có một người yêu cùng sống bên nhau, đó cũng chứng tỏ là cái thèm khát ban đầu (khi mới sơ sinh) vẫn còn đó, rằng mình không cảm thấy an tâm nếu không có ai bên cạnh.

Thế nên người yêu, người bạn hôn phối cũng là một loại tiếp nối sự thỏa mãn cái thèm khát ban đầu, cái nhu yếu có mẹ có bố kề bên. Ta thấy có sự an ổn ngay khi có mẹ một bên, có bố kề bên. Thật ra không phải sự có mặt thật sự của bố, của mẹ mới làm cho mình an tâm. Thật ra  chính cái ý niệm là “mẹ đang ở đây mà” hay là “bố đang ở đây mà” đã khiến cho mình có cảm giác an ổn rồi. Nhưng sau một thời gian thì mình thấy người ở kề bên mình ấy làm phiền mình quá và mình muốn ly dị.

Thế nên thật ra không phải vì sự hiện diện của anh chàng hay cô nàng ấy cho mình có cảm tưởng thoải mái mà chính là cái ý niệm trong đầu mình và cái thèm khát ban đầu khi còn bé thơ nó đã sai khiến.

Tình yêu, trong đạo Bụt lúc nào cũng bắt đầu bởi chính mình trước khi có sự xuất hiện của những người khác trong cuộc đời mình. Tình thương theo Bụt dạy là khi mình trở về “nhà” (thân và tâm) của chính mình.

Mình nhận diện được nỗi khổ trong tâm mình, cái sợ ban đầu, cái thèm khát ban đầu... Sự hiểu biết sâu sắc nỗi khổ của mình khiến mình nhẹ ra và biết thương mình nhiều hơn, bởi vì mình quyết định đạt tới trọn vẹn tiềm năng của mình. Và vì thế mình không cần phải có một người nào khác để mà bắt đầu thương. Ta nên bắt đầu bằng chính ta.

Tình thương chân thật không phải là phải chọn một người. Khi tình thương có mặt, mình tỏa rạng ra như một ngọn đèn. Đèn không chỉ chiếu lên trên một vài người trong phòng này, đèn sáng lên thì tất cả mọi sự vật xung quanh đều được hưởng. Cũng thế, nếu thật tình ta có tình thương trong ta  thì mọi người quanh ta đều thừa hưởng  - chẳng những con người được hưởng mà ngay cả cầm thú, cỏ cây và đất đá cũng được ân chiêm. Tình thương chân thật là như vậy. Tình thương chân thật là xả, là bao trùm tất cả.

Thành ra, muốn trải tình thương ra thật rộng, thật xa thì ta nên tập thấy thương, và tinh tấn tu tập để hoàn tất sự trọn vẹn, viên thông nơi chính mình.

 

Melvin McLeod (thực hiện)

Theo phattuvietnam.net