Hành trình hồi hương của quả chuông không chỉ đậm tình hữu nghị của mối quan hệ Việt - Nhật mà còn là hành trình của khát vọng hòa bình, tự thiện nguyện tâm linh.
Sư thầy Huệ Hồng bên quả chuông cổ |
Ngũ Hộ tự chung
Quả chuông đồng có hình ống, cao một mét, đường kính 42cm, nặng khoảng 120kg, bên trên có chạm hình con rồng hai đầu, bốn phía có khắc bốn chữ “Ngũ Hộ Tự Chung”.
Phần chữ Hán khắc ở thân chuông có đoạn viết như sau: “Chuông của chùa Ngũ Hộ, xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn. Chuông chùa bị chiến tranh thiêu hủy, phải đúc một quả chuông khác.
Tháng 2 năm 1825 chuông mới đúc lại bị cướp mất. Nhân dân trong xã rất buồn vì bị cướp đi mất tiếng chuông khi sáng sớm, lúc ban chiều. Năm sau, mọi người lại cùng nhau góp công, góp của đúc quả chuông thứ ba.
Sau hai năm quyên góp tiền và đồng, chuông đã đúc xong ngày 19 tháng 12 năm Minh Mạng thứ chín” (năm Mậu Tý - 1828). Ngoài ra trên chuông còn ghi tên hơn 300 người thuộc 30 xã đã góp công, góp của đúc chuông.
Giải thích về hai chữ “Ngũ Hộ” các cụ cao niên ở làng Kim Đôi kể rằng: “Ngũ Hộ là năm hộ đã góp công, góp của xây chùa và đúc quả chuông đầu tiên. Năm hộ đó có ba hộ ở thôn Kim Đôi và hai hộ ở thôn Ngọc Đôi. Trong chuông có cả vàng nên tiếng chuông chùa ngân vang sang cả mấy làng lân cận”.
Vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, quân đội Nhật chiếm đóng Bắc Ninh đã dùng chùa Ngũ Hộ làm xưởng gỗ và khi phát hiện giá trị của quả chuông này, họ đã lấy quả chuông này về Nhật.
Châu về hợp phố
Cuối tháng 9 năm 1977, tại thủ đô Tokyo, luật sư Watanabe Takuro phát hiện một quả chuông đồng rất đẹp treo tại một cửa hàng bán đồ cổ ở phố Ginza. Ông đã ghi chép lại 1.500 chữ hán khắc ở thân chuông để nghiên cứu.
Chuông chùa Ngũ Hộ trong kho của Bảo tàng Bắc Ninh |
Mấy ngày sau ông Watanabe lại cùng các ông: Saito Ghen - ủy viên thường vụ ủy ban Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam, Goto - giáo sư trường đại học Rikio và Ishikawa Bunyo - phóng viên nhiếp ảnh đến xem xét kỹ và xác định đây là một quả chuông quý của Việt Nam thuộc chùa Ngũ Hộ.
Được tin trên, sư cụ Onishi chủ trì chùa Kiyomizu Kyoto; nhà sư Fujii chủ trì chùa Zan Myohoji, nhà văn Matsumoto Seicho đã ra lời kêu gọi mọi người trong cả nước Nhật Bản hãy cùng nhau góp sức, góp tiền mua lại quả chuông đó gửi trả cho người chủ của nó là nhân dân Việt Nam để cho tiếng chuông hòa bình vang lên khắp thế giới.
Ngày 15-11, một cuộc họp báo tại Tokyo đã tuyên bố phát động phong trào rộng rãi trong cả nước Nhật quyên góp bảy triệu yên cho đến hết tháng giêng năm 1978 để kịp gửi trả lại cho Việt Nam vào dịp tết âm lịch, tỏ tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản.
Chỉ sau hai tháng, hội hoàn hương chuông cổ đã thành công, số tiền quyên góp được lên tới 9,6 triệu yên. Trong suốt nửa năm sau đó, ở nhiều nơi trên đất Nhật như Tokyo, Kyoto, Nara, Osaka và Kobe đã diễn ra lễ cầu nguyện cho quả chuông bình yên lên đường về cố quốc.
Ngày 14-6-1978, một buổi lễ trao trả chuông cho Việt Nam đã diễn ra tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).
Bao giờ chuông cổ ngân vang
Sau khi quả chuông được trao trả cho Việt Nam, hội hữu nghị Việt - Nhật và Trung ương hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất gửi chuông về chùa Bút Tháp do chùa Ngũ Hộ đã bị tàn phá trong chiến tranh chưa được tu tạo lại. Một lý do khác là trong số 300 người đóng góp tiền đúc chuông có cả những người ở khu vực Bút Tháp.
Chùa Ngọc Đôi được xây dựng trên một phần đất của chùa Ngũ Hộ xưa |
Thế nhưng, quả chuông cổ chỉ nằm lại chùa Bút Tháp vài năm. Sau đó không biết vì lý do gì chuông cổ đã được đưa về bào tàng Hà Bắc (nay là Bảo tàng Bắc Ninh) và ngủ yên trong kho của Bảo tàng từ đó đến nay. Mãi đến ngày 25-12 -2009, quả chuông mới được bảo tàng đem ra giới thiệu lần đầu tiên trong triển lãm trưng bày: cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất.
Nói chuyện với chúng tôi trong ngôi chùa Ngọc Đôi mới được dựng vào năm 2001 trên đất cũ chùa Ngũ Hộ ngày xưa, sư thầy Huệ Hồng mong muốn: “Quả chuông sẽ được đưa trả lại cho chùa vì đó là vật di bảo duy nhất còn sót lại của ngôi chùa ngày xưa”.
Mai này thôi Hồng tự chung chùa Ngũ Hộ sẽ có được một nơi huyền tĩnh xứng đáng để ngân lên tiếng chuông nguyện cầu cho hòa bình, cho tình thân bác ái, như cái cách mà Ngũ Hộ Tự Chung đã đi và đã trở về.
Hoàng Giang (tienphong)