Theo tin điện tử cập nhật ngày 12/3/2010, có ghi: Thế giới ngày nay đang nói nhiều về tình trạng khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng đạo đức và nghiêm trọng hơn là khủng hoảng môi trường. Những cơn mưa acid, hiệu ứng nhà kính, lũ lụt liên miên, đất canh tác dần dần bị sa mạc hóa và tầng Ozone bảo vệ bầu khí quyển hầu như mất tác dụng là những mối hiểm họa đang đe dọa sự sinh tồn của quả đất và con người. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên hiểm họa này là việc khai phá rừng và tận dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ xưa tới nay, loài người luôn phải đối mặt với những thảm họa do thiên nhiên gây ra: bảo lụt, động đất, núi lửa, sống thần… là những vấn đề mà con người luôn phải khắc phục hậu quả và vượt qua để sinh tồn theo chiều dài lịch sử phát triển của mình. Đến hôm nay, những điều này lại đang tăng dần lên với mức độ báo động, nguyên nhân bởi vì có sự góp mặt của những tác nhân tiêu cực do chính con người tạo ra.
Bên cạnh những thảm họa thiên nhiên như thường thấy, sự ô nhiểm không khí, cạn kiệt nguồn nước ngầm, đất đai bị xói mòn, sa mạc hoá, biến đổi khí hậu và đánh mất sự cân bằng hệ sinh thái là những thảm họa kinh hoàng khác mà nhân loại đang đối mặt. Những thảm họa đó đang diễn ra khắp nơi, ai cũng có thể biết và cũng thấy. Nhưng vì nhu cầu cuộc sống, vì sự phát triển kinh tế, con người đã tàn hại thiên nhiên ngày càng thêm nghiêm trọng và vô tình tạo nên vấn nạn về môi trường sinh thái rất nguy hiểm.
Khi vấn đề về môi trường được cảnh báo khắp nơi, nhiều cá nhân và tổ chức đã lên tiếng kêu gọi, tìm kiếm và đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn những việc làm gây tổn hại thêm cho môi trường. Về phía Phật giáo, Ban Hoằng pháp TW GHPGVN cũng đã có những chỉ đạo kịp thời cho Tăng Ni, tín đồ trong việc ứng dụng giáo lý cao siêu mầu nhiệm của đạo Phật như: Duyên khởi, Nhân quả, Duy thức, và ngay cả tư tưởng Thiền học đã được khai triển nhằm hướng con người có đời sống Từ bi-Trí tuệ, biết tin sâu nhân quả để góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái cũng như cân bằng tâm lý tham chấp của con người, vì như lời Phật dạy: “Trong tất cả các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác”. Theo Hòa Thượng Thích Trí Quảng, vị chứng minh tối cao của ngành Hoằng pháp đã dạy: “ Trên tinh thần Hoằng pháp với truyền thống Hộ quốc an dân, thì ngay từ khi mới xuất hiện, Đạo Phật đã xác định cho mình một nhiệm vụ vô cùng trọng đại đó là vì lợi ích của chúng sanh, vì sự sống của nhân loại, giải thoát khổ đau cho hết thảy chúng sanh. Cho nên, sẽ không có gì quá đáng khi các nhà trí thức tiến bộ hiện nay đã đồng ý với nhau rằng, đạo Phật là con đường giải quyết các vấn nạn cho nhân loại, trong đó có vấn nạn môi trường, khủng hoảng môi trường và thay đổi khí hậu toàn cầu.”
Nhưng trước hết, chúng ta hãy cùng theo chân các nhà khoa học nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn về môi trường và mối đe dọa từ môi trường. Bên cạnh đó, Phật giáo có những đóng góp như thế nào trong vấn nạn hiện nay.
1. Khái niệm và định nghĩa về môi trường sinh thái:
Trái đất được hình dung có ba phần chính: Khí quyển (phần không khí bao bọc xung quanh); bên ngoài khí quyển là khoảng không vũ trụ, phần từ mặt đất trở xuống gọi là địa quyển. Giới sinh vật nói chung bao gồm cả động và thực vật sống giữa hai tầng khí quyển và địa quyển, gọi là sinh quyển. Nói cụ thể hơn là phần trái đất chịu sự sống gọi là sinh quyển (Biosphère). Sự sống của mọi loài chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai lớp nầy hay nói khác là chịu ảnh hưởng trực tiếp của môi trường sinh thái.
2. Những tác nhân gây hại: Có rất nhiều nguyên nhân gây nên mà người hoằng pháp cần chia sẽ với tín đồ cũng như cộng đồng dân cư xung quanh hiểu biết để giảm thiểu tối đa những tác nhân ảnh hưởng xấu đến sự sống trên trái đất như dưới đây:
- Do chất thải công nghiệp và sinh hoạt: Làm cho bầu khí quyển bị ô nhiễm, là nguyên nhân gây ra mưa acid làm chua đất, phá hoại sự phát triển của thảm thực vật.
- Do tác nhân sinh học: Khi chúng ta đổ bỏ những chất thải mất vệ sinh, sử dụng nguồn nước dơ bẩn tưới bón trực tiếp lên hoa màu, xuất hiện các nguồn lây bệnh cho người và động vật theo các đường truyền: người – đất – nước – côn trùng – ký sinh trùng (hiện tượng H5N1 hiện nay)
- Do sự cố tràn dầu: do rò rĩ ống dẫn dầu, chìm, vỡ tàu chở dầu,…sự cố nầy gây ra lớp dầu bao phủ đất bồi ven sông, làm chết rừng ngập mặn, hoa màu, ruộng lúa,…
- Do chiến tranh: bom đạn nổ, hóa chất khai hoang, vũ khí vi trùng… gây ra sự tàn phá lớp phủ thực vật, đảo lộn lớp đất canh tác, ảnh hưởng đất trồng trọt và đất rừng.
- Do thảm họa địa hình: hiện tượng sóng thần, sạt đất, lỡ đất, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, gây nguy cơ tử vong lớn lao cho con người. Trong đó nạn phá rừng, đốt rừng, sống du canh du cư cũng góp phần làm tác nhân cho đất đồi núi tăng thêm hiện tượng rửa trôi, sa mạc hóa, xói mòn, trượt lỡ đất.
- Do tác nhân vật lý: nguồn gây ô nhiễm chính là quá trình đốt nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp, công nghiệp lạnh, giao thông vận tải và sinh hoạt cần năng lượng.
- Do các chất phóng xạ: gây nhiều hiểm họa cho con người trên toàn thế giới (thiếu máu, loét da, rụng tóc, giảm bạch cầu, rối loạn thần kinh, biến dị di truyền, ung thư,…)
3. Sự thay đổi khí hậu toàn cầu và thực trạng môi trường sinh thái hiện nay:
Hiện nay có ba thảm họa mang tính toàn cầu, đó là mưa acid, hiệu ứng nhà kính và sự cạn kiệt tầng Ozone:
a> Mưa acid: nước mưa nguyên chất có độ pH= 5. Khi độ pH giảm xuống còn từ 2-5 thì nước mưa trong trường hợp này gọi là mưa acid, nguyên nhân do hoạt động của núi lửa, khí thải tạo ra sự ngưng tụ acid hay còn gọi là mưa acid, gây tác hại cho sức khỏe và cây cối do nguồn nước bị ô nhiễm.
b> Hiệu ứng nhà kính: nhiệt độ bề mặt trái đất được tạo thành bỡi sự cân bằng giữa năng lượng mặt trời chiếu xuống trái đất và năng lượng bức xạ nhiệt của mặt đất phát vào không gian vũ trụ. Các nhà khoa học dự đoán rằng nếu nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi thì nhiệt độ trung bình sẽ tăng 3,6 oC. Nhiệt độ tăng lên sẽ làm tan lớp băng vĩnh cửu ở hai đầu địa cực, dẫn đến việc nước biển dâng cao. Các làng mạc, thành phố và những vùng thấp ven biển sẽ chìm trong nước biển. Sự nóng lên của Trái đất sẽ dẫn đến sự thay đổi các chủng loài trong hệ sinh thái rừng, sâu bọ sẽ phát triển, nhiệt độ tăng sẽ kéo theo hàng loạt bệnh tật như dịch tả, cúm, viêm gan, viêm cuống phổi, nhức đầu, bệnh ngoài da, sốt rét.
c> Sự cạn kiệt của tầng Ozone: Ozone là một dạng của nguyên tố Oxy, luôn phân hủy và tái tạo tự nhiên trong thiên nhiên, hình thành sự cân bằng động, giữ được thế tồn tại ổn định. Khi tầng Ozone giảm, tia bức xạ cực tím chiếu xuống tăng, gây hủy hoại mắt, tăng nguy cơ ung thư da, sức đề kháng kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ con người, tăng hiện tượng sương mù và mưa acid, từ đó gia tăng các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng mùa màng do những biến đổi về khí hậu thời tiết, rừng có thể bị phá hủy, mức bức xạ tia cực tím càng nhiều càng làm tăng hiệu ứng nhà kính.
(Con người và môi trường – PTS Hoàng Hưng - NXB trẻ - 2000- tr.357)
4/ Nguy cơ về Môi trường đang kêu cứu tại Việt Nam và trên thế giới: SOS:
Hiện tượng ô nhiễm môi trường, động đất, lũ lụt hằng năm tại Việt Nam đã gây nhiều thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế, đời sống, sức khỏe của nhân dân ta. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đều bị đảo lộn bởi nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp( đơn cử như vụ chất thải nhà máy bột ngọt Vedan). Về sức khỏe, các triệu chứng nhiễm khuẩn viêm gan siêu vi, cúm H5N1, ung thư và nhiều căn bệnh thời đại khác đang gây nguy hiểm chết người ở trên thế giới cũng như Việt Nam cũng chính là do ô nhiễm môi sinh.
Theo tin điện tử, hiện nay vấn nạn về môi trường đang đe dọa Việt Nam như tin cấp báo: vùng hạ lưu sông Đồng Nai bị ô nhiễm nặng, có đoạn sông trở thành sông chết. Tại Daklak tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nông dân vùng ĐBSCL sẽ khổ vì hạn, mặn do biến đổi về khí hậu, v.v...
Tin SOS về mùa khô 2010: khô hạn kéo dài, các hồ thủy điện mực nước không đủ cung cấp thủy điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu xã hội.
Trên thế giới: tin gần đây nhất, nạn động đất xảy ra ở rất nhiều nơi, tại Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, động đất mạnh 7,8o Richter, hàng loạt dư chấn sau động đất tại Mexico vào ngày 05/04 /2010 và gần đây nhất là trận động đất xảy ra tại tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc ngày 14/4/2010 với cường độ 6,7 richter gây thương vong cho hàng ngàn người…
Mực nước sông Mekong, con sông dài nhất Đông Nam Á - đã xuống thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Giới chức Trung Quốc thông báo hơn 50 triệu người dân nước này đang hứng chịu tác động nặng nề của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ.
Và biển Aral (Kazakhstan, thuộc Trung Á) từng là biển kín lớn thứ 4 trên thế giới nhưng sắp bị khai tử vì đã bị mất 90% lượng nước chỉ trong vài chục năm qua. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon gọi đây là một trong những thảm hoạ môi trường gây sốc nhất hành tinh.
Đứng trước những thách thức to lớn về vấn nạn môi trường mà các giải pháp của xã hội vẫn chưa đem lại hiệu quả cao. Chúng ta phải làm gì? Đây là câu hỏi được đặt ra không chỉ cho những nhà khoa học, nhà chức trách, người có trách nhiệm thông báo kịp thời và có những biện pháp khắc phục tốt cho người dân mà đến những nhà hoằng pháp Phật giáo, trước thực trạng này cũng nên ý thức trách nhiệm của mình trên tinh thần Hộ Quốc An Dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
5> Hoằng pháp với vấn đề môi trường và thay đổi khí hậu toàn cầu, ứng dụng thực tiển lời dạy của Đức Phật vào các biện pháp khắc phục:
Hòa với xu hướng của các nhà môi trường học và sinh thái học đang ra sức tìm cách bảo vệ hành tinh xanh thân yêu này, người viết xin nêu lên những quan điểm cơ bản của Đạo Phật liên quan đến con người và thế giới xung quanh, nhất là trước hiểm họa của thiên tai và môi trường.
*Ứng dụng triết lý Duyên sinh Phật giáo để tích cực bảo vệ môi trường: Đức Phật có dạy rằng “ Các pháp do duyên sinh cũng tùy duyên mà diệt”. Hãy nói theo tinh thần Trung quán luận Phật giáo thì: “Do cái này sinh nên cái kia sinh; Do cái này diệt nên cái kia diệt; Do cái này có nên cái kia có; Do cái này không nên cái kia không.” Thế nên, dựa trên cơ sở đó mà mọi người hãy ý thức rằng “Mình và thiên nhiên vạn loại luôn có sự tương tác sinh tồn” không nên vì tham lam hưởng thụ một cách thái quá mà khai thác tài nguyên thiên nhiên không thương tiếc để dành cho con cháu, cho muôn loại hưởng nhờ. Tai hại hơn là không để cho thiên nhiên có cơ hội tái tạo, gây mất cân bằng sinh thái. Đến đây thuyết sống theo tinh thần “Muốn ít, biết đủ” lại là phép thực tập hữu hiệu để mọi người có thể chia sẻ phương tiện sống đến vạn loài.
*Tăng trưởng đức tính Từ Bi, Trí Tuệ trong cuộc sống của mình:
Đức tính Từ Bi và Trí Tuệ (hay gọi là Hiểu và Thương) là nét đẹp nhất của người tu học phật pháp nó mang đậm đức hiếu sinh, cứu khổ ban vui, tôn trọng sự hiện diện của nhau đến vạn loại…Vì vậy nếu ai có thể thương người mến vật thì ắc hẳn người đó luôn cẩn trọng trong hành vi tạo tác của mình. Triết lý đạo Phật đã xác định yêu thương sự sống của muôn loài từ hữu tình đến vô tình, tức là thể hiện được lòng từ bi của Đạo Phật, cả hữu tình chúng sanh cho đến vô tình đều đồng có bản tánh thanh tịnh, sáng suốt: nên cổ đức thường dạy: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. Do đó, nhà Hoằng pháp cần hướng dẫn Phật tử tôn trọng sự sống của muôn loài, trân trọng quý mến, bảo vệ thiên nhiên. Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Trì tịnh giới giả, bất đắc trảm phạt thảo mộc, khẩn thổ quật địa,…” Nghĩa là: Người giữ tịnh giới, không được chém chặt cây cỏ, đào xới đất đai,… Ở đây, nhà Hoằng pháp cần lưu ý chuyển tải tinh thần từ bi, bảo vệ môi trường xanh của Đạo Phật đến thính chúng, cây cỏ là loài thảo mộc mà còn không tổn hại thì nói chi vào rừng đốn gỗ để mưu cầu lợi riêng. Trong 5 giới của người Phật tử tại gia thì giới cấm sát sanh đứng đầu và Luật tạng có đoạn sau: “Trên từ chư Phật, Thánh nhân, Sư tăng, cha mẹ, dưới đến loài bò bay, cựa quậy, côn trùng nhỏ nhít, hễ có mạng sống thì không được giết hại, hoặc tự mình giết, hoặc bảo người khác giết, hoặc thấy người khác giết mà vui mừng theo họ,…” Xem đó đủ biết vị trí của việc tôn trọng sự sống của muôn loài, của thiên nhiên trong Đạo Phật quan trọng đến bực nào. Ngoài lợi ích thiết thực đem lại sự cân bằng cho hệ sinh thái, còn cho chúng ta một tâm hồn thanh thoát, một vẽ đẹp đơn sơ, mộc mạc: “Một bụi cây mùa hạ, một góc biển xa xa, một vầng trăng chiều tà…”
Như vậy, nhà Hoằng pháp cần hướng tâm cho hàng thính chúng lòng yêu thương trân trọng sự sống của muôn loài chính là bảo vệ tính đa dạng sinh học, giúp xác lập tính cân bằng sinh thái, đem lại nét mỹ quan thiên nhiên và mở rộng tâm hồn mình đến một thế giới bao la.
Hơn thế nữa, Đức Phật cũng đã thể hiện một nếp sống gần gủi với thiên nhiên cao đẹp, tuyệt vời: Đản Sanh ở vườn Lâm Tỳ Ni có chim hót líu lo, ong bướm bay lượn từng đàn, hoa cỏ xanh tươi ngào ngạt hương thơm; Thiền tọa 49 ngày đêm và thành đạo dưới gốc cây cổ thụ Tất bát la, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Nai và nhập Niết Bàn trong rừng Ta la song thọ. Tất cả sự kiện trọng đại của cuộc đời Ngài đều diễn ra dưới rừng cây, gốc cây, điều nầy có thể hiểu như một thông điệp ngầm mà Như Lai muốn nhắn nhủ cho toàn thể nhân loại: Hãy yêu quý và sống gần gũi với thiên nhiên. Chư đệ tử của Đức Phật cũng có cuộc sống giống Ngài, hàng ngày vào xóm khất thực rồi đến dưới gốc cây thọ thực, kinh hành. Ngày nay, tiếp nối truyền thống Hộ Quốc An Dân của Đạo Phật, Ban Hoằng Pháp cần phát động Trong Tăng Ni, tín đồ tiếp tục: chùa chùa trồng cây, nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài. Trước hiểm họa thiên tai, lũ lụt và ô nhiễm môi trường, nhà Hoằng pháp nên vận động mọi người “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no” và quan trọng hơn hết là hướng dẫn trao đổi với tín đồ Phật tử tầm quan trọng của môi trường sinh thái và những tác hại của thiên tai.Hãy nói cho họ hiểu rằng nếu mọi người không tự mình bảo vệ ngôi nhà chung, không tích cực hạn chế đến mức tối đa trong phạm vi mà mọi người có thể thì chính là họ đã hủy hoại sự sống của mình rồi.
* Toàn bộ giáo lý Đức Phật dạy đều vì chỉ cho con người cảm nhận khổ cảnh và con đường thoát khổ:
Tổng quan về con đường tu học phật pháp chính là quá trình thực nghiệm Giới, Định, Tuệ (phòng hộ, nhất tâm, trí tuệ). Do đó, có thể nói bất cứ pháp môn nào trong phật pháp đều có thể giải quyết mọi vấn nạn cho chúng sanh và hiện tượng giới. Thí dụ : hành giả có thể tu tập con đường Bát chánh đạo, Thiểu dục tri túc, Lục hòa cộng trụ, Tứ nhiếp pháp…tất cả các pháp môn như thế đều có thể bổ sung nhân quả về Vấn nạn Môi sinh rất tốt.
Tóm lại, đề cập đến môi trường sinh thái là đã đụng đến một trong những vấn đề nan giải nhất thời đại mà chưa có cách giải quyết hoàn hảo. Ai cũng muốn phát triển nền công nghiệp, khai thác thế giới tự nhiên để đáp ứng cho cuộc sống ngày càng nhiều tiện nghi, phương tiện hưởng thụ. Nhưng mấy ai muốn nhìn nhận sự thật trớ trêu là một khi nền công nghiệp lớn mạnh, thiên nhiên bị vắt kiệt sức chịu đựng không kịp hồi phục thì vấn đề ô nhiễm môi sinh ngày một thêm trầm trọng. Thế nên tinh thần sống thiểu dục tri túc theo lời dạy của Đức Phật, giảm thiểu lần lần những nhu cầu ít quan trọng mà lại nhiều ảnh hưởng xấu cho môi sinh là điều rất cần thiết. Có như vậy thì ngành Hoằng pháp đã cùng với tất cả mọi người góp phần bảo vệ Môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai có thể xảy ra./.
TT. Thích Minh Thiện
Ban Hoằng pháp tỉnh Long An
(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)