5. Tương Ưng nhân duyên, Kinh 321-377

TỤNG III. NHÂN DUYÊN [1]

5. TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN [2]

KINH 321. CHỦNG THỌ [3]

 [79a25] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với pháp kết sử hệ phược mà tùy thuận nếm vị, rồi đoái tưởng, tâm hệ lụy, ái sanh [4]; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, não, khổ, và tụ tập thành khối lớn thuần khổ như vậy. Như người trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ yếu mền, cần yêu quí [79b] bảo vệ làm cho nó an ổn, vun bồi đất, tùy thời tưới nước, nóng lạnh điều hòa. Nhờ những nhân duyên này nên cây mới lớn dần. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp kết sử ràng buộc mà nềm vị, chăm sóc cho lớn, ái [5] sanh; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy. 

“Nếu đối với các pháp kết sử ràng buộc mà thùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ lụy, ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, và khối khổ lớn đã tụ tập thuần thành cũng diệt. Cũng giống trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ, mềm yếu, mà không yêu quý bảo vệ, không làm cho nó an ổn, không vun bồi phân đất, không tưới nước theo thời, không tạo sự thích hợp nóng lạnh, cây ấy sẽ không thể tăng trưởng. Lại còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, này các Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt gốc rễ cây này, cho đến thiêu đốt, khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp kết sử ràng buộc mà thùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ lụy, ái diệt; [6] ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 322. ĐẠI THỌ [7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruỗi, đuổi theo danh sắc [8]; danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ tập thành một khối khổ lớn như vậy. Thí như gốc cây lớn, [9] có rễ, có cành, nhánh, lá, hoa, quả; rễ nó được trồng sâu, bền chắc, được vun đắp phân tro, dùng nước để tưới, [79c] thì cây ấy vững chắc, trọn đời không bị mục hư. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruỗi, đuổi theo danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy.

“Nếu đối với pháp bị chấp thủ, mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy, thức không dong ruỗi chạy theo danh sắc, do đó danh sắc diệt. [10] Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ sẽ diệt, và như vậy thuần khối khổ lớn đã tụ tập cũng sẽ diệt. Giống như trồng cây, nếu không tùy thời bảo vệ để cho cây an ổn, không bón phân đất, không tùy thời tưới nước, để cho lạnh nóng bất thường, cây sẽ không tăng trưởng được. Lại còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, này các Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt cây này, cho đến thiêu đốt khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy, thức không dong ruỗi chạy theo danh sắc, do đó danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ sẽ diệt, và như vậy sự tập khởi của khối lớn thuần khổ diệt. ưu, bi, não, khổ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.  

KINH 323. PHẬT PHƯỢC [11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ về đời trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần tinh tấn thiền định, tư duy, sanh khởi ý nghĩ như vầy: [80a] ‘Thế gian bị hãm nhập tai họa; đó là sanh, già, bệnh, chết, đổi dời, thọ sanh. Nhưng chúng sanh lại không biết như thật về sở y [12] của sanh, già, bệnh, chết.’

“Ta suy nghĩ rằng: ‘Do có pháp gì nên có sanh, do pháp gì làm duyên nên có sanh?’ Ta liền tư duy chân chánh, và như thật phát khởi hiện quán, khởi lên nhận thức [13]: ‘Do có hữu nên có sanh, duyên hữu nên có sanh.

“Ta lại tư duy: ‘Do có pháp gì nên có hữu, do pháp gì làm duyên nên có hữu?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán, khởi lên nhận thức: ‘Do có thủ nên có hữu, duyên thủ nên có hữu.’

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Thủ lại do duyên gì, do có pháp gì nên có thủ, do duyên pháp gì nên có thủ?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Đối với pháp bị chấp thủ mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Do ái kia có nên có thủ. Ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy.’

“Này các Tỳ-kheo, ý các ngươi nghĩ sao? Giống như nhờ dầu, tim đèn, nên đèn được đốt sáng. Vậy khi thường xuyên dầu và tim được thêm lên, ánh sáng ngọn đèn này có tồn tại lâu không?”

“Bạch Thế Tôn, đúng lâu vậy.”

“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Do ái kia có nên có thủ. Ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy. 

“Lúc ấy Ta lại suy nghĩ: ‘Do không có pháp gì mà không có lão, bệnh, tử này? Do pháp gì diệt mà lão, bệnh, tử bị diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do không có sanh nên không có lão, bệnh, tử; do sanh diệt nên lão, bệnh, tử diệt.’

“Ta lại suy nghĩ như vầy: ‘Do không có pháp gì mà không có sanh? Do pháp gì diệt mà sanh diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do không có hữu nên không có sanh; do hữu diệt nên sanh diệt.’

“Ta lại tư duy: ‘Do không có pháp gì nên không có hữu? Do pháp gì diệt nên hữu diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Pháp bị chấp thủ là vô thường, là sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả ly, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, ái diệt. Ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt và luôn sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy cũng diệt.’

“Này các Tỳ-kheo, [80b] ý các ngươi nghĩ sao? Thí như dầu, tim đèn, nếu không châm thêm dầu và sửa tim, phải chăng ánh sáng của cây đèn này trong vị lai không còn nữa, và nó sẽ bị tắt mất chăng?”

 Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, ái õ diệt; ái diệt thì thủ õ diệt, cho đến luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng diệt .”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 324. THỦ [14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh Giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần tinh tấn thiền định, tư duy. Nói đầy đủ như kinh trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:

“Ví như vác mười bó củi, hai mươi bó, ba mươi bó, bốn mươi bó, năm mươi bó, trăm bó, ngàn bó, trăm ngàn bó, gom chất lại thành một đống, đốt lên thành một đống lửa lớn. Nếu có người nào cho thêm củi và cỏ khô vào, các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao, lửa này có tiếp tục cháy mãi được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Ái này làm duyên cho thủ; thủ duyên hữu và cho đến sự tập khởi của khối lớn thuần khổ.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đống lửa đang cháy kia mà không thêm củi và cỏ khô vào, các Tỳ-kheo nghĩ sao, lửa kia có bị tắt không?”

“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, ái diệt; ái diệt thì thủ diệt; nói đầy đủ như vậy cho đến, Như vậy sự tập khởi của khối lớn thuần khổ kia cũng diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 325. THÀNH ẤP [15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh Giác, một mình ở chỗ vắng, tinh tấn chuyên cần thiền định tư duy, phát khởi ý nghĩ như vầy: ‘Do có pháp gì nên có già chết; duyên pháp gì nên có già chết?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do có sanh nên có già chết; do duyên sanh nên có già chết. Đối với hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, cũng như vậy.

“Do có pháp gì nên có danh sắc, [80c] do duyên pháp gì nên có danh sắc?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do có thức nên có danh sắc, do duyên thức nên có danh sắc.’ Khi Ta tư duy như vậy, ngang đến thức thì quay trở lại, không thể vượt qua nó được [16]. Nghĩa là duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có sáu xứ, duyên sáu xứ nên có xúc, duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ tập khối lớn thuần khổ như vậy.

“Bấy giớ Ta suy nghĩ: ‘Do không có pháp gì nên không có già chết; do pháp gì diệt nên già chết diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, và như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có sanh nên không già chết; vì sanh diệt nên già chết diệt.’ Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành cũng như vậy. Nói đầy đủ như kinh trên.

“Ta lại tư duy: ‘Do không có pháp gì, nên không có hành; do pháp gì diệt nên hành diệt?” Ta liền tư duy chân chánh, và như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có vô minh nên không có hành; vì vô minh diệt nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt; thức diệt nên danh sắc diệt; danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; sáu xứ diệt nên xúc diệt; xúc diệt nên thọ diệt; thọ nên ái diệt; ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, và ự tập khởi của khối lớn thuần khổ cũng bị diệt.’

“Bấy giờ, Ta nghĩ rằng: ‘Ta đã gặp được con đường của cổ Tiên nhơn, lối mòn của cô Tiên nhơn; dấu chân của cổ Tiên nhơn. Cổ Tiên nhơn đã từng đi theo dấu này, nay Ta cũng đi theo.’ [17] Ví như có người đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi, người kia liền theo đó mà đi. Đi lần về trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, ao tắm, rừng cây sạch sẽ, người ấy nghĩ rằng: ‘Bây giờ ta nên đến tâu cho vua biết.’ Người ấy vội vàng đi đến quốc vương tâu: ‘Đại vương biết cho, tôi đang đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi, tôi liền theo đó mà đi. Đi lần về trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, ao tắm, suối rừng sạch trong. Đại vương có thể đến đó nghỉ ngơi.’ Quốc vương liền đến đó, cư trú nơi đó, rất an lạc, yên ổn, và nhân dân cũng được phồn thịnh.

“Nay Ta cũng như vậy, gặp được con đường của cổ Tiên nhơn, lối mòn của cổ Tiên nhơn; dấu chân của cổ Tiên nhơn; chỗ Tiên nhơn xưa đã đi, nay Ta cũng đi theo. Con đường đó là Thánh đạo tám chi: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, [81a] chánh định. Ta từ nơi con đường này mà thấy được lão, bệnh, tử; sự tập khởi của lão, bệnh, tử; sự diệt tận của lão, bệnh, tử; con đường đưa đến sự diệt tận của lão, bệnh, tử; thấy được sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, thấy sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Ta đối với pháp này tự biết, tự giác ngộ, thành tựu Đẳng Chánh Giác. Rồi Ta khai thị, hiển phát, vì an lạc và lợi ích của các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di và các Sa-môn, ngoại đạo, Bà-la-môn, tại gia, xuất gia, cả bốn chúng, được nghe, chân chánh hướng theo, khởi lòng tin ưa, biết pháp lành, khiến cho phạm hạnh thêm rộng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 326. LÔ [18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phất, và Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la. Sau khi cùng nhau hỏi thăm, chúc tụng, Tôn giả rồi ngồi xuống xuống một bên, nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:

“Tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả có rảnh để giải đáp cho không?”

Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đáp lời Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nhân giả cứ hỏi. Điều gì biết được tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Xa-lợi-phất hỏi Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:

“Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, thế nào, có sự già không?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, có.”

Lại hỏi:

“Có sự chết không?”

Đáp:

“Có.”

Lại hỏi:

“Thế nào, già, chết là tự tác hay tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự chẳng phải tha mà vô nhân tác chăng?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, già chết chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng do duyên sanh nên có già chết.”

“Như vậy, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân tác chăng?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng danh sắc này do duyên thức mà sanh.”

Lại hỏi:

“Thức này có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân tác chăng?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, thức này chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng thức này do duyên danh sắc mà sanh.”

Tôn giả Xá-lợi-phất [81b] lại hỏi:

“Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, trước đây Hiền giả nói danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, chẳng phải chẳng tự và tha, vô nhân tác, nhưng danh sắc này duyên thức mà sanh ra. Bây giờ, lại nói danh sắc duyên thức, vậy nghĩa này là thế nào?”

Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đáp:

“Nay tôi sẽ nói thí dụ, nếu là nguời trí thì nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như ba cây lau được dựng lên nơi đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mà có thể đứng vững. Nếu lấy ra một cây thì hai cây kia cũng không đứng được. Nếu lấy đi hai cây thì một cây cũng không đứng vũng. Vì chúng phải nương vào nhau mới có thể đưng được. Thức duyên danh sắc lại cũng như vậy, phải nương tựa lẫn nhau mới sanh trưởng được.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, Tôn giả Câu-hy-la là người trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp cam lồ. Nghĩa là Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la có nghĩa biện tài [19] sâu xa như vậy, có thể giải đáp tất cả mọi nạn vấn. Như ngọc quý vô giá, mà thế gian đội trên đầu; nay tôi cũng xin đội Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la trên đầu.

“Bạch Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, hôm nay tôi rất vui mừng vì đã được nhiều lợi ích từ nơi Tôn giả. Những đồng phạm hạnh khác nhiều lần gặp được Tôn giả thì chắc chắn cũng sẽ được thiện lợi, vì Tôn giả khéo thuyết pháp. Nay tôi sẽ đem những điều được nghe từ Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la thuyết pháp, bằng ba mươi cách tán thán mà khen ngợi, tùy hỷ.

“Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, ai nói rằng già, chết là tai họa đáng ghê, nên ly dục, nên diệt tận, đó gọi là pháp sư. Ai nói rằng: sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức là tai họa đáng chán ghê, nên ly dục, nên diệt tận, đó cũng gọi là pháp sư. Tỳ-kheo đối với già, chết mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, đó gọi là pháp sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, đó cũng gọi là pháp sư. Tỳ-kheo đối với già chết mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là pháp sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là pháp sư.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Lành thay! lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, vị có trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp cam lồ, đó là Tôn giả Xá-lợi-phất, là người có khả năng hỏi những điều sâu xa của chính trí. Giống như hạt châu vô giá được người thế gian đội trên đầu. Nay Tôn giả [81c] cũng vậy, được tất cả đồng phạm hạnh cung kính, phụng sự một cách trân trọng. Hôm nay tôi rất vui mừng, vì được nhiều lợi ích nhờ cuộc đàm luận với Tôn giả về diệu nghĩa.”

Hai vị Chánh sỹ tùy hỷ lẫn nhau, mỗi người trở về chỗ ở của mình.

KINH 327. VÔ VĂN [20]

Tôi nghe như vầy:

Môt thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm phu ngu si vô học [21], đối với thân bốn đại là tai họa đáng ghê này cũng có thể lìa dục, đáng quay lưng, xả bỏ; nhưng không phải là đối với thức. Vì sao? Họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối với tâm, ý, thức, kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì sao? Họ từ lâu đời ở nơi đây [22] mà ấp ủ, nâng niu, hệ lụy ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ, nói rằng ‘Đây là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau.’ [23] Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học không thể ở nơi đây này mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng, buông bỏ được. Kẻ phàm phu ngu si tốt hơn là nên ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không nên ở nơi thức mà chấp là ngã, là ngã sở. Vì sao? Thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khỏang mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cho đến trăm năm; rồi thì nó tiêu vong, hoặc kéo dài hơn một chút. Còn tâm, ý, thức này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng khắc, trong từng thoang chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây kia, thóang chốc ở nơi này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây này nắm cây kia. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên sanh ra lạc thọ. Khi cảm giac lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ, biết như thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Người ấy tư duy rằng: ‘Thọ này sanh bởi xúc, lạc do xúc, bị xúc trói buộc. Do bởi lạc có từ xúc chạm nơi này nơi kia nên ở nơi này nơi kia mà có cảm thọ lạc. Khi lạc do xúc chạm nơi này nơi kia ấy diệt thì cảm thọ lạc nơi này nơi kia ấy cũng diệt, mát mẻ, tịch tĩnh. Như vậy, đa văn Thánh đệ tử đối với sắc sanh ra nhàm tởm; đối với thọ, tưởng, hành, thức sanh ra nhàm tởm; do nhàm tởm nên không ưa thích; không ưa thích nên giải thoát, giải thóat tri kiến, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 328. VÔ VĂN [24]

 [82a]Tôi nghe như vầy:

Môt thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

 “Phàm phu ngu si vô học, đối với thân bốn đại là tai họa đáng ghê này cũng có thể lìa dục, đáng quay lưng, xả bỏ. Nhưng không phải là đối với thức. Vì sao? Vì họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối với tâm, ý, thức, kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì họ từ lâu đời ở nơi đây mà ấp ủ, nâng niu, chấp chặt là ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ, nói rằng ‘Đây là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau.’ Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học không thể ở nơi đây này mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng, buông bỏ được.

“Kẻ phàm phu ngu si tốt hơn là nên ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không nên ở nơi thức mà chấp là ngã, là ngã sở. Vì sao? Vì thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khoảng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cho đến trăm năm; rồi thì nó tiêu vong, hoặc kéo dài hơn một chút. Còn tâm, ý, thức này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng đêm,từng giờ, từng khắc, trong từng thoang chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây kia, thóang chốc ở nơi này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây này nắm cây kia. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên sanh ra lạc thọ. Khi cảm giac lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ thì biết như thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.

“Ví như hai thanh gỗ cọ xát vào nhau, hòa hợp sanh ra lửa. Nếu hai thanh gỗ rời nhau, lửa cũng theo đó mà diệt mất. Cũng vậy, các thọ duyên xúc mà tập khởi, do xúc mà sanh, do xúc mà tập khởi; nếu khi sự xúc chạm nơi này nơi kia mà tập khởi, những cảm thọ nơi này nơi kia cũng tập khởi. Khi sự tập khởi của sự xúc chạm nơi này nơi kia diệt, sự tập khởi của cảm thọ nơi này nơi kia cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.

“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, đối với sắc được giải thoát; và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát; đối với sanh già bệnh chết ưu bi não khổ cũng được giải thoát. Ta nói người này đối với khổ đã được giải thoát.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 329. XÚC [25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta đã nói về nội xúc pháp [26], các ngươi [82b] có bắt nắm không?”

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu lễ sát chân Phật, chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, pháp nội xúc được nói, con đã nắm giữ rồi.”

Lúc Tỳ-kheo này ở trước Phật tự mình xác nhận như vậy, nhưng dù là như vậy Thế Tôn vẫn tỏ vẻ không hài lòng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Phật bảo A-nan:

“Nội xúc pháp theo như pháp luật của bậc Thánh, khác với những điều Tỳ-kheo này nói.”

A-nan, bạch Phật:

“Bây giờ đã đúng lúc, cúi xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói về nội xúc pháp trong pháp luật của Hiền thánh; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ, thực hành.”

Phật bảo A-nan:

“Này, A-nan, lành thay! Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp, nên tư duy như vầy: ‘Có nhiều loại khổ khác nhau của chúng sanh. Khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc [27]? Lúc nắm bắt như vậy, nên biết cái khổ này do nhân là ức-ba-đề [28], tập là ức-ba-đề, sanh bởi ức-ba-đề, chuyển hiện ức-ba-đề.’

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, với nội xúc pháp, ức-ba-đề do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển hiện? Vị ấy, trong khi nắm bắt, biết rằng, ức-ba-đề do ái là nhân, ái là tập, do ái mà sanh, do ái mà chuyển hiện. Lại nữa này các Tỳ-kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp, nên biết ái do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển hiện? Khi nắm như vậy, nên biết rằng sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ [29]; ở nơi sắc này, ái sanh khi sanh nơi đó, ái hệ lụy khi hệ lụy nơi đó, ái cư trú khi cư trú nơi đó. [30]

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng không bệnh, tưởng là ngã, là ngã sở, ở nơi sắc này ái càng tăng trưởng. Khi ái đã tăng trưởng thì ức-ba-đề tăng trưởng; ức-ba-đề tăng trưởng thì khổ tăng trưởng. Nếu khổ tăng trưởng thì chắc chắn sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ. Ta nói người này không giải thoát khỏi khổ.

“Ví như ao nước trong mát ở bên đường, đầy đủ hương vị, có người lén lấy chất độc bỏ vào ao. Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến uống nước. Có người nói rằng: ‘Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc màu, nhưng trong ấy có chất độc. Các anh chớ uống. Nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị khổ như sắp chết.’ Những người khát nước này không tin lời, cứ uống. Tuy được vị ngon, nhưng trong chốc lát lại bị chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Cũng vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng không bệnh; tưởng là ngã, [82c] là ngã sở,(chi tiết như trên, cho đến) sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc đẹp đẽ được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, đối với ái này chắc chắn được dứt lìa. Vì ái lìa nên ức-ba-đề lìa, ức-ba-đề lìa nên khổ lìa, khổ đã lìa nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ lìa.

“Ví như bên đường có ao nước trong mát, đầy đủ hương vị, có kẻ lén dùng chất độc bỏ vào trong nước. Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến uống nước. Có người nói rằng: ‘Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc màu, nhưng trong ấy có chất độc, các anh chớ uống. Nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị khổ như sắp chết.’ Những người kia nghĩ thầm: ‘Nước này có chất độc, nếu ta uống vào thì sẽ chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Thôi ta cố chịu khát, ăn đỡ cơm bột khô, không dám uống nước.’

“Cũng như vậy, Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, cho đến… sẽ giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.

“Vì vậy, này A-nan, đối với pháp này thấy như vậy, nghe như vậy, cảm nhận như vậy, nhận thức như vậy; [31] đối với quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng theo như đạo lý này nên quán sát như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 330. TƯ LƯƠNG [32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tư lương quán sát như thế nào để chân chánh diệt tận khổ, đạt đến nơi tột cùng của khổ biên? Khi tư lương về tất cả những cái khổ khác nhau của chúng sanh; các khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển [33]? Khi suy nghĩ thì biết rằng, do thủ làm nhân, thủ tập, thủ sanh, thủ chuyển. Nếu thủ này diệt, không còn sót, chắc chắn các khổ này cũng sẽ diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thủ đã diệt.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tư lương quán sát để chân chánh diệt khổ, và đạt đến nơi cứu cánh khổ biên; khi ấy, tư duy thủ kia do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Tư duy, thủ này do ái làm nhân, ái tập, ái sanh, ái chuyển. Khi ái này vĩnh viễn diệt, không còn, thủ cũng theo đó mà diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là ái đã diệt.

“Lại nữa, Tỳ-kheo [82c] tư duy quán sát để chân chánh diệt khổ, và đạt đến cứu cánh khổ biên; khi ấy, tư duy, ái này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Tư lương, ái là do thọ làm nhân, thọ tập, thọ sanh, thọ chuyển. Khi thọ này vĩnh viễn diệt, không còn, ái cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thọ diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, thọ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết thọ này do xúc làm nhân, xúc tập, xúc sanh, xúc chuyển. Khi xúc này vĩnh viễn diệt mất, không còn sót, thọ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, xúc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết xúc này do sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ tập, sáu nhập xứ sanh, sáu nhập xứ chuyển. Khi sáu nhập xứ này diệt, không còn sót, xúc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ. 

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, sáu nhập xứ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết sáu nhập xứ này là do danh sắc làm nhân, danh sắc tập, danh sắc sanh, danh sắc chuyển; nên khi danh sắc này diệt hết, không còn sót, sáu nhập xứ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là danh sắc diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, danh sắc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết danh sắc là do thức làm nhân, thức tập, thức sanh, thức chuyển; khi thức này diệt không còn, danh sắc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thức diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, thức này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết thức này là do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành xúc. Khi làm các phước hành [34], thiện thức sanh; làm những hành không phước, không thiện thì thức bất thiện sanh; tạo tác hành bất động [35], thức bất động [83b] sanh. Vì thức này do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành chuyển; nên khi hành kia diệt, không còn, thức cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là hành diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, hành này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết hành này do vô minh làm nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh chuyển. Phước hành này do vô minh làm duyên, phi phước hành cũng do vô minh làm duyên, phi phước phi phi phước hành cũng do vô minh làm duyên. Nên biết hành này do vô minh là nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh xúc. Khi vô minh này hòan toàn bị diệt không còn, hành này cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là vô minh diệt.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ý các ngươi nghĩ sao? Nếu không ái nhiễm vô minh mà sanh minh [36] thì người ấy còn duyên vô minh này tạo các phước hành, phi phước hành, hoặc tạo tác bất động hành chăng [37]?” 

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không vậy. Vì sao? Vì đa văn Thánh đệ tử không ái nhiễm vô minh thì sanh minh; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, như vậy cho đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ diệt, và khối lớn thuần khổ như vậy cũng diệt.”

Phật nói:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, Ta cũng nói như vậy, các Tỳ-kheo cũng biết như vậy. Ở nơi pháp này pháp kia mà khởi lên pháp này pháp kia; sanh pháp này pháp kia, diệt pháp này pháp kia, diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh. Đa văn Thánh đệ tử nếu ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy; khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, ở đây tất cả cảm thọ đdược cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.

“Ví như người lực sĩ lấy món đồ gốm vừa mới nung, còn nóng, đặt trên đất, chỉ trong chốc lát vật này bị tan hoại, sức nóng cũng tan mất. Cũng vậy, Tỳ-kheo ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy; khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, ở đây tất cả cảm thọ dược cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.” Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 331. THẬM THÂM [38]

 [83c1]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta đã vượt nghi, dứt trừ do dự, nhổ sạch gai tà kiến, không còn thối chuyển, tâm không chấp trước nữa, nơi nào có ngã? Ta vì các Tỳ-kheo thuyết pháp, Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận duyên khởi, tương ưng với Không xuất thế của bậc Hiền Thánh. Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có sáu xứ xứ, duyên sáu xứ xứ nên có xúc, duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ tập khối lớn thuần khổ như vậy, (chi tiết…) cho đến, khối lớn thuần khổ như vậy bị diệt.

“Thuyết pháp như vậy, nhưng Tỳ-kheo kia vẫn còn hoài nghi, còn phân vân. Trước kia chẳng đắc mà tưởng đắc, chẳng đạt mà tưởng đạt, chẳng chứng mà tưởng chứng; ngày nay nghe pháp xong tâm sanh lo rầu, hối tiếc, mê mờ, chướng ngại. Vì sao? Vì đây là chỗ sâu xa, tức là pháp duyên khởi càng sâu xa, khó thấy gấp bội lên. Nghĩa là khi lìa tất cả thủ, ái tận, vô dục, và tịch tịnh, Niết bàn. Như hai pháp này, là pháp hữu vi và vô vi. Hữu vi, hoặc sanh. hoặc trụ, hoặc dị, hoặc diệt. Vô vi, là chẳng sanh, chẳng trụ, chẳng dị, chẳng diệt. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là các hành khổ tịch diệt, Niết bàn. Nhân tập nên có khổ tập; nhân diệt nên khổ diệt; cắt đứt các nẻo, diệt hẳn tương tục, tương tục diệt [39]. Đây gọi là khổ biên. Này các Tỳ-kheo, cái gì diệt? Đó là khổ hữu dư. Cái ấy nếu diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh, có nghĩa là đã diệt hết tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tịnh, Niết bàn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 332. NGU SI HIỆT HUỆ [40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Kẻ phàm phu ngu si không học bị vô minh che lấp, ái duyên ràng buộc, nên có được thức này. Bên trong thân có thức này, ngoài thân có danh sắc; hai nhân duyên này sanh ra xúc. Sáu xúc xứ [41] này được xúc chạm, phàm phu ngu si không học cảm nghiệm các cảm thọ khổ lạc, nhân đây khởi lên các thứ sai biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ.

“Người có trí thông bác, bị vô minh che mờ, ái duyên ràng buộc nên có được thân có thức này. Như vậy, bên trong thân có thức, bên ngoài thân [84a] có danh sắc; hai duyên này sanh ra sáu xúc nhập xứ. Bị xúc chạm bởi sáu xúc, đối người trí cảm nghiệm các cảm thọ khổ và lạc, nhân đây khởi lên những thứ sai biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ.

“Người ngu tối, và người trí tuệ, hai hạng người này ở nơi Ta tu các phạm hạnh, có cái gì sai khác không?”

Các Tỳ-kheo bạch phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay! Bạch Thế Tôn, cúi xin diễn nói, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong, sẽ lãnh thọ, và thực hành.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, đối với kẻ phàm phu ngu si không học vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thân có thức này. Kia vô minh chẳng dứt, ái duyên chẳng hết, nên sau khi chết rồi lại tái sanh. Vì trở lại thọ thân nên không được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ. Vì sao? Vì kẻ phàm phu ngu si vốn chẳng tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận cùng của khổ biên, nên người này sau khi chết trở lại tái sanh. Bởi thọ thân trở lại nên không giải thóat khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ.

“Người trí tuệ vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thân có thức này. Kia vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch. Do vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch, nên sau khi chết không còn tái sanh nữa. Vì chẳng thọ sanh trở lại nên giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ. Vì sao? Vì người này trước đây đã tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận cùng của khổ biên, nên người này sau khi chết không tái sanh trở lại. Bởi không thọ thân nên giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ. Đó là chỗ sai khác giữa phàm phu và người trí tuệ khi họ ở nơi Ta tu các phạm hạnh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 333. PHI NHỬ SỞ HỮU [42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá Bấy giờ đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thân này chẳng phải sở hữu của các ngươi, chẳng phải là sở hữu của người khác. Nghĩa là sáu xúc nhập xứ, vốn do ước nguyện mà tu hành trước kia [43] nên thọ được thân này. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi mà khéo tư duy, quán sát chân chánh là có sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân này. Nghĩa là vì cái này có nên sẽ có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, [84b] khổ trong tương lai, tập khởi khối lớn thuần khổ như vậy. Đó gọi là có nhân có duyên để tập khởi thế gian. Trái lại, nếu cái này không, sáu thức thân không, và sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân cũng không. Nghĩa là vì cái này không, nên không có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ trong tương lai, và khối lớn thuần khổ cũng diệt.

“Đa văn Thánh đệ tử , nếu ối với sự tập khởi của thế gian, sự diệt tận của thế gian mà chánh trí như thật, khéo léo thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập, đó gọi là Thánh đệ tử chiêu cảm được pháp lành này, đạt được pháp lành này, biết pháp lành này, nhập pháp lành này; giác ngộ biết, giác ngộ thấy được sự sanh diệt của thế gian; thành tựu được sự xuất ly của Hiền Thánh, dứt sạch khổ, đạt đến tận cùng của khổ biên một cách chân chánh. Vì sao? Đa văn Thánh đệ tử đã biết như thật về sự tập khởi của thế gian, về sự diệt tận của thế gian, nên khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 334. NHÂN DUYÊN [44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay Ta sẽ nói pháp duyên khởi và pháp duyên sanh. [45]

“Thế nào là pháp duyên khởi [46]? Cái này có nên cái kia có, như duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, cho đến, tập khởi khối lớn thuần khổ như vậy.

“Thế nào là pháp duyên sanh [47]? Là vô minh, hành,... Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới [48]. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày; rằng: Duyên vô minh có hành, cho đến, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.

“Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày; rằng: duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.

“Các pháp này pháp trụ, pháp không [49], pháp như, pháp nhĩ, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng khác như, chân đế, chân thật, không điên đảo, tùy thuận duyên khởi như vậy, đó gọi là pháp duyên sanh [50]. Tức là: vô minh, hành, thức, danh sắc, sáu xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ. Đó gọi là pháp duyên sanh.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với pháp duyên khởi và pháp duyên sanh này bằng chánh tri mà thấy rõ như thật, không truy tìm về đời trước [51] mà nói rằng: ‘Tôi trong đời quá khứ hoặc có, hay không có? Tôi trong quá khứ là loài gì, tôi trong quá khứ như thế nào?’ [52] Không truy tìm tương lai mà nói rằng: ‘Tôi ở đời vị lai hoặc có, hay [84c] không có? Tôi là loài gì, tôi sẽ như thế nào?’ Bên trong chẳng do dự [53]: ‘Đây là những thứ gì? Tại sao có cái này? Trước đây chúng là cái gì? Sau này chúng sẽ là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Ở đây mất rồi sẽ đi về đâu ?’ [54]

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào khởi các kết sử kiến [55] phàm tục, tức là, kết sử của ngã kiến, kết sử của chúng sanh, kết sử của thọ mệnh, hoặc kết sử của kiến chấp cữ kiêng tốt xấu [56]. Khi tất cả những điều đó được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ, như chặt ngọn cây đa-la, ở đời vị lai thành pháp bất sanh. [57] Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đối với pháp duyên khởi và pháp duyên sanh bằng chánh trí mà như thật khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 335. ĐẠI KHÔNG PHÁP [58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ vì các ngươi nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối cùng đều thiện; thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch; đó gọi là kinh Đại không pháp. Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, khéo tư duy. Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Thế nào là kinh Đại Không Pháp? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức,… cho đến tụ tập khối lớn thuần khổ.

“Vì duyên sanh nên có già chết. Nếu có người hỏi: ‘Ai già chết, già chết thuộc về ai?’ Người ấy sẽ được trả lời: ‘Ngã chính là già chết; ở đây già chết thuộc về ngã, già chết là ngã.’ Điều được nói rằng: ‘Mệnh tức là thân,’ hoặc nói ‘mệnh khác, thân khác,’ thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều lọai. Nếu thấy nói ‘mệnh tức là thân’, phạm hạnh này không có. Hoặc quan niệm rằng ‘mệnh khác, thân khác,’ thì phạm hạnh này cũng không có. Đối với hai cực đoan này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng trung đạo. Chánh kiến Hiền Thánh xuất thế, chân thật không điên đảo, là thấy rằng duyên sanh nên có già chết…

“Cũng vậy sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ xứ, danh sắc, thức, hành; do duyên vô minh nên có hành. Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là hành, hành thuộc về ai?’ Người này sẽ được trả lời: ‘Hành là ngã, hành là của siử thuộc của ngã.’ Điều được nói rằng: ‘Mệnh tức là thân,’ hoặc nói ‘mệnh khác, thân khác,’ thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại. Nếu quan niệm rằng ‘mệnh tức là thân’, phạm hạnh này không có. Hoặc lại thấy nói ‘mệnh khác, thân khác,’ thì phạm hạnh này cũng không có. Đối với hai bêncực đoan này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng trung đạo. Chánh kiến Hiền Thánh xuất thế, chân thật [85a] không điên đảo, là thấy rằng vô minh duyên hành. Tỳ-kheo ly nhiểm đối với vô minh mà sanh minh, còn ai già chết, già chết thuộc về ai? Khi già chết đã dứt trừ, biết là đã dứt hẳn cội gốc của của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đời vị lai không thể tái sanh.

“Tỳ-kheo ly nhiểm đối với vô minh mà sanh minh, còn ai sanh, sự sanh thuộc về ai, cho đến ai hành, hành thuộc về ai? Khi hành đã chắc chắn dứt trừ, biết lả đã dứt cội gốc của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đời sau không thể tái sanh.

“Tỳ-kheo ly nhiểm đối với vô minh mà sanh minh, thời khi vô minh này diệt thì hành cũng diệt, cho đến khối lớn thuần khổ này cũng bị diệt. Đó gọi là kinh Đại Không Pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 336. PHÁP THUYẾT NGHĨA THUYẾT [59]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

 “Nay Ta sẽ thuyết pháp, thuyết nghĩa [60] về pháp duyên khởi, các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Thế nào là thuyết pháp về pháp duyên khởi? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành… cho đến một khối lớn thuần khổ. Đó gọi là pháp thuyết về pháp duyên khởi.

“Thế nào là thuyết nghĩa? Tức là, duyên vô minh nên có hành; thế nào là vô minh? Chẳng biết tiền tế, chẳng biết hậu tế, chẳng biết cả tiền hậu tế; chẳng biết trong, chẳng biết ngoài, chẳng biết cả trong lẫn ngoài; chẳng biết nghiệp, chẳng biết báo, chẳng biết nghiệp báo; chẳng biết Phật, chẳng biết Pháp, chẳng biết Tăng; chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết diệt, chẳng biết đạo; chẳng biết nhân, chẳng biết pháp sanh khởi bởi nhân; chẳng biết thiện, bất thiện, có tội, không tội, tập, không tập; hoặc kém, hoặc hơn; nhiễm ô, hoặc thanh tịnh; phân biệt duyên khởi, tất cả đều chẳng biết; đối với sáu xúc nhập xứ không giác tri như thật, đối với các pháp này không thấy không biết, không hiện quán, [61] bị si ám, không có minh, tối mù mịt, đó gọi là vô minh.

“Duyên vô minh nên có hành; thế nào là hành? Hành gồm có thân hành, khẩu hành, ý hành.

“Duyên hành nên có thức; thế nào là thức? Có sáu thức thân: nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.

“Duyên thức có danh sắc; thế nào là danh? Bốn uẩn vô sắc: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Thế nào là sắc? Bốn đại, [85b] sắc do bốn đại tạo thành, sắc này hợp cùng với danh đã nói ở trên, gọi là danh sắc.

“Duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ; thế nào là sáu nhập xứ? Sáu nội nhập xứ; nhãn nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập xứ.

“Duyên sáu nhập xứ nên có xúc; thế nào là xúc? Có sáu xúc thân: nhãn xúc thân , nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân.

“Duyên xúc nên có thọ; thế nào là thọ? Có ba thọ: thọ khổ, thọ vui, thọ chẳng khổ chẳng vui.

“Duyên thọ nên có ái; thế nào là ái? Có ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái.

“Duyên ái nên có thủ; thế nào là thủ? Có bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ.

“Duyên vào thủ nên có hữu; thế nào là hữu? Là ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

“Duyên hữu nên có sanh; thế nào là sanh? Nếu mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia [62], siêu việt, hòa hợp, xuất sanh [63], thành tựu uẩn, thành tựu giới, thành tựu xứ, thành tựu căn. Đó gọi là sanh.

“Duyên sanh nên có già chết; thế nào là già? Như tóc bạc, đầu hói, da nhăn, các căn suy sụp, tay chân yếu ớt, lưng còm, đầu cúi, rên rỉ, hơi thở ngắn, mệt nhọc, chống gậy đi, thân thể đen sạm, tay chân nổ ban đốm, lú lẫn, làm việc gì cũng khó khăn, kém cỏi. Đó gọi là già. Thế nào là chết? Là mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia chết đi, tuổi thọ chấm dứt, thân hoại, đổi dời, hơi ấm lìa thân, mệnh sống kết thúc, là đã đến lúc từ bỏ cái uẩn thân. Đó gọi là chết. Chết này cùng già đã nói trước, gọi chung là già chết. Đó là thuyết nghĩa duyên khởi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 337. DUYÊN KHỞI PHÁP [64]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, pháp duyên khởi mà Thế Tôn nói, là do Thế Tôn tạo ra hay do người khác tạo ra?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai kia có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng Chánh Giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, tức là do duyên vô minh nên có hành,… cho đến tập khởi của khố lớn thuần khổ. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến khối lớn thuần khổ cũng bị diệt.”

Phật [85c] nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 338. ThA [65]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ có một Bà-la-môn đến chỗ Phật. Sau khi cùng đức Thế Tôn đón chào vui vẻ, ông ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng?” [66]

Phật bảo Bà-la-môn :

“Ta nói điều này không khẳng định. Tự mình làm và tự mình cảm thọ, điều này không được khẳng định. [67]”

Bà-la-môn hỏi:

“Bạch Cù-đàm, người khác làm và người khác cảm thọ chăng?”

Phật bảo Bà-la-môn :

“Người khác làm và người khác cảm thọ; điều này không khẳng định [68].”

Bà-la-môn bạch phật:

“Tôi hỏi, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định. Tôi hỏi, người khác làm và người khác cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định, nghĩa này như thế nào?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nếu nói tự mình làm và tự mình cảm thọ thì sẽ rơi vào thường kiến; nếu nói người khác làm và người khác cảm thọ thì sẽ rơi vào đoạn kiến. Thuyết nghĩa, thuyết pháp là lìa hai bên này, Ta thuyết pháp ở nơi trung đạo. Tức là nói rằng: ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, duyên vô minh nên có hành… cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến việc khối lớn thuần khổ bị diệt.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 339. CA-CHIÊN-DIÊN [69]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nhà khách trong rừng sâu, xóm Na-lê [70]. Bấy giờ tôn già Tán-đà Ca-chiên-diên [71] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Ngài nói ‘chánh kiến.’ Vậy thế nào là chánh kiến? Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn thi thiết chánh kiến?”

Phật bảo Tán-đà Ca-chiên-diên:

“Thế gian có hai sở y, hoặc có hoặc không, bị xúc chạm bởi thủ. Do bị xúc chạm bởi thủ nên hoặc y có hoặc y không. Nếu không có chấp thủ này vốn là kết sử hệ lụy của tâm và cảnh [72]; nếu không thủ, không trụ, không còn chấp ngã, khi khổ sinh là khổ sinh, khổ diệt là khổ diệt, đối với việc này không hoài nghi, không phân vân, không do người khác mà tự biết; đó gọi là chánh kiến. Đó gọi là chánh kiến do Như Lai thi thiết. Vì sao? Thế gian tập khởi, bằng chánh trí mà quán sát như thật, thế gian này không phải là không. [73] Thế gian diệt, bằng chánh trí mà thấy như thật, thế gian này không phải là có. Đó gọi là lìa hai bên, nói pháp theo trung đạo. Nghĩa là, ‘cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là, duyên vô minh nên có hành,… cho đến, [86a] một khối lớn thuần khổ. Do vô minh diệt nên hành diệt,… cho đến, khối lớn thuần khổ diệt.’”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên sau khi nghe những gì Phật đã dạy, chẳng khởi các lậu, tâm được giải thoát, thành A-la-hán.

KINH 340. A-CHI-LA [74]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, đức Thế Tôn đắp y, mang bát ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương-xá khất thực. Khi ấy, A-chi-la Ca-diếp [75] có chút việc đi ra khỏi thành Vương-xá, hướng về núi Kỳ-xà-quật. Từ xa trông thấy đức Phật, ông vội vàng đi đến, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho không?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nay không phải là lúc để bàn luận. Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho Ông nghe.”

Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.

Ca-diếp lại bạch lần thứ ba.

“Bạch Cù-đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này? [76] Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài giải đáp cho.” [77]

Phật bảo A-chi-la Ca-diếp:

“Vậy thì tùy ý ông hỏi.”

A-chi-la Ca-diếp Bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, khổ, lạc có phải do tự tác không?”

Phật đáp:

“Nói khổ, lạc do tự tác, điều này Ta không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, khổ, lạc là do người khác làm ra chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nói khổ do ngưới khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Khổ, lạc do tự mình và người khác làm ra chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nói khổ do tự mình và người khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, khổ chẳng phải tự mình, chẳng phải người khãác, vậy vô nhân tác chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, tôi hỏi khổ tự tác chăng, Ngài đáp không ký thuyết. Con hỏi khổ tha tác, tự tha tác chăng, chẳng phải tự, tha, vô nhân tác chăng, Ngài cũng đáp là không ký thuyết. Vậy, nay không có cái khổ này chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Chẳng phải không có cái khổ này, mà thật có cái khổ này.”

Ca-diếp bạch Phật:

“Lành thay, Bạch Cù-đàm! Ngài nói có cái khổ này. Vậy xin vì tôi thuyết pháp khiến cho tôi biết khổ, thấy khổ.”

Phật bảo ca-diếp:

“Nếu thọ tức là tự cảm thọ [78], Ta mói có thể nói nói khổ do tự tạo. Nếu thọ được ảm thọ bởi người khác, Ta nói là tha tạo. Nhưng nếu nói thọ, vùa tự thọ vùa cái khác cảm thọ rồi mang lại khổ, như thế thì tự làm vùa do người khac làm, nhưng Ta cũng chẳng nói như vậy. Hoặc chẳng phải nhân tự, tha, mà là vô nhân sinh ra khổ, Ta cũng chẳng nói như vậy. Như Lai thuyết pháp lìa các cực đoan này mà nói trung đạo; tức là ‘cái này [86b] có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh nên có hành,… cho đến khối lớn thuần khổ. Nếu vô minh diệt thì hành diệt,… cho đến khối lớn thuần khổ diệt.”

Phật nói kinh này xong, A-chi-la Ca-diếp liền lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, A-chi-la Ca-diếp thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua mọi hồ nghi, không do người khác mà biết, chẳng do người khác độ thóat, đối với chánh pháp luật, tâm được không sợ hãi.

Ca-diếp chấp tay bạch Phật:

“Thế Tôn, nay con đã được Phật hóa độ, từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời làm Ưu-bà-tắc, xin Ngài chứng tri cho con.”

A-chi-la Ca-diếp nghe Phật dạy xong, vui mừng, hài lòng làm lễ mà đi.

A-chi-la Ca-diếp sau khi từ giã Phật đi không lâu, bị một con nghé đực húc chết; lúc mạng chung các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.

Bấy giờ, Thế Tôn vào thành khất thực, lúc ấy cũng có nhiều Tỳ-kheo vào thành Vương-xá khất thực. Họ nghe đồn A-chi-la Ca-diếp được nghe pháp từ Thế Tôn; sau khi từ giã Phật chẳng bao lâu bị một con nghé đực húc chết. Khi mạng chung, các căn của ông thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.

Các Tỳ-kheo khất thực xong trở về, thu cất y bát, rửa chân, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm nay nhiều Tỳ-kheo vào thành khất thực, nghe chuyện A-chi-la Ca-diếp, sau khi được nghe pháp luật, ra về chẳng bao lâu bị tai nạn, do một con nghé đực húc chết. Lúc từ trần, các căn của ông thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Bạch Thế Tôn, A-chi-la Ca-diếp sanh vào loài nào, thọ sanh nơi đâu và, có sở đắc gì?”

Phật bảo các Tỳ-kheo :

“Ông ấy đã thấy pháp, biết pháp và tùy pháp [79], không còn chấp thủ nơi pháp, đã đạt đến Bát-niết-bàn. Các ngươi nên đến cúng dường thân cuả A-chi-la Ca-diếp.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn mà thọ ký A-chi-la Ca-diếp bậc nhất.

KINH 341. ĐIẾM-MÂU-LƯU [80]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương-xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vương-xá khất thực, dọc đường gặp tu sĩ ngoại đạo tên là Điếm-mâu-lưu [81], có chút việc đi đến núi kỳ-xà-quật. Từ xa trông thấy Thế Tôn, ông liền đi đến chỗ Thế Tôn. Sau khi cùng chào đón ân cần xong, ông đứng sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, tôi có vài điều muốn hỏi. Ngài có rảnh để giải đáp cho chăng?”

Đức Phật bảo tu sĩ ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nay không phải là lúc để bàn luận. Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho Ông nghe.”

Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.

Điếm-mâu-lưu lại bạch lần thứ ba.

“Bạch Cù-đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này? Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài giải đáp cho.”

Phật bảo Điếm-mâu-lưu:

“Vậy thì tùy ý ông hỏi.”

Xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu liền hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Bạch Ngài, khổ, vui do tự tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Bảo khổ, vui do tự tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Khổ, vui có phải do tha tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói khổ, vui do tha tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Khổ, vui tự tha tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói khổ, vui do tự tha tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Cù-đàm:

“Khổ, vui chẳng phải do tự, chẳng phải do tha, vậy vô nhân tác chăng?

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-âu-lưu:

“Nói rằng khổ, vui chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Phật dạy đầy đủ như kinh A-chi-la Ca-diếp ở trên, cho đến Thế Tôn thọ ký cho xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu đầu tiên. [82]

KINH 342. PHÙ DI [83]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ Tôn giả Tỳ-kheo Phù-di [84] ở tại núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả Phù-di. Sau khi cùng chào hỏi và chúc tụng nhau, họ ngồi qua một bên, nói với Tôn giả Phù-di:

“Chúng tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh thì giờ giải đáp cho không?”

 [93c]Tôn giả Phù-di bảo các xuất gia ngoại đạo:

“Tùy theo những gì các vị hỏi, tôi sẽ vì các vị mà trả lời.”

Chúng xuất gia ngoại đạo hỏi Tôn giả Phù-di:

“Khổ lạc có phải là do tự tác không?” [85]

Tôn giả Phù-di đáp:   

“Này các vị xuất gia ngoại đạo, nói ‘khổ lạc là do tự tác’; điều này đức Thế Tôn bảo, ‘Ta không khẳng định [86].’”

Lại hỏi:

“Khổ lạc có phải là do tha nhân tác không?”

Đáp:

“Khổ lạc là do tha nhân tác; điều này đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định.’”

Lại hỏi:

“Khổ lạc có phải là do vừa tự vừa  tha nhân tác không?”

Đáp:

“Khổ lạc là do vừa tự vừa  tha nhân tác; những điều này đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định.’”

Lại hỏi:

“Khổ lạc có phải là chẳng phải vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo không?”

Đáp:

“Khổ lạc là chẳng vừa tự vừa  tha nhân tác, mà vô nhân tạo, những điều này đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định.’”

Chúng xuất gia ngoại đạo lại hỏi:

“Thế nào, Tôn giả Phù-di, khi chúng tôi hỏi có phải khổ lạc là do tự tác; ngài bảo là không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải do tha nhân tác, ngài bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là do vừa tự vừa  tha nhân tác, ngài bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, ngài bảo rằng không khẳng định. Vậy hiện tại Sa-môn Cù-đàm nói khổ lạc được sanh ra như thế nào?”

Tôn giả Phù-di đáp:

“Này chúng xuất gia ngoại đạo, đức Thế Tôn bảo khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi.”

Lúc ấy chúng xuất gia ngoại đạo nghe những gì Tôn giả Phù-di nói, tâm không hoan hỷ, chỉ trích rồi bỏ ra đi.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở cách chỗ Tôn giả Phù-di không xa, đang ngồi dưới bóng cây. Khi Tôn giả Phù-di biết chúng xuất gia ngoại đạo đã đi rồi, mới đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hai vị cùng chào hỏi và chúc tụng nhau. Sau khi chào hỏi rồi, Tôn giả đem những câu hỏi của chúng xuất gia ngoại đạo trình lại đầy đủ cho Tôn giả Xá-lợi-phất: 

“Tôi đã giải đáp như vậy không mắc tội hủy báng đức Thế Tôn chăng? nói như thuyết chăng? nói như pháp? nói tùy thuận pháp, hành pháp chăng? không bị những người khác nhân nơi luận pháp đến nạn vấn chỉ trích chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Này Tôn giả Phù-di, những điều thầy nói là đúng như lời Phật dạy, không hủy báng Như Lai, nói như những gì Phật đã nói, nói như pháp, pháp hành, pháp thuyết, không bị những người khác nhân nơi luận nghĩa, mà đến cật vấn, quở trách. Vì sao? Vì đức Thế Tôn dạy khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi.

“Tôn giả Phù-di, những gì các Sa-môn, Bà-la-môn kia hỏi về khổ lạc là do tự tác, điều này cũng sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo rằng chúng không sanh ra từ duyên khởi, [94a] điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, hay bảo là vô duyên tạo, chúng cũng đều sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo không phải sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có được.

“Tôn giả Phù-di, những gì mà các Sa-môn, Bà-la-môn kia nói về khổ lạc là do tự tác, chúng cũng duyên xúc mà sanh ra. Nếu bảo là chúng không sanh ra từ xúc, điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha tạo, là do tự tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, vô nhân tác, chúng cũng duyên vào xúc mà sanh ra. Nếu bảo không phải sanh ra từ  xúc, điều này không thể có được.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang ngồi dưới bóng cây cách Tôn giả Xá-lợi-phất không xa, nghe Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Tôn giả Phù-di bàn luận những việc như vậy. Sau khi nghe, Tôn giả rời chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu dảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem những lời bàn luận giữa Tôn giả Xá-lợi-phát cùng Tôn giả Phù-di bạch một cách đầy đủ lên đức Thế Tôn .

Phật bảo A-nan:

“Lành thay! Lành thay! A-nan, Xá-lợi-phất khi có người đến hỏi đã có thể tùy thời mà đáp. Lành thay! Vì Xá-lợi-phất là người có trí ứng phó kịp thời, nên có người đến hỏi, liền có thể tùy thời mà giải đáp. Hàng Thanh văn của Ta nếu gặp có người hỏi, cũng nên tùy thời mà đáp như cách Xá-lợi-phất đã nói.

“Này A-nan, trước đây khi Ta ở trong núi tại Tiên nhơn trú xứ, thành Vương-xá, bấy giờ có chúng xuất gia ngoại đạo đã đem ý vị như vậy, văn cú như vậy, nghĩa lý như vậy đến hỏi Ta. Ta vì họ  mà đem ý vị thế này, văn cú thế này, nghĩa lý thế này nói cho họ, giống như những gì Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói.

“A-nan, nếu các Sa-môn, Bà-la-môn cho rằng khổ lạc là do tự tác, Ta liền đến hỏi họ: ‘Thật sự các vị có nói khổ lạc là do tự tác không?’ Họ đáp: ‘Tôi nói như vậy’ Ta liền nói với họ: ‘Các vị có thể chấp chặt lấy nghĩa này cho đây là chân thật, còn những gì khác đều là ngu dối; Ta không chấp nhận như vậy. Vì sao? Ta nói sự sanh khởi của khổ lạc khác hẳn với điều này.’ Nếu họ hỏi Ta: ‘Cù-đàm nói sự sanh khởi của khổ lạc là khác như thế nào?’ Ta đáp: ‘Khổ lạc sinh ra từ duyên khởi.’ Cũng vậy nếu họ nói: ‘Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, chẳng phải do tự, chẳng phải do tha, vô nhân tạo, Ta cũng đến chỗ họ nói như trên.’”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Như nghĩa lý Thế Tôn vừa nói, con đã hiểu, có sanh nên có già chết, chẳng phải duyên nào khác mà có sanh nên có già chết; cho đến do vô minh nên có hành, chẳng phải duyên nào khác mà có vô minh nên có hành. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ cũng diệt; và khối lớn thuần khổ diệt.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì đức Phật đã dạy, [94b]  hoan hỷ phụng hành, làm lễ mà lui ra. 

KINH 343. CÂU-HY-La [87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma ha Câu-hy-la đang ở tại núi Kỳ-xà-quật. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả Câu-hy-la đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau chào hỏi. Sau khi chào hỏi, Tôn giả ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi. Tôn giả có rảnh để giải đáp cho không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma ha Câu-hy-la:

“Nhân giả cứ hỏi. Nếu biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma ha Câu-hy-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất :

“Đa văn Thánh đệ tử, ở trong Pháp Luật này, thành tựu pháp nào để gọi là có đầy đủ chánh kiến, thành tựu được trực kiến; thành tựu bất hoại tín [88] đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma ha Câu-hy-la :

“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với pháp bất thiện, biết như thật bất thiện căn, biết như thật thiện pháp, biết như thật thiện căn.

“Thế nào là biết như thật pháp bất thiện? Các nghiệp bất thiện của thân, miệng, ý; đó gọi là pháp bất thiện. Biết như thật pháp bất thiện là như vậy.

“Thế nào là biết như thật bất thiện căn? Ba căn bất thiện. Tham là bất thiện căn; sân là bất thiện căn; si là bất thiện căn; đó gọi là bất thiện căn. Biết như thật bất thiện căn là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về thiện pháp? Các nghiệp thiện của thân, miệng, ý; đó gọi là thiện pháp. Biết như thật về thiện pháp là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về thiện căn? Ba thiện căn: không tham, không sân, không si; đó gọi là ba thiện căn. Biết như thật về thiện căn là như vậy.

“Này Tôn giả Ma ha Câu-hy-la, như vậy,  đa văn Thánh đệ tử biết như thật pháp bất thiện, biết như thật pháp thiện, biết như thật căn bất thiện, biết như thật về thiện pháp, biết như thật về thiện căn; cho nên ở trong Pháp Luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.”

Tôn giả Ma ha Câu-hy-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất :

“Thật chỉ có những pháp này, hay ngoài ra còn có pháp nào khác?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đa văn Thánh đệ tử  biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, về sự diệt tận của thức ăn, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về thức ăn? Có bốn loại thức ăn; [94c] đó là: Một là thức ăn nắm thô, hai là thức ăn tế xúc, ba là thức ăn bởi ý tư và bốn là thức ăn của thức [89]; đó gọi là thức ăn. Biết như thật về thực là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia [90]; đó gọi là sự tập khởi của thức ăn. Biết như thật về sự tập khởi của thực là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều dứt bỏ không còn sót, xả bỏ, nhả ra, đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh; đó gọi là sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về sự diệt tận của thức ăn là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn? Thánh đạo tám chi, gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn là như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử  như vậy biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, biết như thật về sự diệt tận của thức ăn, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn; cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong Pháp Luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.”

Bấy giờ Tôn giả Ma ha Câu-hy-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất :

“Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma ha Câu-hy-la:

“Lại còn có những pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về lậu [91], biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu.

“Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu [92], đó gọi là lậu. Biết như thật về sự hiện hữu của bệnh là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của lậu? Vô minh tập khởi là lậu tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của lậu là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của lậu? Vô minh diệt là lậu diệt. Biết như thật về sự diệt tận của lậu là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu? Là Thánh đạo tám chi (nói như trên). Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu là như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử như vậy biết như thật về lậu, biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu; cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong Pháp Luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.”

Tôn giả Ma ha Câu-hy-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất :

“Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma ha Câu-hy-la :

“Cũng có những pháp khác nữa. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ.

“Thế nào là biết như thật về khổ? Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái xa lìa là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, mong muốn không được là khổ. Như vậy, nói tóm, năm thủ uẩn là khổ; đó gọi là khổ. Biết như thật về khổ là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia; đó gọi là sự tập khởi của khổ. Biết như thật về sự tập khởi của khổ là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều đoạn trừ, không còn sót, cho đến, tịch tĩnh; thì đó gọi là sự diệt tận của khổ.  Biết như thật về sự diệt tận của khổ là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ? Là Thánh đạo tám chi như đã nói ở trên. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của khổBiết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ là như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử  như vậy biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, [95a] biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Như vậy Thánh đệ tử ở trong Pháp Luật này [93], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.”

Lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất :

“Thật chỉ có pháp này, còn có pháp nào khác nữa không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Còn có pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử  biết như thật về già chết, biết như thật về sự tập khởi của già chết, biết như thật về sự diệt tận của già chết, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như kinh Phân biệt đã nói ở trước.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, sanh diệt tận thì già chết diệt tận… Con đường đưa đến sự diệt tận của già chết là gồm Thánh đạo tám chi như trước đã nói. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với già chết này… cho đến, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy Thánh đệ tử ở trong Pháp Luật này [94], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.”

“Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành. Thánh đệ tử biết như thật về hành, sự tập khởi  của hành, sự diệt tận  của hành, con đường đưa đến sự diệt tận  của hành.

“Thế nào là biết như thật về hành? Hành có ba thứ: thân hành, khẩu hành, và ý hành. Biết như thật về sự hiện hữu của hành là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của hành là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Vô minh diệt tận thì hành diệt tận. Biết như thật về sự diệt tận của hành là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? [95b] Là Thánh đạo tám chi như trước đã nói.

“Này Tôn giả Ma ha Câu-hy-la, đó gọi là Thánh đệ tử biết như thật về hành, biết như thật về sự tập khởi của hành, biết như thật về sự diệt tận của hành, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành; trong Pháp Luật này [95], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập chánh pháp, đạt được chánh pháp này, tỏ ngộ chánh pháp này.”

Tôn giả Ma ha Câu-hy-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất :

“Chỉ có những pháp này, hay còn có pháp nào khác không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tôn giả Ma ha Câu-hy-la, thầy đuổi theo cái gì vậy, rốt cuộc rồi Thầy cũng không thể đến chỗ tột cùng của các luận thuyết, đạt đến biên tế của chúng được! Thánh đệ tử đã đoạn trừ vô minh và phát sanh minh trí, đâu cần tìm cầu gì nữa!”

Sau khi đàm đạo xong, hai vị chánh sĩ mỗi nguời trở về trú xứ của mình.

KINH 344. TẬP SANH [96]

Tôi nghe như vầy:

Một thới, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất :

“Như những gì Ta đã nói về những câu hởi của A-dật-đa trong Ba-la-diên-da [97] bằng bài kệ:

Người đã thông pháp số [98],

Hoặc các hàng hữu học [99],

Oai nghi, hạnh đầy đủ,

Vì con phân biệt nói.

“Này Xá-lợi-phất, học những gì? Những gì là pháp số [100]?”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng, không đáp; lần thứ hai, lần thứ ba cũng im lặng.

Phật bảo:

“Xá-lợi-phất, thực thể!” [101]

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn. Tỳ-kheo đối với thực thể [102] mà nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Nó sinh khởi do tập khởi của thức ăn. Tỳ-kheo đối với thứ ăn mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận; đó gọi là thực thể diệt tận. Vị ấy, thức ăn diệt nên thực thể diệt, đã giác tri rồi, Tỳ-kheo này nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đó gọi la học.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, thực thể!”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch phật:

“Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo đối với thực thể mà nhàm tởm, ly dục, diệt tận, chẳng khởi lên các lậu, tâm khéo giải thóat. Nó sinh khởi do tập khởi của thức ăn. Vị ấy, thức ăn diệt nên thực thể diệt, đã giác tri rồi. Tỳ-kheo này nhàm tởm, ly dục, diệt tận, chẳng khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát. Đó gọi là pháp số.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Thật vây, thật vậy! Như Xá-lợi-phất nói, Tỳ-kheo đối với thực thể mà sinh ra nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đây gọi là pháp số.”

Nói như vậy rồi, Thế Tôn đứng lên đi vào thất tọa thiền. Tôn giả Xá-lợi-phất biết đức Thế Tôn đã đi, sau đó không lâu nói với các Tỳ-kheo:

“Chư tôn, vì tôi không thể hiểu rõ câu hỏi đầu tiên của đức Thế Tôn [95c] nên tôi im lặng. Sau một hồi, đức Thế Tôn lại vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được nghĩa của nó như vậy. Giả sử đức Thế Tôn trong một ngày một đêm hay cho đến bảy ngày đêm lại hỏi nghĩa này với những văn cú, khác, ý vị khác thì tôi cũng có thể giải thích, nói rộng nghĩa này với những văn cú khác, ý vị khác suốt bảy ngày đêm.”

Bây giờ, có một số Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui đứng qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói những điều kỳ đặc chưa từng có. Ở trong đại chúng đã nói lên tiếng rống con sư tử: ‘Đối với câu hỏi đầu tiên của đức Thế Tôn, tôi đã không thể trả lời, vì không thể hiểu rõ. Cho đến ba lần Thế Tôn hỏi, tôi đều im lặng, không đáp được. Sau đó đức Thế Tôn lại đã vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được. Giả sử đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, hay cho đến suốt bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những văn cú khác, ý vị khác, tôi có thể, giải thích với văn cú khác, ý vị khác suốt bảy ngày đêm’”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Quả thật, nếu Ta ta một ngày một đêm, cho đến bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những văn cú khác, ý vị khác; Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, trong ý nghĩa những điều được hổi, cũng có thể giải thích với câu khác, ý vị khác cho đến bảy ngày đêm. Vì sao? Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khéo nhập vào pháp giới.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 345. TAM PHÁP [103]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba pháp mà thế gian không yêu thích, không nhớ nghĩ, không vừa ý. Những gì là ba? Đó là già, bệnh, chết. Thế gian nếu không có ba pháp không đáng yêu thích, không đáng nhớ nghĩ, không vừa ý này thì Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh giác không xuất hiện ở thế gian; thế gian cũng không biết có chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh giác. Vì thế gian có ba pháp già, bệnh, chết, không đáng yêu thích, không đáng nhớ nghĩ, và không vừa ý này, cho nên Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh giác mới xuất hiện ở thế gian; thế gian biết có chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh giác.

“Vì ba pháp chưa đoạn nên không thể thoát khỏi già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ, nghi.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là không chánh tư duy, [96a] thân cận tà đạo và, tâm biếng nhác.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không chánh tư duy, thân cận tà đạo và, tâm biếng nhác. Ba pháp đó là thất niệm [104], không chánh tri, loạn tâm.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó là trạo cử [105], không luật nghi, chẳng học giới.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa trạo cử, không luật nghi, chẳng học giới. Ba pháp đó là không tín, khó dạy, lười biếng.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa không tín, khó dạy, lười biếng. Ba pháp đó là không muốn thấy bậc Thánh, chẳng muốn nghe pháp, thường hay tìm điều dở của người.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể xa lìa không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, ưa tìm cầu dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu. Ba pháp đó là không tàm, không quí, buông lung. Vì ba pháp này không đọan trừ nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen bạn xấu. Vì sao? Vì do không tàm, không quí nên buông lung; vì buông lung nên không cung kính; vì không cung kính nên quen theo bạn xấu; vì quen theo bạn xấu nên không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, hay ưa tìm điều dở của người; vì ưa tìm điều dở của người nên không tín, khó dạy, nói năng ngang trái, lười biếng; vì lười biếng nên trạo cử, không luật nghi, không học giới; vì không học giới nên thất niệm, không chánh tri, lọan tâm; vì loạn tâm nên không chánh tư duy, thân cận tà đạo, tâm biếng nhác; vì tâm biếng nhác nên thân kiến, giới thủ, nghi; vì nghi nên không lìa tham, nhuế, si; vì không lìa tham, nhuế, si nên không thể lìa được già, bệnh, chết.

“Nếu dứt được ba pháp này thì mới có thể lìa được già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si. Ba pháp này dứt rồi mới có thể lìa già, bệnh, chết.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ, nghi. Vì dứt được ba pháp này nên có thể lìa được tham, sân, si.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là không chánh tư duy, thân cận tà đạo, khởi tâm biếng nhác. Vì dứt ba pháp này nên lìa thân kiến, giới thủ, nghi.

“Lại vì dứt ba pháp nên có lìa không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác. [96b] Ba pháp đó là thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Vì dứt ba pháp này nên lìa được không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.

“Lại vì dứt được ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó là trạo cử, không luật nghi, phạm giới. Vì dứt ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không chánh tri, loạn tâm.

“Lại vì dứt ba pháp nên lìa được trạo cử, chẳng luật nghi, phạm giới. Ba pháp đó là không tín, khó dạy, biếng nhác. Vì dứt được ba pháp này nên lìa được dao động, không luật nghi, phạm giới.

“Lại vì dứt được ba pháp nên lìa được không tín, khó dạy, biếng nhác. Ba pháp đó là không muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp, ưa tìm điều dở của người. Vì dứt ba pháp này nên có thể lìa được không tin, khó dạy, biếng nhác.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tâm không muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp, ưa tìm điều dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu. Vì dứt được ba háp này nên lìa sự không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, ưa tìm điều dở của người.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa chẳng cung kính, nói năng ngang ngược, tập theo bạn xấu. Ba pháp đó là không tàm, không quí, buông lung. Vì sao? Vì do tàm quí nên không buông lung. Vì không buông lung nên tâm cung kính, nói năng hòa nhã, làm thiện tri thức. Vì là thiện tri thức nên ưa thấy Hiền Thánh, ưa nghe chánh pháp, chẳng tìm điều dở của người. Vì chẳng ưa tìm điều dở của người nên sanh lòng tin, nói năng hòa nhã và tinh tấn. Vì tinh tấn nên không trạo cử, an trú trong luật nghi, học giới. Nhờ học giới nên không thất niệm, an trú chánh tri, chẳng loạn tâm. Nhờ không loạn tâm nên chánh tư duy, gần gũi chánh đạo, tâm không biếng nhác. Nhờ tâm không biếng nhác nên không chấp trước thân kiến, không chấp trước giới thủ, vượt khỏi nghi hoặc. Nhờ chẳng nghi nên chẳng khởi tham, nhuế, si. Nhờ lìa tham, nhuế, si nên có thể dứt già, bệnh, chết.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 346. TU-THÂM [106]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ có các quốc vương, đại thần, gia chủ, Bà-la-môn, cư sĩ và những người khác ở thế gian, cung kính tôn trọng, cúng dường; Phật và chúng Thanh văn được nhiều lợi dưỡng: y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men. Còn đối với các ngoại đạo tà giáo, họ hoàn toàn chẳng cung kính, tôn trọng, cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men.

Bấy giờ, các [96c] ngoại đạo tụ tập tại giảng đường Vị tằng bàn luận như vầy: ‘Chúng ta từ trước đến nay thường được vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và tất cả những người khác phụng sự, cung kính, cúng dường y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, mà ngày nay lại bị dứt tuyệt. Họ chỉ cung kính, cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Nay trong chúng này, ai là người có trí tuệ, là bậc đại sĩ có thể lén đến trong chúng Sa-môn Cù-đàm, xuất gia, nghe pháp Sa-môn Cù-đàm rồi trở về nói lại đầy đủ. Chúng ta sẽ dùng pháp được nghe đó để giáo hóa quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ khiến cho họ tin ưa, có thể họ sẽ trở lại cúng dường chúng ta như trước?’ Lúc ấy có người lên tiếng:

“Có một thiếu niên tên là Tu-thâm [107], thông minh, có trí tuệ, có thể lén vào trong chúng Sa-môn Cù-đàm xuất gia, nghe pháp Cù-đàm xong rồi trở về trình bày lại.”

Bấy giờ, các ngoại đạo đi đến chỗ Tu-thâm bảo rằng:

“Hôm nay chúng tôi tập hợp đại chúng tại giảng đường Vị tằng bàn luận như vầy: ‘Từ trước đến nay chúng ta được vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và những người khác cung kính, phụng sự, cúng dường y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, nhưng ngày nay bỗng bị dứt tuyệt. Nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và mọi người đều đua nhau phụng sự Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Trong đại chúng này ai là người thông minh, trí tuệ có thể lén đến trong chúng Sa-môn Cù-đàm xuất gia, học đạo, nghe pháp Sa-môn Cù-đàm rồi trở về nói lại và, đem ra giáo hóa quốc vương, các đại thần, gia chủ, cư sĩ để chúng của ta trở lại được cung kính, tôn trọng cúng dường?’ Trong chúng có người nói rằng: ‘chỉ có Tu-thâm thông minh trí tuệ, có thể lén đến trong pháp của Cù-đàm xuất gia học đạo, nghe Cù-đàm thuyết pháp chắc chắn có thể lãnh hội được để trở về nói lại.’ Cho nên chúng tôi cùng nhau đến đây mời nhân giả nên nhận lời đi.”

Bấy giờ, Tu thâm im lặng nhận lời. Ông đi đến trong vườn trúc Ca-lan-đà tại thành Vương-xá. Lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo ra khỏi phòng, đi kinh hành ngoài đất trống. Tu thâm liền đi đến chỗ các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch các Tôn giả, nay con có thể  được ở trong chánh pháp xuất gia, thọ giới cụ túc, tu phạm hạnh không?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đưa Tu-thâm đi đến chổ đức Thế Tôn. Họ thành kính đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay ngoại đạo Tu-thâm muốn cầu xin được ở trong chánh pháp xuất gia, thọ giới cụ túc, tu [97a] phạm hạnh.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của Tu-thâm, nên bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nên độ cho ngoại đạo Tu-thâm này được xuất gia.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo giúp cho Tu-thâm xuất gia. Trải qua được nửa tháng, một hôm có vị Tỳ-kheo nói với Tu-thâm:

“Tu-thâm nên biết, chúng tôi đã chấm dứt sanh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Tu thâm bạch Tỳ-kheo:

“Bạch Tôn giả, thế nào, có phải học ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu Sơ thiền, là  không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không phải vậy, Tu-thâm.”

Lại hỏi:

“Thế nào, có phải  lìa có tầm, lìa có tứ, nội tịnh nhất tâm, không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu Nhị thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không phải vậy, Tu thâm.”

Lại hỏi:

“Thế nào, có phải lìa hỷ, an trụ tâm xả, có chánh niệm, chánh tri, thân tâm thọ lạc, điều mà Thánh nói đến, xả [108], thành tựu Tam thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Đáp:

“Không phải vậy, Tu thâm.”

Lại hỏi:

“Bạch Tôn giả, thế nào, có phải là lìa khổ dứt lạc, đoạn trừ  ưu, hỷ tứ trước, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhất tâm [109], thành tựu đệ Tứ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Đáp:

“Không phải vậy, Tu thâm.”

Lại hỏi:

“Chứng tịch tĩnh giải thoát [110], vượt sắc, vô sắc, tự thân tác chứng và thành tựu, phải chăng là không còn khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?”

Đáp:

“Không phải vậy, Tu thâm.”

Lại hỏi:

“Thế nào,  thưa Tôn giả, lời nói của Tôn giả chẳng đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Tại sao không đắc thiền định nhưng lại tuyên bố như vậy?”

Tỳ-kheo đáp:

“Tôi được tuệ giải thoát [111].”

Khi nói vậy rồi, các Tỳ-kheo đều từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Sau khi các Tỳ-kheo đi rồi, Tu-thâm suy nghĩ: ‘Những gì các Tôn giả này nói không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, đã nói không chứng đắc chánh thọ [112], mà lại tuyên bố là tự thân tác chứng.’ Suy nghĩ xong, ông đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo kia ở trước mặt con đã tuyên bố: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Con liền hỏi Tôn giả kia: ‘Có phải được ly dục và pháp ác bất thiện… cho đến tự tri tự tác chứng, không còn khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?’ Vị ấy trả lời con: [97b] ‘Không phải vậy, Tu thâm.’ Con liền hỏi: ‘Những gì Tôn giả nói là bất đồng, trước sau mâu thuẫn. Đã nói không nhập chánh thọ mà lại tuyên bố là tự tri tự tác chứng?’ Vị ấy đáp với con rằng: ‘Tôi được tuệ giải thoát.’ Nói như vậy xong, mỗi người đều từ khỏi chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Nay, con xin hỏi Thế Tôn, vì sao những lời nói của họ không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, không đắc chánh định mà lại nói tự biết tác chứng?”

Phật bảo Tu thâm:

“Trước hết họ biết pháp trụ, sau đến biết Niết bàn [113]. Các thiện nam ấy một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”

Tu thâm bạch Phật:

“Nay con không hiểu, trước hết phải biết pháp trụ, sau đến biết Niết bàn. Các thiện nam tử kia, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thóat.”

Phật bảo Tu thâm:

“Không luận là ngươi biết hay không biết, mà trước hết phải tự biết pháp trụ, sau đến biết Niết bàn, như các thiện nam tử kia một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, tâm khéo giải thoát đã.”

Tu thâm bạch Phật:

“Xin đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến cho con biết được trí pháp trụ, thấy được trí pháp trụ.”

Phật bảo Tu thâm:

“Nay Ta hỏi ngươi, tùy ý mà đáp cho Ta. Tu-thâm nghĩ thế nào? Có phải vì có sanh nên có già, chết; không phải lìa sanh mà có già, chết chăng?”

Tu-thâm đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có sanh nên có già, chếtt; không thể lìa sanh mà có già, chết được.”

Phật bảo:

“Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng vậy. Có phải vì có vô minh nên có hành; không phải lìa vô minh mà có hành chăng?”

Tu thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có vô minh nên có hành; không thể lìa vô minh mà có hành được.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Có phải vì không sanh nên không có già, chết; không thể lìa sự diệt của sanh, mà già, chết diệt chăng?”

Tu thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không sanh nên không già chết, và không thể lìa sự diệt của sanh mà già chết diệt được.”

“Như vậy cho đến không có vô minh, nên không có hành, và có không thể lìa sự diệt của vô minh, mà hành diệt chăng?”

Tu thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không có vô minh nên không có hành, và không thể lìa sự diệt của vô minh, mà hành diệt được.”

Phật bảo Tu thâm:

“Người biết như vậy, thấy như vậy, có phải là ly dục và pháp ác bất thiện, cho đến tự thân tác chứng an trụ đầy đủ chăng?”

Tu-thâm [97c] bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Đó gọi là trước hết biết pháp trụ, sau đến biết Niết bàn, mà các thiện nam tử kia, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tu-thâm xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, Tu-thâm thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp, thoát khỏi nghi, được niềm tin không do ai khác, được độ không do người khác, ở trong chánh pháp tâm được vô sở úy, cúi đầu lễ sát chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, nay con xin sám hối. Con đã ở trong chánh pháp trộm lén xuất gia, cho nên con xin sám hối.”

Phật bảo Tu thâm:

“Thế nào là ở trong chánh pháp trộm lén xuất gia?”

Tu thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có nhiều người ngoại đạo đến chỗ con nói với con: ‘Tu-thâm nên biết, chúng ta trước đây được quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ và người thế gian đều cung kính, cúng dường, mà nay bị đoạn tuyệt. Bởi vì họ đều cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Ngày nay ông hãy lén đến trong chúng Thanh văn của Sa-môn Cù-đàm xuất gia, thọ giới pháp. Sau khi đã thông đạt pháp của họ rồi, trở về nói cho chúng tôi nghe, và đem giáo pháp đã nghe đó giáo hóa thế gian khiến họ trở lại cung kính, cúng dường như trước.’ Bạch Thế Tôn, vì vậy nên con đã ở trong chánh pháp luật trộm lén xuất gia, hôm nay con xin sám hối. Xin Thế Tôn thương xót cho phép con được sám hối.”

Vì lòng từ bi nên Phật bảo Tu thâm:

“Ta nhận sự sám hối của ngươi. Ngươi nên nói đầy đủ: ‘Ngày xưa vì con ngu si, bất thiện, vô trí nên ở trong chánh pháp luật trộm lén xuất gia. Ngày nay ăn năn lỗi lầm, tự thấy tội, tự biết tội, trong đời sau sẽ thành tựu luật nghi, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thối giảm.’ Vì sao? Vì người có tội tự thấy, tự biết và ăn năn lỗi lầm nên ở đời sau luật nghi sẽ thành tựu, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thối giảm.”

Phật lại bảo Tu-thâm:

“Nay Ta sẽ nói thí dụ, người trí tuệ nhờ thí dụ sẽ được hiểu. Ví như nhà vua có người tuần canh, bắt được giặc cướp trói lại, đưa đến chỗ vua tâu rằng: ‘Tâu Đại vương, người này là trộm cướp, xin đại vương xử tội.’ Vua ra lệnh: ‘Đem tội nhơn đi, trói ngược hai tay và hãy công bố tiếng xấu khắp nước. Sau đó đem tội nhơn đến chỗ hành phạt ở ngoài kinh thành, dùng trăm mũi giáo đâm khắp thân thể tội nhơn.’ Người xử hình theo lệnh vua, bắt tội nhơn này trói ngược hai tay, loan tin xấu khắp thành ấp. Sau đó đem tội nhơn đến [98a] chỗ thọ hình ở ngoài thành và dùng trăm mũi giáo nhọn đâm khắp thân thể tội nhơn. Đến trưa vua hỏi: ‘Tội nhơn còn sống không?’ Các quan đáp: ‘Còn sống.’ Vua lại ra lệnh các quan đâm thêm một trăm mũi giáo nữa. Đến chiều lại đâm thêm trăm mũi giáo nữa, mà người kia vẫn không chết.”

Phật hỏi Tu thâm:

“Nhà vua trị tội dùng ba trăm mũi giáo đâm vào thân người tội này, vậy có còn chỗ nào toàn vẹn bằng lòng bàn tay chăng?”

Tu thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Lại hỏi Tu thâm:

“Khi tội nhơn này vì nhân duyên bị ba trăm mũi giáo đâm vào thân, người ấy phải chịu khổ cùng cực phải không?”

Tu thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, khổ tột cùng! Nếu bị một mũi giáo đâm vào cũng đã là đau đớn, không chịu nổi, huống chi là ba trăm mũi giáo mà có thể cam chịu được sao!”

Phật bảo Tu thâm:

“Việc này còn có thể chịu đựng được, nhưng nếu như ở nơi chánh pháp luật mà có kẻ trộm lén xuất gia, trộm thọ trì giới pháp rồi đem nói lại cho người, sẽ phải chịu thống khổ gấp bội hơn cả người kia.”

Trong lúc Phật nói pháp ấy rồi, ngoại đạo Tu-thâm nghe lời Phật dạy  hoan hỷ phụng hành.

KINH 347. THẬP LỰC [114]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Như Lai thành tựu mười lực, được bốn vô úy, biết trú xứ của Phật trước kia [115], thường chuyển Phạm luân [116], ở trong đại chúng phát lên tiếng rống sư tử: ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh nên có hành. Nói đầy đủ cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ, và khối lớn thuần khổ bị diệt.’ Này các Tỳ-kheo, đây là giáo pháp chơn thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử; cho đến [117], người ấy tất khéo hiển hiện. Giáo pháp chơn thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử như vậy, đủ khiến cho người thiện nam phát lòng tin, chơn chánh xuất gia, phương tiện tu tập, sống không buông lung, ở trong chánh pháp luật tinh tấn chuyên cần khổ hạnh, dù da bọc xương, máu thịt khô kiệt, nếu chưa đạt được điều cần phải đạt, không xả bỏ phuong tiện ân cần tinh tấn, cứng cõi chịu đựng. Vì sao? Vì biếng nhác thì an trụ với khổ, hay sanh ra các ác pháp bất thiện, nên kết sử hữu tương lai [118] bừng bừng, làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; nghĩa lớn bị thối giảm [119]. Người tinh tấn vui đời sống cô độc, không sanh các ác pháp bất thiện đưa đến kết sử hữu tương lai, quả báo khổ bừng bừng; không làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; đầy đủ nghĩa lớn, đạt thành trường giáo pháp bậc nhất [120]. Đó là những người ở trước Đại sư, tự thân được nghe nói pháp, tịch diệt, Niết bàn, chánh hướng Bồ đề, chánh giác của Thiện  thệ. [121] [89b] Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy quán sát tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi, nên siêng năng tu học; rằng ‘Ta nay xuất gia không phải ngu, không phải mê, có quả có lạc [122]; những ai cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, tất đều được quả báo lớn, phước lợi lớn. Các ngươi nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 348. THÁNH XỨ [123]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Nếu khéo xuất gia, khéo được lợi mình, trong thời dgian lâu dài lúc nào cũng được sinh ra chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ, không ngu, không si, không câm ngọng [124]; nói hay, nói dở đều có khả năng hiểu nghĩa.

“Ta nay trong đời này là Phật, Như Lai, Ứng cúng, Đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn, nói pháp tịch diệt, Niết bàn, chánh hướng đúng Bồ đề, khéo đến Đẳng chánh Ggiác. Tức là, ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức… cho đến tập khởi thành khối lớn thuần khổ; vô minh diệt thì hành diệt… cho đến khối lớn thuần khổ diệt.’

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi chỗ khó được đã được, sanh chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ… cho đến tập khởi thành khối lớn thuần khổ, và khối lớn thuần khổ diệt. Cho nên các Tỳ-kheo phải học như vậy: Tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi; xự xuất gia như vậy không ngu, không si, có quả, có lạc, có quả báo lạc. Người cúng dường y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, chắc chắn sẽ được quả báo tốt, phước lớn và lợi ích rộng lớn. Các Tỳ-kheo nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 349. THÁNH ĐỆ TỬ [125]

Tôi nghe như vầy:

Mộtt thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đa văn Thánh đệ tử  không suy nghĩ rằng: ‘Do cái gì đó [126] có nên cái này có, do cái gì đó khởi nên cái này khởi; do cái gì đó không nên cái này không; do cái gì đó diệt nên cái này diệt.’ Nhưng đa văn Thánh đệ tử  nên biết rằng: ‘Do cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, tức là duyên vô minh nên có hành… cho đến tập khởi thành khối lớn thuần khổ; vô minh diệt nên hành diệt… cho đến khối lớn thuần khổ diệt.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. [98c]

KINH 350. MẬU-SƯ-LA [127]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Na-la, Tôn giả Mậu-sư-la, Tôn giả Thù Thắng và Tôn giả A-nan [128] đang ở bên ao Tượng nhĩ tại nước Xá-vệ [129], bấy giờ Tôn giả Na-la nói với Tôn giả Mậu-sư-la:

“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh không, tức là nói ‘Do sanh nên có già chết; không lìa sanh mà có già chết’?” [130]

Tôn giả Mậu-sư-la nói:

“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ; có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘vì có sanh nên có già, chết, không thể ngoại trừ sanh mà có già, chết.’ Có thuyết như vậy [131].”

“Bạch Tôn giả Mậu-sư-la, ngọai trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết bàn [132]’ chăng?”

Tôn giả mậu-sư-la đáp:

“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết bàn.’”

 Tôn giả Na-la lại hỏi Tôn giả Mậu-sư-la:

“Nói rằng ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết bàn;’ vậy thầy có phải là A-la-hán đã dứt các lậu chăng?’”

Tôn giả Mậu-sư-la im lặng, không đáp. Hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, cũng không đáp. Khi ấy Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Mậu-sư-la:

“Thôi, Tôn giả cứ im lặng. Tôi sẽ thay Tôn giả trả lời Tôn giả Na-la.”

Tôn giả Mậu-sư-la nói:

“Tôi xin dừng nơi đây. Tôn giả hãy giải đáp giùm tôi.”

Khi ấy Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na-la:

“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết bàn.’”

Bấy giờ, Tôn giả Na-la hỏi Tôn giả Thù Thắng:

“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết bàn; vậy nay Tôn giả là A-la-hán lậu tận’ chăng?”

Tôn giả Thù-thắng nói:

“Tôi nói ‘Hữu diệt la tịch diệt, Niết bàn,’ nhưng tôi chẳng phải là A-la-hán sạch hết các lậu.”

Tôn giả Na-la nói:

“Lời nói của Tôn giả không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Như Tôn giả nói ‘Hữú diệt là tich diệt, Niết bàn;’ nhưng lại nói không phải là A-la-hán sạch hết các lậu, như vậy là thế nào?”

Tôn giả Thù-thắng nói với Tôn giả Na-la:

“Bây giờ, sẽ nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu liền. Như giữa cánh đồng vắng bên đường có giếng nước, nhưng không có dây cũng không có gàu để lấy nước. Người đi đường lúc ấy bị cơn khát bức bách, đi quanh giếng tìm nhưng không có dây, cũng không có gàu. Người ấy xem xét kỹ nước giếng thấy biết như thật mà nước chẳng chạm vào [99a] thân. Cũng như thế tôi nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết bàn,’ nhưng tự mình chưa được là bậc A-la-hán sạch hết các lậu.”

Khi ấy Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Na-la:

“Tôn giả Na-la nghĩ thế nào về điều Tôn giả Thù Thắng nói:”

Tôn giả Na-la trả lời Tôn giả A-nan:

“Tôn giả Thù Thắng khéo nói, và biết như thật, đâu còn gì để nói nữa.”

Sau khi đàm đạo xong, các vị Chánh sỹ rời chỗ ngồi đứng lên, rồi ra đi.

KINH 351. SA-MÔN BÀ-LA-MÔn [133]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn; người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn, hay Bà-la-môn, ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng, yư biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Thế nào là chẳng biết như thật? Thế nào là chẳng biết như thật về sự tập khởi của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự diệt tận của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp? Đối với pháp già chết mà không biết như thật; không biết như thật về sự tập khởi đối với già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, không biết như thật đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ,… không biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ. Như vậy là không biết như thật về các pháp; khộng biết như thật về sự tập khởi của pháp,  về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, Sa-môn, Bà-la-môn này được kể vào hàng Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh, đúng với nghĩa Sa-môn, Bà-la-môn, ngay trong đời này mà tự tri tự tác chứng, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Biết như thật những pháp gì? Biết như thật sự tập khởi của pháp gì, sự diệt tận của pháp gì, con đường đưa đến sự diệt tận của pháp gì? Đó là pháp già chết nên biết như thật. Nên biết như thật về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, ái, thọ, xúc, sáu xứ nên biết như thật; nên biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ. Đó là biết như thật về các pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ [99b] phụng hành. 

KINH 352. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (2) [134]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn; người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn, hay Bà-la-môn, ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’

 “Không biết như thật về những pháp nào, không biết như thật về sự tập khởi của những pháp nào, về sự diệt tận của những pháp nào, về con đường đưa đến sự diệt tận của những pháp nào? Không biết như thật về pháp sáu xứ, không biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ diệt, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ. Nhưng nếu đối với xúc mà vị này lại biết như thật thì không thể được; đối với sự tập khởi của xúc, về sự diệt tận của xúc, về con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà biết như thật, không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết mà biết như thật thì cũng không thể có được.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật về của sáu xứ; biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ, việc biết như thật về sự hiện hữu của xúc, điều này có thể có được. Cũng vậy, biết như thật đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết…, điều này có thể có được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 353. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (3) [135]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

Nói như trên, chỉ có một vài điểm sai biệt như:

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như  thật về sáu xứ mà muốn vượt thoát khỏi xúc, không thể có được; và đối với sự tập khởi của xúc, sự diệt tận của xúc, con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà muốn vượt thoát, cũng không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết, mà muốn vượt thoát khỏi chúng, điều này cũng không thể có được. Muốn vượt thoát khỏi sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này không thể có được.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật sáu xứ; biết như thật đối với sự tập khởi của sáu xứ, đối với sự diệt tận của sáu xứ, đối với con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ, vượt thoát khỏi sự hiện hữu của xúc; điều này có thể có được. Cũng vậy, muốn vượt thoát khỏi thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết, điều này có thể có được,… muốn vượt thoát khỏi con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này có thể có được.”

Phật [99c] nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

Như vậy từ già chết… sáu xứ xứ có ba kinh, từ già chết đến hành có ba kinh cũng nói như vậy.

KINH 354. LÃO TỬ [136]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên giác tri già chết, [137] giác tri sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy, cho đến giác tri hành, sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành.

“Thế nào là giác tri già chết? Giác tri rằng duyên sanh nên có già chết. Như vậy gọi là giác tri về già chết.

“Thế nào là giác tri sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi. Như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của già chết.

“Thế nào là giác tri sự diệt tận của già chết? Sanh diệt đi thì già chết  cũng diệt. Như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của già chết.

“Thế nào là giác tri con đường đưa đến sự diệt tận của già chết ? Thánh đạo tám chi, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy gọi là giác tri lão về con đường đưa đến sự diệt tận của tử.

Cho đến, thế nào là nên nên giác tri hành? Có ba hành: thân hành, khẩu hành, ý hành. Như vậy gọi là giác tri sự hiện hữu của hành.

“Thế nào là giác tri sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của hành.

“Thế nào là nên giác tri thế nào về sự diệt tận của hành? Là vô minh diệt đi thì hành cũng diệt’ như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của hành.

“Thế nào là giác tri con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Thánh đạo tám chi, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy gọi là giác tri con đường đưa đến sự diệt tận của hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 355. CHỦNG TRÍ [138]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn mươi bốn thứ trí [139], hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Bốn mươi bốn thứ trí là gì? Đó là trí về già chết, trí về sự tập khởi của già chết,  trí về sự diệt tận của già chết, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với trí sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành; trí về sự tập khởi của hành, trí về sự diệt tận của hành, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Đây gọi là bốn mươi bốn trí.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 356 VÔ MINH TĂNG [140]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ đà thuộc nước Xá-Vệ , bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bảy mươi bảy thứ trí, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Thế nào là bảy mươi bảy thứ trí? [100a] Đó là trí về sanh duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh làm duyên mà có già chết [141]; trí về sanh quá khứ làm duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh quá khứ làm duyên mà có già chết; trí về sanh vị lai làm duyên nên có già chết; cùng với trí về pháp trụ, là trí về vô thường, hữu vi, do tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri. [142] Cũng vậy, trí về sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành; trí về vô minh duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh làm duyên mà có hành; trí về vô minh quá khứ làm duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh quá khứ làm duyên mà có hành; trí về vô minh vị lai làm duyên nên có hành, trí về sự chẳng phải ngoài vô minh vị lai làm duyên mà có hành; cùng với trí pháp trụ là trí về vô thường, hữu vi, do tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri. Đó gọi là bảy mươi bảy thứ  trí.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 357. VÔ MINH TĂNG (2) [143]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: 

“Có pháp tăng, pháp giảm, hãy lắng nghe, khéo tư duy, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Thế nào là pháp tăng? Do cái này có nên cái kia có, do cái này khởi nên cái kia khởi, là do duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức… cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Đó gọi là pháp tăng.

“Thế nào là pháp giảm? Do cái này không nên cái kia không, do cái này diệt nên cái kia diệt, là do vô minh diệt nên hành diệt… cho đến khối lớn thuần khổ diệt. Đó gọi là pháp giảm.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

Như pháp tăng và pháp giảm. Cũng vậy, pháp sanh, pháp biến dịch, pháp tập khởi, pháp diệt tận cũng nói như trên. Như ba kinh đang nói, nên biết có ba kinh cũng nói như trên.

KINH 358. TƯ LƯƠNG [144]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: 

“Hoặc suy lường cái gì, hoặc vọng tưởng cái gì sanh khởi, hoặc kia sai sử cái gì, [145] thức duyên níu cái đó mà tồn tại [146]. Vì có chỗ duyên níu [147] cho thức trụ nên trong đời vị lai có sanh, lão, tử, ưu, bi, não, khổ, và tập họp khối lớn thuần khổ như vậy.

“Nếu không suy lường gì, không vọng tưởng gì, không sai gì sử thì thức không có chỗ nào duyên níu mà tồn tại. Vì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai đều bị diệt, và khối lớn thuần khổ như vậy bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe [100b] những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 359. TƯ LƯƠNG (2) [148]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hoặc suy lường cái gì, hoặc vọng tưởng cái gì sanh khởi, hoặc kia sai sử cái gì, thức duyên níu cái đó mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nó nhập vào danh sắc nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai, và tập họp khối lớn thuần khổ.

“Nếu không suy lường gì, không vọng tưởng gì, không sai sử gì, thức có gì để duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai bị diệt, và khối lớn thuần khổ như vậy bị diệt”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 360. TƯ LƯƠNG (3) [149]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: 

“ Hoặc suy lường cái gì, hoặc vọng tưởng cái gì sanh khởi, hoặc kia sai sử cái gì, thức duyên níu cái đó mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nhập vào danh sắc nên có qua lại. Vì có qua lại nên có sanh tử. Vì có sanh tử nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai, và tập họp khối lớn thuần khổ như vậy.

“ Nếu không suy lường gì, không vọng tưởng gì, không sai sử gì, thức có gì để duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc Vì không nhập vào danh sắc nên không qua lại. Vì không qua lại nên không sanh tử. Vì không sanh tử nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai đều bị diệt, và khối lớn thuần khổ như vậy cũng bị diệt .”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 361. ĐA VĂN ĐỆ TỬ [150]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: 

“Có Tỳ-kheo đa văn. Vậy Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo đa văn?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lới dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo :

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào nghe pháp già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Đó là Như Lai tuyên bố về Tỳ-kheo đa văn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 362. THUYẾT PHÁP TỲ KHEO [151]

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là Tỳ-kheo thuyết pháp [152], vậy thế nào là Tỳ-kheo thuyết pháp?  Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo thuyết pháp?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo :

“Nếu Tỳ-kheo nào nói về già, bệnh, chết, khiến sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó là Tỳ-kheo thuyết pháp. Cũng vậy, nói các pháp sanh, thủ, hữu, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, khiến sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Tỳ-kheo nói pháp. Các Tỳ-kheo, đó là Như Lai nói về Tỳ-kheo nói pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. 

KINH 363. THUYẾT (2) [153]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là hướng đến pháp tùy pháp [154], vậy này các Tỳ-kheo, thế nào là hướng đến pháp tùy pháp?”

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lới dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo :

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

 Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào đối với già, bịnh, chết mà sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là hướng đến pháp tùy pháp. Cũng vậy, từ sanh cho đến hành, mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận, đó gọi là hướng đến pháp tùy pháp. Đây cũng gọi là Như Lai thi thiết sự hướng đến pháp tùy pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy,  hoan hỷ phụng hành. [155] 

KINH 364. THUYẾT PHÁP [156]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là ‘Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại [157].’ Vậy thế nào là Như Lai nói về Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại?”

các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành. Vậy thế nào là Tỳ-kheo Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Tỳ-kheo đối với già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là Tỳ-kheo Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại.”

 Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 365. TỲ-BÀ-THI [158]

 [101a6]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đức Phật Tỳ-bà-thi [159] khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng vẻ chuyên cần tinh tấn thiền định tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Tất cả thế gian đều hãm vào trong sanh tử, tự sanh, tự chín, tự diệt, và tự chìm mất [160], nhưng những chúng sanh này chẳng biết như thật con đường xuất thế gian, vượt qua khỏi già chết.’ Ngài liền tự quán sát: ‘Do duyên gì mà có già chết này?’ Ngài quán sát tư duy chân chánh, đạt được hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do có sanh nên có già chết này; do duyên sanh nên có già chết.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘ Do duyên gì nên có sanh này?’ Ngài lại tư duy chân chánh, đạt được hiện quán như thật [161], biết rằng: ‘Do duyên hữu nên có sanh.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘Do duyên gì nên có hữu?’ Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do có thủ nên có hữu.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘Do duyên gì nên có thủ?’ Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật, quán sát thấy chấp thủ pháp, đắm trước vị, tham luyến, ái được tăng trưởng do duyên xúc. Nên biết, duyên ái nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, não, khổ, [101b] và như vậy là tập khởi khối lớn thuần khổ. Ví như nhờ vào dầu và tim đèn nên đèn sáng. Nếu người kia lúc nào cũng châm thêm dầu và khơi tim, đèn kia luôn sáng, thắp sáng không ngừng.’ Chi tiết như thí dụ về cái thành trước đây [162].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tì-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tì-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-mâu-ni, Phật Ca-diếp [163] đều nói chi tiết như trên.

KINH 366. TU TẬP [164]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện tu tập thiền định, tư duy, nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Tỳ-kheo cần phải tinh tấn siêng nămg phương tiện thiền định, tư duy, khiến nội tâm tĩnh lặng, hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết được hiển hiện như thật; sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận củ già chết được hiển hiện như thật. Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành được hiển hiện như thật; sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành được hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 367. TAM-MA-ĐỀ [165]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên tu vô lượng tam-ma-đề, [166] chuyên cần tinh tấn cột niệm tu vô lượng tam-ma-đề, khi đã chuyên cần tinh tấn cột niệm rồi, sẽ hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết hiển hiện như thật, cho đến hành hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 368. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN [167]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa Đức Phật Tỳ-bà-thi, khi chưa thành Chánh giác, trụ chỗ Bồ-đề [168] không bao lâu thì thành Phật. Ngài đi đến dưới cây Bồ đề, trải cỏ làm tòa, ngồi kiết già, ngồi thẳng, chánh niệm. Ngồi suốt bảy ngày, đối với mười hai duyên khởi, quán sát thuận nghịch như vầy: ‘ Do cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi; duyên vô minh nên có hành… cho đến, duyên sanh nên có già chết và tụ tập khối lớn thuần khổ, và khối lớn thuần khổ diệt.”

Đức Phật Tì-bà-thi [101c] sau bảy ngày ngồi một chỗ, từ tam-muội tỉnh giác nói kệ này:

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí [169] siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết pháp nhân duyên sanh.

Nếu biết nhân sanh khổ,

Biết các thủ diệt tận,

Biết pháp nhân duyên diệt,

Biết hữu lậu diệt tận.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết có nhân sanh khổ.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết các thủ diệt hết.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết pháp nhân duyên diệt.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết hết các hữu lậu.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Chiếu sáng khắp thế gian,

Như mặt trời giữa không,

Phá tan các quân ma,

Biết giải thoát kết sử.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tì-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tì-thấp-ba-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca-mâu-ni, Phật Ca-diếp [170] cũng nói như vậy.

 

KINH 369. THẬP NHIỊ NHÂN DUYÊN (2) [171]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở chỗ cây Bồ-đề lớn, [172] bên bờ sông Ni-liên-thuyền, tại Uất-tì-la [173], sau đó một thời gian ngắn Ngài thành Chánh giác. Ngài đến dưới bóng cây Bồ đề trải cỏ làm tòa, ngồi kiết già, chánh thân, chánh niệm. Nói đầy đủ như trên.

KINH 370. THỰC [174]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; [175] hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; [176] ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Bốn loại thức ăn này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển [177] gì? Bốn loại thức ăn này do ái là nhân, ái là tập, [102a] ái sanh, ái chuyển. Ái này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Ái do thọ là nhân, thọ là tập, thọ sanh, thọ chuyển. Thọ này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Thọ do xúc là nhân, xúc là tập, xúc sanh, xúc chuyển. Xúc này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Xúc do sáu nhập xứ là nhân, sáu nhập xứ là tập, sáu nhập xứ sanh, sáu nhập xứ chuyển. Khi sáu nhập xứ tụ tập thì xúc tụ tập, xúc tụ tập thì thọ tập, thọ tập thì ái tập, ái tập thì thức ăn tập. Do thức ăn tập nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não khổ ở đời vị lai tập, như vậy tập khởi khối lớn thuần khổ. Ngược lại nếu sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thức ăn diệt. Do thức ăn diệt nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai cũng diệt, khối lớn thuần khổ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 371. PHẢ-CẦU-NA [178]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Khi ấy, có Tỳ-kheo tên là Phả-cầu-na [179] đang đứng sau, quạt hầu, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn ai ăn thức ăn này [180]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ăn thức ăn [181]. Nếu Ta nói có người ăn thức ăn, ngươi nên hỏi câu ấy. Ở đây Ta nói thức là thức ăn, vậy Ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà có thức ăn của thức?’ Ta sẽ đáp: ‘Thức ăn của thức, [182] nó có thể chiêu cảm hữu trong vị lai khiến cho sanh được tiếp nối; [183] do có hữu nên có sáu nhập xứ; do sáu nhập xứ làm duyên nên có xúc.’”

Phả-cầu-na lại hỏi:

“Ai xúc?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người xúc. Nếu Ta nói có người xúc thì ngươi nên hỏi câu này: ‘Ai xúc?’ Ở đây ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà sanh xúc?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do sáu nhập xứ làm duyên nên sanh xúc; do xúc làm duyên nên sanh thọ.’”

Lại hỏi:

“Ai cảm thọ?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người thọ. Nếu Ta nói có người thọ, ngươi nên hỏi: ‘Ai thọ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có thọ?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do xúc làm duyên nên có thọ; thọ làm duyên nên có ái.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai ái [184]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ái. Nếu Ta nói có người ái, [102b] thì ngươi nên hỏi: ‘Ai ái?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có ái?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do duyên thọ nên có ái; do ái làm duyên nên có thủ.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai chấp thủ?”

 Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người chấp thủ. Nếu Ta nói có người chấp thủ thì ngươi nên hỏi: ‘Ai chấp thủ?’ Ở đây Ngươi nên hỏi: ‘Do duyên gì có thủ?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên ái nên có thủ; do thủ làm duyên nên có hữu.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai hiện hữu [185]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người hiện hữu. Nếu Ta nói có người hiện hữu thì ngươi nên hỏi: ‘Ai hiện hữu?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do duyên gì có hữu?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên thủ nên có hữu; nó chiêu cảm sự chuyện hiện của hữu [186] trong vị lai.’ Đó gọi hữu. Có sáu nhập xứ; [187] sáu xứ xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu, hữu duyên sanh; sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, như vậy tập khởi khối lớn thuần khổ. Ngược lại nếu sáu xứ xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, và khối lớn thuần khổ đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 372. TỬ NHỤC [188]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn từng nắm như thế nào?

“Ví như hai vợ chồng chỉ có một đứa con để thương yêu nuôi nấng. Họ muốn vượt qua con đường hiểm trong hoang mạc, chỗ có tai nạn. Lương thực thì đã hết sạch, đói khát cùng cực, không còn kế sách nào để cứu vãn, họ bàn nhau: ‘Chúng ta có một đứa con rất mực là thương yêu. Nếu ăn thịt con thì mới có thể thoát qua cơn hiểm nạn này. Chớ để cả ba ở đây cùng chịu chết!’ Suy tính như vậy xong, họ ngậm ngùi thương xót rơi lệ, liền giết chết con, gượng ăn thịt con để đi qua khỏi hoang mạc. Thế nào, các Tỳ-kheo, vợ chồng người kia cùng nhau ăn thịt con há vì để nhận vị ngọt hay vì ham thích ngon sướng mà ăn?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy!”

Lại hỏi:

“Này các Tỳ-kheo, có phải vợ chồng người kia gượng ăn thịt con [102c] để vượt qua khỏi đường hiểm trong hoang mạc chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm ăn thức ăn nắm nên quán như vậy. Khi quán như vậy, thức ăn nắm được đoạn, được biết. Khi thức ăn nắm được đoạn, được biết, đối với năm công đức của dục, tâm tham ái sẽ đoạn trừ. Người đối với ngũ dục tâm tham ái đã đoạn trừ, Ta không thấy đa văn Thánh đệ tử kia trên năm công đức của dục còn có một kiết sử nào mà không dứt. Bởi vì còn có một kết sử trói buộc thì sẽ tái sanh lại cõi đời này.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn xúc như thế nào? Ví như con bò bị lột da sống, khắp mọi nơi trên thân bị các sâu bọ rút rỉa, đất cát, bụi bặm, cây cỏ châm chích. Nếu như nằm nơi đất thì bị trùng ở đất ăn, nếu nằm nơi nước thì bị trùng ở nước ăn, nếu ở nơi hư không thì bị phi trùng ăn; nằm xuống đứng lên luôn luôn bị đau đớn cùng mình. Như vậy, Tỳ-kheo đối với xúc thực nên quán như thế. Khi quán như thế thì xúc thực được đoạn, được biết. Người đã đoạn đã biết xúc thực, ba thọ ắt sẽ đọan trừ. Ba thọ đã được đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn ý tư như thế nào? Ví như ven làng xóm hay thành ấp bốc lửa, nhưng không có khói, không có ngọn lửa. Bấy giờ có người thông minh, có trí tuệ, xả bỏ khổ, hướng đến an vui, chán chết, thích sống, liền nghĩ như vầy: ‘Nơi kia có lửa lớn, nhưng không khói, không ngọn, người đi qua phải tránh, chớ để bị lạc vào trong đó, chắc chắn sẽ chết, không nghi gì nữa.’ Suy nghĩ như vậy rồi người này thường mong ước phải bỏ đi xa. Quán ý tư thực cũng như vậy. Người nào quán như vậy thì ý tư thực được đọan. Người trừ được ý tư thực thì ba ái chắc chắn sẽ dứt. Ba ái đã đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn thức như thế nào? Ví như quốc vương có quân lính canh phòng bắt được trộm cướp, trói lại đem đến chỗ nhà vua. (Như trong kinh Tu-thâm đã nói ở trước). Vì nhân duyên này nên phải chịu ba trăm mũi giáo, bị đau đớn khổ sở suốt ngày đêm. Quán sát thức thực cũng lại như vậy. Người nào quán như vậy thì đối với thức thực đoạn được, biết được. Người nào biết thức thực đã đoạn, đã biết rồi thì danh sắc sẽ đoạn được, biết được. Danh sắc đã đoạn, đã biết, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 373. HỮU THAM [189]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích [103a] cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn cách ăn này mà có hỷ, có tham thì thức ăn sẽ trụ và tăng trưởng. Do thức trụ và tăng trưởng nó nên nhập vào danh sắc [190]. Vì nó nhập vào danh sắc nên các hành tăng trưởng. Vì hành tăng trưởng nên hữu đời sau sẽ tăng trưởng. Vì hữu đời sau tăng trưởng nên tập khởi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, như vậy tập khởi khối lớn thuần khổ.

“Nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ thì vì không tham không hỷ nên thức ăn không trụ, không tăng trưởng. Thức ăn không trụ, không tăng trưởng nên nó không nhập vào danh sắc. Không nhập vào danh sắc nên hành không tăng trưởng. Hành không tăng trưởng nên hữu đời sau không sanh, không lớn. Hữu đời sau không sanh không lớn nên không khởi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai, khối lớn thuần khổ như vậy diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 374. HỮU THAM (2) [191]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời, đó là: một đoàn thực, hai là xúc thực, ba là ý tư thực, bốn là thức thực. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, ắt phải có ưu bi, có trần cấu. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, ắt không có ưu bi, cũng không có trần cấu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 375. HỮU THAM (3) [192]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thúc ăn này mà có tham, có hỷ, thức trụ và tăng trưởng, cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ.

“Ví như lầu các cung điện, Bắc, Tây dài rộng, Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông, ánh sáng chiếu trên vách phía Tây. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ (như đã nói rộng ở trước cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ). Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ… (như đã nói rộng ở trước cho đến khối lớn thuần khổ [103b] diệt).

“Các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện, Bắc, Tây dài rộng, Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu vào đâu?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Rọi vào vách phía Tây.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu không có vách phía Tây, mặt trời sẽ chiếu vào đâu?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Mặt trời sẽ chiếu sáng hư không, không có chỗ duyên vào.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thức không có chỗ trụ, cho đến khối lớn thuần khổ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 376. HỮU THAM (3) [193]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thức trụ và tăng trưởng, cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Này các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện, Bắc, Tây dài rộng, Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu sáng hướng nào?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Sẽ chiếu sáng ở vách phía Tây.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cũng vậy, đối với bốn loại thức ăn mà có tham, có hỷ, thời thức trụ và tăng trưởng, cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thức cũng không trụ, tăng trưởng; cho đến khối lớn thuần khổ diệt.

“Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư và học trò của họa sư, gom các màu sắc muốn tô điểm vẽ vời giữa hư không, có thể vẽ được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch không thể được. Vì sao? Hư không này không phải sắc, không có đối ngại, nên không thể thấy.”

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, không có thức tồn tại, tăng trưởng cho đến khối lớn thuần khổ diệt như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 377. HỮU THAM (4) [194]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thức trư và tăng trưởng, cho đến tụ tập khối lớn thuần khổ.

“Này các Tỳ-kheo, thí như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom [103c] các màu sắc, muốn trang trí vẽ vời những hình ảnh trên sắc chất. Các Tỳ-kheo, ý các ngươi nghĩ sao? Họa sư này hoặc đệ tử của ông này có thể dùng màu sắc trang trí vẽ vời trên sắc chất được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thật vậy, họ có thể trang trí vẽ vời trên sắc chất.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thức trụ và tăng trưởng… cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thứcăn này mà không tham, không hỷ, không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến khối lớn thuần khổ đã tụ tập bị diệt. Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, mà muốn không cần sắc chất để trang trí vẽ vời các hình ảnh, có thể vẽ vời được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể được.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến khối lớn thuần khổ đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


 [1] Nguyên Đại chánh quyển 12. Ấn Thuận xếp lại, đưa xuống quyển 13, Tụng iii. Tạp nhân tụng. Quốc dịch, cũng quyển 13, bắt đầu Tụng iii. Nhân duyên tụng. Đầu quyển 16, Đại chánh có ghi ở phụ đề: “phần thứ tư của Tụng iii..” Ttheo đó, Tụng iii bắt đầu từ quyển 13. Nhưng số quyển của Đại chánh hiện hành bị đảo lộn tạp loạn, quyển 13 được xuống thành quyển 12, và đảo lại đưa quyển 12 lên thành quyển 13. Như vậy, phù họp với khoa mục của kinh trong Đại chánh. Tương đương Pāli, S. ii. Nidāna-vaggo.

 [2] Tương ưng 7. Nhân duyên, Ấn Thuận, Quốc dịch đồng. Tương đương Pāli, S. 12. Nidāna-saṃyutta.

 [3] Trồng cây, Đại chánh, bắt đầu quyển 12, kinh 283. Pāli, S. 12. 57. Taruṇa.

 [4] Pāli (S. ii. 89): saṃyojaniysu dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati. Sống với sự tìm kiến vị ngọt trong các pháp bị kết buộc, thì khát ái tăng trưởng.

 [5] Nguêyn Hán: ân ái 恩愛.  Pāli: taṇhā.

 [6] Pāli ibid.: saṃyojaniyesu dhammesu ādīnavānupassino viharato taṇhā niujjhati, sống quán sát sự tai hại trong các pháp dẫn đến hệ phược, ái diệt.

 [7] Cây lớn, Đại chánh, kinh 284. Pāli, S. 12. 55-56. Mahārukkha.

 [8] Hán, một phần tương đương S 12. 56 (ii. 87): upādāniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati; taṇhāpaccayā upādānaṃ, sống tìm kiếm nếm vị trong các pháp bị chấp thủ thì ái tăng trưởng. Duyên ái có thủ. Một phần tương đương S 12. 58 (ii. 90): saṃyojaniyesu dhammesu assādānupassino viharato nāmarūpassa avakkanti hoti, sống tìm nếm vị ngọt trong các pháp kết hệ, danh sắc hiển hiện. 

 [9] Thí dụ, như S 12. 55-56.

 [10] Pāli ibid.: saṃyojaniyesu dhammesu ādīnavānupassino viharato nāmarūpassa avakkanti na hoti, sống quán sát sự nguy hiểm trong các pháp dẫn đến hệ phược, danh sắc không hiển hiện.

 [11] Đại chánh, kinh 285. Pāli, S. 12. 10 Gotama.

 [12] Thượng cập sở y 上及所依; không rõ nghĩa. Pāli (S. ii. 10): atha ca panimassa dukkhassa nissaraṇaṃ nappajānāti jarāmaṇassa, nhựng lại không biết sự thoát ly của khổ già và chết này. Bản Hán, nissaraṇana (thoát ly), được đọc là nissaya, sở y.

 [13] Pāli: yoniso manasikārā ahu paññāya abhisamayo, bằng như lý tác ý, bằng trí tuệ, ta có hiện quán (chứng nghiệm thực tế).

 [14] Đại chánh, kinh 286. Pāli, S. 12. 52. Upādāna.

 [15] Đại chánh, kinh 287. Pāli, S. 12. 65. Nagaraṃ.

 [16] Pāli: paccudāvattati kho idaṃ viññāṇaṃ nāmarūpamhā na paraṃ gacchati, rồi thức này quay trở lại; nó không đi quá danh sắc.

 [17] Pāli: adhigato mayhaṃ maggo bodhāya, Ta đã đạt đến con đường dẫn đến giác ngộ.

 [18] Lau sậy. Đại chánh, kinh 288. Pāli, S. 12. 67. Naḷakalāpiya.

 [19] Nghĩa biện 義辯, nghĩa biện tài, một trong bốn beịn tài hay vô ngại giải (Pāli: paṭisambhidā).

 [20] Không nghe, chỉ phàm ngu không được nghe chánh pháp. Đại chánh, kinh 289. Pāli, S. 12. 61. Asuttavā.

 [21] Nguyên Hán: vô văn. Pāli: assutavā.

 [22] Tức ở nơi tâm, ý, thức.

 [23] Pāii: etaṃ mama, esohamasmi, eso me attā ti, cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi (là cái tôi của tôi: Hán dịch, tương tại?)

 [24] Đại chánh, kinh 290. Pāli, S. 12. 62. Assutavā.

 [25] Đại chánh, kinh 291. Pāli. S. 12. 66. Sammasaṃ.

 [26] Nội xúc pháp 內觸法, sự tiếp xúc bằng nội tâm. Pāli (S. ii. 108): sammasatha no tumhe bhikkhave antaraṃ sammasanti, các ngươi có nắm bắt sự tiếp xúc bên trong chăng?

 [27] Trong bản: xúc 觸. Theo văn đoạn dưới, nên sửa lại là chuyển. Xem chú thích 29 ở dưới. Có lẽ chính xác là duyên, trong bốn hành tướng của tập đế, theo Hữu bộ (nhân, tập, sanh duyên). Pāli: idaṃ kho dukkhaṃ kiṃnidānaṃ kiṃsamaudayaṃ kiṃ jātikaṃ kiṃ pabhavaṃ, khổ này, cái gì là nguyên do (nhân duyên), cái gì là tập khởi, cái già làm sanh, cái gì làm hiện khởi.

 [28] Ức-ba-đề nhân 億波提. Pali: upadhi-nidānā. Nghĩa gốc của upadhi lā cở bản hay cơ sở; theo nghĩa kinh, là sở y của tồn tại. Hán dịch: y, vật, sự, uẩn, tụ, tham ái, phiền não. (Wogihara)

 [29] Trong bản: đế chánh chi sắc 諦正之色 , Ấn Thuận sửa lại là đoan chánh chi sắc 端正之色. Pāli: loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ, sắc khả ái, khả niệm trong thế gian.

 [30] Hán: ái sanh nhi sanh, hệ nhi hệ, trụ nhi trụ. 愛生而生繫而繫住而住. Pali: etthesā taṇhā uppajjamānā uppajjati ettha nivisamānā nivasati.

 [31] Kiến, văn, giác, tri.

 [32] Đại chánh, kinh 292. Pāli, S. 12. 51. Parivīmaṃsama.

 [33] Trong bản: xúc 觸.Nên hiểu là chuyển hiện. Xem cht.27 trên..

 [34] Có ba loại hành: phước hành và phi phước hành (thiện và bất thiện Dục giới) và bất động hành (thiện thượng giới). Xem No 1(9) (kinh Chúng tập); D. 33. Saṅgīti, tayo saṅkhārā: puññābhisaṃkhāro, apuññābhisaṃkhāro, āneñjābhisaṃkhāro.

 [35] Vô sở hữu hành 無所有行 , tức bất động hành, thiện do tu tập thiền định. Pāli: āneñjābhisaṃkhāra.

 [36] Pāli: so avijjāvirāgā vijuppādā, vị ấy, do ly nhiễm đối với vô minh, và minh phát sanh...

 [37] Nghĩa là, có còn tạo các nghiệp thiện, bất thiện, và phước báo do thiền định đế tái sanh hay không?

 [38] Đại chánh, kinh 293.

 [39] Trong bản, in dư một chữ diệt.

 [40] Đại chánh, kinh 294. Pāli, S. 12. 19. Bālena paṇḍito.

 [41] Nguyên Hán: Xúc nhập. Pāli: phassaāyatana.

 [42] Không phải của ngươi. Đại chánh, kinh 295. Pāli, S. 12. 37. Natumha.

 [43] Hán: bản tu hành nguyện本修行願.Pāli: purāṇaṃ kammaṃ, nghiệp đồi trước.

 [44] Đại chánh, 296.Pāli, S. 12. 20. Paccaya.

 [45] Nhân duyên pháp, duyên sanh pháp 因緣法緣生法. Pāli: paṭiccasamuppādo, paṭiccasamupannā dhammā.

 [46] Nhân duyên pháp, hay lý duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppāda.

 [47] Duyên sanh pháp, hay duyên dĩ sanh. Pāli: paṭiccasamuppannā dhammā.

 [48] Pāli (S. ii. 25): uppādā vā tathāgatānaṃ anuppādā vā tathāgatānaṃ, ṭhitā va sā dhātu dhammaṭṭhitatā dhammaniyāmatā idappaccayatā, Các Như lai xuất hiện hay không xuất hiện, giới này (đạo lý này) vốn thường trú; đó là tính an trụ của pháp (pháp trụ tánh), tính quyết định của pháp (pháp vị tánh), vá tính y duyên (tương y tương duyên).

 [49] Pháp trụ, pháp không 法住, 法空; Pāli ibid. : dhammāṭṭhitatā (pháp trụ tánh), dhammaniyāma (pháp vị tánh, pháp đinh tánh).

 [50]Pāli ibid.: katame ca paṭiccasamuppannā dhammā? jarāmaraṇaṃ aniccaṃ saṃkhataṃ paṭiccasamuppannaṃ khayadhammṃ vayadhammaṃ virāgadhammaṃ nirodhadhammaṃ, các pháp duyên sanh (duyên sanh pháp) là gì? Già chết là vô thường, hữu vi, do duyên mà khởi, chịu quy luật đào thải, tiêu vong, ly tham, diệt tận.

 [51] Hán: tiền tế 前際, Pāli: pubbantaṃ.

 [52] Pāli: ahosiṃ nu kho ahaṃ atītamaddhānaṃ, nanu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kiṃ nu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kathaṃ nu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kiṃ hutvā kiṃ ahosi nu kho ahaṃ atītamaddhānaṃ, quá khứ tôi hiện hữu hay không hiện hữu? Quá khư tôi là gì, tôi là thế nào? Quá khứ, do hiện hữu cái gì mà tôi hiện hữu?

 [53] Pāli: etarahi paccuppannaṃ addhānaṃ ajjhattaṃ kathaṃkathī bhavissati, hoặc ở đây trong đời hiện tại mà bên trong có nghi hoặc.

 [54] Pāli: ahaṃ nu kho’smi, no nu kho’ smi, kiṃ nu kho’smi, kathaṃ nu kho’smi, ayaṃ nu hko sattā kuto āgato, so kuhiṃ gamissatī’ti, ta đang hiện hữu, hay không đang hiện hữu? ta đang là cái gì? ta đang là thế nào? Chúng sanh này từ đâu đền? Rồi nó sẽ đi đâu?

 [55] Hán: kiến sở hệ 見所繫. Pāli: diṭṭhisaṃyojana.

 [56] Kỵ húy cát khánh kiến sở hệ 忌諱吉慶見所繫, chỉ giới thủ kiến.

 [57] Trong tương lai nó không tái sanh trở lại

 [58] Đại chánh, kinh 297.

 [59] Đại chánh, kinh 298. Pāli, S. 12. 1. Desanā; 2. Vibhaṅga.

 [60] Hán: pháp thuyết nghĩa thuyết法說義說. Pāli: desessāmi vibhajissāmi, giảng thuyết, phân biệt.

 [61] Nguyên Hán: vô vô gián đẳng 無無間等.

 [62] Bỉ bỉ thân chủng loại nhất sanh 彼彼身種類一生. Pāli: taṃhi taṃhi sattanikāye jāti, sự sanh nơi từng bộ loại của chúng sanh kia.

 [63] Pāli: sañjāti okkanti nibbatti abhinibbatti, xuất sanh, nhập thai, sản sanh, chuyển sanh.

 [64] Đại chánh, kinh 299. Xem kinh 334.

 [65] Đại chánh, kinh 300. Pāli, S. 12. 46. Aññataraṃ (Người khác).

 [66] Pāli: so karoti so paṭisaṃvedayati, tự tác tự thọ.

 [67] Vô lý. Pāli: ayaṃ eko anto, đây là một cực đoan.

 [68] Pāli: ayaṃ dutiyo anto, đây là cực đoan thứ hai.

 [69] Đại chánh, kinh 301. Pāli, S. 12. 15. Kaccāyanagotta.

 [70] Na-lê tụ lạc thâm lâm trung đãi khách xá 那梨聚落深林中待賓舍; địa danh có lẽ kinh 918 (Đại chánh, kinh 926): Na-lê tụ lạc Thâm cốc tinh xá, và 1025 (Đại chnh kinh 1037): Na-lê tụ lạc Khúc cốc tinh xá. Pāli: Nadika Giñjakāvasatha.

 [71] Tán-đà Ca-chiên-diên [跳-兆+散]陀迦旃延.

 [72] Tâm cảnh hệ trước sử 心境繫著使. Pali: cetaso adhiṭṭhānaṃ abhinivesānysayaṃ, (vốn là) tùy miên tham đắnm nắm giữ chặt tâm.

 [73] Pāli: lokasamudayaṃ kho, kaccāna, yathābhūtaṃ sampaññāya passato yā loke natthitā sā na hoti.

 [74] Đại chánh, kinh 302. Pāli, S. 12. 17. Acela.

 [75] A-chi-la Ca-diếp. Pāli Acela-Kassapa, Ca-diếp Lõa thể.

 [76] Ý nói: đối xứ không giống với người khác.

 [77] Pāli: na kho ... bahudeva pucchitukāmā ti, tôi khong muốn hỏi nhiêu đâu.

 [78] Thọ tức tự thọ giả . Pāli: sā vedanā so vedayatī‘ti (S. 12. 18) , thọ tự nó cảm thọ.

 [79] Pháp thứ pháp 法, 次法, tức pháp và tùy pháp. Pāli: dhammānudhamma.

 [80] Đại chánh, kinh 303. Pāli, S. 12. 18. Timbaruka.

 [81] Điếm-mâu-lưu 玷牟留.Pāli: Timbaruka.

 [82] Bản hán, hết quyển 12.

 [83] Đại chánh, quyển 14, bắt đầu từ kinh 343. Tạp nhân Quốc dịch, Phẩm iii, Tương ưng Nhân duyên, Tụng iii tiếp theo. Pāli, S. 12. 24. Aññatitthiyā; 25. Bhūmija.

 [84] Phù-di 浮彌. Pāli: Bhūmija, lúc bấy giờ ở tại Sāvatthi (S. 12. 25).

 [85] Pāli: sayaṃkataṃ dukkhaṃ,  khổ do tự mình tạo ra.

 [86] Hán: ký thuyết 記說.

 [87] Đại chánh, kinh 144. Tham chiếu, No 26(9).; Pāli, M. 9. Sammadiṭṭhi.

 [88] Bất hoại tịnh 不壞淨. Pāli: aveccappasāda, bất hoại tín, bất động tín, hay chứng tịnh, trừng tịnh. 

 [89] Bốn loại thức ăn, hay tứ thực: thô đoàn thực, tế xúc thực, ý tư thực, thức thực  麤摶食, 細觸食, 意思食, 識食. Pāli: cattaro āhārā; kabaliṅko āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.

 [90] Bỉ bỉ lạc trước 彼彼樂著: ham muốn đời sau ta sẽ sinh chỗ này, chỗ kia. Pāli: tatratatrābhinandī (S. iii. 158)

 [91] Trong bản, bệnh 病. Theo nội dung trả lời dưới, sửa lại là lậu 漏.

 [92] Ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu 欲漏, 有漏, 無明漏; xem Trường A-hàm kinh 7. Pāli, D. 33. Saṅgīti: tayo āsavā - kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo.

 [93] Trong bản: “Trong Pháp Luật của Ta.”

 [94] Trong bản: “Trong Pháp Luật của Ta.”

 [95] Trong bản: “Trong Pháp Luật của Ta.”

 [96] Đại chánh, kinh 145. Pāli, S. 12. 31. Bhūtaṃ; 32. Kaḷāra.

 [97] Ba-la-diên-da A-dật-đa sở vấn. Pāli: Suttanipāte pañcassa Pārāyanavagassa Ajitapañhā.

 [98] Pháp số 法數 . Pāli: saṅkhātadhamma, (người) đã truy cứu pháp, đã thấu hiểu pháp. Do saṅkhāta: được tư duy, suy cứu, tính toán, nên Hán dịch là pháp số. Ấn Thuận sửa lại là pháp giáo 法教. Quốc dịch cũng vậy. Sớ giải: pháp được suy cứu (saṅkhātadhamma) là pháp được nhận thức (ñātadhamma), pháp được tư kương (tulitadhamma), pháp được vượt qua (tīritadhamma).

 [99] Pāli: ye ca sekkhā putthū idha, ở đây, những vị hữu học và các phàm phu.

 [100] Xem cht. 17 trên.

 [101] Nguyên Hán: chân thật真實. Pāli: bhūtam idanti sāriputta passasī ti? Này Sāriputta, đây là sinh vật, ngươi có thấy chăng? Sớ giải: đây chỉ sự xuất hiện của năm uẩn (idaṃ nibbattaṃ khandhapañcakaṃ). Tiếng Phạn, bhūta, có nghĩa là chân thật (hình dung từ), và cũng có nghĩa là sinh vật (danh từ), chỉ các loài có sự sống hay mầm sống.

 [102] Trong nghĩa này, Hán dịch “chơn thật” rõ rà là sai.

 [103] Đại chánh, kinh 146. Pāli, A. 10. 76. Tayodhamma.

 [104] Thất niệm 失念, quên mất chánh niệm, xao lãng. Pāli: muṭṭhascca.

 [105] Hán: điệu (trạo), bất luật nghi, bất học giới 掉, 不律儀, 不學戒 . Pāli: uddhaccaṃ asaṃvaraṃ dusslīyaṃ.

 [106] Đại chánh, kinh 147. Pāli, S. 12. 70. Susima.

 [107] Tu-thâm (niên thiếu)  須深.  Pāli: Susima-paribbājaka, Susima, ngoại đạo xuất gia.

 [108] Hán: Thánh thuyết cập xả 聖說及捨. Pāli: yan taṃ ariyā ācikkhanti upekkhako satimā sukhāvihārī ti, điều mà các Thánh nói là xả, có chánh niệm, an trụ lạc.

 [109] Xả tịnh niệm nhất tâm 捨淨念一心. Pāli: upekkha-sati-pārisuddhiṃ, xả và niệm thanh tịnh

 [110] Đề cập tám giải thoát (Pāli: aṭṭha vimokhā); từ căn bản đệ tứ thiền sắc giới, vượt qua sắc và vô sắc, cuối cùng nhập tưởng thọ diệt tận đinh. Pāli: ye te santa vimokkhatā atikkamma rūpe ārppā te kāyena phusitvā viharati, tịch tĩnh giải thoát, siêu việt sắc vô sắc, sau khi xúc xảm bằng thân, vị ấy an trụ.

 [111] Huệ giải thoát 慧解脫; được giải thoát (đắc A-la-hán) do huệ chớ không do định. Pali: paññāvimutta.

 [112] chánh thọ 正受 (Pali: samāpatti).

 [113]. Pāli: pubbe (...) dhammaṭṭhitiññāṇaṃ, pacchā nibbāne ñāṇaṃ, trước hết là pháp trụ trí, sau đó là niết-bàn trí.

 [114] Đại chánh, kinh 147. Pāli,  S. 12. 21-22. Dasabala.

 [115] Tri tiên Phật trú xứ 知先佛住處, tức là, tự xác nhận ở vị trí của chư Phật quá khứ. Pali (S. ii. 27): āsabhaṃ ṭhānaṃ paṭijānāti, tư tuyên bố vị trị Ngưu vương, tức tư xác nhận vị trí hướng dẫn chúng sanh.

 [116] Chuyển Phạm luân 轉梵輪. Pāli: brahmacakkaṃ pavatteti.

 [117] Trong nguyên bản, tiêt lược theo đoạn văn tương tơ; nhưng từ trước, chưa tìm thấy đoạn nào tương tợ.

 [118] Đương lai hữu kết 當來有結 ; kết sử dẫn đến hữu tương lai, tức dẫn đến tái sinh đời sau.

 [119] Thối kỳ đại nghĩa 退其大義, tức là, đánh mất mục địch cao thượng, tổn thất ích lợi lớn. Pāli: mahantañ ca sadatthaṃ parihāpeti, tổn thất đại lợi.

 [120] Đệ nhất giáo pháp chi trường 第一教法之場. Pāli: na, bhikkhave, hīnena agassa patti hoti. aggena ca kho, bhikkhave, aggassa patti hoti, không bằng cái thấp hèn mà đạt đến cái cao thượng (đệ nhất). Chính bằng cái cao thượng mà đạt đến cái cao thượng.

 [121]. Tức pháp được khéo hiển hiện nên dẫn đến tịch tĩnh; dẫn đến Niết-bàn; dẫn đến bồ đề của Thanh văn; va chánh giác của Phật.

 [122] Pāli: evaṃ no ayaṃ amhākaṃ pabbajjā avañjhā bhavissati saphalā sa-udrayā, sự xuất của ta như vậy sẽ không phải là vô tích sự, mà có kết quả, có thành quả.

 [123] Đại chánh, kinh 149.

 [124] Hán: bất tu thủ ngữ 不須手語, không cần nói bằng tay.

 [125] Đaị chánh, kinh 150. Pāli, S. 12. 49. Ariyasāvaka.

 [126] Hà sở 何所; nghi vấn bất định, đối lại với thử, bỉ 此, 彼, chủ ngữ xác định. Pāli: nghi vấn kiṃ nu kho kismiṃ sati kiṃ hoti, đối lại với khằng đinh imasmīm sati idam hoti.

 [127] Đại chánh, kinh 151. S. 12. 68. Kosambī.

 [128] Na-la 那羅 (Pāli: Nārada), Mậu-sư-la 茂師羅 (Musila), Thù-thắng 殊勝 (Paviṭṭha) A-nan 阿難 (Ananda).

 [129] S 12. 68: ở tại Kosambiyaṃ Ghositārāme.

 [130]. Hán: dị tín, dị  dục, dị văn, dị hành giác tưởng, dị kiến thẩm đế nhẫn 異信, 異欲, 異聞, 異行覺想, 異見審諦忍. Pāli: aññatreva (...) saddhāya aññatra ruciyā anussava aññatra ākāraparivitakkā aññatra diṭṭhinijjhānakkhantiyā . Tiếng Phạn: aññatra, một cách khác biệt, hay ngoai trừ; Hán dịch là dị, nên hiểu là trạng từ chứ không phải tính từ.

 [131] Pāli: paccattam eva ñāṇaṃ, tự mình có nhận thức như vậy.

 [132] Pāli: bhavanirodho nibbānan ti, sự diệt tận của hữu là Niết-bàn.

 [133] Đại chánh, kinh 152. S. 12. 13. Samaṇ-brāhmaṇā.

 [134] Đại chánh, kinh 153. S. 12. 14. Sanaia-brāhmaṇā.

 [135] Đại chánh, kinh 154. S. 12. 71-81. Samaṇa-brāhamaṇā.

 [136] Đại chánh, kinh 155. Pali, S. 12. 28. Bhikkhu.

 [137] Pāli: jarāmaraṇaṃ pajānāti.

 [138] Đại chánh, kinh 156. Pāli, S. 12. 33. Ñāṇavatthūni.

 [139] Tứ thập tứ chủng trí 四十四種智. Pāli: catucattārīsaṃ ñāṇavatthūni, 44 sự kiện của trí.

 [140] Đại chánh, kinh 157. Pāli, S. 12. 34. Ñāṇavatthūni.

 [141] Pāli: asati jātiyā natthi jarāmaraṇanti, trí (nhận thức) về sự kiện, khi không có sanh thì không có già chết.

 [142] Pāli: yampissa taṃ dhammaṭṭhitiñāṇaṃ taṃpi khayadhammaṃ vayadhammaṃ virāgadhammaṃ nirodhadhamman ti ñāṇaṃ, nới nào có pháp trụ trí, nơi đó cũng có trí (nhận thức) về pháp tận diệt, pháp hủy hoại, pháp ly tham, pháp diệt.

 [143] Đại chánh, kinh 158. Pāli, S. 12. 35-36. Avijjā-paccāya.

 [144] Đại chánh, kinh 159. Pāli, S. 12. 38. Cetanā.

 [145] hán: bỉ sử 彼使. Pāli: yañca anuseti, cái gì mà nó tiềm từ (tư lự).

 [146] Pāli: yañ ca bhikkhave ceteti yañca pakappeti yañca anuseti, ārammaṇam etaṃ hoti ñāṇassa ṭhitiyā.

 [147] Hán: phan duyên 攀緣. Pāli: ārammaṇa, sở duyên.

 [148] Đại chánh, kinh 160. Pāli, S. 12. 39. Cetanā.

 [149] Đại chánh, kinh 161. S. 12. 40. Cetanā.

 [150] Đại chánh, kinh 162.

 [151] Đại chánh, kinh 163. Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.

 [152] Pāli: dhammakathiko.

 [153] Đại chánh, kinh 164. S. 12. 16. Dhammakathika.

 [154] Pháp thứ pháp hướng: pháp tùy pháp hành. Pāli: dhammānudhammā-paṭipanno.

 [155] Bản hán, hết quyển 14.

 [156] Đại chánh, quyển 15, kinh 365. Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.

 [157] Kiến (=hiện) pháp bát-niết-bàn 見法般涅槃. Pāli: diṭṭhadhammanibbānapatta, chứng đắc Niết-bàn ngay trong thực tế được thấy, nghĩa là ngay trong hiện tại, hiện thực này.

 [158] Đại chánh, kinh 366. S. 12. 4-9. Vipassī.

 [159] Tỳ-bà-thi 毘婆尸. Pāli: Vipassī.

 [160] Pāli:kicchaṃ vatāyaṃ loko āpanno jāyati ca jīyati ca mīyati ca cavati ca uppajjati ca, quả thật thế gian này bị rơi hãm vào trong khổ nạn, sinh ra, già cỗi, chết, tiêu vong, rồi tái sinh.

 [161] Nguyên Hán: như thật vô gián đẳng 如實無間等.

 [162] Xem kinh 325.

 [163] Thi-khí 尸棄, (Pāli: sikkhi); Tỳ-thấp-bà-phù 毘濕波浮 (Vessabhū); Ca-la-ca-tôn-đề 迦羅迦孫提 (Kakusandha); Ca-na-ca-mâu-ni 迦那迦牟尼 (Koṇagāmana); Ca-diếp 迦葉 (Kassapa)

 [164] Đái chánh, kinh 367. S. 12. 83. Sikkhā; 84. yoga.

 [165] Đại chánh, kinh 368. Pāli, xem kinh 366.

 [166] Vô lượng  tam-ma-đề 無量三摩提. Xem kinh 209.

 [167] Đại chánh, kinh 369. Cf. Pāli, S. ii, 5; D. ii. 30.

 [168] Bồ-đế sở 菩提所: tức Bồ-đề đạo tràng.

 [169] Phạm chí 梵志: Bà-la-môn, chỉ đức Phật..

 [170] Xem cht. kinh 366.

 [171] Đại chánh, kinh 370.

 [172] Đại Bồ-đề sở 大菩提所: đại đạo tràng.

 [173] Uất-tì-la Ni-liên-thiền hà 鬱毘羅尼連禪河. Pali: sông Nerañjarā, ở thôn Uruvelā, chỗ Phật tắm trước khi thành đạo.

 [174] Đại chánh, kinh 317. Pāli, 12. 11. Āhāra.

 [175] Thô đoàn thực麤摶食; xem Trường No 1(30.8): đoàn thực có hai loại: thô và tế hoạt摶 細 滑 食. Trung No 26(29), cũng nói đoàn thực có hai lọa, thô và tế摶食粗細. Pāli cũng nhất trí: kabaliṅkāro āhāro oḷāriko vā sukkumo. Riêng kinh này phân biệt thô đoàn thực với tế cúc thực.

 [176] Tế xúc thực細觸食, xem cht. 2 trên.

 [177] Nhân tập sanh xúc 因集生觸; nơi khác dịch: nhân tập sanh chuyển 因集生轉. Pāli: nidāna (nguyên do), samudaya (tập hợp sanh khởi) , jātika (sản sanh), pabhava (xuất hiện).

 [178] Đại chánh, kinh 372. S. 12. 12. Phagguna.

 [179] Phả-cầu-na 頗求那. Pāli: Moḷiyaphagguna.

 [180] Pāli: ko nu kho, bhante, viññāṇāhāraṃ āhāretī ti, ai hấp thu thức ăn của thức này?

 [181] Pāli: “āhāretī ti” na ahaṃ vadāmi, Ta không nói: “Nó ăn.”

 [182] Pāli: viññāṇāhāro, Sớ giải: thức nói ở đây chỉ kết sanh tâm (paṭisandhicittaṃ), nối liền hai đời sống.

 [183] Chiêu vị lai hữu linh tương tục sanh 招未來有令相續生; Pāli: āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, sự tái sanh khởi của hữu trong tương lai.

 [184] Pāli: ko nu kho tasatī ti, ai khát ái (khát vọng)?

 [185] S 12. 12, từ chi này trở đi, khong có câu hỏi như vậy.

 [186] Trong nguyên bản: đương lai hữu xúc 當來有觸; đây sửa lại là đương lai hữu chuyển 轉.

 [187] Hán: (…) thị danh hữu hữu lục nhập xứ 是名有。有六入處. Câu này văn cú không rõ ràng nên ý nghĩa cung mơ hồ. Đây theo hiểu biết phổ thông về các chi duyên khởi mà chấm câu như vậy. Các hiểu khác: “Đó gọi là có hữu nên có sáu nhập xứ.” Cách hiểu này bất thường đối với các chi duyên khởi.

 [188] Đại chánh, kinh 373. Ăn thịt con. Pāli, S. 12. 63. Puttamaṃsa.

 [189] Đại chánh, kinh 374. S. 12. 64. Atthirāgo.

 [190] Pāli: yattha paṭiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ virūḷhaṃ atthi tattha nāmarūpassa avakkan ti, nơi nào có thức trụ và tăng trưởng, nơi đó danh sắc thác vào (hiện ra).

 [191] Đại chánh, kinh 375. Xem kinh 372 và các kinh sau.

 [192] Đại chánh, 376.

 [193] Đại chánh, kinh 377. Xem kinh 374, 375 trên.

 [194] Đại chánh, kinh 378.