Tại sao chúng ta giận dữ - Chúng ta có quan hệ với nhau

Nếu tra xét vấn đề tại sao ta tức giận, ta sẽ nhận ra nguyên nhân là ta có bản ngã và nó phình to ra lúc ta sân hận. Ta khẳng định cái “tôi”, cái bản ngã, chính điều này khiến ta cảm thấy bị xem thường và tức tối. Nếu ta không khẳng định cái “tôi” và hiểu rõ giáo lý vô ngã (anatta) của đức Phật, ta sẽ không cáu kỉnh, tức giận dù bị trêu tức thế nào đi nữa. Vào thời đại của mình, đức Phật đã nhiều lần bị trêu tức, bị thách thức, nhưng Ngài không khởi sân, không bao giờ đánh mất sự thanh thản của mình. Trong kinh điểm chúng ta không bao giờ thấy đức Phật tức giận; ngược lại kinh nhấn mạnh đến đặc tính đoạn diệt sân hận của Ngài. Thậm chí lúc đức Phật quở trách nghiêm khắc một vị Sa môn hoặc một đệ tử sai quấy, Ngài thể hiện một cách nhẹ nhàng, bình thản, không một chút sân nào.

Tương tự, các vị A la hán chứng quả giác ngộ cũng đoạn diệt sân hận. Chẳng hạn Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta), đại đệ tử của Phật, nổi tiếng về lòng kham nhẫn vô biên và khiêm tốn. Một hôm, có một số người ngợi khen đức tính cao quý của Ngài Xá Lợi Phất, tuyên dương: “Vị Trưởng lão cao quý của chúng ta có lòng kham nhẫn vô biên đến độ bị lăng mạ, đánh đập mà Ngài không có vẻ gì sân hận cả”. Một vị Bà la môn không tin điều này, đã hỏi vặn lại: “Người này là ai mà chẳng sân hận?”, bèn sắp đặt để trêu chọc vị Trưởng lão. Một hôm, vị này tiến gần đến sau lưng Ngài Xá Lợi Phất rồi đấm mạnh vào lưng. Tôn giả Xá Lợi Phất khẽ nói: “Chuyện gì thế ?”, rồi tiếp tục bước đi khất thực mà không ngoái cổ lại để xem. Ngay lúc ấy, vị Bà la môn cảm thấy hối hận, quỳ mọp dưới chân Ngài Xá Lợi Phất xin tha thứ. Vị Trưởng lão ôn tồn hỏi: “Xin lỗi chuyện gì ?”. Vị Bà la môn hối hận đáp lời: “Vì muốn thử lòng kham nhẫn của Ngài, tôi đã đấm mạnh vào lưng Ngài”. “Không sao, tôi hoan hỷ”.

Vị Bà la môn bèn mời Ngài Xá Lợi Phất về nhà dùng cơm nhưng những kẻ trông thấy hành động của vị Bà la môn đều nổi giận muốn đánh đập vị này. Ngài Xá Lợi Phất ngăn cản họ lại bằng cách hỏi: “Kẻ bị đánh là quý vị, là tôi hay là ông ấy ?”. “Chính là Ngài thưa Trưởng lão”. “Vậy nếu chính tôi bị đánh thì ông ấy đã xin lỗi tôi rồi. Xin quý vị bỏ đi”. Bằng cách đó, Ngài Xá Lợi Phất giải tán được đám đông.

Sự khiêm tốn của Ngài Xá Lợi Phất cũng vô biên như tính kham nhẫn của Ngài. Có một lần, một chú điệu 7 tuổi bước đến gần Trưởng lão Xá Lợi Phất và nhìn thấy y của Ngài không chỉnh tề. Hình như trong lúc lơ đễnh, góc y của Trưởng lão xệ xuống, khi chú điệu chỉ cho Ngài thấy. Thay vì bực mình, Ngài lập tức bước sang một bên sắp xếp lại y áo chỉnh tề rồi đứng trước mặt chú điệu, chắp tay khẽ nói: “Bây giờ đã chỉnh tề rồi, thưa sư phụ”.

Nhiều mẫu chuyện như thế về hành vi của bậc A la hán là nguyện vọng và cũng là bài học đối với chúng ta. Tại sao họ không còn bực dọc, cáu kỉnh nữa ? Vì họ đã nhổ bật gốc rễ tất cả những trói buộc phát sinh từ ý niệm cái tôi hoặc bản ngã. Dù hữu hoặc vô ngã, họ không cảm nhận “chính ta bị xem thường” hoặc “chỉ là một chú điệu mới 7 tuổi mà dám sửa lưng ta, một Ngài Xá Lợi Phất, đại đệ tử của Phật !”.

Những ý nghĩ như thế không bao giờ có đối với Ngài Xá Lợi Phất vì Ngài đã thấm nhuần giáo lý vô ngã của đức Phật, đã nhổ bật gốc rễ tất cả sân hận và kiêu mạn.

Như thế, khi chúng ta còn tức giận, ta nên hiểu rằng vì mình vẫn còn khẳng định “cái tôi” hoặc bản ngã. Nếu lúc đó chúng ta quán chân lý vô ngã, rốt cuộc trong đó không có “cái tôi” thực. “Cái tôi” chỉ là một ý niệm, một từ ngữ theo thói quen, ta có thể bình tĩnh lại và không còn tức tối nữa. Thêm vào đó, ta xét nghĩ đến trường hợp Ngài Xá Lợi Phất ở cương vị một đại đệ tử của Phật, bằng cách nào Ngài vẫn thản nhiên ngay cả lúc bị sỉ nhục và trêu chọc thậm tệ. Quán tưởng như thế, ta có thể giữ cho mình không còn sân hận nữa.

Ai tức giận ?

Vấn đề kế tiếp phải xem xét là “Ai tức giận ?”, “Cái gì đang tức giận ?”. Bản ngã ? Cái tôi ? Trong ý nghĩa tối hậu, hãy nhớ rằng cả bạn và kẻ mà bạn đang tức giận đều không thực có. Rốt lại, những cái chúng ta cho là mình chẳng qua chỉ là tâm và thân tứ đại cùng tiến trình sinh diệt.

Do đó, trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) dạy chúng ta quán chiếu thân thể do nhiều phần hợp lại: “Giờ đây, cái gì đang tức giận bên trong bạn ? Tóc ? Lông ? Móng tay hay nước tiểu ? Hoặc một trong các thứ đất, nước,  lửa, gió cấu tạo thành tóc ? Phải chăng những tập uẩn (khandha) bên trong bạn đang tức giận, hoặc thọ uẩn, tưởng uẩn, sắc uẩn, thức uẩn nổi giận ? Hoặc đó là nhãn căn ?…”. Khi quán như thế này, cơn sân hận của chúng ta không tìm ra được cơ sở để tồn tại do đó sẽ tan biến.

Hoặc xét trên khía cạnh tất cả chúng ta đều cấu thành từ tâm thức và vật thể mà cả hai phần này thường xuyên biến đổi, nhất là tâm thức thay đổi rất nhanh, ý nghĩ sanh diệt chớp nhoáng. Trong một tia chớp hay một cái nháy mắt, hàng triệu ý nghĩ đã trôi qua. Vậy thì cái gì tức giận ? Tức giận ai ? Cái tâm thức cùng vật thể tức giận trong nháy mắt đã trôi qua. Vô số ý nghĩ khác cùng vật thể biến đổi lại tiếp tục sanh khởi thế vào đó. Nhận thức trên khía cạnh này, cơn giận sẽ thoái lui.

Chúng ta đều có quan hệ với nhau

Phật dạy, từ vô thỉ đến nay chúng ta lang thang mãi trong vòng luân hồi sanh tử bất tận đến nỗi tất cả chúng ta đều là quyến thuộc của nhau dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Vì thế, Phật nói: “Này các Tỳ kheo, thật khó mà tìm được kẻ nào trong đời quá khứ chưa từng là mẹ, cha, anh, chị, em, con cái của các ngươi”. Vậy chúng ta không nên nuôi lòng sân hận với kẻ từng là quyến thuộc của ta trong nhiều kiếp quá khứ. Nghĩ khôn ngoan như thế, cơn giận của ta sẽ tan đi.

 

Source: Người Xưa Học Đạo Làm Người, Hạn Chế sân hận – Trải rộng tình thương

Tỳ khưu VISUDDHÀCÀRA, Biện dịch: MINH TÂM

Nxb Tổng hợp TP. HỒ CHÍ MINH, 2005.