Phật giáo có mặt tại bán đảo Triều Tiên vào năm 372, tiếp biến với tín ngưỡng dân gian, nhanh chóng trở thành tôn giáo chính và đóng vài trò chủ đạo trong đời sống tâm linh của phần lớn người dân trong suốt gần 1000 năm.
Tiếp đến, Phật giáo trải qua 500 năm bị đàn áp dưới triều đại Khổng giáo Choson, và sau đó là hàng chục năm xung đột và chia rẽ nội bộ. Hiện nay, Phật giáo Nam Triều Tiên (Nam Hàn) đã tìm được lối thoát và đang cố gắng vượt qua khúc cong lịch sử của Phật giáo tại nước này. Và gần đây, Phật giáo Nam Hàn đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong thể kỷ XXI qua sự kiện biểu tình ôn hòa của hơn 60,000 Tăng Ni và Phật tử thuộc 20 Tông phái Phật giáo để phản đối sự kỳ thị tôn giáo của chính phủ.
Phong trào hiện đại hóa Phật giáo trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản
Năm 1910, Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, kết thúc triều đại Choson (1392-1910). Những Tăng sĩ Phật giáo Nhật Bản, phần lớn là Tăng sĩ thuộc phái Tân Tăng, đã đến truyền giáo tại Triều Tiên. Phật giáo ít nhiều đã trở lại những hoạt động tự viện và xã hội sau 500 năm bị lãng quên hoặc chỉ được biết như những tín ngưỡng dân gian. Bằng những sắc lệnh quản lý tự viện của chính quyền, Phật giáo đã tiến hành thiết lập hệ thống quản lý Tăng Ni và tự viện. Theo hệ thống này, có 30 Tự viện chính, mỗi tự viện do một vị Viện trưởng quản lý, tất cả Tăng ni và Tự viện trong cả nước đều trực thuộc sự quản lý của 30 tự viện chính. Phật giáo tiến hành cải cách hệ thống giáo dục và hoằng pháp. Giáo dục tự viện được chia làm ba cấp: Sơ cấp, Cơ bản và Cao cấp Phật học. Nhiều Tăng sĩ trẻ được gởi đến Seoul để theo học các trường Trung học công lập và Đại học dành cho người nước ngoài, chủ yếu là người Nhật; và cũng có một số Tăng sĩ khác được gởi sang Nhật du học. Phật giáo đã thành lập nhiều Trung tâm hoằng pháp trên cả nước, hoạt động theo sự điều hành của Ban hoằng pháp trung ương.
Tuy nhiên, Phật giáo trong giai đoạn này bị chính quyền chi phối và bị dân chúng chỉ trích là hợp tác với chính quyền thuộc địa Nhật Bản. Nhiều Tăng sĩ trẻ nhận thấy chính quyền can thiệp, lũng đoạn nội bộ Phật giáo và một số lãnh đạo Phật giáo tham quyền cố vị, đã thành lập một phong trào mới, gọi là phong trào Phật giáo Đại chúng (Minjung Pulgyo). Họ công khai yêu cầu chính quyền chấm dứt hành động can thiệp vào nội bộ Phật giáo và hủy bỏ sắc lệnh quản lý Tự viện, để Tăng ni và Phật tử có thể kiểm soát và ngăn chặn sự lạm quyền và sa sút về giới phẩm của một số lãnh đạo Phật giáo. Phong trào Phật giáo Đại chúng hướng đến những công việc hoằng pháp và công tác phúc lợi xã hội. Họ nỗ lực diễn giảng giáo lý bằng ngôn ngữ và phương cách mới mang tính đại chúng hơn và thành lập một số thư viện Phật giáo, cơ cở phúc lợi xã hội để giúp đỡ người nghèo và nông dân. Phong trào này có ảnh hưởng nhất định trong xã hội vào những năm cuối thập niên 20 và đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Nhưng rồi, phần thì không đủ tài chánh, phần lại bị chính quyền sách nhiễu, Phong trào Phật giáo Đại chúng đã phải ngưng hoạt động.
Nhìn chung, Phật giáo Nam Hàn trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản ít nhiều phát triển hơn trong giai đoạn 500 năm bị đàn áp dưới triều đại Choson, nhưng phần lớn Tăng sĩ đều theo truyền phái Tân Tăng của Nhật Bản. Họ lập gia đình, không cạo tóc, mặc âu phục, không bị ràng buộc của những giới luật như cấm uống rượu và cấm ăn thịt.
Phong trào Tịnh hóa Tăng-già
Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh, Triều Tiên giành lại độc lập. Quân đội Hoa Kỳ và Liên Xô đóng quân tại hai miền Nam Bắc. Năm 1950, Bán đảo Triều Tiên xảy ra cuộc nội chiến và bị chia cắt vào năm 1953. Miền Nam theo thể chế cộng hòa, gọi tên nước là Đại Hàn Dân quốc, Tổng thống là người đứng đầu chính phủ và có nhiều quyền hạn. Năm 1948, tiến sĩ Syngman Rhee (Yi Sungman) đắc cử Tổng thổng Nam Hàn. Và với lý do tái thiết xã hội sau chiến tranh và bài trừ tàng tích của chính quyền thuộc địa Nhật Bản, ông Rhee sử dụng sức mạnh cảnh sát và quân đội duy trì cương vị Tổng thống trong ba nhiệm kỳ (1948-1960).
Trong suốt thời gian cầm quyền, ông Rhee ủng hộ mạnh mẽ Phong trào Tịnh hóa Tăng-già của những Tăng sĩ không lập gia đình và tuân giữ giới luật của Tỳ-kheo (dưới đây sẽ gọi những vị Tu sĩ này là Tăng sĩ phái Cựu Tăng để phân biệt với phái Tân Tăng). Phái Cựu Tăng, lúc bấy giờ có khoảng 700 Tu sĩ, nhận định rằng những Tăng sĩ lập gia đình, không mặc y phục tu sĩ, không tuân thủ giới luật của Tỳ-kheo là không phù hợp với luật nghi của người xuất gia, không thể được thừa nhận là Tăng sĩ Phật giáo. Họ thông qua bản dự thảo hiến chương yêu cầu những Tăng sĩ lập gia đình nên trở về cuộc sống thế gian làm những vị cư sĩ hộ pháp và giao lại tự viện và tài sản của Phật giáo cho những Tịnh Tăng quản lý. Lúc đầu, phái Tân Tăng phản đối mạnh mẽ bản dự thảo hiến chương này. Nhưng sau đó, Tổng thổng Rhee ban hành ba sắc lệnh Tôn giáo trong vòng 6 tháng (5-11/ 1954), yêu cầu những Tăng sĩ phái Tân Tăng phải giao lại tất cả tự viện và tài sản của Phật giáo cho những Tăng sĩ thanh tịnh.
Phái Tân Tăng, có khoảng 7000 Tu sĩ và nhiều trong số họ được đào tạo theo khoa bảng và có học vấn cao, tiến hành nhiều kế hoạch phản đối hoặc vô hiệu hóa những yêu cầu của Phái Cựu Tăng. Để tránh chống đối trực tiếp những sắc lệnh của chính phủ, họ chấp nhận giao lại tự viện cho những Tăng sĩ không lập gia đình quản lý, và đề nghị những Tăng sĩ đó phải do họ bầu chọn, và họ dự định sẽ bầu chọn những Tăng sĩ học giả, có khuynh hướng ôn hòa và trung lập quản lý tự viện của họ. Nhưng họ lại từ chối lời đề nghị tiến hành bầu chọn một cách minh bạch và công khai của phái phái Cựu Tăng. Hai bên vẫn không đồng thuận và không tìm ra giải pháp để giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn này.
Tuy nhiên, trước áp lực mạnh mẽ từ chính quyền, phái Tân Tăng chấp nhận giao lại nhiều tự viện và cơ sở thương mại cho phái Cựu Tăng và đăng ký thành lập một tông phái hoạt động riêng biệt và tiến hành nhiều vụ kiện tụng liên quan đến việc quản lý tự viện và tài sản. Những vụ kiện này vẫn kéo dài nhiều năm sau ngày ông Rhee từ chức.
Phần nhiều cư sĩ Phật tử và dân chúng Nam Hàn không chấp nhận truyền thống của phái Tân Tăng Nhật Bản; họ ủng hộ Phong trào Tịnh hóa Tăng-già. Nhưng phong trào này đã mắc phải một số sai lầm: 1, Để xảy ra nhiều vụ tranh chấp nhuốm màu bạo lực và 2, Vì khuyến khích người xuất gia, phái Cựu Tăng đã thu nhận nhiều hạng người xuất gia, bao gồm thành phần bất hảo, xuất gia vì mục đích kinh tế và quyền lợi; khiến uy tín của Phật giáo bị giảm sút trong dân chúng và Phật tử.
Những mâu thuẫn trong nội bộ Phật giáo
Tháng 4, năm 1960, trước áp lực của dân chúng và Hoa Kỳ, sau kết quả đắc cử Tổng thổng nhiệm kỳ IV, ông Rhee buộc phải từ chức và lưu vong sang Hoa Kỳ. Tháng 6, Quốc hội bầu ông Yun Po-son đảm trách chức vụ Tổng thống và ông Chang Myon trong cương vị Thủ tướng. Tình thế chính trị thay đổi, thuận lợi hơn cho phái Tân Tăng, họ yêu cầu các cơ quan tư pháp phải giải quyết 70 vụ viện còn tồn đọng về quyền quản lý tự viện và cở sở thương mại của họ. Họ đã thắng nhiều vụ kiện và tiếp quản lại nhiều tự viện mà trong thời gian Nhật chiếm đóng Triều Tiên là của họ.
Tháng 5 năm 1961, quân đội đảo chính, ban hành thiết quân luật, giải tán quốc hội và các đảng phái, thành lập Hội đồng Quân nhân cách mạng do tướng Chang To-Yong lãnh đạo. Sau đó, tướng Chang và vài tướng lĩnh khác bị kết tội đảo chính. Tướng Park Chung-hee (Pak Chonghui) được bầu làm chủ tịch thay tướng Chang. Tướng Park ban hành bản dự thảo Tân hiến pháp và công bố lịch trình tổng tuyển cử chính phủ dân sự vào tháng 5 năm 1963. Ông Park đắc cử Tổng thắng trong lần bầu cử năm 1963 và tiếp tục lãnh đạo chính phủ trong cương vị Tổng thống cho đến 1979.
Tổng thổng Park cũng là người ủng hộ Phong trào Tịnh hóa Tăng-già của phái Cựu Tăng. Ông tiếp tục ban hành đạo luật quy định Tự viện và tài sản của Phật giáo là do những Tăng sĩ có nếp sống tịnh hạnh quản lý. Với những nỗ lực hòa giải sự xung đột của nhiều phía, một Hội đồng tái thiết Phật giáo được thành lập để soạn thảo chương trình tiến đến một Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc. Tháng 4 năm 1962, một Đại hội Phật giáo đã được tiến hành và chọn tên gọi của một Phật giáo thống nhất là Giáo hội Phật giáo Tào Khê Hàn Quốc (The Chogye Order of Korean Buddhism); bầu ngài Hyobong Sunim thuộc phái Cựu Tăng làm Tăng thống, pháp sư Im Sokjin thuộc phái Tân Tăng làm Chủ tịch Hội đồng Điều hành; bầu ra 50 thành viên để đảm nhiệm các chức vụ trung ương của Giáo hội, trong đó 32 thuộc phái Cựu Tăng, 18 thuộc phái Tân Tăng. Và rồi, chỉ một năm sau ngày Đại hội thống nhất Phật giáo, phái Tân Tăng yêu cầu số thành viên của hai phái Cựu và Tân phải ngang bằng nhau, phái Cựu Tăng phản đối lời đề nghị này. Chính phủ lên tiếng ủng hộ lập trường của phái Cựu Tăng. Phật giáo lại lần nữa tách riêng hai phái Cựu và Tân Tăng.
Và tiếp theo, những Tu sĩ mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong phái Cựu Tăng hình thành phong trào Phật giáo vì quốc gia. Phong trào này tuy có những đóng góp nhất định trong việc đề cao giá trị văn hóa dân tộc; nhưng bên cạnh đó, phong trào này có khuynh hướng chính trị và bị can thiệp mạnh, công khai hoặc bí mật, từ phía chính quyền, gây thêm sự xáo trộn trong nội bộ Phật giáo. Trước tình cảnh Phật giáo bị phân hóa trầm trọng, nhiều Tăng Ni và Phật tử trí thức thành lập những phong trào chấn hưng Phật giáo và hiện đại hóa Phật giáo, nổi bật nhất là Phong trào Phật giáo Đại chúng.
Phục hoạt Phong trào Phật giáo Đại chúng
Trong nhiều nhiệm kỳ Tổng thống, mặc dù ông Park Chung-hee đã đóng góp rất nhiều trong việc tái thiết xã hội và phát triển kinh tế, nhưng ông có khuynh hướng độc tài, dựa vào cơ quan tình báo và cảnh sát để duy trì quyền lực và trấn áp phe đối lập, nên chính phủ của ông gặp nhiều chống đối từ các đảng phái khác, và sinh viên học sinh.
Để phản đối chính phủ độc tài của Tổng thổng Park Chung-hee (1961-1980), trong thập niên 70, nhiều phong trào dân chủ của Tăng sĩ trẻ, trí thức Phật giáo và sinh viên, học sinh được thành lập, và được biết với tên gọi chung là Phong trào Phật giáo Đại chúng. Những phong trào này hoạt động riêng rẽ và thiếu chặt chẽ, nên bị chính quyền trấn áp, bắt bớ và quy kết tội danh thân với chính quyền Bắc Hàn, một số thành viên lãnh đạo Phong trào bị giam giữ.
Giữa thập niên 80, Liên minh các Phong trào Phật giáo Đại chúng được thành lập. Liên minh này nhanh chóng lớn mạnh, hoạt động tích cực như một phong trào Phật giáo nhập thế. Họ công khai phản đối chính phủ độc tài, đòi nới rộng dân chủ cho người dân, chỉ trích chính phủ can thiệp và lũng đoạn nội bộ Phật giáo, phê phán thái độ quan liêu của nhiều vị lãnh đạo Phật giáo. Phong trào được nhiều Tăng sĩ trẻ, trí thức Phật giáo và sinh viên học sinh hưởng ứng, và trở thành một Phòng trào vững mạnh và có nhiều ảnh hưởng trong xã hội.
Ngài Hyuam Song (1941–1997), một tu sĩ được nhiều người kính trọng và giữ thái độ trung lập, kêu gọi các bên hãy rút lui khỏi vũ đài chính trị, tập trung vào những công việc giáo dục và hoằng pháp, nhằm đưa Phật giáo thoát khỏi vũng lầy tranh chấp trong nội bộ Phật giáo.
Từ năm 1988, Phong trào Phật giáo Đại chúng từ bỏ những hoạt động dân chủ, tập trung vào những công tác phúc lợi xã hội và hoằng pháp, mở nhiều khóa thiền cộng đồng. Những hoạt động của Phong trào này ít nhiều làm thay đổi thái độ chỉ trích của dân chúng đối với Phật giáo, tạo ra một sinh khí mới cho quần chúng Phật tử.
Trải qua nhiều biến động từ bên ngoài xã hội và trong nội bộ Phật giáo, Tăng ni và Phật tử của các tông phái đã nhận thức rõ sự cần thiết của một Phật giáo đoàn kết, hòa hợp trong tinh thần tôn trọng sự đa dạng trong phương pháp hành trì và tông chỉ hoạt động. Các tông phái cố gắng hỗ tương nhau để ứng phó trước sự phát triển nhanh nhóng của xã hội và sự lớn mạnh của Tin Lành. Phật giáo đoàn kết hơn và tập trung phát triển các lãnh vực văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, và công tác xã hội. Phật tử của các tông phái kết hợp điều hành kênh truyền hình Phật giáo BTN (Buddhist Televison Network); kênh truyền này phát sóng các chương trình giới thiệu văn hóa Phật giáo, hướng dẫn các khóa thiền, giảng dạy giáo lý mang tính phổ cập và đại chúng. Phật giáo tiến hành cải cách toàn diện hệ thống giáo dục từ cấp Tiểu học cho đến cấp Đại học, mở ra nhiều khóa giảng dạy giáo lý ngắn và dài hạn cho Thanh thiếu niên Phật tử. Nhiều Tự viện trong cả nước thường xuyên tổ chức những khóa thiền dành cho nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt là những khóa thiền mùa Hè cho sinh viên học sinh. Nhiều Lễ hội Phật giáo được tổ chức quy mô, hoành tráng nơi công cộng. Phật giáo thành lập nhiều Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người già neo đơn và nhiều trung tâm dạy nghề, thành lập nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và liên kết với nhiều tổ chức phi chính phủ cùng tham gia vào các hoạt động phúc lợi xã hội, thường xuyên tổ chức hội chợ thực phẩm để hỗ trợ cho nông dân.
Phật giáo Nam Hàn đang có dấu hiệu phát triển và sẽ thích ứng nhanh nhóng với tình thế trong nước và khu vực. Bài học chấn hưng và cải cách của Phật giáo Nam Hàn trong thời hiện đại cần được các nhà lãnh đạo Phật giáo tại các nước Đông Á nhận thức và tham cứu để tìm sách lược ứng phó với xu hướng giao lưu, hợp tác một cách ngang bằng và tôn trọng giữa Đông phương và Tây phương trong nhiều lãnh vực, bao gồm cả lãnh vực văn hóa và tôn giáo. Trong xu hướng này, nếu Phật giáo tại Đông Á thật sự vững mạnh, thì Phật giáo không những chỉ gìn giữ và phát huy tinh thần hòa bình và giải thoát của mình và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc mình, mà còn có thể truyền bá Phật giáo sang các nước phương Tây như Phật giáo Tây Tạng đang thực hiện, nhằm góp phần tạo nên một thế giới hòa bình hơn và tốt đẹp hơn.■
Nguồn Tập San Pháp Luân 67