Tục dán vàng lên tượng Phật
Trong các ngôi đền có tượng Phật lớn (thường là cao ba, bốn mét trở lên), liên tục diễn ra một cảnh tượng lạ lùng mà chúng tôi chưa hề nhìn thấy ở bất cứ nước nào, đó là cảnh Phật tử dán vàng lá cực mỏng lên tượng. Mỗi lá vàng có kích cỡ 3cm x 3cm giá khoảng trên ba ngàn đồng tiền Việt. Vì lá vàng siêu mỏng nên nó không thể tồn tại độc lập mà phải được trải trên một miếng giấy hết sức đặc biệt. Bạn cầm miếng “giấy vàng” đó trên tay, áp mặt có vàng vào tượng. Vàng sẽ dính hết vào tượng, tay bạn chỉ còn miếng giấy không còn vàng. Người nghèo vào đền thường mua một, hai miếng; người giàu mua vài ba chục miếng như vậy. Cùng lúc bạn có thể nhìn thấy hàng chục người bao quanh bức tượng Phật khổng lồ để dán vàng. Vì tượng lớn nên người ta phải bố trí thang hoặc dàn dáo để Phật tử trèo lên thực hiện công việc thiêng liêng của họ. Tất nhiên, với hàng trăm hàng ngàn người liên tục dán như vậy, sẽ có hàng trăm hàng ngàn lớp vàng chồng đè lên nhau. Nếu khi dán không khéo, tay chạm vào tượng, lập tức có một lớp vàng mỏng dính vào da tay bạn, nhìn lấp lánh ánh kim hoàng. Thông thường về đêm khuya, khi vắng vẻ, người ta mới lấy khăn lau hết bột vàng trên tượng, giặt vào một chậu nước lớn. Vàng chìm xuống đáy chậu, thu hồi rồi đem tới xưởng, chế lại thành vàng lá cực mỏng như trước, kết thúc một chu kỳ.
Chúng tôi tới thăm một xưởng dát vàng thủ công. Công việc của họ là làm ra những lá vàng “mỏng”, “cực mỏng” và “siêu mỏng” để dùng vào nhiều công việc khác nhau, như dát vàng lên các bức tượng Phật bằng đồng, dát vàng lên nhiều bộ phận của một bức tượng Phật bằng cẩm thạch, làm thành những lá bồ đề bằng vàng cực mỏng, mỗi lá bán 5 đô la Mỹ. Độ mỏng của chúng hoàn toàn khác nhau: loại “mỏng vừa” là để dát lên các bộ phận của bức tượng Phật bằng cẩm thạch, không bao giờ bị bong ra. Loại “cực mỏng” để làm những lá bồ đề, có thể tồn tại độc lập, được bọc trong một lớp giấy bóng. Còn loại “siêu mỏng” chỉ để bán cho Phật tử dán lên tượng Phật như vừa kể. Cần phân biệt hai từ “dát” và “dán”. Loại mỏng vừa để cho thợ “dát” lên tượng, loại “siêu mỏng” để cho Phật tử “dán” lên tượng. Kỳ công nhất là loại “siêu mỏng”. Loại này tiêu thụ mạnh nhất. Hãy tưởng tượng một quy trình công nghệ: đầu tiên dùng máy cán vàng thật mỏng như tờ giấy, cắt thành miếng khoảng 2cm2 , dùng búa đập liên tục 1 giờ thành miếng 16cm2. Chồng 2.000 mảnh x 16cm2 đó lên nhau đập liên tục 5 giờ nữa để được 2.000 mảnh x 64cm2 rồi mới cắt ra thành những mảnh nhỏ, mỗi mảnh 9cm2 (3cmx3cm) để bán cho Phật tử. Giá bán được tính theo công thức: tiền vàng và tiền giấy đỡ lá vàng chiếm 20%, tiền công 80%, tiền lời 30%. Tổng cộng giá bán là 130%. Công nghệ làm giấy nền đỡ cho lá vàng cũng cực kỳ phức tạp: một loại tre đặc biệt được đem chẻ nhỏ ngâm nước 3 năm để biến thành bột, dát mỏng, phơi nắng rồi đập như vàng cho tới khi tờ giấy tre trong suốt có màu hơi vàng mới dùng được. Vì sức tiêu thụ rất lớn nên công việc dát vàng siêu mỏng đã trở thành một nghề thủ công truyền thống rất nổi tiếng ở Myanmar.
- Tượng Phật niết bàn ở Yangon dài 73m, cao 35m, được chế tác vào năm 1.107 theo trường phái Môn. Miền đất Nam bộ Myanmar xa xưa là vương quốc của người Môn, một sắc tộc rất tôn sùng đạo Phật. Người ta phải xây một ngôi nhà cực lớn, cao ngất để thờ tượng, đủ chỗ cho hàng ngàn người tới dâng lễ và chiêm bái.
- Tượng Phật niết bàn ở Bagô (một bang láng giềng của Yangon) cũng là một xứ sở của người Môn. Thành phố thủ phủ bang này xưa là kinh đô của vương quốc Môn, hiện đang tồn tại một hoàng cung lộng lẫy và một chùa vàng 113m cao nhất Myanmar. Tượng Phật nằm ở đây dài 54,88m, cao 16m, khuôn mặt dài 6, 86m, mắt dài 1,14m do nhà vua Miga Depa cho xây dựng năm 944, chất liệu bằng gạch. Đây là bức tượng nằm cổ kính sinh động nhất hiện nay, đặc biệt là khuôn mặt hết sức tươi tắn và từ bi. Từ thế kỷ thứ XI, tác phẩm nghệ thuật này hoàn toàn bị bỏ hoang phế hơn 800 năm. Mãi tới năm 1852 một số nhà sư mới phát hiện, trùng tu rồi xây nhà để thờ.
Lại còn có 2 bức tượng niết bàn khác lớn hơn hẳn 2 bức tượng vừa kể trên. Đó là bức tượng dài 160m ở Mandalay được hoàn thành cách đây 8 năm, và một tượng khổng lồ dài 300m xây dựng suốt 18 năm nay vẫn chưa hoàn thành vì thiếu kinh phí. Tất cả mọi tượng Phật nằm đều được xây đặc. Rõ ràng để có được những công trình lớn như vậy, không chỉ có tiền mà phải có một niềm tin mãnh liệt, một niềm đam mê cuồng nhiệt và lòng tôn kính thật sự chân thành.
Đường lên đỉnh núi đá vàng thiêng
Biết chúng tôi quan tâm nhiều tới nền văn hóa Phật giáo suốt chiều dài sông Mê Kông và các nước lưu vực của nó, các bạn Myanmar khuyên nên tới chiêm ngưỡng “Tảng đá vàng” ở trên độ cao 1.100m so với mặt biển tại miền rừng núi hẻo lánh của Bang Môn, miền Nam đất nước. Từ Yangon tới đó xe chạy phải mất nửa ngày đường. Tới chân núi, xe chúng tôi phải để lại rồi thuê xe tải chở cả đoàn lên tới độ cao khoảng 700m, đường đèo ngoằn ngoèo, cực dốc. Con đường nguy hiểm này từ xa xưa đã từng là nơi bỏ xác của biết bao Phật tử hành hương, vì đây là vương quốc của voi, tê giác, hổ, báo, sư tử và ác thần. Ven đường đèo còn thấy những miếu thờ để cầu nguyện cho những người xấu số và cầu an cho những khách bộ hành. Phong cảnh núi đồi vừa có dáng dấp Chùa Hương âm u nơi đất Phật, vừa hùng vĩ như những con đường đèo lên Đà Lạt, với rừng rậm vực sâu, suối nước và những ngôi chùa. Từ điểm cao 700m xe ngừng chạy để người leo bộ lên độ cao 1.100m. Đường leo bộ được đổ bê tông bằng phẳng, rộng rãi, sạch sẽ, có lan can bảo hiểm, đẹp hơn hẳn đường lên Chùa Hương của ta. Phần lớn du khách nước ngoài đều ngồi cáng vì không leo nổi. Riêng chúng tôi chỉ thuê người mang hành lý vì còn phải vừa đi vừa quay phim. Vừa lúc “sức tàn lực kiệt” thì chốn Thiên Thai xuất hiện. Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước vẻ nguy nga tráng lệ, cực kỳ lộng lẫy và to lớn của cả một quần thể kiến trúc mênh mông trên đỉnh núi được trải rộng trên một mặt bằng lớn như sân vận động, dài tới vài ba cây số bao gồm đền đài, miếu mạo, tượng thờ, nhà hàng, khách sạn tọa lạc trên một mặt bằng lát gạch bông sạch bóng, với hàng ngàn Phật tử khói hương nghi ngút, tay cầm những dây hoa lài hoặc những bó hoa huệ thơm phức, ngây ngất trong tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh vang vang núi đồi, thành kính chiêm bái Đức Phật ở mọi nơi mọi chốn trong khuôn viên rộng hàng chục hec-ta rực ánh chiều tà.
Đối tượng chính được tôn thờ trong toàn bộ quần thể kiến trúc Phật giáo này chính là tảng đá vàng kỳ lạ chênh vênh bên mép vực, nằm nghiêng như sắp rơi xuống hẻm núi sâu bởi chỉ hơi dính mép núi. Diện tích mà tảng đá tiếp cận với mép núi chỉ chiếm 1,4% diện tích đáy của nó. Kỳ lạ là nó luôn ở tư thế “chuẩn bị rơi” như vậy đã hàng chục triệu năm, nhưng người ta lại hiểu là nó chỉ tồn tại từ khi có Đức Phật tới đây, nên rất thiêng. Sở dĩ gọi là đá vàng vì hàng ngày luôn có hàng ngàn Phật tử liên tục dán vàng lá mỏng lên toàn bộ bề mặt của nó, nhất là phần thấp nhất dễ với tới của tảng đá. Từ xa vài cây số chúng tôi đã nhìn thấy hình dáng và tư thế của nó. Màu vàng chói lọi của nó đã được ánh nắng ban chiều chiếu vào làm ánh lên một ánh kim kỳ diệu giữa nền trời xanh mây trắng bên trên và núi rừng xanh thẳm ở bên dưới. Từ chân tảng đá vàng có thể nhìn bao quát cả một vùng rừng núi bao la xung quanh với hàng loạt đền đài Phật giáo ẩn hiện lấp lánh dưới ánh mặt trời, tạo cho ta một cảm giác mơ màng, thoát tục, đặc biệt là vào những lúc mây trắng dưới chân lớp lớp trôi đi phủ kín núi đồi.
Kỳ tới: Chân dung Tam giác vàng- Ngôi chùa cổ giữa ngã ba biên giới- Tượng Phật bên sòng bạc- Xa lộ xuyên Tam giác vàng- Hai trấn biên thùy hẻo lánh- Những ngôi chùa ở Keng Tông.
Trần Đức Tuấn
(Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo)