Làm lại quá khứ từ ngày hôm nay

Sư chị kính thương
Cảm ơn sư  chị. Đó là lời sư em muốn nói. Sư em vừa mới nhận ra sư chị đã là sư em từ lâu lắm rồi! Cảm ơn tình thương mà sư em có được nhờ tình thương của Thầy, của sư chị giành cho sư em. Trong mấy ngày qua, sư em nghe Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh, phần Chúc Tán Tổ Sư. Sư em thầy mình phải nâng tình thương của sư chị lên bằng cả hai tay, cho dù tình thương ấy có thiếu sót, vụng về… Khi sư em ôm được tình thương ấy rồi, sư em thấy hổ thẹn vì sự ích kỷ của chính mình. Bởi trước đây sư em chưa bao giờ làm được điều này. Cho đến khi sư em nhận ra sư em đã từng là sư chị như thế thì sư em sợ những tổn thương, những vụng về mình đã gây ra.

Cũng bởi trước đây sư  em đã làm ba của sư em tổn thương như sư chị đã làm cho sư em biết cái kinh nghiệm này mà sư em đâu có hay! Bây giờ đây, khi ngồi, đi, cười, nói trong yên lặng của cái nhìn thiền quán, sư em giật mình nhận ra hạt giống gieo trồng của Ba sư em đã lớn dậy: cả hạnh phúc, tài năng, cả vụng về, khổ đau. Vậy mà đã có lần sư em thầm nói: sư em không nhận bất cứ cái gì từ ba sư em hết. Làm sao mà từ chối được sư chị ha? Khi sư em đã là một giọt máu từ tình thương của ba sư em, khi sư em đã từng cùng sống với những hạnh phúc và khổ đau dưới một mái gia đình. Thì sư em không thể từ chối được những hạnh phúc và khổ đau của những người thương đang sống bên cạnh mình. Điểm lại, sư em thấy sư em đã hành xử giống như ba sư em đã hành xử mà sư em không biết. Cái đúng trong quan niệm sống của ông nội đã là một hạt giống, hai hạt giống, ba hạt giống… rải khắp căn nhà. Hạt giống đó đã trao truyền tự nhiên không cần điều kiện, không cần sự cho phép của ba sư em hay của sư em. Nó diễn tiến tự nhiên như cái lẻ sống, như văn hóa của từng gia đình, không tên gọi, không giấy phép, không người cai quản… Ba sư em đã tiếp nhận, rồi đến sư em tiếp nhận, dù sư em là người phản ứng nhiều nhất.

 

alt

 

Chiều nay, bằng cái tâm rỗng không ôm lấy nỗi đau thấm dần vào cơ thể, sư em có cơ hội nhận ra những lời nói, hành động không tốt của mình trước đây với ba sư em. Sư em thấy mình tàn nhẫn quá. Sao mình lại có thể đối xử như vậy với ba của mình. Đồng thời sư em cũng có dịp nhìn lại cái cảm giác của mình năm xưa với những bực bội, tù túng, đòi hỏi không gian mà tình thương của ba sư em đã lấy đi. Khi chạm vào nỗi đau của quá khứ, sư em biết giờ này sư chị cũng đang khổ vì sư em. Trong giây phút đó sư em đã khóc vì thấy mình vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của cái khổ luân hồi. Chắp bàn tay lại, sư em thành khẩn nhẩm lại lời thiền ca: “ bắt đầu hôm nay nguyện làm mới, nguyện sống đêm ngày trong chánh niệm, nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa. Nam mô Bồ Tát cầu Sám Hối.” Lời thiền ca đã làm sư em cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết năng lượng chánh niệm của mình còn quá yếu, không đủ sức ôm ấp những hành xử, những cảm thọ, những đòi hỏi, những phản ứng trong mình. Sư em đã nhìn sự phản ứng ấy dưới cặp mắt của một người quan sát. Nên càng nhìn, sư em càng đẩy sư chị ra xa, dù em ý thức là mình phải nấn ná lại gần… Đây là một niềm đau khi sư em nhận ra chính sư em đã từng hành xử với ba sư em như thế. Cái trò chơi làm cho người thương của mình đau trở lại mà mình không hay. Cũng trong cơn mê muội của người quan sát, sư em dán cho sư chị bao nhiêu là nhãn hiệu. Càng nhiều nhãn hiệu được dán lên, nỗi đau càng lớn, nỗi sợ hãi gia tăng và sư em thấy mình cần phải bỏ chạy. Nhưng rồi lời của Thầy bên tai, ánh mắt của Thầy, những câu thư pháp hiền hòa của Thầy khắp nơi trong đời sống tăng thân đã giúp sư em quay đầu nhìn lại. Nhìn rõ sư chị trong mình để học thương chính mình với những vụng về, lỗi lầm mình đã gây ra. Khi dừng lại được, khi tập cười, tập ban phát tình thương của mình cho chính người làm mình giận (cũng lại chính là mình) thì sư em nhận ra tình thương Thầy giành cho cho chị em mình và tình thương Thầy đã giành cho mọi người quá lớn. Và sư em đã nhận ra tình thương của ba sư em giành cho sư em, tình thương của sư em giành cho sư chị. Lâu nay sư em cứ nghĩ ba sư em không có tình thương nhiều cho gia đình. Nói vậy cũng không phải, nhưng sư em đã đòi hỏi nhiều hơn. Những vụng về của hai cha con đã đóng khung cho những định kiến của nhau về cuộc sống, về tình thương… Là một đứa trẻ con, sư em muốn làm cho cuộc sống của mình thay đổi, muốn thoát khỏi những nỗi đau không tên này. Nhưng Ba đã là Ba làm sao mà thay đổi được? Những lúc đón nhận một lời nói, một ánh mắt không dễ thương của Ba, sư em thấy mình muốn chống đỡ, muốn phản ứng, nhưng biết phận làm con không nên nói lại bằng sự giận dữ của mình. Rồi sau đó sư em đã không nói cho ba sư em biết cái buồn khổ của sư em, chỉ có ý niệm: làm con không được hỗn, hỗn là có tội. Sự không chấp nhận đã làm nên một bài ca buồn hát hoài dưới mái ấm gia đình. Sư em đã vô tình tưới tẩm mình và tưới tẩm cho ba sư em những điều không đáng làm, những điều không nên nói… Cũng đã nhiều lúc áp lực cuộc sống, những khó khăn ở công sở, khó khăn từ bạn bè, trường lớp… sư em đem nó về nhà. Về nhà, nếu có thêm những điểu buồn khổ nữa thì làm sao sư em chịu nỗi. Cho nên đã có nhiều lúc sư em phản ứng, sư em đòi hỏi mà sư em không biết. Và ba của sư em cũng có những khó khăn, những đòi hỏi. Hai luồng năng lượng đó gặp nhau, tất nhiên là có chuyện. Sư em thường cho rằng, hai cha con khắc khẩu? Nhưng bao giờ sư em cũng thấy nặng lòng và không hiểu vì sao lại ra cớ sự này? Khi nào cũng thấy mình bị tổn thương, nhưng chưa bao giờ nghĩ là ba sư em đã từng đau buồn khi thốt lên những lời nói đó. Có thể vì sự đuối lý trước những lời giải thích đầy giận hờn của sư em chăng? Hay vì cả hai cha con chưa biết nghe, chưa biết nói như thế nào để hiểu rõ sự việc, hiểu được khó khăn của từng người. Cho nên Ba sư em đã xử dụng quyền được làm Ba, quyền được nói những lời, làm những điều chỉ có một người làm Ba mới được nói, được làm. Sau những lúc như vậy, vết thương lòng của hai cha con nặng thêm vì gặp thời tiết xấu. Sư em buồn không nói, đi ra đi vào như một cái bóng. Rồi thời gian cứ trôi qua, trôi qua, những buồn thương cứ theo dòng cuộc sống lúc biểu hiện, lúc ẩn tàng. Bài hát đứt ruột này vẫn hát hoài điệu bi ai… Còn bây giờ sư chị đâu phải là Ba sư em, mà cái khó khăn vẫn đi theo?

… Nhìn thấy rồi , sư em phải thực tập làm sao đây? Chiều nay bắt gặp ánh mắt đập phá của sư chị, sư em thấy rùng mình. Chao ôi mình cũng đã từng dùng ánh mắt ấy để bắn phá người mình thương. Nhưng tình thương trong hơi thở của sư em đã giúp sư em cảm thông được cái nhìn phản xạ của sư chị, đó cũng chỉ là cái  nhìn phản xạ của sư em ngày trước. Ôm cả sư chị, sư em vào lòng. Sư em đi vào thiền đường để ngồi thiền, tụng kinh, thực tập Im Lăng Hùng Tráng… Trong năng lượng bình an của tăng thân sư em đã ngồi tâm sự với sư chị. Sau đó sư em lạy xuống và đọc lời tâm sự mà sư em viết xuống cho bé giận trong em bằng tình thương của mình.

Em Có Biết.

Thương em nhiều lắm! Đó là điều tôi muốn nói thật lòng cho em nghe. Tôi nhận ra rõ ràng em là tôi mà sao tôi vẫn buồn vì em. Tôi và em đâu phải là hai mà sao tôi vẫn không vui khi em buồn, giận, hờn ghen và đố kị?

Tôi biết rõ tâm sự của em, tình thương của em, niềm vui của em và cả những khổ đau mà em từng có. Tôi đã nhìn thấy em khổ đau như thế, buồn tủi như thế, thương tích như thế… Vậy mà tôi không biết làm gì cả để giúp em? Thương em và thương tôi. Tôi hứa sẽ học cách chăm sóc, bảo hộ em và thực lòng sống hạnh phúc với em trong cuộc đời này. Từ khi Thầy chỉ cho tôi cách lạy xuống để ôm em trong tình thương của mẹ, tôi thấy mình có khả năng chăm sóc em và thương em thật lòng. Thương được em rồi, tôi biết tôi sẽ thương được nhiều người khác nữa. Em đừng giận khi tôi nói thật lòng rằng: “Em là người khó thương lắm! Em hay giận hờn, tự ái, nổi xung và đầy tự trọng… Cho nên em cần sự quan tâm chăm sóc của tôi. Cũng như em cần đời sống bảo hộ của tăng thân. Đó là ngôi nhà che mưa gió cho em những lúc trở trời, mưa bão và lụt lội, những lúc em ốm đau hay buồn khổ… Em có đồng ý với tôi như vậy không? Sức tôi không có đủ che chở cho em, bởi vì tôi đã từng là em như thế. Tuy tôi và em đã đi qua một vài khó khăn, nhưng tất cả đều nhờ sự yểm trợ và tình thường của những người và vật xung quanh em và tôi đang sống.

Em thương, mấy hôm nay em và tôi tạm xa ngôi làng tăng thân để đem ngôi nhà nhỏ của em và tôi đi xa một chút. Đi để tập làm người lớn phải không em? Em đừng hờn dỗi, giận hờn và đòi hỏi trong sự đơn chiếc của hai chị em mình em nhé!  Những ngày sống trong tăng thân là những ngày tôi và em cùng nuôi nhau lớn lên. Em có công nhận rằng, đã có lúc em buồn, em không bằng lòng, không chấp nhận ít nhiếu những gì mà đời sống tăng thân cho em. Nhưng em không thể quên được tăng thân đã cho em quá nhiều hạnh phúc để em và tôi có cơ hội nhìn rõ mặt nhau, nắm tay nhau vui chơi ca hát và cả những lúc tôi và em giận nhau nữa chứ? Những lúc đó tôi và em giao hẹn rằng: mình sẽ không nói gì và làm gì cả. Tôi sẽ lạy xuống và ôm em trong vòng tay của mình. Còn em, em hãy ngoan ngoãn nằm yên trong tình thương mà tôi giành cho em. Tôi sẽ đưa em về nhà, ngồi yên trong căn nhà ấm cúng quen thuộc để nghe tiếng chim hát ca mỗi ngày. Ngọn nến và tình thương của tôi cũng như của em sẽ dìu em và tôi đi qua những đoạn đường gập ghềnh như thế. Để sáng mai dậy trong tích môn, em lại cười cùng tôi, tôi lại nắm tay em đi trên con đường cuộc sống dài và đẹp này.

Em thương yêu, tôi không biết phải thương em thế nào cho phải nhưng tình thương mà tôi giành cho em là tình thương mà tôi đang sống cho những người tôi thương. Được chăm sóc em là tôi đã có cơ hội chăm sóc cho ba mẹ, chị em, bạn bè và những người tôi nguyện thương yêu. Xin cảm ơn em đã sống trọng vẹn cùng tôi mỗi ngày. Thương chào em tôi.

Gởi Bé Giận ngày nớ.

Sư em đã tưới tẩm hằng ngày cho tình thương trong sư em lớn dậy, cho ánh mắt sư chị trở nên bình an. Lúc này sư em đã nhận ra rõ ràng ba sư em đã có trong sư em nhiều lắm. Cái quan điểm mà sư em đã từng cho rằng: những điều đó không thiết thực, không phù hợp với thời đại bây giờ ấy đã đi vào trong từng tế bào cơ thể sư em. Và sư em đã mất rất nhiều cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm sống của cha ông. Vậy mà có một hôm, chính trong đời sống tăng thân. Sư em nhìn thấy rõ ràng đời sống của Ba sư em đã được sư em tiếp nối. Cũng cái khó chịu, cũng cái đòi hỏi, cái buồn bực đó, sư em đem hết vào chùa. Rồi những việc làm, những khả năng của sư em có được ngày hôm nay không phải do một mình sư em làm nên. Mỗi việc làm, lời nói, hành động của sư em mang theo bao đời tổ tiên huyết thống. Sư em đứng lặng yên trước sự thật này. Lúc này lời dặn dò của Thầy chợt đến: con đi tu là đi tu cho cả dòng họ. Sư em đã nghe lời dặn của mẹ sư em khi người chị lớn của sư em đi lấy chồng: “con đi lấy chồng là con sống cho cả nhà nghe con!” Ôi! hai câu nói sao giống nhau thế này. Bắt đầu từ đó sư em cảm nhận trong đời sống tâm linh có gia đình huyết thống và ngược lại, gia đình huyết thống rất cần đời sống tâm linh. Và khi sư em phát nguyện mở tình thương của mình ra để ôm lấy ba sư em thì những hạt giống bất lợi cũng tuôn dậy. Thế mới biết mình đi tu mà lại rất gần với gia đình huyết thống. Sư em đã không bỏ chạy và đập phá trở lại như trước đây, bởi vì sư em biết mình đang đi trên con đường chuyển hóa, ở đó có xe hơi thở dẫn đường và đây là cơ hội. Lúc này, sư em nhận ra cái hiểu thế nào gọi là “tâm vừa là chủ thể vừa là đối tượng.” Bởi sư em đã nhìn thấy chúng ta có mặt với nhau, chúng mang một cộng nghiệp chung, chúng ta không có quyền tách rời nhau ra để sự khổ đau của người nào là người đó chịu. Ta sống là ta sống cho nhau cả hạnh phúc và khổ đau của nhau ta đều chia sẻ đủ. Có như vậy sư em mới can đảm dừng lại, nương vào hơi thở để chấm dứt nghiệp phán xét, lên án, chê trách… đang xúi dục, mời gọi. Sư em cũng hiểu thêm rằng đó gọi là không bạo động. Mỉm một nụ cười, sư em thầm biết ơn hơi thở, biết ơn ánh mắt từ bi đã cứu ba sư em, sư em và sư chị thoát khỏi vòng vây. Nhờ đó sư em nhận ra: mình không thể gây thêm chiến tranh trên vùng đất tâm linh của mình. Chiến tranh không chỉ là súng đạn, mà chiến tranh còn là những lời nói, hành động, cách hành xử, ánh mắt, nụ cười, nhận thức sai lầm… của mình, mình lấy làm vũ khí để đập phá nhau, làm cho nhau khổ nhau hằng ngày. Trong giây phút đó sư em đã nguyện cho dù sư chị có như thế nào thì sư em cũng chỉ thương thôi. Và bằng sự thực tập chánh niệm trong lời nói, hành động, ánh mắt, nụ cười. Sư em sẽ làm lại quá khứ từ ngày hôm nay. Làm lại một hiện tại đẹp là sư em đã góp phần làm lại một quá khứ đẹp và một tương lai đẹp đúng không sư chị?

Thương kính gửi niềm tin nơi nhau.

Tâm Nguyên Hương