HẠT BỒ ĐỀ

Đà Lạt những ngày cuối đông thật đẹp, một vẻ đẹp liêu trai và sâu sắc đến lạ lùng. Không khí trong lành, mùi hương hoa thoang thoảng trong gió. Dọc theo con đường quanh hồ Xuân Hương, hoa mai anh đào đã lấm tấm điểm hồng như muốn báo hiệu mùa xuân sắp về.

Tôi trở về lần này sau ba năm đi biệt. Cảnh vật vẫn như xưa, đồi Cù xinh đẹp nằm soi bóng bên hồ nước xanh biếc. Đà Lạt vẫn luôn là nơi đẹp và thơ mộng nhất. Tôi bảo người tài xế chạy thật chậm, để ngắm nhìn phong cảnh mùa đông và như muốn tận hưởng trọn vẹn sự sống nơi từng khoảnh khắc đang là. Xe dừng lại trước căn nhà ấy, một người phụ nữ vội vàng mở cửa, bà chấp tay vái chào rất cung kính:

- Bạch sư, mời sư vào nhà. Chúng con làm phiền sư quá.

- Chào cô, mới đó mà nhanh thật, cô có khoẻ không?

- Thưa sư, con vẫn bình thường.

Nói vậy nhưng hai vai bà rủ xuống, những ngón tay gầy run rẩy. Tôi nhìn thẳng vào mắt bà hỏi:

- Tình trạng của Huy ra sao?

Bà nhìn tôi nghẹn ngào:

- Sợ nó không qua nổi sư ơi! Nó cứ nói nhảm về cái chết hoài làm con rất sợ. Nó cầu xin con để hy vọng gặp được sư một lần nữa nên con mới gọi điện thỉnh sư. Sư về được con mừng quá.

Nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt hốc hác của bà, tôi thấy buồn. Lần trước gặp bà tôi thấy bà rất trẻ so với tuổi ngũ tuần. Mới ba năm mà bà già hẳn như vậy. Một loạt những hình ảnh trong ký ức chợt hiện về, lộn xộn, không đầu, không đuôi…

... Đang thơ thẩn ngắm mai anh đào dọc theo con đường bờ hồ thì một chiếc xe hơi dừng lại trước mặt, gã đàn ông mặc đồ đen bước xuống hướng về phía tôi cất giọng sang sảng:

- Trí phải không, nhận ra mình không, mình là Huy đây!

Vừa nói anh ta vừa lấy cặp kính đen trên mặt xuống. Tôi nhận ra ngay người bạn thân của một thời mới lớn, một thời gió bụi mà đôi khi nghĩ lại thấy kinh sợ pha lẫn chút thú vị. Nhận lời mời, tôi lên xe về thăm nhà người bạn cũ. Ngôi biệt thự khang trang, nội thất kiểu cách, toát lên vẻ giàu có, sang trọng.

Huy là con một, gia đình khá giả. Cha mất sớm, người mẹ lại quá cưng chiều nên Huy hoang tàn từ rất sớm. Vừa là con nhà giàu, bản tính liều lĩnh lại vừa chơi rất đẹp, Huy đã tạo cho mình một cái “số” khá cao trong giới giang hồ của thành phố. Huy nổi tiếng như cồn từ vụ một mình với một cây mã tấu, tảo trừ một băng nhóm rất dữ chỉ vì băng đó đã đụng đến mấy đứa nhóc “đệ” của anh ta. Sau vụ đó thì đám nhóc theo Huy rất đông, bọn chúng xem Huy là thần tượng của chúng. Đám nhỏ mới lớn bước vào giới giang hồ thường rất liều lĩnh, “tính ngựa non háu đá” của chúng thật đễ sợ. Từ khi anh ta quy tụ được rất đông bọn nhóc như thế ở dưới trướng thì danh tiếng anh ta càng vang dội.

Thuở đó mới lớn, tính tình thì mơ mộng lãng mạn, nhìn cuộc đời với dăm ý tưởng hiện sinh, nên gặp lại Huy (người bạn từ thời còn đi học) tôi đã dễ dàng thích nghi với cuộc sống phong trần như vậy. Huy luôn xem tôi là bạn thân. Anh ta thuộc rất nhiều bài thơ của tôi, mỗi lần ngà ngà say là rất thích đọc mấy câu “em có bao giờ đã thấy, đời hắt hiu như nến buồn, tháng năm hao gầy ngún cháy, ảo vọng tàn tro trắng bay”. Huy còn nhận xét thơ tôi sẽ có ngày đoạt giải “nobel”. Quả là người biết tán dương thơ lên tận mây xanh!

Thỉnh thoảng, chúng tôi nói về quan niệm của mình với cuộc đời, những lúc như thế tôi thấy Huy khá sâu sắc. Có lần Huy hỏi tôi:

- Bạn có đồng ý, đời người ai cũng trở thành hư vô?

- Đúng vậy, có ai mà không chết.

- Vậy tất cả chỉ là một cuộc chơi của ảo ảnh?

- Cũng có thể nói thế, nếu nhìn ở một góc độ bao quát.

- Không phải chỉ có thể, mà phải nói chắc chắn như thế!

Huy lập luận cương quyết. Tôi mỉm cười:

- Điều ấy chỉ đúng với những người nhìn thấy cuộc đời là ảo ảnh thôi.

- Vậy mình hỏi bạn, có ai đem theo được gì khi họ chết đi?

-Không ai đem theo được gì cả, nhưng người ta vẫn thấy cuộc đời  có ý nghĩa, trong những công việc của họ.

- Phải chăng người ta cũng biết rõ tất cả chỉ là ảo ảnh, nhưng người ta làm ra vẻ không phải?

- Mình không biết. Nhưng phần đông người ta thấy cách sống “hư vô” là không đúng .

- Mình mặc kệ người ta nhận xét như thế nào. Nhưng cậu có đồng ý, cái chết xoá nhoà tất cả những ý nghĩa?

Tôi đồng ý nhưng lại hướng sang một nẻo khác:

- Ừ, chết quả là một bi kịch của cuộc đời. Một bi kịch không thể lẫn tránh được.

- Vậy thì chúng ta phải tận hưởng cuộc đời, chứ hơi đâu mà bận rộn với những lo toan phiền toái, để rồi cuối cùng cũng phải chết.

- Đó cũng chỉ là một cách trong nhiều cách sống theo quan niệm hiện sinh.

- Nhiều cách là cách nào, mình thật sự không hiểu?

Huy nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nói với anh ta, rất sách vở:

- Có một triết gia hiện sinh nói rằng: “Con người khi đã có một ý thức mới trong cuộc hiện sinh, đối với sự khủng hoảng thì chỉ có những lối thoát là:  người đó chỉ có cách ăn chơi thác loạn,còn không thì lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm, hoặc sẽ bị điên, hoặc sẽ tự tử; còn không thì đi tu.”

Lần đó Huy ngồi im lặng rất lâu trước câu trả lời của tôi. Không ngờ những phương cách sáo vẹt như vậy mà liên hệ đến những phận đời.

Hồi đó tôi sống trong giới giang hồ như một kẻ cỡi ngựa xem hoa, thế thôi. Không toan tính, không giành giựt nên không hề vướng bận. Cuộc sống của giới giang hồ thật khốc liệt: đâm chém, hưởng thụ, bạo lực, xảo trá… dễ dàng xô đẩy tâm hồn của những kẻ trong cuộc đến chỗ bế tắc. Khi đã thấy rõ cuộc chơi là thế, một tâm trạng buồn nôn dâng lên trong tôi, buộc tôi phải tìm một lối khác, một con đường khác để khai phóng cho tâm hồn mình.

Gặp lại tôi lần này Huy có vẻ rất vui. Anh ta hồ hởi nhưng hơi lúng túng vì bây giờ thấy tôi đã khác. Chúng tôi ngồi đối diện trong phòng khách sang trọng của nhà Huy, nói với nhau thật nhiều. Huy nhìn tôi rất lâu rồi nói:

- Mình không ngờ bạn chọn con đường này! Hình như bạn đi tu theo phái khổ hạnh à, mình còn nghe nói phái này phải đi xin ăn nữa, có đúng không?

Tôi từ tốn giải thích:

- Trong đạo Phật không hề có phái nào là phái khổ hạnh cả. Đạo Phật là con đường trung đạo, ở giữa khổ hạnh và hưởng thụ.

- Vậy còn chuyện đi xin ăn, có đúng không?

- Vâng, chúng tôi vẫn đi khất thực hàng ngày, đó là truyền thống nuôi mạng chân chánh của đệ tử Phật và cũng để thấy rõ bản thân mình không là gì cả.

- Ôi! Mình thấy thương bạn quá. Thôi bạn đừng tu nữa, về đây sống với mình. Bây giờ mình đang kinh doanh vũ trường, công việc được lắm. Bạn về làm với mình nhé, chúng ta sẽ có đầy đủ mọi thú vui của cuộc đời.

Tôi mỉm cười lắc đầu. Trong thâm tâm thấy rất thương anh ta. Cũng lạ thật, Huy thì nói thương lối sống của tôi, còn tôi thì ngược lại.

- Bạn không hiểu được con đường mình đang đi đâu. Hạnh phúc của con đường này không có thứ vật chất nào có thể mua được.

Huy gật đầu:

- Mình không hiểu, nhưng mình tin điều đó là thật vì trước giờ lúc nào mình cũng thấy bạn giỏi hơn mình.

Chúng tôi đang nói chuyện thì một người phụ nữ dáng rất sang trọng bước vào. Bà ta thoáng vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi, nhưng nhanh chóng chấp tay chào rất thuần thành. Huy quay qua nói với bà:

- Mẹ, đây là sư Trí, bạn rất thân của con trước đây. Sư đi tu ngoài Huế. Sư mới về đó mẹ.

Quay qua tôi, anh ta giới thiệu:

- Đây là mẹ của mình. Mẹ mình cũng thường đi chùa lắm đó sư.

Tôi gật đầu chào; ngày trước chơi với Huy nhưng chưa bao giờ gặp mẹ  của anh ta. Tôi chỉ biết bà qua lời kể, giờ mới thấy bà thật hiền. Bà xin phép ngồi xuống nói chuyện cùng chúng tôi. Sau một hồi nói chuyện, tôi xin phép ra về. Huy gọi xe và đưa tôi về tận nhà. Chúng tôi chia tay.

Hai năm sau, thật bất ngờ tôi gặp lại Huy ở Huế. Tôi đang nghỉ trưa ở trên cốc thì một chú giới tử lên báo tin:

- Bạch sư, có một người nam xin gặp sư. Anh ta đến từ lúc trưa và đang chờ ở dưới.

Tôi đi xuống nhà khách thì thấy Huy. Vẫn con người phong trần đó với cách ăn mặc rất phong độ.

- Chào sư, chắc là sư ngạc nhiên lắm nhỉ?

- Ồ, ngọn gió nào đưa anh đến vậy?

- Mình đi du lịch vịnh Hạ Long, nhưng quyết định ghé thăm sư trước rồi mới đi.

Tôi đưa Huy lên chào thầy tôi rồi đi một vòng tham quan quanh chùa. Khi lên tới cốc tôi anh ta rất thích, bảo nơi tôi ở thật giống như cảnh trong phim kiếm hiệp vậy.

- Ở đây đẹp quá, hèn gì mà sư không muốn về là đúng rồi.

Tôi pha trà, Huy đưa mắt nhìn quanh rồi phán:

- Sư sống đơn giản vậy thôi à?

- Ừ, ở đây ai cũng vậy cả, càng đơn giản thì càng hạnh phúc. Ở đây chúng tôi không cần phải đóng cửa mỗi đêm, ngoại trừ mùa đông.

Huy mỉm cười, nửa đùa nửa thật:

- Mình ở thành phố lại chưa từng thấy nhà nào mỗi đêm mà không đóng cửa cả.

Tôi nhìn anh ta, không có gì thay đổi:

- Sao bạn lại thoải mái đi du lịch vậy, công việc kinh doanh của bạn bận rộn lắm mà?

- Mình hết làm vũ trường rồi, bây giờ mình thích đi chơi đây đó cho khuây khoả.

Tôi thầm nghĩ “có lẽ anh ta đã chán cuộc sống sôi động, trục vật rồi chăng?”. Chúng tôi nói đủ chuyện. Chợt Huy nói với tôi rất nghiêm túc:

- Mình đang mang một bí mật rất lớn. Mình chưa thổ lộ với ai cả, ngoại trừ mẹ của mình.

Tôi thầm mong anh ta đừng tiết lộ bí mật gì đó cho tôi. Tôi im lặng không nói gì.

- Mình đã suy nghĩ rất kỹ, mình sẽ nói cho sư biết, hy vọng sư sẽ chia xẻ được với mình nỗi đau khổ mà mình đang mang.

Tôi vẫn không nói gì. Không khí buổi trưa của rừng thật yên tĩnh. Huy nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Sư ơi! Mình đã bị nhiễm HIV!

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt phong trần, đã làm cho tôi thật sự xúc động. Không nói được gì, tôi chỉ cầm tay Huy bóp chặt để bày tỏ niềm thông cảm. Im lặng một lát, tôi hỏi:

- Bạn phát hiện lâu chưa?

- Cách nay khoảng bốn tháng.

- Bạn đã tìm cách chữa trị hoặc ngăn chặn chưa?

- Vô ích thôi sư. Bệnh này là bó tay chịu chết. Bây giờ mình bắt đầu bị hàng loạt các chứng bệnh hành hạ. Mới chữa bệnh gan xong liền qua bệnh phổi, rồi tiếp đến là đường hô hấp. Mình thật tuyệt vọng; mình chưa muốn chết.

Tôi nhìn vào mắt Huy và nói thẳng:

- Chúng ta nói thẳng vào vấn đề của bạn nhé?

Anh ta gật đầu:

- Mình cũng mong vậy.

- Chết thì ai cũng phải chết, cái chết luôn rình rập ở mọi nơi; có người chết rất trẻ; vậy tại sao ta phải sợ hãi?

- Mình cũng biết vậy. Nhưng đôi khi suy nghĩ mình lại thấy thật sợ. Có lẽ mình yêu đời quá chăng?

- Không phải là bạn yêu đời, mà tại vì bản ngã của bạn quá lớn và bạn nghĩ bạn có nhiều cái để sở hữu nên bạn mới lo sợ mất tất cả. Thật ra không có ai là ta và cũng chẳng có gì là của ta. Nếu thật sự hiểu được vậy thì sẽ chẳng còn sợ hãi.

- Vậy bây giờ mình phải làm như thế nào hả sư?

- Bạn đã dự tính như thế nào?

- Mình định đợi tới khi nào không còn chịu đựng nỗi nữa thì mình sẽ tự tử, chứ mình không muốn nó hành hạ mình. Nhưng trước lúc tự tử thì mình sẽ ăn chơi cho thoả thích. Mình sẽ trả thù đời vì chính cuộc đời đã đối xử tàn bạo với mình.

Tôi sửng sốt bởi ý nghĩ đó của Huy. Một loạt những viễn cảnh hiện lên rất nhanh trong tôi. Anh ta sẽ truyền căn bệnh tai ác kia cho biết bao nhiêu người. Trong những cuộc sa đoạ của anh ta? Tại sao người ta không nhận ra tất cả nguyên nhân đều bắt nguồn từ chính họ mà cứ nghĩ là do cuộc đời hay do người khác đem lại. Tôi lắc đầu, thở dài và không nói được gì. Một nỗi buồn ở bỗng nhiên xuất hiện, ngột ngạt và u ám.

Huy nhìn tôi có vẻ chờ đợi, đột nhiên hỏi tôi:

- Sư thấy sao?

Tôi trả lời rất nhỏ nhẹ:

- Mình thấy cách đó của bạn cũng chẳng giúp ích gì cho bạn được. Sao bạn không làm một việc khác để có ích cho tình trạng của bạn hơn?

- Không còn cách nào có thể giúp ích cho mình được nữa; dù là tiền bạc thật nhiều.

- Còn khoảng bao lâu nữa?

- Bác sĩ bảo mình đang ở giai đoạn giữa; nhiều lắm thì chỉ được hai đến ba năm.

- Bạn nghĩ lại đi. Từ nay đến đó, ngày nào bạn cũng suy nghĩ và đau khổ về nó. Bạn có thể tìm quên bằng những cuộc ăn chơi, nhưng sau các cuộc ăn chơi tội lỗi đó thì nỗi đau kia lại hiện hữu và chúng sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Sao bạn không thử trở về nơi chính mình để tìm xem bạn là ai và như thế nào là sự hạnh phúc thật sự? Bạn có biết câu chuyện người tử tù hạnh phúc không? Câu chuyện về một người tử tù ngày mai ra pháp trường thì hôm đó y khám phá được hạnh phúc vốn nằm nơi từng khoảng khắc của thực tại - một nguồn hạnh phúc vô lượng vô biên; và thế là y an nhiên mỉm cười với cái chết.

Huy nghe tôi nói rất chăm chú và có vẻ ngạc nhiên. Nghĩ ngợi một lát anh bảo:

- Vấn đề đó mình thấy rất khó. Trước giờ mình vẫn nghĩ chết là hết.

Tôi thận trọng, hạng người như Huy rất khó thuyết phục. Nhưng tôi chợt tuôn ra một tràng:

- Quả thật để thấy được bản chất của mọi hiện tượng không phải dễ, nhưng cũng không phải không thể được. Con đường để thoát khỏi khổ đau đã được Đức Phật chứng ngộ và chỉ dạy rất rõ. Từ xưa đến giờ đã có rất nhiều người đạt đến sự hạnh phúc cao thượng khi thực hành theo những lời dạy của Ngài. Bạn nghĩ chết là hết ư? Suy nghĩ như vậy quá nông cạn. Có bao giờ bạn tự hỏi bạn là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu chưa?

Nghe tôi hỏi, Huy có vẻ bối rối. Tôi nói tiếp:

- Chúng sanh trong cuộc sống này nhiều vô cùng vô tận. Địa ngục. Ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, người, Trời.v.v… tuỳ theo hành động của mỗi cá nhân mà phải nhận chịu kết quả của mỗi hành động ấy. Hạnh phúc, khổ đau, tai nạn, bệnh tật, tiền bạc, trí tuệ… tất cả đều là kết quả của hành động mà đạo Phật gọi là định luật nghiệp báo. Bạn tự tử, bạn nghĩ chết là hết chuyện à? Không đâu! Vì bạn chưa trả hết nghiệp nên bạn phải tái sinh ở những hình thức khác để trả cho xong món nợ ấy cộng thêm nợ giết một sinh mạng của chính bạn nữa.

Huy lắng nghe tôi rất chăm chú, anh đưa ra những câu hỏi và tôi lần lượt nói rõ cho anh ta hiểu về “nhân quả nghiệp báo”, về “luân hồi sinh tử”, về “các cảnh giới tái sanh”. Chúng tôi thức suốt đêm hôm đó để nói chuyện. Buổi sáng hôm sau, tôi hỏi Huy:

- Bạn có muốn giải quyết được đau khổ và làm cho tinh thần bạn thăng hoa không?

- Có, mình rất muốn, mong sư hãy giúp mình.

Huy tỏ vẻ rất thành khẩn. Tôi từ tốn:

- Trước tiên bạn phải cố gắng kéo dài thêm được sự sống của chính bạn.

- Bằng cách nào hả sư?

- Bằng cách bạn phải giữ giới không sát sanh. Người giữ được giới này sẽ có được phước báu sống hết tuổi thọ và chết trong bình an. Nhưng bạn phải tuyệt đối không giết hại bất cứ một sinh vật nào, kể cả muỗi hay kiến. Kế tiếp bạn phải tập nhìn ngắm cái đang xảy ra ở bên trong và xung quanh bạn. Hãy tập nhìn ngắm bắt đầu từ chính nơi hơi thở của mình. Bạn nên nhớ là chỉ nhìn ngắm và ghi nhận mọi hiện tượng chứ không can thiệp hoặc nhận xét chúng theo những tình cảm chủ quan của mình.

- Sư hãy nói rõ hơn việc nhìn ngắm ấy để mình hiểu thêm được không? Mình bắt đầu thấy hơi hiểu vấn đề rồi đó.

- Tất cả chúng ta đều đau khổ vì không thấy rõ được thực tại – cái đang là. Chúng ta có thói quen hồi tưởng về quá khứ hay tưởng tượng đến tương lai nên không sống được với hiện tại. Quá khứ là cái đã qua, tương lai là cái chưa đến, chỉ có hiện tại đang trôi chảy không ngừng. Một khi ta sáng suốt trở về nhìn ngắm cái đang là, lúc ấy ta sẽ thấy ra được sự thật là tất cả đều không có bản chất. Mọi cái được tiếp nối liên tục, cái này qua, cái khác liền đến, sinh sinh diệt diệt không ngừng. Chính bản thân chúng ta cũng không thật. Cái ta ảo tưởng cũng chỉ là những ý nghĩ tiếp nối. Một ngày không biết ta đã suy nghĩ bao nhiêu điều, vậy điều suy nghĩ nào là ta đây? Một khi thấy được như vậy thì đau khổ không còn là vấn đề nữa. Đau khổ thì có thật nhưng không có ai chịu đau khổ cả.

Nghe tôi nói, dường như Huy đã lãnh hội được. Ánh mắt sáng ngời hy vọng, anh ta liên tục gật đầu.

Tôi nói tiếp:

- Những nổi đau do bệnh tật đem lại cũng vậy. Mổi khi nó khởi lên, bạn phải tỉnh táo nhìn thẳng vào nó, ghi nhận nó, lúc ấy bạn sẽ thoát khỏi nổi khổ do tâm bạn khởi lên.

Lúc chia tay, tôi tặng Huy mấy cuốn sách thiền. Anh ta hứa sẽ thực hành theo những gì tôi đã dạy. Tiễn Huy xuống núi, nhìn theo bóng anh ta khuất dần, tôi nghe trong tâm dâng lên một nổi buồn mênh mang. Nhưng dù sao cũng an ủi một điều, tôi đã thắp được cho anh ta một ngọn lửa.

Tôi bước theo mẹ Huy đi lên cầu thang. Căn nhà ba năm trước giờ đây đã khác hẳn. Đồ đạc không còn lại gì, mẹ Huy cũng vậy. Tôi hình dung trong đầu, người phụ nữ này đã đánh đổi tất cả để mong cứu sống đứa con một của mình. Huy đang ngồi trên sàn, thấy tôi vào anh ta ngước lên một cách khó nhọc, mỉm cười:

- Sư vào được hay quá, mình tưởng sẽ không gặp sư được nữa.

Tôi thấy Huy vẫn mập mạp bình thường như trước, chỉ có đôi mắt hơi quầng thâm và không còn thần sắc, giọng anh có vẻ khó nhọc, đầu cúi xuống một cách nặng nề.

- Sư thông cảm nhé! Bây giờ mình ngẩng lên rất khó, cái cổ nó không nghe mình nữa rồi.

- Đừng khách sáo, bạn cứ nằm nói chuyện với mình cũng được.

Mẹ Huy dâng cho tôi ly nước, bà nói rất thành thật:

- Mời sư dùng nước, ly này là ly sạch con để trong tủ lạnh dành cho khách. Đồ dùng của Huy đều để riêng cả.

Rồi bà nghẹn ngào nói trong nước mắt:

- Nhờ sư khuyên Huy giúp con, nó cứ đòi bỏ con mà đi, làm con thật sợ. Nó đi rồi làm sao con sống nỗi.

Huy quay qua mẹ:

- Thôi mà mẹ. Để cho con nói chuyện với sư.

Mẹ anh ta gật đầu, nói với tôi:

- Con xin phép xuống dưới. Sư nói chuyện với em nó nhé.

Để mẹ Huy đi khỏi, tôi hỏi:

- Bạn thấy trong người thế nào?

- Chắc mình không qua nổi, mình thấy rất rõ sự sống đang rời khỏi mình từng phút. Mấy hôm nay mình thường nhìn thấy những cảnh tượng âm binh, làm cho mình rất bất an. Dường như họ lẩn quẩn khắp quanh đây để đợi dẫn mình đi.

Tôi hỏi Huy:

- Bạn vẫn thực hành những phương pháp mình đã chỉ chứ. Có làm được những gì mà mình nói không?

- Mình vẫn duy trì và thực hành theo những điều sư dạy, từ lúc đó đến nay mình giữ giới rất kỹ, nhất là giới không sát sanh. Đối với bệnh tật, mình đã có được thái độ an nhiên chấp nhận.

- Tốt lắm, lần này mình tranh thủ về làm cho bạn vài việc rất quan trọng. Trước tiên mình dạy cho bạn niệm hai chữ Buddho, bạn đọc theo mình nhé. Bútd-hô, Bútd-hô. Đúng rồi, từ nay mỗi khi thấy sợ hãi điều gì bạn hãy niệm hai tiếng này. Đây là danh hiệu của Đức Phật, ngài bảo đảm người nào niệm danh hiệu này sẽ thoát khỏi những điều sợ hãi. Còn đây là tượng Đức Phật đã được chư Tăng chú nguyện, mình tặng cho bạn; hãy đeo bên mình để được nương nhờ vào phước báu và uy đức của Ngài.

Tôi trao pho tượng nhỏ cho Huy. Anh ta thành kính đưa hai tay đón nhận và để tượng lên đầu tỏ vẻ cung kính.

- Cám ơn sư thật nhiều.

- Bây giờ mình truyền cho bạn tam quy và ngũ giới. Sau khi thọ tam quy và ngũ giới, bạn sẽ trở thành người con Phật, bạn có muốn không?

- Dạ muốn.

Sau nghi thức đơn giản truyền tam quy và ngũ giới. Tôi giảng cho Huy nghe một thời Pháp ngắn về ý nghĩa Tam Bảo. Thấy Huy quá mệt, tôi bảo anh ta nằm xuống, Huy chấp tay trong khi tôi tụng kinh chúc phúc. Lúc tôi ra về, Huy chấp tay vái chào; trên khuôn mặt anh ta hiện rõ nét bình an.

Trời se lạnh. Tết năm nay thời tiết ở Huế thật đẹp, có mưa phùn, có nắng ấm và muôn hoa rực rỡ đã tạo nên một mùa xuân thật lộng lẫy. Thời công phu sáng nay tôi đã thỉnh chư Tăng, mở khoá tụng kinh cầu siêu cho một người bạn vừa ra đi chiều qua. Lúc nửa đêm, mẹ của Huy gọi điện cho tôi biết, Huy đã đi thật bình an trong giấc ngủ, trên tay cầm cái tượng mà bữa trước tôi tặng. Bà xin phép tôi bỏ cái tượng ấy trong quan tài cho Huy đem theo.

Tôi im lặng nhận lời. Trước chùa, cây bồ đề vừa nhú những mầm non xanh biếc sau những ngày mùa đông trụi lá.

http://www.trungtamnuochoa.com/news/admin/images/wiki/240px-Ficus_religiosa_Bo.jpg

Chơn Hữu