Sự quan hệ giữa Phật giáo và nhân sinh

http://phusaonline.free.fr/images/HoaSen.jpg

Phật giáo hiện đang lưu truyền thên thế giới có hai hệ phái đó là Theravada và Mahayana. Theravada là Phật giáo Nam truyền vào  thời đại vua A-dục ở Ấn Độ, truyền từ Nam Ấn  đến Tích lan, Miến điện, Thái Lan cho đến quần đảo Java. Mahayana là Phật giáo Bắc truyền, vào thời đại Minh Đế thuộc Đông Hán của Trung Quốc, truyền từ Ấn độ sang Tây tạng, Trung Quốc, Nhật Bản cho đến quần đảo Ryukyu, hai ba trăm năm trước đã truyền đến các vùng ở Malaysia. Phật giáo lưu truyền trên thế giới đã có hơn 2500 lịch sử, thời gian không thể nói là không lâu dài, đến bây giờ không những đã lan truyền đến các nước Đông Nam Á mà đã lan truyền khắp các bang tại Âu Mỹ, địa vực không thể cho rằng không rộng lớn, không những người phương Đông tin tưởng học tập mà người phương Tây cũng tin tưởng nghiên cứu, người theo không thể nói là không nhiều. Nhưng người tin chân chánh mà nghiên cứu, nhận thức, hiểu biết Phật giáo sâu sắc so với những người chưa tin hiểu, chưa biết, hiểu sai, bóp méo Phật giáo thì rốt cuộc số nào nhiều hơn? Tôi khẳng định là số người không hiểu và hiểu sai Phật giáo thì nhiều hơn.Vì lẽ đó, hôm nay tôi sẽ giảng về “Mối quan hệ giữa Phật giáo và Nhân sinh” ngỏ hầu giải thích một vài ngộ nhận về “Mối quan hệ giữa Phật giáo và Nhân sinh”, mong rằng sẽ giải trừ những  ngộ nhận thông thường và hiểu được lợi ích mà Phật giáo mang đến cho con người và xã hội, do đó có thể kiến lập niềm tin có ý nghĩa, có giá trị cho con người.

1.    Phật giáo dành cho con người sống chứ không phải dành cho người chết.

Một số người cho rằng Phật giáo không phải là thứ mà người sống cần, đến lúc chết mới yêu cầu Phật giáo siêu độ cho vong hồn sanh lên thiên đàng, vì thế có rất nhiều người lúc sống không hiểu được Phật giáo, cũng không có cảm tình gì với Phật giáo nhưng đến lúc trong nhà có người qua đời mới vội vàng chạy đến chùa thỉnh thầy tụng kinh niệm Phật làm ra vẻ lo lắng cho người chết. Như vậy đúng là “không có việc không bước chân lên ngôi Tam bảo, có việc thì chạy đến ôm chân Phật.”

Pháp môn của Phật giáo có hai phương diện đó là “trồng phước để kéo dài tưổi thọ” và “độ người chết vãng sanh”. Phương diện thức nhất: Giáo nghĩa được phô diễn trong kinh Dược Sư là chú trọng con người làm sao để sửa đổi thân tâm, làm sao tiêu trừ tai ương để tích tạo phước đức, làm sao để an định xã hội, làm sao để chính trị có kỹ cương, làm sao làm cho kinh tế giàu có, cho đến làm sao xử lí các vụ việc cho con người một cách hợp tình, hợp lí v.v.. Cái gọi là “Cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu sang được giàu sang, cầu con trai con gái được con trai con gái”, quả đúng như câu vịnh mà quốc sư Ngọc Lâm sau đọc kinh Dược Sư “Cõi nhân gian có hạc ở Dương Châu (chỉ cho sự việc như ý) nhưng cũng bước chân lên con đường của Như Lai ”. Mặt khác, như Pháp môn Tịnh độ được giảng giải trong kinh A Di Đà, lúc lâm chung liền được vãng sanh sang thế giời Cực lạc ở phương Tây, bản thân được thấy đức Phật Di Đà, hóa sanh trong hoa sen, thanh tịnh rất tự tại. Hoặc tụng kinh niệm Phật cũng có thể trợ lực cho người chết được vãng sanh Tịnh độ. Pháp môn này được gọi là pháp môn “độ người chết vãng sanh”. Pháp môn này rất được phổ biến và hưng thịnh; vì thế, nó che lấp mất pháp môn Dược Sư “Trồng phước tăng thọ ”, người đời sau chỉ biết Phật giáo là có thể siêu độ người chết và không có can hệ gì với người sống cả, hệ quả là Phật giáo vì con người biến thành Phật giáo cho người chết. Trong nhà có người chết thì mời quí Thầy, quí sư Cô tụng kinh niệm Phật để giữ xác, như thể thực hiện hiếu đạo. A Di Đà Phật! “Các bậc thượng sĩ xuất thần, các cao tăng chấn tích vân du!”. Như vậy khiến cho người ta đem Phật giáo Nhân sinh chôn vùi trong mộ địa, quả thật khiến cho đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ cũng bị hàm oan!

Sự hiện thân thuyết pháp của giáo chủ Phật-đà, tuy nói là đều là phổ độ chúng sanh trong sáu đường nhưng đối tượng chính vẫn là chúng sanh thuộc nhân loại. Ngài không đản sanh vào cõi trời, cũng không đản sanh vào những nơi khác mà đản sanh trong loài người,  tại nhân gian xuất gia thành đạo, cũng tại nhân gian chuyển bánh xe pháp. Như vậy cũng đủ chứng minh, đức Phật là đức Phật của nhân gian, Phật pháp là Phật pháp của con người, cũng chỉ ở địa vị con người tu tập Phật pháp mới có thể đạt được thành tựu rốt ráo. Quả đúng như trong phần Tựa kinh Viên Giác của thừa tướng Bùi Hưu viết rằng “Nơi mà sinh linh đi đến là Lục đạo: nỗi khổ u sầu trầm uất của quỉ thần, bi thảm trong việc ăn nuốt của cầm thú, sân giận của A-tu-la, đam mê hoan lạc của chư thiên; nếu có thể suy gẫm một cách nghiêm túc thì những chúng sanh có thể hướng đến sự giác ngộ thì chỉ có con người mới có thể thực hiện được. Con người mà không thực hiện được thì chúng ta đâu khác nào những loài kia!” Đây chính là nói đến Mối quan hệ giữa Phật giáo và con người, không những rất mật thiết mà còn rất trọng yếu.

2.    Phật pháp hợp với lễ, không trái với lễ.

Lễ là lý. Lý tức là nói đến những luân lý phù hợp với con người, Lễ là hợp với đạo lý làm người, hay là luân lý hợp với luân thường của con người. Vậy thế nào là nguyên lý luân thường của nhân sinh? Sách Mạnh tử trong Chương Thiên Đằng Vân Công viết “Sai ông Tiết làm quan Tư đồ, dạy nhân biết giềng mối của con người, giữa cha và con phải có tình thân ái, giữa vua tôi phải có nghĩa vụ, giữa vợ chồng phải có phân biệt, giữa anh em phải có thứ tự, giữa bạn bè phải có niềm tin”. Đây gọi là Ngũ luân. Con người có thể y cứ theo năm đạo lý này mà thực hành thì mới có thể hết mình với “niềm vui của thiên luân” (thiên luân chỉ mối quan hệ giữa người và người như cha con, anh em…) nếu không thì sẽ trái với luân lý đạo đức. Vì lẽ đó, có người cho rằng Phật giáo dạy người xuất gia cũng chính là dạy cho con người “giữa cha con không có tình thân ái, giữa vua tôi không có nghĩa vụ”. Xuất gia không luận là cưới hỏi mà ngay cả lễ nghĩa giữa vợ chồng cũng mất luôn. Kỳ thực, Phật giáo có bốn chúng đệ tử, trong đó hai chúng tại gia có thể cưới hỏi, hai chúng xuất gia vì chuyên tu đạo nghiệp, chuyên tâm học tập, từ bỏ người thân, xa rời thế tục tạm rời khỏi gia đình chỉ là một loại phương tiện, chứ không phải là cần vứt bỏ cha mẹ, không đoái hoài đến mới là xuất gia. Các nhà học giả lớn trên thế giới chuyên tâm nghiên cứu học thuật phần lớn cũng không đoái hoài đến gia sự, chẳng hạn như Benedictus de Spinoza(1632-1677), René Descartes (1596-1650), David Hume (1711-1776), Schopenhauer (1788-1860) phương Tây đều là những người theo chủ nghĩa độc thân. Vì chuyên nghiên cứu học vấn mà không kết hôn, bạn đâu có thể nói họ trái phạm với luân lý nhân sanh? Huống gì Phật giáo kiến lập chế độ xuất gia tạo điều kiện cho một số người chuyên tâm học đạo mà thành công thì chính là báo đền  ân của cha mẹ, ân quốc gia và ân chúng sanh. Phật giáo cho rằng ân đức cha mẹ đối với chúng ta rất là to lớn, chỉ có thân cận hầu hạ, hiến dâng những món ngon vật lạ không thôi thì cũng không thể báo đáp được, mà cần phải tu đạo thành công độ cha mẹ thoát khỏi cảnh khổ đau bất tận trong luân hồi sanh tử mới được mệnh danh là báo đáp ân đức sâu dày của cha mẹ. Cho nên đại sư Liên Trì trong tác phẩm Thất Bút Câu có nói: “Ân nặng của cha mẹ như núi cao, sơn hào hải vị cũng chẳng thể đáp đền, cho đến khi cha mẹ thoát khỏi mọi khổ đau thì đạo làm con mới chu toàn”. Theo cách nhìn Phật giáo đứng trên lập trường “tất cả chúng sanh luân hồi trong lục đạo” thì chúng sanh có sinh mạng, trong nhiều đời trong quá khứ cho đến nay đều đã từng làm cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè của chúng ta rồi. Sở dĩ không những chúng ta cần báo đáp ân đức của cha mẹ mà còn phải báo đáp ân đức của tất cả chúng sanh, và đương nhiên ân đức của tất cả bè bạn, quốc vương cũng đều bao hàm trong việc báo đáp ân đức chúng sanh. Sự suy lường trong việc báo ân này, quả là giống như sự rộng lớn bao la vô ngần của đất như thế thì lẽ nào tiểu ân tiểu đức của hàng thế tục lại có thể sánh bì ư? Kinh nói “Đức Thế Tôn là một vị rất có hiếu, nhiều kiếp báo đền ân đức của cha mẹ”. Chủ nghĩa báo ân triệt để này vốn không phải những người bình thường trong Phật giáo mà có thể suy tưởng đến được.

Sau khi đức Phật tu đạo thành tựu, Ngài trở về hoàng cung thuyết pháp an ủi phụ vương, giải trừ cho phụ vương rất nhiều nỗi thống khổ của nhân sinh. Đồng thời, ngày phụ vương qua đời đưa đi an táng, A-nan, là người cháu, phải thay thúc phụ khiêng quan tài, bé La Vân (La-hầu-la) phải khiêng quan tài ông nội, nhưng đức Phật lại cho rằng: Phải do đích thân Ngài khiêng quan tài. Trên bình diện hiếu hạnh của thế gian thì đây cũng là một tác dụng mang tính mô phạm. Đức Phật không những bản thân coi trọng hạnh hiếu mà trong kinh điển Ngài thuyết như kinh Địa Tạng, kinh Thiện Sanh, kinh Bảo Da, v.v… đều xiển dương hạnh hiếu, coi trọng luân lý, chỉ cho đệ tử Ngài phải hiểu và thực hành chủ nghĩa báo ân rộng lớn vô biên, nguyện lực vô tận của Phật giáo.

Đức Phật vì thân mẫu mà nói kinh Địa Tạng chính là Ngài muốn báo đáp ân sanh thành dưỡng dục của thân mẫu, chỉ ra đạo hiếu thuộc nhân sanh. Ngài nói kinh Thiện Sanh là vì con của ông trưởng giả Thiện Sanh lễ bái sáu phương, cũng giống như Sáu luân. Sáu luân chính là: Lạy phương Đông như quán tưởng về cha mẹ, phương Đông đứng đầu trong bốn phương, trong bốn mùa là mùa xuân, sanh trưởng muôn vật, Đức có thể sánh với cha mẹ. Lạy phương Nam như quán tưởng về sư trưởng, tâm nghĩ đến ân dạy bảo của sư trưởng, khéo léo thừa hành sư trưởng. Lạy phương Tây như quán tưởng về vợ chồng, cùng thương yêu kính trọng nhau, tôn kính nhau như của báu. Lạy phương Bắc như quán tưởng về chủ tớ, người chủ  quan tâm giúp đỡ kẻ tớ, kẻ tớ phải nên khéo léo phục tùng, hầu hạ người chủ. Lạy phương Dưới như quán tưởng đến bạn bè, bạn bè phải cùng tiếp tế nhau, cùng giúp đỡ nhau. Lạy phương trên như quán tưởng về các bậc đạo sư của tôn giáo, thí chủ nên phụng sự cúng dường các đạo sư tôn giáo, các đạo sư tôn giáo cũng nên vì thí chủ mà ban bố, khai thị giáo pháp khiến cho họ tăng trưởng phước đức, trí huệ. Những quan điểm này giống với các luân lý như: Cha hiền con thảo, Vua sáng tôi trung, Anh em hòa kính, Chồng bảo vợ nghe, Bạn bè tương trợ v.v.. đều là sự giáo dục mang tính luân thường trên cơ bản thuộc về đạo đức nhân sinh.

Nhưng sự hạnh phúc gia đình trong nhân sinh là lấy hòa kính an vui của vợ chồng làm nền tảng. Cho nên trong kinh Ngọc Da, đức Phật nhấn mạnh người vợ làm thế nào để phụng sự chồng, người chồng nên làm thế nào để hiểu biết và thương yêu người vợ để tạo ra sự bình ổn trong cuộc sống gia đình, mới có thể phát triển mạnh dần tất cả mọi sự nghiệp. Đây chính vì con dâu nhỏ của trưởng giả Tu-đạt-đa tại Ấn Độ đương thời, cậy mình quí tộc, ngạo mạn gian xảo, không chăm nom cha mẹ chồng, lại đối với chồng không hết lòng với đạo làm vợ, đức Phật đối cơ nói pháp, ngôn từ khẩn thiết, tình ý sâu dày, kết quả cảm động được tiểu thư Ngọc Da gian xảo, sửa đổi tính kiêu mạn trở thành một phụ nữ chủ gia đình có tính cách một người vợ tốt, một người mẹ hiền.

3.    Phật giáo hợp với quần chúng, không xa rời quần chúng.

Hợp với quần chúng chính là nhập thế, là lợi ích cho đời; xa rời quần chúng chính là yếm thế, không có lợi ích gì cho xã hội. Có người cho rằng đệ tử Phật xuất gia vào núi chỉ sợ vào không sâu, xa rời hàng cư sĩ không hợp với tình cảnh hài hòa, phồn vinh của nhân sinh. Thoáng nghe những lời này ít nhiều có lý, nhưng toàn bộ Phật pháp, được các học giả Phật học nghiên cứu  phân thành: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa. Trong năm thừa này, Thanh văn và  Duyên giác thừa tự chuyên tu đạo nghiệp xa rời phiền não của nhân quần chỉ thiên về tư tưởng xuất thế giải thoát, ít nhiều mang không khí tiêu cực là vào núi, đó chỉ là con đường tắt của một số người, còn đối với các hành giả thuộc Bồ-tát thừa và Thiên Nhân thừa khác đều có tinh thần dũng mãnh tích cực, có đủ nguyện lực lớn, làm ích lợi cho đời, vào đời để cứu đời, ở ngay trong cõi đời này thực hành các công hạnh thanh tịnh.

Phật pháp thuộc hàng Nhân thừa chú trọng vào ngũ giới, ngũ giới chính là nguyên lý chính trong mối quan hệ của con người, so với luân lý ngũ thường của Nho học thì có quy pháp cụ thể hơn.

1/Không tàn sát (殘殺) mà nhân ái (仁愛): ‘Tàn’ tức là tổn thương tàn hại đến thân thể, “Sát” là đoạn tuyệt mạng sống, đức Phật lập giáo dựng trên nguyên tắc từ bi. Nguyên tắc được coi trọng nhất đó là không giết hại sanh vật, không những không giết hại sanh vật mà còn bảo vệ sinh mệnh, cứu vớt sinh mệnh càng làm tăng trưởng lòng nhân ái. Nếu có thể mở rộng tâm từ bi, lòng trắc ẩn, tâm đồng cảm này mà  không giết hại tất cả mọi loài, đồng lòng chung sức, một lòng hài hòa, từ bỏ chém giết thế giới sẽ được thái bình. Nhưng giới sát cũng có tùy lúc mà khai mở, như vì bảo vệ quốc dân phải chiến đấu với địch quốc, hoặc xử tử những bọn xấu phạm pháp, hoặc là vì nạn dịch mà phải diệt các loài côn trùng độc, không mang tâm sân hận, lấy việc giết hại để ngừng việc giết hại, trong giới Bồ-tát có thể cho phép.

2/Không thâu đạo (偷盜) mà nghĩa lợi (義利): “Thâu” tức là lừa gạt để tự lợi, “đạo” là cướp đoạt bằng sức mạnh. Mọi vật trong thế gian đều có chủ, hễ mà không cho mà lấy, không có công mà nhận đều là hành vi trộm cướp. Ngược lại chính là “Nghĩa lợi”. Nghĩa lợi là chỉ cho những thứ có thể giúp cho cuộc sống thỏa mãn với sự mong muốn thì gọi là “lợi”, tạo ra lợi ích hợp lí gọi là “nghĩa”. Mọi mgười có thế thực hành “nghĩa lợi”, thế giới sẽ không bị quấy nhiễu bởi trộm cướp, xã hội cũng không cần phải điều hành mà vẫn được bình an.

3/ Không tà dâm (邪淫) mà lễ tiết (禮節): “Dâm” là chi cho sự dâm dục giữa nam và nữ, không theo sự kết hợp bình thường, lạm dụng quá mức với việc đó, vượt quá chánh hạnh  thì gọi là tà dâm. Thực hành hợp lí gọi là Lễ, dừng nghỉ một cách thích đáng thì gọi là “tiết”. Nếu mọi nhà đều y cứ theo lễ tiết mà thực hành thì mọi nhà đều được bình an vô sự.

4/Không khi cuống (欺誑 dối gạt) mà thành tín (誠信): “Khi” là dùng thuật để mê hoặc người, “Cuống” là dùng lời nói gạt người, “Thành” là việc công và tư giống nhau, “tín” là ngôn hành phù hợp nhau. Con người có thể thành tín nhưng không thể dối gạt. Người người đều không dối gạt sẽ tạo được chữ tín, cuộc sống con người sẽ đạt đến trình độ “trên đường không nhặt của rơi, tối đến không cần đóng cửa”, sẽ là Tịnh độ nhân gian thì đâu còn phải thấy những tại nạn đầy dãy như ngày nay!

5/Không uống rượu để bảo vệ trí huệ: Bản chất của rượu không xấu nhưng có thể làm rối loạn tâm tánh mất trí huệ, phá hoại các việc lành, không chỉ riêng uống rượu khiến người ta hôn mê, tâm tánh, mà tất cả các thực vật bao hàm chất kích thích, hưng phấn, các thứ độc hại như Nha phiến, Hồng hoàn, Hải lạc anh v.v.. ăn sẽ ghiền, tập thành thói xấu làm hủ bại thân tâm, làm rối loạn tính tình dẫn đến việc tùy tiện tạo các hạnh nghiệp: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối... Sở dĩ Phật giáo có những giới điều để trừ diệt thói quen xấu xa, không tốt là vì mang đến sự lợi ích to lớn cho nhân sinh.

Mười pháp lành trong Thiên thừa là sự mở rộng từ nền tảng của năm giới, vì không sát hại, không trộm cướp, không tà hạnh thuộc thân nghiệp và ba giới điều đầu tiên của năm giới giống nhau. Không nói dối, không nói hai lời, không nói thêu dệt thuộc khẩu nghiệp là khai triển từ giới vọng ngữ không được dối gạt của năm giới. Không tham lam, không sân hận, không si mê thuộc ý nghiệp không có trong văn năm giới. Mười thiện pháp này chính là công hạnh lành của con người; không giết hại, không trộm cướp là phương pháp bảo dưỡng sinh mạng, thọ hưởng cuộc sống của cá nhân, bởi vì nếu bạn bất nhân mà giết hại thì bạn sẽ sợ người khác báo thù, bất nghĩa mà ăn trộm bạn sẽ có sự tổn thất trong lòng và sẽ mất đi niềm vui của con người. Không tà hạnh có thể làm cho thân thuộc an hòa tức là phương cách để thụ hưởng cuộc sống gia tộc. Không nói dối, không nói hai lời, không nói xấu, không nói lời hoa mỹ sẽ không gây ra nhiều chuyện phải trái giữa mọi người, không gây ra sự tổn thương mất đi hòa khí, sẽ tạo ra một cho xã hội có thể thưởng ngoạn cuộc sinh tồn, người người đều thích nghi với các sở thích của họ. Không tham dục có thể khắc chế bản thân; không sân giận có thể tha thứ tha nhân; không ngu si có  thể đoán định chuyện phải quấy, có thể phán xét chính tà, không có những nguy hiểm  thuộc tà kiến, khởi tà hành và dấn thân trên con đường tà vạy. Sở dĩ mười thiện pháp này có thể làm tiêu chuẩn cho công hạnh lành để mọi người tu tập vì chỉ có con người mới có thể thực hành mười điều thiện, lại chính là con người tốt mang tính tiêu chuẩn. Cho đến Lục độ cũng là thiện pháp xuất thế của Bồ-tát thừa, nhưng Bồ-tát là chúng sanh có tâm vĩ đại, lấy sự tu dưỡng cao siêu xuất thế hòa vào thế gian để thực hành công hạnh lợi sanh, vì thế Lục độ cũng có thể tạo thành thiện pháp cho nhân sinh. Nếu Bồ-tát tu hạnh bố thí  thì không những tự độ sự tham lam, cũng khiến người nhận được ân huệ và nhận được sự lợi ích; tu Hạnh trì giới, không những tự bản thân không hủy phạm cũng không hủy phạm tha nhân; tu Hạnh nhẫn nhục không những bản thân không sân giận mà cũng không sân hận làm thương hại  tha nhân; tu Hạnh tinh tấn, không những bản thân không biếng nhác cũng dạy người không biếng nhác; tu Hạnh thiền định, không những bản thân không tán loạn cũng dạy người khác không tán loạn; tu Hạnh trí tuệ, không những bản thân không ngu si, không tà kiến cũng dạy người không ngu si, không tà kiến. Như vậy, Bồ-tát lấy tinh thần xuất thế mà đi vào xã hội, lấy pháp Lục độ làm lợi ích cho khắp đại chúng, Lục độ cũng thành tựu được công hạnh lành cao nhất của nhân sinh. Nếu như hiểu được sự hành thiện của Phật pháp, quan hệ với con người mật thiết như thế nào thì đâu có ai dám phát ngôn rằng Phật pháp xa rời nhân quần, yếm thế? Ngày xưa có vị đệ tử từng thưa đức Phật “Địa ngục khổ như thế, ai phải xuống địa ngục?” Đức Phật trả lời: “Phật sẽ xuống địa ngục.” Kỳ thực,“Phật không chỉ xuống địa ngục mà còn thường ở địa ngục, còn muốn thường làm an lạc địa ngục; không chỉ thường làm an lạc địa ngục mà lại còn làm trang nghiêm địa ngục”. Nguyện lực rộng lớn, tinh thần vô úy, hành vi triệt để của Ngài, ai mà không tôn trọng ngưỡng mộ trước hoài bão vĩ đại mang tính nhập thế và tình thương yêu chúng sanh của Ngài!

Nguyên tác Hán ngữ
Tác giả Trúc Ma
Thanh Quang dịch