BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH ĐỒNG NAI TRỌNG THỂ KHAI MẠC ĐẠI GIỚI ĐÀN NGUYÊN THIỀU – SIÊU BẠCH


Vào lúc 8 giờ ngày 18 tháng 4 năm 2011, tại Văn phòng Ban Trị sự - chùa Long Thiền, Tp. Biên Hòa, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai trọng thể khai mạc Đại giới đàn Nguyên Thiều – Siêu Bạch để truyền trao giới pháp cho hơn 1.700 Tăng Ni giới tử.

Đến chứng minh và tham dự có HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TWGH; HT. Thích Minh Chánh – UV. HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Tổ chức Đại giới đàn; chư Tôn giáo phẩm HĐTS GHPGVN trú xứ tại Đồng Nai; chư Tôn đức Ban Trị sự và các huyện, thị, thành phố Biên Hòa; chư Tôn đức Hội đồng thập sư; chư Tôn đức trụ trì các Tự, Viện trong và ngoài tỉnh.

Lễ khai mạc Đại giới đàn, Ban Tổ chức hân hạnh đón tiếp  ông Nguycễn Xuân Chiến - Phó Chủ tịch thường trực UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai; ông Trần Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Đồng Nai; cùng quý ông bà đại diện Ban Tôn giáo, UBMTTQ, các Sở, ngành tỉnh Đồng Nai, Tp. Biên Hòa, địa phương sở tại và hàng ngàn Phật tử tham dự.

Theo sử liệu, Tổ Nguyên Thiều – Siêu Bạch, hiệu Hoán Bích, quê ở Trình Hương, Triều Châu, Quảng Đông, xuất gia năm mười chín tuổi, tu ở chùa Báo Tư, thọ giáo với Hòa thượng Bổn Khao - Khoáng Viên.

Niên hiệu Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tông (năm Ất Tỵ, đời chúa Nguyễn Phúc Tần thứ mười bảy - 1665), Tổ đi theo tàu buôn sang Việt Nam, trú ở Qui Ninh (Bình Định), lập chùa Thập Tháp Di-đà mở trường truyền dạy. Sau đó, Tổ ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung (thuộc huyện Phú Lộc), rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và lập tháp Phổ Đồng.

Vào thời chúa Anh Tông (Nguyễn Phúc Trăn 1687-1691), Tổ trở về Trung Quốc tìm mời các danh tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí.

Sau khi về Quảng Đông, Tổ thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm và các danh tăng khác, nhiều kinh điển pháp khí đem về Việt Nam. Chúa Nguyễn liền chiếu chỉ mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Và chúa Nguyễn sắc ban Tổ làm trụ trì chùa Hà Trung.

Trong diễn văn khai mạc, HT. Thích Nhật Quang phát biểu:

“Đại giới đàn lần này, Ban Trị sự lấy tôn danh của một vị Tổ có nhiều công đức trong việc truyền bá Phật pháp, khai đàn truyền giới tại Phật giáo đàn trong, đó là Tổ Nguyên Thiều - Siêu Bạch. Tin tưởng qua công đức của Tổ Nguyên Thiều để lại cho hậu thế, sẽ là động lực, là sức mạnh để Tăng Ni giới tử học tập và làm theo những công đức cao với của Tổ Nguyên Thiều đã lưu lại.

Tất cả Tăng Ni giới tử đang ở trong Đại giới đàn, còn gọi là “Tuyển Phật trường”, tức tuyển người làm Phật. Quý giới tử đều có chung một tâm nguyện, từng bước đi trên con đường giác ngộ giải thoát, hướng về sự giác ngộ giải thoát, hướng về giải thoát tri kiến và thành tựu giải thoát bất động. Sau nghi thức khai mạc, quý giới tử sẽ đạt được những tâm nguyện, hoài bảo của mình, do đó, quý Tăng Ni giới tử hãy lắng lòng thanh tịnh để thọ nhận giới pháp mà Hội đồng thập sư sẽ truyền trao.

Đàn truyền giới thành tựu cần hội đủ ba yếu tố: giới sư thanh tịnh, giới tử chí thành, giới đàn trang nghiêm. Hội đủ ba yếu tố này, se giúp cho giới tử thành tựu giới thể vô tác, là nguồn năng lực quý báu để bảo hộ giới tử giữ gìn trọn vẹn các giới đã thọ. Giới tử khi vào đàn giới phải cung kính Hội đồng thập sư như cung kính Phật, thì giới thể vô tác mới phát sanh, nhất là các Tăng Ni giới tử phải phát tâm dõng mãnh cầu thọ giới pháp thì giới thể vô tác mới tăng trưởng. Như Ngài Bàn Công nói rằng: Thập sư yết ma lần thứ nhất, giới pháp vi diệu sẽ chuyển được nghiệp của các giới tử; yết ma lần thứ hai, giới pháp vi diệu như mây lành che trên đãnh môn của giới tử; yết ma lần thứ ba, những mây lành đó biến thành giới thể vô tác, tạo thành y báu, chánh báu trang nghiêm, thành tựu bản thể thanh tịnh của Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa, Sa di và Sa di Ni” .

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS ban đạo từ:

“Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá rất cao những Phật sự mà Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong thời gian qua, và Đại giới đàn là một trong những Phật sự quan trọng để tạo nguồn nhân sự kế thừa, đủ đức đủ tài để phục vụ đạo pháp và đất nước.

Đức Phật dạy, “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn”, và “không một vị Phật nào, một vị Bồ tát nào, một vị Tổ sư nào mà không nhờ giới, không thọ giới, không trì giới mà có thể ra khỏi biển sanh tử luân hồi, đắc thành quả vị Phật”. Tăng bảo luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc hoằng dương Chánh pháp, nhưng muốn dự vào hàng Tăng bảo thì Tăng Ni phải phọ trì thánh giới. Khi Tăng Ni giới tử thọ giới phải thọ nhận được giới thể vô tác để thành tựu bản thể Tỳ kheo đúng như pháp. Đức Phật dạy có tám loại Tỳ kheo: Tương trợ Tỳ kheo, danh tự Tỳ kheo, tự xưng Tỳ kheo, khất cầu Tỳ kheo, cát triệt Tỳ kheo, phá kiết sử Tỳ kheo, thiện lai Tỳ kheo và bạch tứ yết ma như pháp thành tựu xứ sở đắc giới Tỳ kheo.

Giới Tỳ kheo mà giới tử sắp đăng đàn thọ nhận đây là “Bạch tứ yết ma như pháp thành tựu xứ sở đắc giới Tỳ kheo”, đối với Tỳ kheo Ni phải “Tám lần bạch yết ma mới thành tựu tánh Tỳ kheo Ni”. Không phải Tỳ kheo như pháp thì chắc chắn là dù có thọ giới cũng không thể giải thoát khỏi sanh tử, đạt được Niết bàn an lạc được.

Chúng ta sống nơi cõi đời này, nếu không có giới luật để thu thúc lục căn thì không thể nào đạt được trạng thái an định để phát sinh trí huệ, chính tam học là nền tẳng để thoát khỏi tam độc và tam giới. Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật khuyến giáo các Tỳ kheo hãy xem giới là bậc thầy trong việc tầm cầu giác ngộ, giải thoát cho tự thân và mọi người. ”

Quang cảnh Lễ khai mạc Đại giới đàn

Chư Tôn đức Tăng Ni tham dự Lễ khai mạc Đại giới đàn

Quý quan khách tham dự Lễ khai mạc Đại giới đàn

TT. Thích Huệ Hiền phát biểu

TW GHPGVN và quý Cơ quan Nhà nước tặng hoa chúc mừng

Chúc thọ giới đàn và cung an chức sự

Tăng Ni giới tử phát nguyện thọ giới

HT. Thích Giác Quang cảm tạ

Tin và ảnh: Cộng tác viên tại Đồng Nai

Theo giaohoiphatgiaovietnam.vn