Chùa Minh Thành TP. Pleiku tỉnh Gia Lai sau hơn mười năm trùng tu, đã dần hình thành một thắng cảnh giữa miền sơn cước. Mặc dầu chưa hoàn toàn hoàn thành, nhưng nét đặc thù của một ngôi chùa cũng như đặc điểm vốn có của một khung cảnh tịch tĩnh hầu như đã lan tỏa hiện hữu trong không gian cửa thiền. nói đến chùa Minh Thành hầu như mọi người ai ai cũng đặt vấn đề về kiến trúc của chùa và lối xắp xếp, cũng như hệ thốngcác công trình kiến trúc thuộc nghệ thuật kiến trúc nào, sự sắp xếp theo hệ thống, nguyên lý phong thủy thuộc trường phái kiến trúc nào hay chỉ là một sự ngẫu nhiên.
Chùa Minh Thành xây dựng trên ý niệm dựng lại một không gian kiến trúc Phật Giáo Lý Trần Đại Việt, vì không gian kiến trúc này là sự nối tiếp của nghệ thuật kiến trúc Đông phương đỉnh cao của văn hóa và nghệ thuật nhân loại mà đại diện cho nền kiến trúc này đó là nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo đời nhà Đường-Trung Quốc. Trên thế giới ngoài Trung Quốc ra, chỉ có Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc có lối kiến trúc này và nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo Đông phương đã trở thành lối kiến trúc chính của dân tộc Việt Nam hơn 1000 năm qua.
Ngày nay khi vào những ngôi chùa miền Bắc ta sẽ cảm nhận được ngay sức sống trầm tỉnh, hương vị mộc mạc hương đồng cỏ nội của loại hình nghệ thuật kiến trúc của Phật Giáo Đông phương, dù đi qua gần hai thế kỷ có chút gì đó nhạt nhòa nhưng nét phong trần thì vẫn in đậm vóc hình Việt Nam. Thời gian tàn phá, chiến tranh hủy hoại, sự vô ý của con người làm cho những ngôi chùa Việt Nam không còn hình thể vốn có của chính mình. Khi có những cuộc quay về với mái chùa xưa, chính sự không toàn vẹn này làm cho thế hệ nối tiếp có những cảm nhận khác nhau, nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo Việt Nam chỉ có thế, làm sao kiến trúc của ta không bằng kiến trúc của các nước có cùng ảnh hưởng Phật Giáo Bắc truyền, hoặc là tìm đủ mọi lý do và nguyên nhân để lý giải cho vấn đề đó chứ không chịu dấn thân vào tìm hiểu nguyên cứu cho sự không toàn vẹn này. Đây là những lý do, cũng là ý niệm cho công trình xây dựng kiến trúc chùa Minh Thành.
Khi đầy đủ nhân duyên trong công cuộc tái thiết xây dựng chùa Minh Thành, điều trước tiên và trên hết là chuyến đi về cội nguồn của kiến trúc Phật Giáo Việt Nam, đi chùa Thập Tháp Di Đà Bình Định, chùa Thiên Mụ ở Huế và sau đó đi tham vấn hầu hết các ngôi danh lam cổ tự miền Bắc. Sau đó đúc kết lại kiến trúc chùa Minh Thành dựa theo các mẫu kiến trúc chính như mái chùa Một Cột, góc đao chùa Tây Phương, gác chuông chùa Keo- Thái Bình, dàn giá đở mái của hậu cung chùa Bối Khê, trang trí cột kèo theo hoa văn cham trổ chùa Thầy và chùa Tây Phương, tượng thờ tạc theo nghệ thuật điêu khắc trường phái chùa Tây Phương và chùa Bút Tháp, chùa Mía, mái ngói lợp âm dương theo chùa Thập Tháp, bảo tháp xá lợi xây dựng theo bản mẩu tháp Phổ Minh Nam Định, cổng tam quan dựng theo lối tam quan chùa Kim Liên-Hà Nội, khuôn viên chùa được tạo dựng sắp đặt theo lối cung điện xứ Huế chùa Thiên Mụ. Đây là một sự tổng hợp hòa quyện hết sức khó khăn mà sự thành công hay thất bại chỉ trong gang tấc. Chính vì sự hòa hợp các thể loại kiến trúc này là lý do của hành trình tìm lại vóc dáng nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo Đông phương.
Trên thế giới ngày nay, chỉ có Nhật Bản là nước duy nhất còn bảo tồn nền nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo Đông phương toàn vẹn và đầy đủ nhất, ngay cả Trung Quốc là cái nôi sinh ra nền nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo Đông phương, nhưng khi nghiên cứu phục chế nền kiến trúc này cũng phải dựa trên những nguyên bản kiến trúc chùa cổ Nhật Bản, và người Nhật rất tự hào về nguồn gốc văn hóa kiến trúc của dân tộc mình với câu: “Văn hóa vu Đường”. Văn hóa Nhật Bản có nguồn gốc từ nhà Đường-Trung Quốc, chính vì vậy mà trước tiên đi khảo sát ở Nhật Bản, sau đó đến Hàn Quốc và điểm đến cuối cùng là Trung Quốc. Khi đặt chân lên những miền đất này lòng tôi như một lần nữa nhìn thấy kiến trúc Phật Giáo Việt Nam như hòa quyện, như sánh vai, như vươn lên trong vườn hoa kiến trúc của Phật Giáo Đông phương, hình dáng chùa Một Cột yêu kiều chẳng kém Kim Các Tự bao nhiêu, sự hoành tráng của chùa Keo có thua gì Đông tự, đạo tràng của ngài Không Hải đại sư, nét đẹp đến từng ly của chùa Tây Phương có thể ôm chầm lấy sự tỉnh lặng ngọt ngào của Bình Đẳng Viện, sự thâm nghiêm của hậu cung chùa Bối Khê như nói hết tấm lòng của tổ Giám Chân trong chùa Đường Chiêu Đề, mái ngói chùa Thập Tháp như gởi trọn tình về chốn tổ Triều Châu, tháp cổ Phổ Minh cũng một dáng hình với tháp của Thánh Đức Thái tử dựng tại chùa Pháp Long, nét quý phái hoàng gia của chùa Thiên Mụ ẩn hiện đâu đó hình bóng của chùa Pháp Môn ngôi chùa bậc nhất của hoàng gia nhà Đường ở Kinh đô Trường An. Những gì bạn có chúng ta đều có, chỉ tiếc rằng qua sự xói mòn của thời gian, cũng như sự tàn phá của chiến tranh, thêm vào đó sự vô ý của con người cho nên các công trình kiến trúc của chúng ta không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu, cho nên phải mượn lại một số chi tiết kiến trúc Phật Giáo Đông phương để bổ xung cho các công trình kiến trúc chùa Minh Thành. Qua đó đem lại nét ban đầu vốn có của kiến trúc Phật Giáo Việt Nam đồng thời cũng thể hiện tay nghề cũng như nghệ thuật kiến trúc của người Việt, trong công cuộc phục hồi nền nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Người Việt Nam có truyền thống văn hóa nghệ thuật, kiến trúc đặc thù của dân tộc Việt, là Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam luôn sống theo những nguyên tắc và giáo lý truyền thống ngàn đời của Phật Giáo Việt. Cho nên việc phục hồi lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc truyền thống Phật Giáo là nhiệm vụ của tất cả người con Phật xuất gia cũng như tại gia, hy vọng rằng từ những bước chập chửng tìm về cội nguồn kiến trúc Phật Giáo Lý Trần, chùa Minh Thành sẽ hóa thành chất cam lộ thấm nhuận hơn trên lộ trình xây dựng mới cũng như phục hồi những công trình kiến trúc truyền thống Phật Giáo Việt Nam.
Thích Tâm Mãn