Tiêu Sơn - một ngôi cổ tự

Chùa Tiêu tên chính thức là chùa Thiên Tâm. Chùa nằm trên lưng chừng núi Tiêu, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa cổ với nhiều truyền thuyết 1000 năm tuổi theo từng bước thịnh suy của kinh thành Thăng Long…

Danh thắng nổi tiếng – Trung tâm Phật giáo cổ xưa

Bắc Ninh, vùng đất Kinh bắc lâu đời, nổi tiếng với các ngôi cổ tự như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Cổ Pháp,… Chùa Tiêu cũng được khá nhiều người biết đến. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Tiền Lê. Với vị trí đặc biệt, lưng chùa dựa vào núi, cửa hướng ra sông Tiêu Tương mà dấu tích ngày nay là hồ sen dưới chân núi, chùa Tiêu là nơi Quốc sư Vạn Hạnh chọn tu thiền, giảng đạo và viên tịch.
Thiền sư Vạn Hạnh, người làng Cổ Pháp, năm 21 tuổi xuất gia thờ Thiền Ông chùa Lục Tổ (tên gọi khác của chùa Tiêu) làm thầy. Ông là người có công nuôi dưỡng và dạy dỗ Lý Công Uẩn – Lý Thái Tổ - vị vua khai sáng vương triều Lý và gây dựng kinh thành Thăng Long. Để nhớ công ơn của ông với triều Tiền Lê và triều Lý, Thiền sư Vạn Hạnh được suy tôn làm Quốc sư, hiện nay, trong chùa Tiêu còn có bài vị thờ sư tổ: “Lý triều tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh vị”.Ngoài ra, đây là nơi tương truyền thân mẫu của vua Lý Thái Tổ có lần đến chơi.

Chùa Tiêu ngự trị trên núi cao.

Nói về kiến trúc, chùa Tiêu bao gồm hệ thống nhà Tam bảo, viện Cảm Tuyền, nhà Tổ, bảo tháp…mang đậm dấu ấn nghệ thuật từ thời Lê đến nhà Nguyễn. Trong chùa có hệ thống các tượng phật, tượng Thiền sư Vạn Hạnh, chuông đồng, đại tự, hoành phi, câu đối cổ,…như bia đá “Lý Gia Linh Thạch”, chuông đồng khắc tên “Trường Liêu tự chung” đúc năm Thiệu Trị…và các tác phẩm mang đạm tính Phật giáo như “Thiền uyển tập anh”… Hệ thống bảo tháp ở đây vô cùng phong phú đa dạng, là nơi cất giữ nhiều di hài của các thiền sư, hòa thượng nổi tiếng thời Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn. Chùa hiện nay vẫn còn hàng chục ngôi tháp đặt phần mộ các hòa thượng kể từ khi khởi dụng chùa đến nay.
Trên đỉnh núi Tiêu còn có bức tượng Thiền sư Vạn Hạnh cưỡi trên lưng hổ cao 8m bằng xi măng sơn trắng mắt nhìn về hướng Thăng Long, đây cũng là một nét độc đáo mà du khách khi đến thăm chùa đều muốn một lần được chiêm bái. Theo Cục di sản văn hóa thành phố Hà Nội, hiện nay cục đang lên kế hoạch tôn tạo lại bức tượng. Pho tượng mới sẽ được tác bằng đá, dựa theo nguyên mẫu của bức tượng hiện nay.

Pho tượng táng nổi tiếng

Không chỉ là một di tích văn hóa nổi tiếng, chùa Tiêu còn được nhiều người biết đến bởi pho tượng nhục thân của Thiền sư Như Trí. Tượng được phát hiện tại một tháp cổ có trong quần thể chùa. Theo sử sách, ngôi tháp được xây dựng vào khoảng năm 1723 thời vua Lê Dụ Tông. Như vậy, cả ngôi tháp và bức tượng đều có ít nhất 287 tuổi.

Thiền sư Như Trí là trụ trì chùa Tiêu, đệ tử nối pháp của Thiền sư Chân Nguyên. Ông đã từng khắc in bộ “Thiền uyển tập anh” năm 1715. Đây là bộ sử thiền có giá trị về văn hóa của phật học tại Việt Nam.

 
Các kiến trúc sư đang cho mô phỏng lại Bức tượng sư Vạn Hạnh

Tượng nhục thân của Thiền sư Như Trí là một trong những pho tượng nhục thân đặc biệt nhất ở Việt Nam bởi khi tu bổ, những người nghiên cứu đã phát hiện vật chất còn sót lại của nội tạng vị Thiền sư. Pho tượng cũng là một minh chứng cho thấy một cách tượng tang vô cùng đặc sắc của người xưa: không dùng bất kỳ hóa chất nào, không lấy não và nội tạng ra khỏi cơ thể, các nhà sư nhập thiền một số ngày nhất định rồi mất trong tư thế ngồi. Nhục thể được bó cốt luôn, hoàn toàn không có chuyện lắp ghép xương. Điều khác biệt ở nhục than thiền sư Như Trí là

người ta không tìm thấy dấu vết của thếp vàng, thếp bạc mà chỉ có các miếng đồng để giữ cho tượng không bị gục xuống.

Hiện nay, pho tượng đang được đặt tại dãy nhà Tổ để bà con phật tử có cơ hội về chiêm bái. Ngoài ra, nhóm tu bổ tượng đã làm lại một pho tượng bằng composit đặt ở tòa tháp nơi phát hiện ra tượng của Thiền sư Như Trí.

Đầu năm lễ chùa đã trở thành một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Chùa Tiêu hứa hẹn sẽ là một điểm đến lý tưởng cho những người thích một không gian thanh tịnh, yên bình với cảnh trí “sơn thủy hữu tình”.

Bài và ảnh: Hoàng Anh Kim Thoa

Theo QĐND