(Để trả lời cho các phản ứng của giáo hội Làng Mai, cũng như những bài báo của các trang mạng nước ngoài tự do như bbc, rfa, diễn đàn, voanews.com... Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp báo tại Hà Nội để công bố những thông tin "chính thức" về vụ việc tu viện Bát Nhã. Chúng tôi xin đăng lại 2 bài báo tiêu biểu để đọc giả rộng đường theo dõi. Thiền Minh)
Trước những thông tin khác nhau về vụ việc xảy ra tại tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), trong cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội chiều nay (11/1), lần đầu tiên, Ban Tôn giáo Chính phủ cung cấp thông tin chính thức cũng như nêu quan điểm về vấn đề.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân cho hay: Trước tháng 6/2008, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai tụ tập tại tu viện Bát Nhã theo những khóa tu ngắn ngày có sự bảo lãnh của Thượng tọa Thích Đức Nghi, Trụ trì tu viện Bát Nhã. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bổ nhiệm Phó Trụ trì Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm cho một vị từ Thượng tọa lên Hòa thượng mà không qua ý kiến trụ trì Tu viện Bát Nhã và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
"Can thiệp vào nội bộ Giáo hội Phật giáo VN"
Theo ông Xuân, hành động nói trên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là "can thiệp vào nội bộ của GHPGVN, vi phạm Hiến chương GHPGVN và pháp luật Việt Nam". Do bức xúc bởi việc này, ngày 1/9/2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi có đơn không bảo lãnh cho những người tu theo pháp môn Làng Mai ở lại đây.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân. Ảnh: XL |
GHPGVN đã có văn thư đề nghị nhóm người đi tu thôi không tập trung tụ tập tại Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương có nơi hộ khẩu thường trú để tu học. Chính quyền cũng đồng ý với hướng giải quyết của GHPGVN. Tuy nhiên, những người tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng không thực hiện. Ngày 27/6/2009, một số tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã đã xô xát với số người tu theo pháp môn Làng Mai.
Nhiều lần Thượng tọa Thích Đức Nghi yêu cầu số người tu theo pháp môn Làng Mai rời khỏi Bát Nhã nhưng họ vẫn tiếp tục ở lại. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa các vị tăng và phật tử tu viện Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai không rời khỏi tu viện Bát Nhã.
Do bức xúc về việc những người tu theo pháp môn Làng Mai không rời khỏi tu viện Bát Nhã, ngày 27/9/2009, một số phật tử đã tập trung tại tu viện yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện. Sáng 28/9/2009, toàn bộ số người tu theo pháp môn Làng Mai đã rời tu viện Bát Nhã đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng), trong khi một số người khác đã trở về chùa ở địa phương hoặc về nơi tu hành trước đây.
Đến ngày 30/12/2009, số người tu theo pháp môn Làng Mai đã tự rời khỏi chùa Phước Huệ, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Phần lớn trong số này trở về chùa ở địa phương. Theo lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, vì họ tự nguyện rời khỏi chùa Phước Huệ, chính quyền chưa rõ họ trở về địa phương, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hay đến các địa phương khác.
Có mặt tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho hay: "Chính quyền địa phương coi đây là việc mâu thuẫn nội bộ giữa sư, phật tử thuộc tu viện Bát Nhã và số người tu theo pháp môn Làng Mai tại Bát Nhã".
Trách nhiệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Ông Xuân khẳng định: Trong vụ việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Bát Nhã có trách nhiệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cụ thể Thiền sư đã bổ nhiệm Phó Trụ trì tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm Hòa thượng cho một vị sư của Việt Nam mà không thông qua Trụ trì tu viện Bát Nhã và GHPGVN.
Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Hồ Phát cũng cho hay sau khi xảy ra vụ việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn đã chủ động thông tin với Làng Mai trước một tháng, trong chuyến công tác tại Pháp (cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009).
Thứ trưởng đề nghị được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn giải quyết việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, Thiền sư đã từ chối với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo.
'Chính quyền không gây sức ép với tu sĩ Làng Mai'
Chiều 11/1, trước va chạm tôn giáo xảy ra tại tu viện Bát Nhã, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Chính quyền không có bất cứ sức ép nào với những người tu theo pháp môn Làng Mai trong việc họ bị buộc phải rời khỏi tu viện".
> 'Chính quyền không can thiệp nội bộ của tổ chức tôn giáo'
Ông Nguyễn Thanh Xuân. |
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân cùng Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Đông và ông Đặng Hồ Phát (Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) đã trả lời các câu hỏi xung quanh "sự kiện tôn giáo tại Bát Nhã" trong cuộc họp báo với các phóng viên trong và ngoài nước.
- Xin ông cho biết lý do hàng trăm người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã?
- Ông Nguyễn Thanh Xuân: trước tháng 6/2008, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai tụ tập tại tu viện Bát Nhã theo những khóa tu ngắn ngày có sự bảo lãnh của Thượng tọa Thích Đức Nghi - Trụ trì tu viện.
Do Làng Mai đã can thiệp, tự bổ nhiệm phó trụ trì tu viện, tấn phong giáo phẩm cho một vị từ thượng tọa lên hòa thượng mà không thông qua Trụ trì tu viện và Giáo hội Phật giáo VN; đồng thời cũng vi phạm hiến chương và pháp luật VN nên ngày 1/9/2008 Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có đơn không bảo lãnh cho những người tu theo pháp môn Làng Mai ở lại tu viện.
Nhiều lần thượng tọa yêu cầu họ rời khỏi tu viện nhưng không được chấp hành. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa các vị tăng ni, phật tử Tu viện Bát Nhã và người tu theo pháp môn Làng Mai. Ngày 27/6/2009, một số phật tử đã tập trung tại tu viện, yêu cầu những người theo pháp môn Làng Mai rời khỏi đây.
Tôi khẳng định bản chất sự việc là mâu thuẫn nội bộ trong Phật giáo. Chính quyền đã nỗ lực để hai bên giảm xung đột, mâu thuẫn tránh những điều tồi tệ hơn xảy ra.
- Có những dấu hiệu hình sự nào khi xảy ra va chạm, xô xát giữa các phật tử của tu viện và người theo pháp môn Làng Mai?
- Ông Nguyễn Ngọc Đông: Đây là va chạm giữa các môn phái tôn giáo không có dấu hiệu hủy hoại tài sản hay cố ý làm tổn hại sức khỏe nên chính quyền địa phương xử lý hình sự bất cứ hành vi nào.
Hiện, chưa có bất kỳ điều tra tư pháp nào liên quan tu sinh Làng Mai tại tu viện Bát Nhã.
- Khi các tu sinh rời khỏi Bát Nhã đến chùa Phước Huệ, có thông tin rằng họ đã bị gây sức ép để buộc phải rời tiếp khỏi đây?
Ông Nguyễn Ngọc Đông. |
- Ông Nguyễn Ngọc Đông: Bát Nhã là tu viện lớn có thể tập trung đông người nhưng Phước Huệ là chùa nhỏ.
Khi người tu theo pháp môn Làng Mai đến đây, nhiều phật tử của thị xã Bảo Lộc và tăng ni ở chùa đã không tán thành. Do vậy, hòa thượng Thích Thái Thuận của Phước Huệ đã yêu cầu các tu sinh Làng Mai trở về tu hành tại chùa nơi cư trú theo tinh thần của công văn của Giáo hội Phật giáo VN.
Chúng tôi khẳng định không có bất cứ sức ép nào với các tu sinh. Họ rời khỏi nơi đó hoàn toàn bình yên.
Chính quyền tôn trọng cách giải quyết của Giáo hội Phật giáo VN và Ban trị sự tôn giáo tỉnh Lâm Đồng cũng như tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ trên quan điểm những việc của tôn giáo do tôn giáo giải quyết.
- Khi các tu sinh Làng Mai rời khỏi Phước Huệ, chính quyền có tác động gì để chùa tại địa phương bảo lãnh cho họ tu hành?
- Ông Nguyễn Ngọc Đông: Ngày 30/12, hơn 190 tu sinh của pháp môn Làng Mai đã rời khỏi chùa Phước Huệ. Đến nay, chúng tôi chưa nắm được đầy đủ thông tin về tình hình các chùa, cơ sở tu hành ở địa phương trong việc nhận họ tu học.
Theo quy định, khi tu học tại các chùa phải báo cáo với chính quyền sở tại. Chúng tôi đang đề nghị các địa phương cung cấp thêm thông tin.
- Trước những việc đã xảy ra, chính quyền có liên hệ gì với Thiền sư Thích Nhất Hạnh để giải quyết?
- Ông Đặng Hồ Phát: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người VN ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn đã chủ động thông tin với Làng Mai trước một tháng khi ông có chuyến công cán sang Pháp.
Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2009, tại Pháp, Thứ trưởng đề nghị được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn giải quyết việc những người tu theo Pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, Thiền sư đã từ chối không gặp, vì đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vẫn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã.
Việt Nam mong có trao đổi, đối thoại với thầy Hạnh để cùng tìm ra giải pháp, cách tốt nhất.
- Tại sao không công nhận pháp môn Làng Mai để tạo điều kiện cho việc tu tập, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thanh Xuân: Giáo hội Phật giáo VN là sự thống nhất trong đa dạng, nhiều pháp môn, nhiều lối tu hành. Đó là nét đặc biệt.
Các môn phái hoạt động trong hiến chương quy định của Giáo hội. Làng Mai không là ngoại lệ. Làng Mai vẫn được duy trì lối tu riêng của mình song phải nằm trong quy định và được sự chấp thuận của Giáo hội.
Từ năm 2006, chính quyền đã đồng ý, cho phép Làng Mai tổ chức các khóa tu theo mùa. Mọi việc sẽ hanh thông nếu như không có mâu thuẫn xảy ra tại tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ.
Hoàng Khuê ghi
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/01/3BA17A1A/
Đây là công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo
UBND tỉnh Lâm Đồng và Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức họp báo về sự việc tại tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng:
Trước những thông tin trái chiều về sự việc tại Tu viện Bát Nhã có liên quan đến những người tu theo pháp môn Làng Mai, chiều 11/1, UBND tỉnh Lâm Đồng và Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức họp báo thông báo chính thức về vụ việc và giải đáp những câu hỏi của phóng viên báo chí.
Một lần nữa, đại diện của UBND tỉnh Lâm Đồng và Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định, đây là công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo và những gì xảy ra là xuất phát từ mâu thuẫn giữa pháp môn Làng Mai với tăng hữu của Tu viện Bát Nhã. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đứng đầu pháp môn Làng Mai cũng có trách nhiệm không nhỏ về vụ việc này.
Từ sự xuất hiện của pháp môn Làng Mai
Theo thông tin do ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, sau khi sang Pháp du học, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một pháp môn mới là pháp môn thiền theo lối hiện đại rồi phát triển pháp môn này ở Pháp và một số nước trên thế giới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về Việt Nam 3 lần vào năm 2005, 2007 và 2008. Cho đến nay, hơn 400 người Việt Nam theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong đó tập trung nhiều ở Lâm Đồng.
Dưới sự bảo lãnh của Thượng tọa Thích Đức Nghi - Viện chủ Tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), những người Việt Nam theo pháp môn Làng Mai đã tu tập tại tu viện này. Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có văn thư đề ngày 4/5/2006 gửi lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc này. Cùng năm đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn thư số 212 ngày 25/5/2006 chính thức chấp thuận việc Thượng tọa Thích Đức Nghi bảo lãnh những người này. Văn thư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ là tu theo những khóa tu ngắn ngày và mỗi lần tu phải xin phép theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ (phải) và ông Nguyễn Ngọc Đông (trái), Phó Chủ tịch Lâm Đồng tại buổi họp báo chiều 11/1. |
Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu không xảy ra mâu thuẫn giữa những người tu theo pháp môn Làng Mai và các vị tăng ni của Tu viện Bát Nhã. Đầu tiên là do pháp môn tu khác nhau giữa hai cách tu của Bát Nhã và Làng Mai, một bên tu theo lối truyền thống và một bên tu theo lối cộng tu. Tiếp đó, những người tu theo pháp môn Làng Mai không tuân theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà cụ thể là Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những người tu dưới 18 tuổi phải có người bảo lãnh và được sự chấp thuận của gia đình. Nhưng những người tu theo pháp môn Làng Mai đa số dưới 18 tuổi và chưa đảm bảo đủ những yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thứ ba là việc Làng Mai đã can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng việc bổ nhiệm một vị vào vị trí Phó chủ viện Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm cho 1 vị từ Thượng tọa lên Hòa thượng mà không có ý kiến của Viện chủ tu viện Bát Nhã và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cuối cùng là sự tranh chấp về tài chính, tài sản giữa hai bên. Đây là 4 nguyên nhân chính từ nội bộ tôn giáo dẫn đến mâu thuẫn giữa Làng Mai và những người ở Tu viện Bát Nhã. Liên quan đến vấn đề pháp luật, Nhà nước Việt Nam đã có pháp lệnh tôn giáo và nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, những người tu theo pháp môn Làng Mai có những vi phạm như việc không khai báo tạm vắng, tạm trú, không kê khai sinh hoạt tôn giáo đối với chính quyền sở tại.
Đến những xô xát trong nội bộ
Ngày 1/9/2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có đơn không bảo lãnh cho những người tu theo pháp môn Làng Mai ở lại Tu viện Bát Nhã. Sau đó, thể theo nguyện vọng của Thượng tọa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn thư số 037/HĐTSTW đề nghị những người tu theo pháp môn Làng Mai thôi không tập trung tu tập tại Tu viện Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để tu học. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đồng ý với hướng giải quyết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và có Công văn số 1329/TGCP-PG. Như vậy, xét theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật, những người tu theo pháp môn Làng Mai không đủ tư cách để tu tập tại Tu viện Bát Nhã.
Tuy nhiên, những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã đã không thực hiện đúng yêu cầu trên. Vì vậy, ngày 27/6/2009, cuộc xô xát đầu tiên đã xảy ra giữa một số tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã với số người tu theo pháp môn Làng Mai. Nhiều lần Thượng tọa Thích Đức Nghi yêu cầu số người tu theo pháp môn Làng Mai rời khỏi Bát Nhã nhưng họ vẫn tiếp tục ở lại, gây trở ngại cho sinh hoạt tôn giáo của tu viện. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa các vị tăng và phật tử Tu viện Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai. Vì bực tức trước việc những người tu theo pháp môn Làng Mai không rời khỏi tu viện Bát Nhã, vào ngày 27/9/2009, một số phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã lại tập trung tại tu viện, yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện.
Đến sáng 28/9/2009, 194 người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã đã rời khỏi tu viện đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng). Một số người khác đã trở về chùa ở địa phương hoặc về nơi tu hành trước đây. Nhưng chùa Phước Huệ không thể chứa được nhiều người nên những mâu thuẫn tiềm tàng lại dẫn đến xung đột tiếp theo.
Đến ngày 30/12/2009, số người tu theo pháp môn Làng Mai cũng tự động rời khỏi chùa Phước Huệ.
Và cách giải quyết hợp tình của Giáo hội
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, với quan điểm đây là mâu thuẫn nội bộ giữa tăng ni và phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã và số người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã, chính quyền địa phương không can thiệp mà để Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Phật giáo địa phương giải quyết.
Chính quyền địa phương chỉ có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, thân thể cho những người tu theo pháp môn Làng Mai, đồng thời vận động, thuyết phục yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai, trước hết phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, hoạt động tôn giáo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để những người tu theo pháp môn Làng Mai đang ở tại Lâm Đồng trở về các chùa tại địa phương, nơi có hộ khẩu thường trú và chùa cũ để tiếp tục tu học.
Việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam sẽ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ động giải quyết theo đúng quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được pháp luật Việt Nam công nhận.
Chưa hết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã liên hệ với những người lãnh đạo Làng Mai mà cụ thể là Thiền sư Thích Nhất Hạnh để tổ chức đối thoại, tìm hướng giải quyết để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Pháp) tìm mọi cách liên hệ với tăng thân Làng Mai để tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi. Tuy nhiên, phía Làng Mai đều từ chối.
Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chủ động thông tin với Làng Mai trước một tháng về chuyến công du một số nước Tây Âu, và ngỏ ý được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn bạc giải quyết việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng.
Song, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từ chối không gặp với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vấn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã.
Rõ ràng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn để giải tỏa mọi mâu thuẫn và mong muốn một sự trợ giúp, thiện chí từ phía Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những người lãnh đạo Làng Mai đã không đáp ứng yêu cầu này. Chính sự bất hợp tác của Làng Mai cùng những lời kích động tăng ni, phật tử đã khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn và gây hiểu lầm về vụ việc ở Bát Nhã. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Xuân vẫn khẳng định rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại và hợp tác với Làng Mai
Nguồn: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/tintucsukien/2010/1/157297.cand