Kỷ năng hòa nhập và gắn kết với cộng đồng trên cơ sở "đồng sự nhiếp" của Phật giáo


alt

DẪN NHẬP:

Khế kinh có câu: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Thật thế! Cõi đời không vui, cõi đời toàn là khổ. Kinh Pháp Hoa cũng nói: “Ba cõi không an, ví như nhà lửa”, tiếc vì chúng sinh mê muội, lấy khổ làm vui mà không tự biết, nên phải bị trầm luân.  Chư Phật, chư Bồ tát không thể làm ngơ trước cảnh chúng sanh bơi lội, ngụp lặn, chìm nổi, trôi lăn mê mờ trong biển khổ, các Ngài hóa thân nơi cõi Ta Bà để tìm phương cứu độ nhân sinh. Một trong những phương pháp đạt hiệu quả cao đó là Đồng Sự nhiếp.

Đồng Sự nhiếp của Phật giáo là phương pháp đắc nhân tâm hay thu phục lòng người. Đây là kỷ năng hòa nhập và gắn kết với cộng đồng khiến cho người khác tin vào những điều mình nói, làm và suy nghĩ. Cơ sở đầu tiên để thực hiện Đồng Sự nhiếp là tự bản thân mình phải nhận ra được chân lý nhận thức đúng đắn. Bởi vì có như vậy thì sự thuyết phục người khác tin theo mình mới có ý nghĩa tích cực. Nói cách khác, một vị Hoằng pháp vì lợi ích chúng sanh, muốn đem những thành tựu an vui hanh phúc của quá trình nỗ lực tu học Phật pháp của mình, khuyến hóa mọi người làm theo thì cũng phải cần thực hành Đồng Sự nhiếp.

Ý NGHĨA ĐỒNG SỰ NHIẾP:

Đồng Sự nhiếp—Sharing a common aim: Samana-arthata samgraha (skt) - Engaging in the same work - Like work - Tùy sự ưa thích của chúng sanh mà cùng hợp tác làm việc với nhau để giúp dẫn dắt họ đi vào chân lý - Cooperation, or comaradeship and accommodation. Cooperation with and adaptation of oneself to others, to lead them into the truth.

Đồng Sự nhiếp là tùy theo căn cơ, hoài bão, địa vị, nghề nghiệp của người mà lặn lội vào công việc của họ, cộng tác với họ, để một mặt giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, một mặt nêu cao gương lành, làm cho họ cảm mến mà theo ta đến gần đạo cả. Chẳng hạn như khi ta cùng làm việc trong một công sở, trong một xí nghiệp, trong thương trường hay trong nông nghiệp, mà từ việc lớn cho đến việc nhỏ, từ ý nghĩ cho đến câu nói, ta luôn luôn nêu gương đạo đức, tận tâm tận lực làm việc, sẵn sàng hy sinh quyền lợi mình, cho bạn đồng nghiệp, dần dần những người cộng sự, sẽ tiêm nhiễm những đức tánh tốt đẹp của ta, sẵn sàng nghe theo, làm theo những điều ta khuyên bảo.

Cách đây 26 thế kỷ, Đức Phật Gotama, Ngài đi vào thế gian với tinh thần Đồng Sự nhiếp. Giống như mọi người, Ngài cũng trải qua quy luật “Sinh, già, bệnh, chết”, cũng chịu cảnh khổ ái ân, ly biệt, sầu, bi, khổ, ưu, não. Nhưng Ngài biết vươn lên từ cuộc sống, tìm thấy chơn thường trên vô thường, chơn ngã trên vô ngã; tìm thấy niềm vui trong biển khổ, thấy an tịnh giữa trần ai bất tịnh. Ngài khuyên mọi người là người trí hãy tháo gỡ mọi trói buộc, bước lên đường giải thoát. Cuộc đời của ngài là bài học vô giá. Thông qua việc làm, lời nói và suy nghĩ suốt 49 năm hoằng pháp, Ngài luôn vì lợi ích và hạnh phúc cho nhân sinh muôn loài.

Do vậy, Đồng Sự Nhiếp, là một phương pháp có hiệu quả nhất để nhiếp hóa người chung quanh quay về con đường đạo. Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp hay lợi hành nhiếp, mặc dù đều cảm hóa được người, nhưng thiếu kỷ năng hòa nhập và gắn kết với cộng đồng và không có ảnh hưởng sâu xa như đồng sự nhiếp. Chẳng hạn như người được ta bố thí, hay lợi hành, thì không phải lúc nào cũng gần bên ta, mà chỉ thỉnh thoảng mới được ân huệ ấy; còn ái ngữ thì chỉ hạn cuộc trong lời nói; mà lời nói dù có hay êm dịu bao nhiêu, cũng không thể biến thành cơm thành áo, thành những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống đau khổ, thiếu thốn của người chung quanh được. Nhưng với đồng sự nhiếp, ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên cho những người cùng sống trong một hoàn cảnh, một nghề nghiệp với ta. Ta luôn luôn gần gũi chung đụng với họ, nên ta thấu rõ những hoài bão, tâm trạng, nhu cầu của họ; nhờ thế ta có thể giúp ích cho họ một cách có hiệu quả hơn. Ta trở thành một cột trụ chính cho họ nương tựa; vì thế ta có thể nhiếp hóa họ dễ dàng, sâu xa hơn. Một sự nhận xét thông thường là ở đâu, công sở hay tư sở, nhà máy hay nông trường, hễ có một Phật tử chân chính, thuần thành, gương mẫu, thì ở đó số người theo Phật càng ngày càng đông, càng mạnh.

Đồng Sự Nhiếp có hai loại:  

1. Tự làm việc độ chúng sanh và giáo hóa người khác làm việc độ chúng sanh.

2. Dùng pháp giáo hóa mà chúng sanh chẳng nhận thì phải tùy hình hóa độ tuỳ vật hóa độ.

Đồng Sự Nhiếp là hòa mình vào cùng việc làm, hoàn cảnh, cùng chia bùi xẻ ngọt với người, sau đó dẫn dắt họ đến với Phật pháp. Cũng như muốn độ người ăn xin thì phải cùng người ấy làm nghề ăn xin để độ họ, muốn độ người làm nghề hạ tiện thì phải cùng người ấy làm nghề hạ tiện để độ họ, cho đến muốn độ con heo thì cũng đầu thai làm con heo để độ.... gọi là đồng sự nhiếp.

Cuộc sống hòa mình, cùng chung buồn, vui, sướng, khổ với người là một nghệ thuật đắc nhân tâm. Nhưng muốn “hòa nhập và gắn kết” như thế, chúng ta phải có lối sống có phong cách, có ngôn ngữ gần giống người mà mình muốn nhiếp phục. Đối với nông dân, chúng ta phải lam lũ, tay lấm chân bùn, ăn nói bình dân như họ. Đối với hạng trí thức thượng lưu, chúng ta cũng phải có văn hóa trình độ, phong cách tao nhã tương tự như thế. Dĩ nhiên từ “hòa nhập và gắn kết” ở đây chỉ có nghĩa là sống, nói năng và làm việc phải gần giống với đối tượng, chứ không phải giống hoàn toàn, nhất là đối với những người kém văn hóa hay sống trụy lạc bê tha. Đây là ý nghĩa của việc “Hòa quang đồng trần” của các vị Bồ tát. Các Ngài sống chung đụng với đủ các hạng người, từ giàu có thượng lưu đến tầng lớp bần cùng nghèo khổ, từ những người lương thiện đạo đức đến những kẻ trộm cướp lưu manh. Các Ngài gần gũi họ nên hiểu họ một cách sâu sắc, được họ tin tưởng yêu mến, từ đó mới giúp đỡ họ, nhiếp phục họ một cách hiệu quả. Hình ảnh đẹp đẽ và tiêu biểu nhất của đồng sự nhiếp là Tế điên Hòa thượng, có cuộc sống gần gũi với đời thường, quảy bình rượu xách cá chép thỏng tay vào chợ.

Một điều chúng ta cần ghi nhớ: vì sao các vị Bố tát có thể hòa mình vào mọi tầng lớp trong xã hội mà không đánh mất mình, không giống như câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”? – Bởi vì các Ngài như một chai nước trong đã lọc hết cặn bã, dù lắc cách mấy vẫn không bị vẫn đục. Có như vậy các Ngài mới hướng dẫn, giáo dục được chúng sanh đi theo chánh đạo. Còn chúng ta như nước còn đục, không thể bắt chước các Ngài sống buông thả, đã không làm được lợi ích cho ai mà trái lại còn hại bản thân mình. Cho nên, chúng ta phải biết rõ trình độ tu tập, sức tự tại và thâm nhập Phật pháp của mình đến đâu, để uyển chuyển linh động khi thực hành đồng sự nhiếp.

Khi có phước duyên nghe, hiểu và nếm được hương vị Phật pháp, chúng ta đều muốn chia sẽ cho mọi người đều có lợi ích như mình. Nhưng nếu chính bản thân mình chưa tu tập, chưa chuyển hóa mà vội đem Phật pháp ra nhiếp phục người khác, thì việc làm đó không có căn bản, đôi lúc gây tác dụng ngược với ý mình. Như người không biết bơi không thể cứu người đang bị chết đuối, không thể giúp người bị tai nạn dưới nước. Vì vậy, vấn đề tự lợi phải được đặt lên hàng đầu, đó là gốc rễ của lợi tha, còn lợi tha chỉ là hoa trái của tự lợi. Quan trọng là phải sống được với bản tâm chân thật của chính mình, từ đó có thể biểu hiện ra ngôn ngữ và hành động, ngay cả dáng vẻ cung cách cũng toát lên một sự bình an thanh lương, khiến người khác quý kính và tự giác nghe theo. Vào thời đức Phật, chỉ cần nhìn dáng đi, phong cách hay lối sống của Ngài và các Thánh đệ tử, nhiều người đã phát tâm tu hành thành tựu đạo nghiệp.

PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN: 

Để kỷ năng hòa nhập và gắn kết với cộng đồng trên cơ sở Đồng Sự Nhiếp của Phật giáo đạt được hiệu quả cao, hoằng pháp viên cần phải thực hiện có phương pháp. Vì khi chúng ta thực hành Đồng Sự Nhiếp sự thành tựu cũng luôn tùy thuộc vào đối tượng. Đối tượng chúng sinh có thể phân ra làm bốn loại:

a. Dùng phương tiện tùy thuộc vào những người thiện khó điều phục.

b. Tán dương khen ngợi những người thiện dễ điều phục.

c. Quở trách những người ác dễ điều phục.

d. Dùng thần lực để hàng phục những người ác khó điều phục

Ở đây, hai loại trước gọi là Tập thiện nhiếp hay nhiếp thủ tập hợp thiện, hai loại sau gọi là Ly ác nhiếp hay nhiếp thủ để lìa ác.

1. Tập thiện nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người hiền thiện, nghĩa là thu nhóm – tập hợp các điều lành. Trong nhóm này lại chia ra làm hai trường hợp, một là đối với những người chưa từng làm điều thiện & hai là đối với những người đã biết làm điều thiện.

- Với những người chưa từng làm điều thiện, người biết vận dụng Đồng Sự Nhiếp sẽ dùng phương tiện gần gũi, tùy thuận với họ, rồi tìm những cơ hội thuận tiện, thích hợp để khuyên dạy, khuyến khích họ phát tâm làm việc thiện. Sau khi đã phát tâm làm việc thiện, họ sẽ tự mình nhận biết được những lợi ích thiết thực cho bản thân & do đó mà nảy sinh lòng tin phục - cảm mến.

- Với những người đã biết làm việc thiện, người biết vận dụng Đồng Sự Nhiếp sẽ gần gũi khen ngợi, khuyến khích, làm cho tâm thiện của họ càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nhờ làm điều thiện nên người ấy có thể đạt được nhiều an vui, hạnh phúc trong đời sống, do đó mà sinh ra kính tin người đã khen ngợi, khuyến khích mình.

2. Ly ác nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người đã đi nhầm vào đường ác, nghĩa là làm cho họ phải rời xa, lìa bỏ những việc không tốt đã làm. Có hai cách để làm được điều này.

- Một là dùng những lời lẽ chân thật, đúng đắn để chỉ trích, quở trách hoặc dùng các biện pháp trừng phạt, nghiêm trị, làm cho họ phải nhận thấy rõ lỗi lầm mà hối cải.

- Hai là dùng sự uy dũng, mạnh mẽ của mình để khuất phục những kẻ ngang ngạnh, cứng rắn, buộc họ phải lìa bỏ việc ác không dám tái phạm.

- Người vận dụng Ly ác nhiếp phải có đủ sự hiểu biết & sức mạnh để khuất phục – làm cho họ không thể chống lại được. Mặc dù vậy, sau khi lìa bỏ những việc không tốt đã làm, những người ấy sẽ đạt được đời sống an ổn & hạnh phúc hơn, do đó mà họ nảy sinh sự tin phục, kính trọng đối với người đã giúp mình.

- Tập Thiện nhiếp & Ly Ác nhiếp đều nhắm đến cùng một mục đích là khuyến thiện trừ ác, nhưng vận dụng cách nào là tùy thuộc vào đối tượng, có nhiều trường hợp cần phải vận dụng cả hai. Chẳng hạn như đối với hành vi của một người, nếu khéo léo phân biệt sẽ thấy là vẫn có những việc thiện đáng khen ngợi, cho nên đối với việc không tốt thì cần phải vận dụng nhiều phương tiện để khiến cho họ lìa bỏ, nhưng đối với những việc thiện thì cần phải khen ngợi, khuyến khích.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, Đức Thế Tôn đã có hội chúng 1250 vị Tỳ kheo chứng quả La Hán (quả giải thoát tất cả mọi trói buộc của tâm cấu nhiễm). Sự thành tựu là một minh chứng hùng hồn cho phương cách thực hiện Đồng Sự nhiếp đúng đắn. Đức Thế Tôn trước tiên tìm đến khai tâm người dễ hóa độ, dễ điều phục (người nhận ra lẽ phải, biết sửa chữa những lỗi lầm của bản thân). Kế đó, Ngài mới tiếp tục mở rộng đến các đối tượng khó hóa độ, khó điều phục. Để mang chánh pháp an vui đến mọi người được nhanh chóng phát khởi, Đức Phật còn khuyến khích các thầy Tỳ kheo thuyết pháp. Ngài thường dạy: "Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả (…) Hãy phất lên ngọn cờ bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ".

Với phương cách thích hợp thân cận, gần gũi khiến cho mọi người nảy sinh sự thân mật, cảm mến, từ đó, hoằng pháp viên từng bước hướng mọi người phát tâm làm việc thiện & từ bỏ việc ác, để đem lại lợi ích một cách chân chánh.

KẾT QUẢ THIẾT THỰC:

Tất cả chúng ta, những hoằng pháp viên khi tu hành nỗ lực chuyển hóa tốt đẹp cho tự thân được gọi là tự lợi. Khi chúng ta đem kết quả đó san sẻ giúp ích cho người khác, đó gọi là lợi tha. Tự lợi và Lợi tha là con đường tu hành của các bậc Bồ Tát. Nếu ta thực hành đúng theo Đồng Sự nhiếp của Phật giáo ta sẽ thấy những kết quả đẹp đẽ sau đây:

1. Về phương diện cá nhân: Ta đang từng bước hoàn thiện nhân cách trong mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động. Những gì của ta nói ra, làm ra đều được thông cảm, tán thành, mến phục. Ta có thể thu hút nhân tâm một cách dễ dàng, rộng rãi, và mỗi khi đi đến đâu, ta đều được tiếp đón một cách chân thành, nồng nhiệt. Do đó, ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.

2. Về phương diện gia đình: Ta là một trong những người mẫu mực về việc nhà, cũng như có sự ảnh hưởng tốt đẹp từ lời ăn tiếng nói, khiến gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ. Trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, đó là nghĩa một gia đình hạnh phúc.

3. Về phương diện xã hội: Một người tu hạnh Đồng Sự nhiếp của Phật giáo gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được một phần nào con người cũng như hoàn cảnh xã hội. Số người thực hiện Đồng Sự nhiếp càng nhiều thì xã hội sẽ không còn tệ nạn đâm thuê chém mướn, trộm cắp, tà dâm, dối trá lọc lừa gạt… Xã hội sẽ trở thành thuần lương, thiện mỹ một cách vô cùng lợi lạc.

KẾT LUẬN:

Đồng Sự nhiếp của Phật giáo là kỷ năng hòa nhập và gắn kết với cộng đồng một cách tốt nhất. Với tinh thần Bồ tát hạnh, Hoằng pháp viên dấn thân vào giữa cuộc đời hòa nhập thân cận trong mối quan hệ “tình làng nghĩa xóm”, “người với người sống phải thương nhau” nêu gương tốt từng bước đưa ánh sáng trí tuệ Phật pháp vào đời, giúp mọi người ra khỏi những bế tắc không lối thoát, những cảnh sống tối tăm sầu muộn ưu bi, do không hiểu biết về giáo lý Nhân - quả, Nghiệp – báo...

Bên cạnh đó, người hoằng pháp còn tạo ra mối gắn kết lâu dài giữa mọi người thông qua các hình thức đến đạo tràng tu tập niệm Phật, nghe pháp (hoặc qua băng đĩa giảng), hoặc gieo trồng phước thiện… Mối gắn kết lâu dài được xây dựng trên tinh thần Bồ đề quyến thuộc tức là cùng tham gia vào việc của Bồ tát, rời bỏ được thế giới trần ai mà tiến bước theo lộ trình Bồ tát đạo, đời nào cũng có quyến thuộc hết lòng hỗ trợ cho mọi Phật sự được thành tựu viên mãn, phát tâm cầu Phật đạo và giáo hóa chúng sinh.

 

ĐĐ. Thích Đức Trường

Ủy viên Thường trực Ban Hoằng Pháp Trung ương

http://www.banhoangphaptw.com