Tương truyền Bồ Ðề Ðạt Ma từ Tây Trúc sang Tàu chín năm ngồi ẩn trong hang thiền định. Mắt sụp xuống buồn ngủ, ông cả giận bứt mi mắt vất xuống đất, chỗ ấy mọc thành cây trà đầu tiên. Chuyện hoang đường này cốt đồng hóa trà cho sự thức tỉnh Ðịnh Huệ. Hoa ngữ Ch"a (Trà) và Ch"an (Thiền) nghe đồng âm và đồng nghĩa. Từ đó, trà là bạn người tu thiền như hình với bóng. Tổ thứ sáu thiền Tào Khê là Huệ Năng, tự nhận là người Man di miền Ngũ Lĩnh, xứ của trà.
Lục Vũ là một cuồng sĩ đất Hồng Tiệm đời Ðường, thường lang thang ngâm thơ rồi khóc rống. Ông để lại cho đời sách Trà Kinh gồm ba quyển bàn về trà, gốm trà, cách pha và uống trà, được người đời sau gọi là ông tiên trà, thờ làm sơ tổ trà đạo Trung Quốc.
Trà Kinh chép: Trà là loài cây quý ở phương Nam, cây như cây qua lô, lá như lá chi tử, hoa như hoa bạch tường vi, trái như trái banh lư, nhụy như nhụy hoa đinh hương, mùi vị rất hàn (lạnh).
Sách Quảng Bác Vật Chí chép: cao lư là tên riêng của một thứ trà, lá to mà nhụy nhỏ, người nam dùng để uống.
Trà Kinh lại chép: "Người phương Nam có cây qua lô giống như lá trà non mà nhụy đắng, giã nát ra pha trà mà uống thì suốt đêm không ngủ. Ở Giao Châu và Quảng Châu người ta rất quý thứ này, hễ có khách đến nhà thì trước hết bày ra đãi khách". Theo lời Ðào Hoàng Cảnh, một ẩn sĩ tài hoa đời Nam Bắc Triều thì bọn xử sĩ trong thiên hạ rất chuộng thứ trà này.
Theo sách Nghiêm Bác Tạp Chí trích lời Lý Trọng Tân học sĩ nói: "Trà ở Giao Chỉ như rêu xanh, vị cay gắt gọi là trà đăng" (tức là mạt trà). Những núi ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa có trồng thứ trà này. Cây trà mọc liên tiếp che khắp rừng. Người bổn thổ hái lá, giã cho nát, phơi khô trong bóng mát, nấu mà uống, tính nó hơi hàn, có thể làm mát tim phổi và ngủ ngon.
Cửu Chân, tên gọi Thanh Hóa đất Việt cổ có: núi đặt tên chữ là Trà Sơn, người ta gọi nôm là núi Chè. Sách An Nam Chí lược chép: nhà Trần mỗi lần đi sứ nhà Nguyên đều cống trà thơm làm thổ sản quý.
Cái đẹp của Bát Trà
Ðời xưa, khi nhà Tống bên Tàu dựng nghiệp, chọn núi Thiên Mục ở Triết Giang làm chủ sơn, phúc địa mong cầu vững bền triều đại. Nhà Lý bên ta chọn núi Tiên Du; cũng như nhà Trần ngóng về núi Yên Tử, nơi vua dựng nhà Trần lui về ẩn tu sau việc nước.
Từ thuở triều Hán, Ðường, Tùy sứ ta đã chế được thứ gốm tên gọi Việt Dao. Gọi tên như thế để chỉ thứ "men tro" trổ màu xanh biếc như ngọc cổ. Sách Tàu chép Việt Dao phát sinh từ Nam Việt miền Ngũ Lĩnh, chứ không nói rõ đất Giao Châu, Cửu Chân. Di chứng khảo cổ học, trên đất ta nay tỏ rõ thời ấy ta đã làm được gốm Việt Dao, mà lại làm một số lượng rất lớn, khởi từ những giọt men xanh nhiễu đọng trên thân gốm, mà nay xếp vào loại gốm "Hán bản địa".
Từ màu xanh bích ngọc đời Bắc thuộc đến màu xác trà đời Lý, Trần, những bát trà Việt ra đời song song bát trà Ðường, Tống bên Tàu. Người Việt vẫn trung thành sở thích sắc màu Việt Dao của dân tộc đến mãi thế kỷ 15. Hóa ra Việt Dao là chữ gọi dân tộc ngày nay ta vẫn mang tên, là người chế ra men gốm tiền thân gốm men ngọc (proto-celadon) lừng lẫy Ðông phương.
Ðời Lý, Trần đã làm ra rất nhiều các thứ liễn, bình đựng nước pha trà đi đôi với các loại bát trà mang thần thái đặc thù Ðại Việt. Bình trang hoàng tòa sen chạm nổi, âu bát vóc dáng chẳng khác nào bình bát các tăng sư. Làng nào cũng có đình chùa. Bát trà cũng là vật không thể thiếu được trong các đồ tế nhuyễn bày trên điện thờ, cũng như cúng vào chùa chiền để các sư uống trà. Nghệ phẩm từ các làng gốm như chở chuyên hồn đạo, tiếng chuông mõ sớm hôm, mùi trầm nhang quyện trong không gian lũy tre làng trên đất nước. Thiền gốm Lý, Trần đã mang cung cách rất Việt Nam. Văn bia đời Lý do sư Pháp Ký soạn cho thầy là sư Tịnh Thiền ghi rằng "Chỗ uống trà là chỗ thập phương thí chủ dồn về". Chỗ uống trà tức là cửa Phật. Nay ngắm những trà khí cổ, ta mới biết phép uống trà Việt lồng trong thiền vị từ thuở đầu dựng nước, đưa hình sắc của tâm linh đến cả đại chúng.
Bát trà Việt trong trà đạo Nhật
Tại nền chùa cổ Dazaifu Kanzeon-ji người ta đào được những mẫu gốm vỡ của bát trà Ðại Việt đời Trần, kề bên mảnh ván mục còn đọc được vết mực ghi niên đại tương đương năm 1330. Trước đó, đã có những trà khí Ðại Việt xưa hơn vào chốn tăng đường Nhật.
Ðầu thế kỷ 13, thượng sư Eisa từ Trung Hoa mang về Nhật Bản lần đầu giống cây trà. Sau đó, đệ tử Ngài là sư Dogen sang du học tại chùa Thiên Mục Sơn, khi về nước có người hỏi sư học được gì, sư đáp: "Không có chi nhiều ngoài pháp an tâm". Pháp an tâm sư mang về cùng trà đạo và bát trà Thiên Mục (tiếng Nhật gọi là Temmoku). Dogen được coi là sư tổ của trà đạo Nhật Bản vậy.
Cũng như Ðại Việt, bấy giờ Phật giáo Nhật bén rễ vào giới thế quyền. Tăng sư là khách quý của các sứ quân và bọn phú hào. Họ học Phật rồi tiêm nhiễm luôn đạo thưởng trà. Uống trà nhằm luyện con người khu trừ những chướng ngại phiền não, để đạt chỗ rốt ráo của an bần lạc đạo, hòa đồng với Tự Nhiên, tức là Chân Như.
Uống trà, hành trà đạo phải có các trà khí mà ngành gốm Nhật bấy giờ rất phôi thai. Nên trà gốm từ Cao Ly, Trung Quốc, Ðại Việt đưa sang giá đắt, chỉ giới hạn trong hàng sứ quân và đại phú. Thay vì hấp thu nếp thanh bần, họ bèn mượn trà đạo làm trò trà dư tiêu khiển, đặt ra các quy tắc kiểu cách (Cha No Yu), muốn vào phải qua cổng Hữu Môn Quan. Trà đã đưa thiền vị đạm bạc vào trú ngụ chỗ đền các xa hoa. Trong khuôn viên cung đình nguy nga, các chúa công sai dựng nên trà thất bắt chước lều cỏ bần hàn của ẩn sĩ để hành trà đạo. Còn bên nước Việt, đạo đã từ cung cấm ra đi, bỏ phú quý phù vân để phiêu bồng nơi cảnh thật của "rừng trúc lắm chim" (Trúc lâm đa túc điểu) như thơ ngài Huyền Quang. Các vua Lý, Trần bỏ kinh về núi, thực hiện hạnh tầm đạo dẫm theo bước của thái tử Tất Ðạt Ða.
Từ bát trà Thiên Mục, về sau trà gốm Trung Quốc xa lìa hồn đạo, ngày càng tinh kỳ sắc sảo để thỏa mãn thị hiếu vua quan, kẻ nhà giàu thích trưng bày đồ mỹ ngoạn, thành kỹ nghệ xuất đi các nước. Lấy cảm hứng từ mầu xanh xác trà Việt Dao (proto-celadon), gốm Trung Quốc tiến hóa thành mầu men ngọc xa hoa (celadon), của lò Diệu Châu Bắc Tống, lò Long Tuyền Nam Tống. Trong khi nước Việt vẫn chuộng giữ mầu xác trà "thuận tự nhiên" cốt cách đạm bạc của tổ tiên.
Khi các trà sư Nhật ra tay đón nhận bát trà Việt ấy, con mắt trong tâm hồn họ như thoát nhiên thể ngộ được ấn chỉ tâm truyền ấy.
Quan hệ Trung Quốc, Nhật Bản sinh thù nghịch từ thế kỷ 14, hồi quân Nguyên Mông sang đánh Nhật, bị ngọn Thần Phong diệt. Khi nhà Minh lên ngôi, từ năm 1371 ra lệnh cấm dân duyên hải xuất ngoại. Ðến năm 1567, mới bỏ luật này, nhưng vẫn cấm vượt biển sang Nhật Bản vì nạn "Nuỵ khấu" (cướp lùn), quẫy nhiễu bờ biển Trung Quốc. Suốt mấy thế kỷ đó, Nhật đã tìm thấy nơi Ðại Việt của nhà Lê nguồn cung cấp tơ sống và gốm sứ.
Lúc này Ðại Việt đã làm sứ vẽ lam. Gốm sứ trà Việt nhập vào Nhật Bản nhiều hơn trước, đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản đang hồi cực thịnh. Không gò gẫm tỷ mỷ như bàn tày nghệ nhân đời Minh, mấy nét đơn sơ trên gốm Việt phóng bút cảnh chim trời, cá nước, sơn thủy, tùng thạch v.v... xuất cái thần vị Thiền Lão, chẳng khác nào tranh tốc họa Sumi-e, và thuật thư pháp, rất hợp với tâm hồn trà nhân Nhật, làm họ say mê. Vẽ gốm như vẽ tranh Thiền. Di sản tranh cổ họa Việt Nam ngày nay chừng như có thể thấy trên gốm cổ.
Nhật Bản là một dân tộc hoài cổ và có khiếu thẩm mỹ từ những vật nho nhỏ. Ngày nay trong các viện bảo tàng khắp nước này trân quý giữ những món trà khí Việt từ đời Lý - Trần - Lê - Mạc đã liên tục đến Nhật Bản qua bao thế kỷ. Trong hậu sảnh những thiền viện xưa, còn cất giữ những đồ tế nhuyễn và trà khí làm bởi những nghệ nhân vốn là người mộ Phật ở xứ Việt xa. Và trong lâu đài cổ, truyền thừa các sứ quân và giới phú hào ngày nay còn gia truyền các bộ gốm sứ Việt Nam làm báu vật. Bộ sưu tập gốm Việt trứ danh nhất của dòng họ thương nhân Ozawa Shrouemon từ Hội An trở về Nhật Bản năm 1638, khi chúa Tokugawa cấm dân Nhật xuất dương. Chiếc bát vẽ mầu "Beni-Annam" ngày ngày chúa Tokugawa ưa dùng thưởng trà nay là báu vật trong lâu đài của chúa ở Nagoya v.v...
Dòng trà gốm đầu tiên Raku đã mang dáng bát trà Lý, Trần. Về sau truyền thừa dòng gốm này và các trường phái khác thường mô phỏng theo mỹ thuật gốm nước ta. Họ gọi là Annam Yaki để chỉ cho dòng gốm hoa lam của lò Chu Ðậu, Bát Tràng ở Ðàng Ngoài thời Lê, Mạc; và Kochi Yaki, tức gốm Cochin China xứ Quảng Nam Ðàng Trong của chúa Nguyễn về sau.
Sử Nhật chép vị sơ tổ dòng gốm Raku tên là Zengoro, còn một hiệp sĩ theo phò lãnh chúa Ashikaga, ông làm gốm tế nhuyễn cho thiền viện Kasuga, và trà khí cho tăng sư hành trà đạo. Con cháu về sau lấy đó làm nghiệp nhà.
Truyền thừa đời thứ 10, Zengoro Ryozen vẫn làm gốm lối gia truyền, và khởi đầu bát trà lừng danh Raku. Ông còn biệt tài mô phỏng trà gốm của An Nam (Annam Yaki) và Cochin China (Kochi Yaki). Ðến đời con nối dõi, Zengoro Hogen là một nghệ sĩ tài hoa nhất trong dòng họ. Ông nổi tiếng chuyên làm gốm ba mầu (tam thái) kiểu Kochi Yaki, gồm mầu lục, tím đỏ và vàng, mỗi mầu ngăn cách nhau bằng những nét chạm nổi. Hogen được lãnh chúa Tokugawa đất Kishu thu dụng và sủng ái, ban cho chiếc ấm bạc chạm tên Eiraku (Vĩnh Lạc) lưu danh trên tác phẩm, coi tài nghệ ông ngang hàng các tuyệt phẩm đời vua Minh bên Tàu cùng tên, đầu thế kỷ 15. Chúa còn ban cho ông một ấn vàng, chỉ được dùng đóng tên lên các món trà khí được chúa chuẩn nhận.
Năm 1659, một nghệ sĩ gốm người Tàu mà người Nhật gọi tên là Chin Gempin mở lò chuyên sáng tác những trà gốm bằng loại gốm tiêu biểu dòng Seto: mầu trắng rạn mịn tựa ngà cổ, mô phỏng kiểu gốm Bát Tràng của An Nam xuất sang Nhật Bản hồi trước. Ông trang trí trên gốm cảnh sơn thủy, hoặc đề thư pháp thơ cổ bằng mầu lam xanh.
Dòng gốm Kutani, chuyên làm gốm mầu sặc sỡ, trong đó có loại bắt chước làm gốm sứ cổ Tàu, Việt. Năm 1810, thương nhân giàu có tên Yoshidaya Denyemon tái dựng lại những lò gốm đã đóng cửa ở Kutani, để phục chế kiểu gốm Kochi Ðàng Trong Việt Nam đời trước.
Mokubei (1767-1833), là bậc văn nhân theo mẫu truyền thống đông phương. Ông làu thông kinh sách có khiếu làm thơ, vẽ tranh, tạo gốm, môn nào cũng tài hoa. Ông bắt chước làm các món sứ cổ, khéo léo chẳng phân biệt mới cũ đâu vào đâu. Ông đặc biệt mô phỏng các tiêu bản trà gốm Cochin China không sai sẩy, tác phẩm này nay trưng bày trong Viện Bảo tàng Nghệ thuật Tokyo.
Thế kỷ 20, những nghệ sĩ học giả Tây phương nào đến Nhật Bản bị cuốn hút trong đạo vị nền văn hóa nghệ thuật Nhật, dĩ nhiên đều mê say các cổ trà gốm Việt tại Nhật Bản. Các tên tuổi: William Willets, Stephen Addis, Hugo Munsterberg, Hazel H.Gorham, John Stevens... dày công nghiên cứu và giới thiệu cái đẹp trong văn hóa Nhật đến Tây phương. Qua họ, thế giới lần đầu tiên biết đến bát trà Việt trong trà đạo Nhật. Lừng lẫy nhất là nhà nghệ sĩ gốm kiêm đạo gia người Anh Bernard Leach, từng trải suốt đời học hỏi và sáng tạo tại Nhật Bản, được lão sư dòng gốm Kenzan thu nhận và ban ấn truyền thừa. Trong sự nghiệp tầm thầy học đạo, ông học qua thuật làm gốm nung Kochi Yaki, tức gốm Ðàng Trong Việt cổ tại Nhật Bản. Ông trân quý vô ngần một bát trà gốm trắng sứt mẻ đời Lý trong bộ sưu tập riêng mình. Về già, ông là bạn tâm đắc của Shoji Hamada, một đạo sư gốm Nhật Bản. Cả hai thuộc vào hàng bốn tên tuổi thượng thừa của ngành gốm hiện đại. Cả hai đều ưa thích sưu tầm bát trà cổ Việt, dùng đó làm tiêu bản học bí quyết làm gốm của cổ nhân.
Hai nước đều thấu nhập tinh hoa văn hóa Trung Quốc, nhưng nghệ thuật gốm trà Việt - chứ không phải Tàu - đã gây ảnh hưởng lớn trong lịch sử trà đạo Nhật, cho thấy tâm hồn và lòng rung cảm cái đạo Ðẹp của hai dân tộc đời cũ rất gần nhau. Nghệ thuật dân gian Nhật (mingei) mang những hình thái không khác mấy với nghệ thuật làng quê truyền thống Việt Nam.
* TS Phan Quốc Sơn
(Trích tham luân Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hô Chí Minh, Viêt Nam)